Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

ĐOẢN VĂN CUỐI TUẦN - 5

TRẦN ĐỨC TIẾN


THẬT VÀ GIẢ

          Thời buổi này cái gì người ta cũng có thể làm giả y như thật. Hàng giả, tiền giả, thuốc chữa bệnh giả, đồ ăn thức uống cũng giả nốt. Trong số những bàn tay hành khất chìa ra kia, liệu có bao nhiêu bàn tay thực sự khốn cùng?
 Mùa lễ hội, đền chùa giả thần phật giả đua nhau mọc lên tua tủa trên đường hành hương. Cái cây trông xanh tốt thế kia, bông hoa mơn mởn thế kia nhưng cứ phải dùng tay, thậm chí dùng cả mũi phụ vào mới có thể xác định được cây thật hoa thật hay cây nhựa hoa giấy. Căn phòng hẹp, ốp lên tường bức tranh phong cảnh rừng cây hồ nước để đánh lừa thị giác đã đành; buổi sớm mai thức giấc xúc động nghe líu lo chim hót, hồi lâu mới té ngửa ra là chim điện hót. Mà thôi, nói gì chim giả. Đến như chim thật bây giờ nuôi trong lồng tiếng hót cũng khôn ngoan đưa đẩy thế nào! Con chim thật bên hàng xóm hót ngày mấy cữ, chính xác như đồng hồ, lần nào cũng leo lẻo một điệp khúc lặp đi lặp lại: “Chả quế, chả quế! Chả giò, chả giò! Chả quế chả giò! Chả quế chả giò”! Nghe nó hót, lại lan man nghĩ đến cảnh diễn giả hùng hồn trên diễn đàn, còn ở dưới người nghe im phăng phắc, nhưng thật ra cả người nói lẫn người nghe đều không biết mình đang nói gì nghe gì.
          Chúng ta đã quá quen và chấp nhận sống chung với… giả.
                                                         *
                                                      *    *
          Buổi sáng tới cơ quan. Cô bạn đồng nghiệp tay cầm tờ báo, mắt hoe đỏ. Báo đăng chuyện một người vợ chăm nuôi chồng trong bệnh viện. Người chồng mắc bệnh hiểm nghèo, nằm liệt giường, không chết, nhưng khả năng chữa lành cho anh là vô vọng. Ngày ngày hầu hạ, nâng giấc anh từng miếng cơm thìa cháo, chị còn phải nhận chăm sóc thêm những người bệnh khác, làm đủ thứ việc linh tinh thiên hạ nhờ, để có tiền thuốc men cho chồng… Hàng chục năm như thế đã qua đi. Và người đàn bà ấy vẫn tiếp tục công việc của mình, như Xi-zíp ngày ngày cõng đá lên núi (*).
          Nhìn giọt nước mắt của cô bạn, trộm nghĩ: may mắn sao, đôi khi chúng ta vẫn còn được chứng kiến những điều có thật như thế trong đời.
----------------------------------------------------------
(*): Nhân vật trong thần thoại Hy Lạp.


CON TÒ VÒ
         
          Chiếc máy tính đang làm việc bình thường, bỗng dưng giở chứng, tắt lịm. Màn hình tối đen. Loay hoay cả buổi sáng vẫn không sao cứu vãn nổi. Công việc ùn tắc, chồng đống lên nhau, giống như nạn kẹt xe giữa giờ cao điểm. Mà hình như cái máy này cũng biết nhè những lúc như vậy để trêu ngươi anh.
          Đành phải kêu thợ đến. Tay thợ chữa máy ria con kiến, kính cận 5 đi-ôp, nhoay nhoáy tuốc-nơ-vít trong tay, tháo tung tất cả. Sờ mó, săm soi một thôi một hồi, rồi lắp vào y như cũ. Không được. Lại tháo, lại soi, lại rút ra cắm vào… Hồi lâu ngước lên, hai tròng kính nhấp nháy: “Có thế chứ! Thủ phạm đích thị là… con tò vò”.
          Anh há mồm không hiểu. Tay thợ chí cái móng tay dài vào một điểm trên tấm cạc màn hình: “Nó đấy. Cái tổ con tò vò. Nó đẻ trứng vào trong tổ, làm cho chập mạch”.
          Ôi trời! Giống côn trùng thổ tả. Khá khen cho nhà ngươi khéo chọn chỗ để gửi gắm thế hệ tương lai. Vì cái trứng bé xíu của nhà ngươi mà cả bộ óc điện tử phải ngừng hoạt động.
          Hai ngày sau, tay thợ mang đến một chiếc cạc màn hình. Máy vẫn trục trặc. Lại ngờ hỏng men bo. Mất thêm năm ngày tìm một men bo tương thích. Máy chưa chịu chạy. Đem máy về tiệm để test. Thêm ba ngày. Cuối cùng, thay luôn cả CPU cho đảm bảo…
          Mày làm khổ ông, khổ ông”… Mất đứt hai tuần ngồi chơi xơi nước, giờ đây mỗi lần vận hành cái máy chắp chắp vá vá, cà giựt cà lăm như máy đi mượn, anh lại nghiến răng rủa thầm con tò vò.
          Bạn anh nghe chuyện, cười sằng sặc: “Cái máy mua đã ngót mười năm, bắt nó cày hùng hục như trâu, đến trâu cũng phải lăn ra chết từ tám hoánh. Chẳng qua chỉ tại cậu là tên nhà báo quèn, làm đồng nào xoẳn đồng ấy mới khổ thế. Đừng chửi oan con tò vò”.


BỐ VÀ CON

          Anh tức lắm. X. là một nhà văn lớn. Tên tuổi của ông đã trở nên quá quen thuộc. Thế mà nó lại bảo nó không biết gì! Giá như cái sự ngô nghê này bắt gặp trên truyền hình, trong những trò chơi may rủi đủ loại người tham gia thì chẳng nói làm gì. Nhưng đằng này, nó là con anh! Nó đang đứng trước mặt anh.
          “Con không biết ông X., vì chưa đọc ông ấy” - thằng học sinh lớp 12 thản nhiên nói tiếp.
          “Nhưng khi bằng tuổi mày, tao đã biết rất rõ về X., mặc dù…”.
          Anh dừng lại, nhìn thằng con sấp ngửa đi ra cửa. Nó phải tới “lò” luyện thi.
          “Mình định nói gì nhỉ? À, định cho nó biết, lúc bằng nó bây giờ, mình cũng chưa đọc X. Nhưng mình chăm chú nghe các thầy giảng, rồi đọc tất cả những gì người khác viết về ông. Mình làm những bài tập làm văn cứ như mình đã thuộc ông ấy lắm. Cả cụ Y, bác Z, ông V… Chưa đọc. Chưa gặp. Vẫn hết lời ca ngợi người này, hùng dũng phê phán người khác. Những bài tập làm văn được thầy cho điểm cao. Mình đâm tin tất cả những gì mình viết ra. Rồi tự hào thi đỗ đại học. Cho đến mãi sau này, khi có tuổi”…
          Anh giật mình. May mà thằng con vội đi, và anh dừng lại kịp.
          Không ăn theo nói leo - nó đúng.
          “Nhưng để thi vào đại học, ra sống với đời thì mày sẽ gặp nhiều khó khăn đấy, con ạ”…

                                                                                               T.Đ.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét