Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

MÙI ĐỒNG QUÊ

NGUYỄN HIỆP

        Muốn sang thì lên Đà Lạt
          Muốn hốt bạc thì về Bình Tuy
          Bình Tuy có cá Lagi
          Phong Điền có gạo
          Cù Mi có gừng…
Chiều nay, tự dưng từ miền kí ức xa ngái trong tôi bỗng vang lên tiếng hát của mấy thợ gặt ngày xưa ở Phong Điền. Hồi ấy tôi còn chút tẹo lon ton theo má, má đi cấy đi gặt ở đâu thì theo đó. Mùa cấy thì cầm cây cần tre cong cong với lon trùn lang thang thả câu dọc mương nước hoặc các lỗ bọng vào ruộng. Mùa gặt thì hì hụi sình lầy, bươn bươn theo chân má để mót những gié lúa sót, có khi má thương nhả lơi tay cho dăm chục gié lúa vàng vậy là mừng quýnh mừng quíu tay chân dính đá vào nhau, vừa thoăn thoắt bứt lúa vừa cười tít mắt. Tuổi thơ tôi ơi! Sao mà thương quá!
Trong miên man hồi ức tôi vẫn chưa hiểu tại sao câu hát của đoàn thợ cấy lại trào về đột ngột làm rưng rưng cõi lòng như vậy. Mới đó mà má tôi đã đi xa hai mươi ba năm rồi, tôi là con út trong nhà nên lẽo đẽo bám chân má nhiều nhất. “Nhiều út ăn, ít út chịu”, là má hay xoa đầu tôi an ủi, những lúc như vậy tôi thấy má thường quay mặt đi đưa tay áo chùi cái gì trên mắt, làm sao lúc ấy tôi hiểu được hai từ “cám cảnh”, làm sao một thằng nhóc đen trùi trụi, chân không bén đất như tôi lại có thể hiểu được điều gì sâu kín trong lòng người mẹ. Cho tới giờ này, tôi vẫn là người chậm hiểu, phản xạ chậm chạp, không có khả năng thức thời so với cuộc đời, so với những bạn bè quanh tôi. Má dạy tôi ngọng nghịu những tiếng nói đầu tiên, những góc ruộng vắng dạy tôi líu lo những câu hát bâng quơ, (mới đầu cho đỡ sợ giữa đồng không mông quạnh, lúc đoàn thợ cấy của má tít đằng bờ kia, sau thành thói quen, hát câu nọ xọ câu kia, miễn sao được hát), rồi gần năm mươi năm qua cuộc đời ra sức dạy cho tôi bài học im lặng. Tôi vẫn học rất chậm cho tới giờ này.
Tôi dừng xe bên lề đường phần sửa lại giỏ máy quay phim nặng trĩu, cần câu cơm của tôi, trệch sang một bên, phần để lắng xuống những rưng rưng ám ảnh vừa quay về. Có lẽ bất chợt đến tuổi nào đó, ta phát hiện mình thường quay vào trong như chiếc lá sau thời phất phơ xanh ngọc đã dợm mắt dò tìm bóng dáng xù xì cội rễ. Cuống lá tôi bắt đầu chuyển vàng rồi sao? Tuổi tôi đã qua bên kia núi rồi sao? Trượt xuống, lao xuống bao giờ cũng nhanh hơn bội phần so với còng lưng leo lên… Trời ơi, mới bốn mấy đã… Tôi tìm cách xua đuổi cái triết lý lên núi xuống núi u ám kia ra khỏi đầu óc. Lại hát bâng quơ. Lại rồ ga.
          …Phong Điền có gạo… Lại vẫn câu hát ấy nhưng lần này hình ảnh má tôi áo bà ba bạc màu, nón lá gần thành mê, lưng còng trên ruộng, thấp thoáng, thấp thoáng… cùng lúc hiện lên. Từ ngày lớn lên thành một chàng trai, rồi thầy giáo, lão vẽ thuê, tay xe ôm, gã bán vé số, rồi thợ chụp hình quay phim… tôi ít khi mủi lòng. Vậy mà chiều nay, mắt tôi chợt nong nóng, cay cay…
Cho đến lúc này thì tôi phải dừng xe lại. Tôi hiểu ra rồi: Cái mùi đồng quê. Nãy giờ xe tôi đang đi qua cánh đồng, mà chính là cánh đồng Phong Điền ngày ấy, mắt tôi tập trung để lái xe, nhưng cái mùi đồng quê đã nồng ngập trong người. Hèn nào! Một chút hăng hăng nồng nồng gốc rạ, chút hương lúa dậy thì thơm thanh, chút mùi lúa trổ đòng ngòn ngọt mát lành…Pha trộn mà vẫn rạch ròi như những âm thanh của các loại nhạc cụ trong dàn nhạc khổng lồ, vừa biểu hiện mình vừa cùng tạo sức mạnh du dương của bản giao hưởng. Cái mùi đồng quê như khúc giao hưởng ngày mùa vậy. Hỏi đến mức ấy sao mà kí ức không sống dậy, không lay động con người!? Tôi đưa tay mở chiếc cúc áo… để cho mùi hương đồng cỏ nội nhớ thương này len lỏi vào cả những vùng da thịt chưa được thấm đẫm cái ngọt, cái nồng, cái thơm cái tho. Tất cả đang tạo ra từ trường mùi hương trên con đường xuyên qua cánh đồng này. Tôi hít căng lồng ngực rồi lên xe. Lòng thầm biết ơn cái mùi kí ức, cái mùi mà mỗi khi chìm ngập trong nó ta sẽ thích hát bâng quơ, sẽ yêu quý cuộc sống cực nhọc của mình hơn, sẽ vị tha hơn và sẽ người hơn rất nhiều.

                                                           Chân núi Tà Cú, 7/2010
                                                                         N.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét