Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

ĐOẢN VĂN CUỐI TUẦN - 4

TRẦN ĐỨC TIẾN

MƠ ƯỚC ĐẦU NĂM

          Chiều cuối năm. Quán bia hơi bình dân. Những ly bia mát lạnh, trào bọt trắng. Nào, xin mời! Năm cũ sắp qua rồi. Chúc mừng năm mới! Quay đi quay lại tụi mình đã trên dưới năm mươi cả rồi đấy nhỉ? Mọi chuyện trên đời coi như ổn. Có ai còn vương vấn điều gì không, đề nghị giơ tay lên?
          - Tôi còn con bé út học đại học, giờ đang lo chạy việc.
          - Nhà mình tầng trên vẫn để sắt chờ. Sang năm, tính lên một phòng cho ông con trai cưới vợ.
          - Ôi dào! Bằng này tuổi rồi, thấy cuộc đời giản dị lắm các ông ạ. Quyền chức rồi cũng đến lúc phải sang tay. Tiền bạc chả mang theo được xuống suối vàng. Tình tính tang thì phù du phù vân phù phiếm… Tôi chỉ cầu sức khoẻ. Chiều chiều chịu khó đi bộ leo núi cả tiếng đồng hồ. Tính ra tiền mua thuốc chữa bệnh, mỗi chiều như thế, cũng coi như bỏ túi được năm chục ngàn đồng.
          Cả bọn cất tiếng cười vui vẻ. Lại cụng ly. Thế mơ ước của anh? Anh còn cả một quyển sách trong đầu. Việc nhà, việc cơ quan, chuyện cơm áo lằng nhằng… đã ngăn nó lại. Vẫn đau đáu được một lúc nào thảnh thơi ngồi trước máy vi tính để gặm nhấm cái công việc mà anh yêu thích.
          Dưới bóng tối gốc cây gần đó, người đàn bà bán hàng rong mẹt đậu phộng cắp ngang sườn, nón che nửa mặt, mỉm cười e dè nhìn mấy người đàn ông cụng ly.
          Chị mơ gì không?
          Thưa có! Em chỉ mơ bán hết mẹt đậu phộng này…


CHỢ QUÊ

          “Sáng mai tôi mời mọi người đi ăn sáng. Không! Không bún, không phở, không bánh cuốn. Những thứ ấy ở thành phố quá quen. Tôi mời các vị ra chợ. Ngày mai là phiên chợ Đông Biên, đúng không? Vậy thì chúng mình đi chợ Đông Biên, ăn bánh đúc”.
          Cả đám bạn cũ nhìn nhau cười. Ừ, kể cũng hay! Cái món quà quê dân dã này, hình như cũng chẳng mấy ai còn nghĩ tới.
          Sáng hôm sau cả bọn kéo nhau đi chợ thật. Vẫn những mái lều rạ tềnh toàng. Vẫn những người bán ngồi bệt hai bên lối đi và những người mua lom khom mặc cả. Cua cá rau cỏ, thúng mủng dần sàng. Những con mèo con, những con chó con bị tròng dây đem bán, mắt mở to ngơ ngác sợ sệt. Đầu đường, tiếng người thu thuế chợ giằng co với tiếng bầy vịt kêu thất thanh…
          Tìm mỏi mắt không thấy hàng bánh đúc! Cuối cùng, đành phải ngồi ăn phở. Phở bán chung với cháo lòng tiết canh. Bát phở múc ra, có cả những khúc lòng non lẫn với thịt.
          Mặc cho mấy người bạn vừa ăn vừa cười giễu, anh vẫn nhẩn nha húp từng thìa nước và lắng nghe. Anh đâu có ăn phở? Anh cũng chẳng cần bánh đúc. Anh đang “ăn” nhiều thứ khác. Ngót mấy chục năm xa quê, giờ được về ngồi giữa một phiên chợ, không gì sướng bằng mở toang tất cả các giác quan để không khí, mùi vị và cái giọng khê nồng của người quê mình xon xót thấm vào lòng…


ĐI CÂU

          Mấy ông bạn làm cùng cơ quan rủ: chủ nhật này, tụi mình đi câu.
          Rời làng ra thành phố từ năm mười bảy tuổi, đi học, đi làm, lấy vợ, sinh con, ngoảnh đi ngoảnh lại tóc trên đầu đã bạc quá nửa, chừng ấy năm có khi nào động đến chiếc cần câu? Thấy vẻ lưỡng lự của tôi, bạn cười xoà: “Thuê cần, mua mồi, tính giờ, bắt được cá bé thì thả, cá lớn muốn lấy thì… bỏ tiền ra mua! Câu giải trí, cốt lấy cái thú thôi, ông ạ”.
          Vậy thì đi.
          Bốn năm ông sồn sồn phóng xe máy đến điểm hẹn. Một cái hồ rộng, nước xanh ngắt, cá quẫy đuôi, đớp mồi chòm chọp khắp mặt hồ. Có vẻ như nhiều cá lắm, lại toàn giống háu ăn. Xung quanh bờ đặt rải rác những chiếc ghế nhựa để ngồi câu. Cái quán nhậu có sẵn nhà bếp, bàn ghế, bia rượu… Chạm tay vào những chiếc cần câu dựng thành dãy, máu “nghề nghiệp” từ hồi niên thiếu đùng đùng nổi lên: cần này, cước này, lưỡi này mà cũng đòi câu được cá à? Lại còn cái thứ mồi chế biến sẵn bằng cơm nghiền, cám nghiền này nữa. Chỉ tổ cho cá ăn dỗ mồi. Sao không câu bằng giun nhỉ? Có con giun nào không?… Bạn lại cười: “Cái lũ cá dưới kia dễ câu lắm. Cái gì quẳng xuống cũng xơi. Ông cứ câu đi thì biết”.
          Ngồi hơn tiếng đồng hồ, cả bọn giật được hai con tai tượng, dăm  con chép, không kể hàng chục con còn bú mẹ bắt lên vội thả xuống ngay. Khoan khoái rửa tay, bảo nhà bếp chọn mấy con lớn nhất, chiên xù và nấu dấm. Mồi dọn lên, bia mang ra, cười nói hể hả, cái con cá do tay mình câu có vẻ cũng ngọt, cũng giòn hơn thật. Chỉ phải tội tính tiền khí đắt. Nhưng mà thôi, không thế sao gọi là mua vui!
          Cuối bữa, ngà ngà đưa mắt nhìn ra xung quanh. Sao không thấy bóng dáng một thằng trẻ con nào nhỉ? Một thằng trẻ con đầu trần, tóc râu ngô, da cháy nắng, cần câu trên tay, lang thang dọc cánh đồng nước ngập mênh mông hay ngồi bó gối bên vệ ao tù, cả buổi mỏi mắt chờ chiếc phao nhấp nháy…
                                                                                                   T.Đ.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét