Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

Trở lại câu chuyện

VÌ SAO NHÀ VĂN KHÔNG ĐƯỢC COI TRỌNG? - 2
                       (Trò chuyện với Lão Đối)

TRẦN ĐỨC TIẾN


          - Này, tớ thấy cậu hình như không vui?
          Lần này Lão Đối lại lên tiếng trước. Cái lão già cay nghiệt này rất lạ. Muốn moi chuyện ở lão thì tốt nhất là… im lặng. Mình đã rút ra kinh nghiệm này sau nhiều lần trà dư tửu hậu với lão. Lần gần đây nhất, vừa trông thấy lão là mình đã bô bô về chuyện sáng tác của một nhà văn trẻ. Thực tình thì mình chưa đọc cuốn nào của anh trẻ này. Chỉ thấy anh ta viết và in tì tì. Mỗi lần sách ra, báo chí xúm vào lăng xê. Rồi phỏng vấn phỏng veo…

          Mình đọc báo, tin báo, phục lăn. Lão Đối nghe mình hào hứng buôn lại, chẳng nói chẳng rằng, vỗ đít đứng dậy. Mấy ngày sau lão mới giải thích về cái hành vi bất lịch sự ấy: “Thế cậu tưởng tớ chưa đọc cuốn nào của tay nhà văn trẻ ấy à”? “Bác thấy hay chứ”? Lão Đối nhìn mình đúng bằng nửa con mắt: “Tớ thấy buồn cười”.
          Mình tịt. Cụt hứng trầm trọng.
          - Tôi đang nghĩ về câu chuyện hôm trước của bác. Chuyện mấy ông nhà văn với ông quan về vườn ấy.
          - Cậu thấy tớ nói đúng không?
          - Tôi không nói chuyện đúng sai. Tôi thấy bác hơi có vẻ… bất cận nhân tình!        
          Lão Đối nhún vai (như Tây):
          - Lý do?
          - Cái cách nói của bác, như tát vào mặt người ta. Khó tiếp thu lắm. Bác không thể nói nhẹ nhàng mà vẫn thâm thuý hơn được à?
          Lão thở dài, khẽ lắc đầu. Cái lắc đầu ngụ ý: thế là chú mày không hiểu tính anh rồi, nói chuyện với nhau khó lắm, chú mày hơi làm anh thất vọng đấy…
          - Thôi, bỏ qua chuyện ấy. Hôm nay tớ kể cho cậu nghe chuyện khác, không căng thẳng nữa.
          Nói xong vào đề luôn. Lão hỏi: cậu có biết N? Tôi gật. N là nhà văn khá nổi tiếng, đúng không? Tôi lại gật.
          “Ông ấy sống ở Hà Nội, vào chơi với mấy anh em ở tỉnh H, tức là trung ương về tỉnh lẻ”…
          Lão Đối nhẩn nha kể tiếp.
          “Là người nổi tiếng từ trung ương về tỉnh lẻ thì thể nào cũng có đám đệ tử vây quanh. N không phải là ngoại lệ. Lần ấy một đệ tử mời N đến nhà chơi. Đúng hẹn, N tìm đến. Chỉ thấy vợ đệ tử chạy ra đón. Chú ấy đâu? - N hỏi. Dạ, nhà em vừa xách xe chạy ra chợ, mời bác vào nhà - vợ đệ tử đon đả. Tưởng N vào ngay, nhưng không. Ông ấy đứng yên, hất hàm hỏi: cô có biết anh là ai không? Chủ nhà cười xởi lởi: biết chứ ạ, bác là khách của nhà em, nhà em dặn rồi! Khách vẫn đứng vênh mặt: khách của nhà em, nhưng là khách thế nào? Chủ nhà vẫn cười, nhưng miệng đã hơi meo méo: dạ, em chỉ thấy nhà em dặn lại thế, mời bác vào đi ạ…
          Khách trừng mắt: thế là không biết rồi!
          Và tiếp ngay đó là tuyên ngôn sắt đá: MÀY KHÔNG BIẾT TAO LÀ AI, TAO ĐÉO VÀO!
          Đến nước ấy thì bố thằng Tây cũng phát khùng. Nhưng mụ đàn bà kia lại rất thẽ thọt: THƯA BÁC, EM ĐÉO BIẾT BÁC LÀ AI THẬT, MỜI BÁC CÚT”!
          - Bác bịa chuyện đấy à? - Tôi khó chịu hỏi Lão Đối.
          Lão lại nhìn tôi bằng nửa con mắt:
          - Cậu hỏi lại N xem. Tớ tin là ông ấy đủ tự trọng để không chối bỏ sự thật.
          - Thế sau đấy thế nào?
          - Rất may thằng chồng về kịp. Nó ra chợ mua đồ nhậu đãi thầy. Thấy tình hình còn căng hơn đấu pháo Nam - Bắc Triều, nó vội rửa mặt cho thầy nó bằng cách mắng vợ té tát, xua vợ biến!
          - Thầy nó có dám vào nhà nữa không?
          Lão Đối cười khẩy:
          - Cậu thử đoán xem? Đố cậu đấy…

                                                               13 - 12 - 2010

                                                                                   (còn tiếp)                

1 nhận xét:

  1. Hôm nay chú không viết tiếp à? Cháu vào mà không thấy phần tiếp theo? Cháu đang thấy rất hay. Không biết sẽ thế nào nữa?

    Trả lờiXóa