Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

CHÍN BỎ LÀM MƯỜI

TRẦN CHIẾN
         
          Quán Lê Thạch không nổi tiếng, dân nhậu chả mấy người  đến nhâm nhi, chỉ được cái tiện cho khách ở xa về vì ngay Bờ Hồ và cũng tươm tất. Tối ấy lại có gió, chưa phải heo may nhưng đủ man mát để người phương Nam ra suýt soa thú vị. Thú vị nữa là ngồi ngoài trời rất thoáng, đèn sáng vừa đủ, tiếng ồn ngoài hồ lọt đến không chát chúa, cho câu chuyện chậm rãi rơi từng giọt. 
          Tuần đầu là chả rươi. Tháng chín đôi mươi tháng mười mồng năm, chả rươi có vỏ quýt, hơi nhiều bột một tý, nhưng ra ngoài ăn thế là được rồi. Sự bực mình đến từ đĩa thịt luộc. Không được “ba chỉ” lắm. Khế không chua, thiếu gừng, hành sống. “Mắm tép đâu cháu?”. “Chú đợi chút ạ”. Điệp khúc ấy kéo dài nửa tiếng rồi kết thúc bằng câu “Nhà hàng không có mắm tép, các chú ăn tạm nước mắm hay muối chanh ớt”.
          - Nhưng chú gọi thịt luộc mắm tép cơ mà, tôi  bắt đầu cáu. Không có mắm tép sao không bảo từ đầu, bắt phải đợi. Thế là không thật thà đâu. Chú giả đĩa thịt đây.
          - Nhưng các chú động đũa vào rồi.
          - Chú mới nếm miếng khế, cháu cứ trừ tiền đi.
          Cháu phục vụ nhẫn nhịn trước ông khách khó tính, mang  thịt luộc đi. Bạn tôi nhìn theo, bảo: “Ông cứ yên tâm, tý nữa thế nào cũng có tiền món “khế” tính vào rượu mình mang theo. Thôi, đêm đẹp thế này, chín bỏ làm mười đi”.
          Ngừng một lát, khách miền Nam thêm câu: “Hà Nội giờ thế đấy. Mà ngay Bờ Hồ…”
                                     *
          Cái bực mình ấy đáng quên đi thật. Như ta đi gửi xe bảng yết hai nghìn đồng thì phải trả thành ba bốn, như ra phường xin dấu nhìn mặt những “công bộc của dân” phải luỵ, nhớ mãi có thành phát rồ. Nhưng cái dư vị thịt luộc không mắm tép thì dai như đỉa, bám vào đầu như vết bẩn không gột đi được. Mình cáu thế với cháu phục vụ có đúng không, sao mình không chấm thịt luộc với nước mắm, ở nhà mấy khi có mắm tép… Giờ hàng thịt chó, cháo lòng tiết canh đa phần “dậy mùi mắm tôm quất”, hàng bún riêu cua thả những thịt bò nem tai với trứng vào rất “tổng hợp” chả còn mấy vị riêu vừa tanh tao vừa thanh thanh, thì mình phải phiên phiến đi chứ.
                                      *
          Ác cái là tôi lại có ký ức về những người đàn bà trong họ mình, không phiên phiến được.
          Đầu tiên là cụ tôi, cụ Vĩnh Hoà Hàng Đường, dù tôi chỉ được nghe kể lại. Cụ ông có lẽ rất ít tích sự, cụ bà buôn bán tần tảo, chè khô đóng chân cột từ Hà Giang đem về để thật lâu rồi xao, uống thanh thanh, không mất ngủ, thế mới gọi là chè mạn. Cứ thế cụ nuôi dậy các ông tôi đỗ đạt thành những ông phán ông đốc, lúc ấy được khen ngợi nhưng đến thời quét sạch tàn tích phong kiến thì rất vất vả.
          Nhìn ảnh cụ, tôi bảo “cháu sợ cụ lắm…”. Bác tôi gật gù: “Đúng thế. Con dâu làm cỗ không đủ ba bát bốn đĩa cụ chửi cả ngày. Ai cũng sợ. Nhưng cụ chết thì không ai oán, thấy cụ không ác”.
          Mẹ tôi nấu cũng ngon, làm lọ mắm tép thính rượu đủ độ đỏ tươi, bên cạnh đĩa hành hoa xanh xanh trắng trắng. Nhưng không nhiều món “độc”. Thời chiến thắt lưng buộc bụng đủ ăn là tốt rồi. Thế mà có lần mẹ bị bà hàng xóm xuất thân cơ bản riếc “con mẹ tư sản kho thịt lại có cả nước hàng”.
          Chúa sừng phải nói là cô tôi, cô Nhắt 17 Hàng Đường. Cô không lấy chồng, ở vậy nuôi mẹ già và người em tàn tật. Dạo cải tạo nhà cửa cách nay dăm chục năm, có “người nhà nước” là họ hàng về ở cùng, cô tôi giữ lại được chỗ ở khá rộng. Cửa hàng bán bột sắn, nấm hương mộc nhĩ…, cô chả cân thiếu cho ai bao giờ, và cũng chả ai bán thiếu cho cô được một li lai. Ngày Tết bàn thờ trên gác đỏ ối đào, người từ quê ra đánh đồ thờ, đem theo rơm lót cành đào trong lọ. Mồng Một cô ra chùa rồi về sớm, không thích nhìn những mẹ hợm công đức cả chục đồng (bốn hào một cân gạo thôi mà) rồi “xin” đủ thứ lộc, bảo là họ “giẫm đít bụt”. Có người nói dối, cô ghét cho, người ấy chết cô nhất định không đi đưa, bất chấp câu “nghĩa tử là nghĩa tận”.
          Cô Nhắt không dư dả quá, nhưng nhìn vào những thức ăn, thức uống, gọi là sang không biết có phải, nhưng thấy chả giống ai, dù nhiều nhà cũng có những thức ấy. Chè mạn, nụ vối, rượu gạo, rượu cúc. Bà Quảng làng Vòng có cốm đầu nia nghĩ tới cô, để có người nếm.  Đám cháu chắt Tết được lên cô ăn cỗ trưa, bồn chồn từ sáng. Không quá nhiều món đâu, và vẫn bánh chưng, dưa hành, thịt kho gỗ, tráng miệng bánh Xuân Cầu rồi cam Canh hoặc bưởi Diễn. Nhưng có cái vị gì đó không tả nổi. Tôi không bao giờ cắt nghĩa được “nó”, chỉ biết là vừa đủ, không ê hề, giữa khí xuân rào rạt bên ngoài và mùi nhang bên gian thờ.
                                       *
          Cái Hồn thì không cắt nghĩa được rồi, và cũng chả cần thiết. Tôi đã sang đoạn được ăn nhưng không ăn được, giữa những ê hề rượu tây, ba ba rang muối, bàn tay gấu ninh mỗi người chỉ được một, người phục vụ tề tựu bên cạnh, lại cứ lẩm nhẩm vị xưa để rồi thấy thiêu thiếu. Đúng là vớ vẩn, vớ vẩn đến mức ngớ ngẩn, như khi mình cáu ở quán Lê Thạch. Thành phố đông đúc thêm ra, ngày dưng dễ có đến bẩy tám triệu anh, thành thử sống rất nhanh rất khoẻ. Đấy, từ chỗ thịt luộc không mắm tép đến cơi nới biệt thự, vứt chuột chết ra đường, phổ cập tiến sĩ hay cử bí thư đoàn ngồi bất cứ chỗ nào cũng được, có xa xăm gì đâu.
          Nghĩ đến đây có nhẽ phải viết “9 bỏ làm 10” mới phải.

                                                                                          T.C.                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét