Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

SÁNG TẠO, TINH THẦN CHO ĐIỂM ĐẾN

Nhà thơ Mai Văn Phấn trả lời tạp chí Thi Bình (Poem and Comment Magazine), Hàn Quốc

          Nhận lời mời của Ban tổ chức Festival Thi ca và Văn học Hàn Quốc-ASEAN “Korea-ASEAN Poets Literature Festival", với chủ đề “Creativity of Asian Poets, Asian Spirit for Becoming” (Sáng tạo của nhà thơ châu Á, tinh thần cho điểm đến), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Mai Văn Phấn đã đến Hàn Quốc tham dự từ ngày mồng 2 đến 7/12/2010. Hai nhà thơ đã đọc thơ, tham luận và giao lưu với bạn đọc xứ "Kim Chi" tại 3 thành phố (Seoul, Ansan và Sokcho). Trước khi đến Hàn Quốc, Nhà thơ Mai Văn Phấn đã trả lời tạp chí Thi Bình (Poem and Comment Magazine):
-  Ko Hyeong Ryeol: Chào nhà thơ Mai Văn Phấn. Trước hết xin thay mặt Ban tổ chức cảm ơn ông và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận lời tham dự Festival Thi ca và Văn học Hàn Quốc-ASEAN. Sau khi đọc kỹ các tác phẩm của ông, tôi có vài điều muốn hỏi liên quan tới tinh thần chủ đạo của Festival “Sáng tạo của nhà thơ châu Á, tinh thần cho điểm đến”. Điều này sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ về ông hơn trước khi ông đến Hàn Quốc. Câu hỏi nhân loại, trong đó có các nhà thơ đang đi về đâu? Nhà thơ, anh là ai trong thế giới đương đại này là chủ đề tất cả chúng ta đang quan tâm. Vậy xin ông cho biết quan niệm riêng của ông về thơ ca?

- Mai Văn Phấn: Các nhà thơ lần theo thơ ca nhằm khai mở tiếng nói mới, hoặc tìm lại âm sắc thuở hoàn nguyên đã mất. Từ khi hình thành ngôn ngữ, tiếng nói loài người luôn bị biến dạng, vừa đào sâu vào bản chất sự vật… vừa làm chúng méo mó, dị hình trong vỏ bọc ngôn ngữ. Vậy phải chăng, thơ ca ngoài mục đích tải đạo, tuyên truyền, mô phỏng, diễn tả…, nó còn tìm cách đặt tên lại sự vật, định hình lại thế giới. Việc sáng tạo thi ca gần giống trạng thái bàng hoàng của một đứa trẻ lần đầu được nhìn thấy những hiện tượng kỳ lạ của thiên nhiên và khám phá những bí ẩn, phức tạp của con người. Một bình minh vừa rạng, con sâu trong nách lá, hay tiếng thở dài của một thiếu phụ… tất cả hiện lên trong thơ ca luôn tươi non, mới mẻ, như vừa được thấy lần đầu. Cùng một hiện tượng, sự vật đời sống, nhưng chúng hoàn toàn khác nhau trong cách nhìn mỗi nhà thơ. Có bao nhiêu nhà thơ là bấy nhiêu con đường đến với thi ca. Tầm vóc nhà thơ càng lớn dung chứa không gian thi ca càng rộng, càng riêng biệt, cũng như ảnh hưởng, áp lực lên cộng đồng càng mạnh. Nó như bóng cây lớn có thể làm râm mát thảo mộc ở gần. Nhà thơ là người được chọn (tạm gọi Thượng đế chọn), được “ơn gọi” trong tinh thần của Jesus Christ, gặp được “nhân duyên” trong Phật giáo. Là người được may mắn nhìn thấy một thế giới khác, mang hình hài nó, nhưng không phải nó. Gọi tên vẻ đẹp cụ thể nhưng khó nắm bất ấy chính là lý tưởng thi ca mà nhà thơ vươn tới. Vẻ đẹp này không phải lúc nào cũng hiển hiện truớc mắt nhà thơ, mà xuất hiện như một “cơ duyên”, hoặc đột khởi trong những biến động tinh thần con người. Thường được ra đời trong những cơn dư chấn, nên nhiều người đã lầm tưởng thơ ca chính là lòng phẫn nộ, nỗi tuyệt vọng, hay sự quá khích của hưng phấn. Tất cả đều nhầm lẫn và ngộ nhận. Mọi trạng thái tình cảm con người, như mừng, giận, yêu, ghét, buồn, vui, muốn… đều là cái cớ cho thi ca chứ hoàn toàn không phải mục đích. Mục đích của thi ca là tạo lập một từ trường, để trong không gian đặc biệt ấy, tất cả từ đồ vật đến linh hồn đều được cất tiếng nói, được công bằng như nhau trong một trật tự mới. Những hình ảnh hiện lên trong không gian ấy là cánh cửa mở ra tương lại hoặc tìm về với quá khứ, hoặc tất cả cùng đồng hiện và đồng hành trong những thời khắc đặc biệt.

-  Ko Hyeong Ryeol: Trong tham luận gửi tới Ban tổ chức Festival, ông có nêu khái niệm “sáng tạo là phủ định bản ngã, một cuộc vong thân”. Vậy xin ông nói rõ hơn về tính phủ định trong nghệ thuật thi ca?

- Mai Văn Phấn: Sáng tạo của nhà thơ hoàn toàn khác với sáng tạo của một nghệ nhân hay người thợ thủ công. Bài thơ vừa viết, tôi quan niệm không thuộc về tôi nữa, mà thuộc về người khác, về đám đông. Với bài thơ này, nhà thơ đã hoàn thành sứ mệnh, xin hãy coi như anh ta đã chết. Nhà thơ muốn tiếp tục tồn tại phải được tái sinh trong một bài thơ khác đang chờ đợi phía chân trời. Đó là cuộc lột xác khác, thêm một lần lên đường, một cú nhảy vượt thoát… Muốn thực hiện được hành trình tiếp theo, nhà thơ phải nhìn thấy lý tưởng thi ca, tức ánh sáng vừa mơ hồ vừa minh bạch đang soi rọi phía trước. Và nhà thơ tư duy và cảm xúc bằng ánh sáng đặc biệt đó. Do vậy, những hình ảnh tưởng chừng quá quen thuộc, từ bóng mây, bước chân, trảng cỏ… đến những đồ vật vẫn dùng, như bàn ghế, bát đũa, sách vở… khi tái hiện trong thơ ca nó được mang một tinh thần khác, tạo nên một thế giới khác.

-  Ko Hyeong Ryeol: Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Poetry Kit của Anh Quốc quốc ông có nói: “Bằng những quan niệm tiên tiến, đổi mới quyết liệt trong cách tiếp cận vấn đề, hoà đồng với hơi thở của đời sống đương đại, mỗi nhà thơ như vậy đều có trách nhiệm làm phong phú tính truyền thống”. Ông đồng thời cũng nhấn mạnh quan hệ giữa nội dung và hình thức. Vậy ông đã tìm được nội dung và hình thức mới cho mình chưa?

- Mai Văn Phấn: Đổi mới thi pháp không phải như thay đổi mẫu mốt, hay thay bình cho rượu mà chính là "cuộc cách mạng" giữa nội dung và hình thức. Trong thi ca, hiện thực đời sống đ­ược viết đi viết lại nhiều lần như­ng vẫn giữ nguyên nội dung, thì đó mới là dạng chất liệu. Nội dung phải là chất liệu đã mang một hình thức đ­ược xác định và hình thức không bao giờ tồn tại độc lập với nội dung của chính nó. Hình thức được chuyển hoá thành nội dung, đó mới là đổi mới thực sự. Nội dung mới trong thơ tôi là những quan tâm mang tính thời đại và thời sự, như lý tưởng sống của thế hệ trẻ, vấn đề ý thức hệ, quan niệm về tự do, công bằng, dân chủ… Tôi đau đáu và trăn trở về đời sống khổ cực của những người dân nghèo đói, khao khát cho dân tộc tôi không thua kém bất kỳ dân tộc nào. Nội dung ấy phải được dung chứa trong hình thức mới của thi ca. Hình thức mới ấy nằm trong nhịp điệu, tiết tấu nhanh trong chuyển động tốc độ của đời sống hiện đại. Cách diễn đạt dứt khoát, tối giản, liên kết rời và xa nhau tạo cho thơ một hơi thở mới, người phương Đông chúng ta quen gọi là “Khí”. Theo tôi, “Khí” làm nên cốt cách thi sỹ và phân biệt được các thế hệ thi ca.

-  Ko Hyeong Ryeol: Ông từng nói “Rất nhiều những bóng dáng đang loay hoay nằm ì trong bản năng với vẻ mặt coi thường học vấn”. Vậy xin hãy giải thích thêm về  “học vấn”?

