Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

LÀM LUẬT

TẠ DUY ANH


       Tôi có việc phải đi nhờ xe của đứa cháu họ xa gọi bằng cậu. Nó chuyên chở hàng thuê và tuy còn ít tuổi nhưng đã thông thạo nhiều mánh lới ở đời. Tuy thế khi thấy xe cứ liên tục phải dừng trong khi mặt nó cứ tỉnh bơ chờ ông phụ nhảy xuống nhảy lên thì tôi tò mò hỏi:
- Có chuyện gì thế?
Nó tặc lưỡi:
- "Làm luật".
- Làm gì? - Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Làm luật ông cậu ạ. Ngày nào chả mươi lần...
Không chờ nó nói hết câu, tôi mắng té tát:
- Mày lộng ngôn quá đấy cháu ạ! Mày biết làm luật là công việc như thế nào không? Là đại sự quốc gia. Để cho ra một điều luật nào đó, hàng trăm người, toàn loại tinh hoa của dân tộc, phải nghĩ nát óc, phải thu thập ý kiến, căn cứ vào tập quán, truyền thống, tình hình cụ thể nhiều mặt của đất nước. Rồi còn phải tham khảo hàng chục bộ luật lớn nhỏ của thế giới, tham khảo các nhà chuyên môn. Sau đó còn phải đăng báo để trăm họ cùng bàn. Rồi đó mới đưa ra trước Quốc hội, tranh luận từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phảy, thêm vào bớt ra điều chỉnh từng tí một. Lại đọc oang oang cho các đại biểu nghe, cùng nhau sửa chữa trước khi đưa biểu quyết thông qua. Quá bán mới coi như xong, không quá bán phải làm lại; đến khi có sắc lệnh ban bố thì mới được gọi là luật, các hạng người cứ chiểu theo mà làm, cấm chỉ mọi sự thay đổi tùy tiện. Có thế dân mới giầu nước mới mạnh, xã hội mới công bằng dân chủ văn minh. Hạng người như mày, học chưa hết phổ thông sao dám loạn ngôn nói láo như vậy.
Tưởng thằng cháu chỉ còn biết tâm phục khẩu phục ông cậu đọc sách đến rụng hết cả tóc, nào ngờ nó cười ầm lên:
- Ai nói đến thứ luật đó!
- Thế còn luật nào nữa. Chỉ có một thứ luật mà tiếng Ăng-lê là law, tiếng Phú Lãng Sa là loi, mày bịp thế nào được cậu mày.
Thằng cháu tôi càng cười to:
- Làm theo luật mà cậu vừa nói, chẳng ai hiểu đâu. Bọn cháu phải làm theo luật không cần một từ, một chữ nào cả.
- Lại có thứ luật quái quỷ ấy?
- Nói mãi cậu cũng không hiểu. Chi bằng để cậu nhìn bằng mắt vậy.
Đúng lúc xe bị yêu cầu dừng lại. Thằng phụ xe cho cháu tôi kẹp tờ hai chục ngàn vào tờ giấy, nhảy xuống. Chỉ độ nửa phút sau nó đã nhảy lên, vò tờ giấy ném vào cốp. Cháu tôi bảo:
- Xong. Bọn cháu vừa "làm luật" đấy. Cậu thấy có đơn giản, hiệu quả không? Mà cậu nhìn tận mắt không lại bảo cháu bịa, người của chính phủ cười mới tươi tắn làm sao! Liệu cậu có kiếm nổi một nụ cười như vậy với chỉ hai mươi ngàn đồng khi đến công đường không? Ông cậu ơi về đốt sách đi, cứ theo cháu vài chuyến còn sáng mắt sáng lòng gấp ngàn lần đọc các loại báo.
Tôi cứ muốn vả cho thằng cháu nhơn nhơn tự đắc mấy cái. Lại một thứ đậm đà bản sắc nữa bị coi rẻ như bùn. Láo! Thiếu tư tưởng! Vô nguyên tắc. Không khéo bọn mày bị địch "diễn biến hòa bình" hết rồi cũng nên?
Nhưng suốt đường đi, kiểu "làm luật" trên tiếp tục cho thấy tính "ưu việt" của nó và không chỉ thằng cháu tôi thông thạo. Hóa ra ngày ngày vẫn có cả triệu người chấp hành loại "luật" này. Mặc dù kiên định lập trường bênh vực nhà nước nhưng tôi phải công nhận quả là có loại luật được làm ở Quốc hội và loại luật làm ở ngoài đường. Đành ngồi im như một kẻ chẳng còn gì để nói.

                                                                                      T.D.A

3 nhận xét:

  1. Ông nên để phần comment như các trang blog khác, đơn giản, tiện dụng mà vẫn dễ biên tập. Kiểu này của ông khó comment lắm, cầu kỳ, phức tạp mất hứng.

    Trả lờiXóa
  2. Gửi nhà văn Trần Đức Tiến. Nhân năm mới 2011 chúc TĐT và gia đình sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc. Thân mến.tranhoangvy

    Trả lờiXóa
  3. @ Trần Hoàng Vy: Mấy ngày vừa rồi tôi bận, không vào mạng, không để mắt tới blog. Hôm nay mới được đọc lời chúc của anh. Cảm ơn anh, chúc anh và gia đình năm mới vạn sự tốt lành.

    Trả lờiXóa