- Mai Văn Phấn: Quan niệm học vấn đối với một nhà thơ không đơn giản như phải có học hàm học vị. Nhà thơ phải tự trang bị cho mình  kiến thức tổng hợp ở mọi lĩnh vực. Nhà thơ, theo tôi phải là nhà văn hoá. Kiến thức văn hoá ấy lắng sâu vào nhà thơ một cách tự nhiên, và tới một hoàn cảnh “hữu duyên” nào đó, nó đột khởi dâng lên thành cảm xúc thi ca. Lúc ấy tứ bài thơ vụt đến bất ngờ, tưởng như “của nhặt được”, nhưng thực ra nó đã được tích luỹ vô tình ở đâu đó đã lâu. Một bóng cây lạ, ngôi nhà lá đơn sơ, một gương mặt… Tất cả tưởng như vô tình thoáng qua, nhưng vào một thời khắc đặc biệt, nó sẽ hiển hiện trong không gian thơ thật riêng biệt và lộng lẫy.

-  Ko Hyeong Ryeol: Câu thơ “The silent lamp shines even brighter” (Ngọn đèn lặng phắc càng tỏ) trong bài thơ Tắm đầu năm, theo tôi, dường như tiêu biểu cho phong cách thơ Mai Văn Phấn. Thơ hiện đại đang tìm kiếm sự vận động chống lại cuộc “giao tranh” giữa văn xuôi theo lối “tư bản” và phong cách thơ bảo vệ tính vần điệu truyền thống. Ông có nghĩ rằng sự súc tích trong những bài thơ của ông ở một mức độ nào đó phù hợp với thi ca hiện đại?
- Mai Văn Phấn: Về bài thơ Tắm đầu năm của tôi, nhà văn Bão Vũ đã viết: là sự tắm ánh sáng trong nỗi cô đơn chơ vơ vào một đêm đầu năm chống chếnh. Ánh đèn xối vào những góc khuất của tâm hồn làm sạch những ngóc ngách. Sự vệ sinh tâm hồn vào đêm đầu năm là sự thanh toán với quá khứ xám ngắt, một sự sám hối.  Cái ánh sáng ấy cũng bồng bềnh hoài thai, sắp sinh nở những điều rực rỡ mà ta đang kỳ vọng… Ngọn đèn lặng phắc càng tỏ. Trong hoàn cảnh này, tôi gọi một ai đó, một người bất kỳ, cũng không một tiếng vang, không một sự  hưởng  ứng, nỗi cô đơn tột cùng. Ở đây chẳng có gì ngoài vừng sáng trong sạch và cao quý. Đúng như ông nói: Thơ hiện đại đang tìm kiếm sự vận động chống lại cuộc “giao tranh” giữa văn xuôi theo lối “tư bản” và phong cách thơ bảo vệ tính vần điệu truyền thống. Khuynh hướng cách tân của tôi, là xoá nhoà ranh giới giữa văn xuôi và thi ca. Tôi đã từng thử nghiệm thành công, viết nhiều bài có hình thức văn xuôi, nhưng quyến rũ bạn đọc vào một không gian thơ rộng lớn và thậm phồn. Thơ hiện đại ít chú trọng vào nhịp điệu, tu từ, đặc biệt tránh dùng mỹ từ. Nhưng, những câu văn xúc tích, giản dị được đặt trong một “từ trường thơ”, có sức mạnh thôi miên gấp nhiều lần những câu mang nhịp điệu quen thuộc. Những bài thơ của tôi viết theo cách này, lúc đầu bị bạn đọc phản đối quyết liệt, bởi họ đã quá quen với quan niệm truyền thống. Nhưng thời gian qua đi, những giá trị thi ca đích thực vẫn còn đó. Những giá trị thi ca mới mẻ, thậm chí xa lạ hôm nay sẽ dần chinh phục được bạn đọc và nó sẽ trầm tích thành “truyền thống”. Tôi rất biết sở thích của số đông bạn đọc, nhưng không bao giờ có chủ ý làm thơ để “ve vuốt” sở thích đó. Thơ tôi là ngôi nhà của riêng tôi, truớc hết, ai muốn vào xin hãy gõ cửa và tuân theo những nghi thức nhất định.
-  Ko Hyeong Ryeol: Cảm ơn ông!
Ko Hyeong Ryeol, Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (Poem and Comment Magazine), Hàn Quốc thực hiện.
Ảnh trên: Các nhà thơ tham dự Festival - Ảnh dưới: Hai nhà thơ Mai Văn Phấn (phải) và Nguyễn Quang Thiều tại Festival.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét