Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

NẶNG NHẸ MIẾNG ĂN

TRẦN CHIẾN


Dạo sửa nhà, tôi phải ra ngoài ăn bụi mấy tháng, lấy làm cực lắm. Chả vệ sinh, chắc chắn thế, lại chen chúc duỗi chân duỗi tay không được. Ớt sẵn, nhưng một phần tám quả chanh như trong hàng phở thì đừng mơ. Có ông lão về hưu cãi nhau với vợ, đưa cả tháng lương cho hàng cơm, chan thật nhiều mắm vào bát nước rau lấy đạm, cám cảnh lắm. Đồng hương xe ôm đãi nhau thì thôi rồi, đôi chén tình làng nghĩa xóm đã dậy mùi ra gì. Vừa ăn vừa nghe, ngắm, lắm lúc nổi lên những cơn cớ rất khó “gọi” ra.
Thế mà lại có một gương mặt gợi tò mò. Chàng thanh niên xinh trai luôn ra một mình, chỉ ngồi một mình một bàn. Vài đồng bạc mà phải đủ thức:  mươi củ lạc, đôi miếng đậu, thịt thà rau dưa vài gắp. Chanh thì tự mang lấy, nửa quả bổ sẵn thong thả vắt vào nước mắm nước rau. Ăn từ tốn, chăm chú lắm, chả để ý xung quanh. Trong chỗ vỉa hè bụi bậm, cậu trai tạo một vẻ phong lưu. Cô hàng bảo nhà ấy khá giả, hiềm con phá gia chi tử lắm nên chỉ cho ít tiền ra quán hàng ngày.
Ít lâu không gặp. Mới hay đi trại rồi. Cai nghiện. Vào trong ấy có giữ được “phong độ” không nhỉ, hay phải “hoà mình vào quần chúng”? Cái riêng trong miếng ăn với mỗi con người lớn thật. Như anh họ tôi ở bộ đội về nhất định chỉ ăn đũa hai đầu, anh họ vợ tôi chất mọi thứ - trừ canh - vào bát ô tô ra góc xa ngồi nghiên cứu tivi. Lâu lâu không ăn cùng các anh, tôi lại cứ tưởng nhà có chuyện gì…
Nết ăn của từng người ở chốn được riêng tư, thôi thì muôn hình vạn trạng. Ra chỗ chung tất nhiên phải nhìn nhau, có cái cách rách hơn. Nào phụ thuộc người trả tiền, nào tính chất bữa ăn. “Ý nghĩa ngoại giao” càng nhiều càng ít tự do đi là cái chắc. Đâu như Tản Đà không thích dự tiệc, mà quan viên thích cụ có mặt trên bàn làm món sang chắc không ít. Cụ đề ra đến mười “nguyên tắc ngon miệng”, ăn ở đâu, với ai, gia vị ra sao… xếp lên đầu, còn món gì để tận thứ năm thứ sáu. Vài ông có tuổi khi biết đến nết ăn của Tản Đà còn thêm vào đôi điều nữa, như mặc gì, có bàn ghế không... Là vì bụng đã phưỡn, phải đóng thùng cà vạt hay xếp bằng thì quá ra tra tấn.
Tôi thì tiềm năng văn chương hơn hẳn cụ Tản Đà nhưng nó chưa phát lộ. Dầu vậy, tôi cũng “đề ra” cho mình hai “điểm”: đi xa Hà Nội không ăn phở, và không ăn khách sạn. Nhưng hai nguyên tắc cao quý ấy rất thường bị phá vỡ nếu mà được mời. Ăn bằng tiền người thì cố mà ăn, cái nết tiết kiệm từ thời bao cấp đôi khi dắt đến miếng và miếng nuốt dở khóc dở cười.
Ăn cỗ, nhất là cỗ cưới, là món khó tiêu hoá nhất. Cơ quan nhiều thanh niên, mùa cưới sếp đi ăn năm buổi trưa liền tại một nhà hàng, thực đơn cùng từng ấy món, bĩ cực lắm. Đại hoạ là gặp phải bà lia lịa gắp thịt gà đây bác ạ thôi anh ăn nốt miếng tôm bao bột nướng cho gọn mâm. Chu đáo lịch sự thế ai mà thoái thác nhiệm vụ được. Thấy bảo có “bác” nhè hàm răng giả ra không tôi không ăn được thịt gà đâu, một “bác” khác chìa bát đã tú hụ nem chả xôi nộm ra cho tôi xin nốt món canh ạ. Chứng kiến sự chu đáo này, một ông nhà văn “tương” câu: đấy là xâm phạm sự riêng tư của người khác.
Nhà nào có đám hiếu xong bốn chín hay trăm ngày thường làm cỗ cảm ơn. Tùng tiệm thôi, không phô trương, nhưng dưới tấm ảnh người vừa “đi”, rượu vào mà cứ phải kiệm nhời chọn nhời cũng là cái khổ. Mà ta bây giờ hiếu hay hỷ đều pha trộn, cổ chả cổ hẳn kim chả giống kim, cứ “phối kết hợp đông tây y” khó xử lắm.
Giờ có kiểu cơm văn phòng, người ta có cách bảo vệ sự riêng tư. Vài ông tre trẻ gọi món, gắp, và, chuyện rôm rả, xong ai trả phần người ấy. Nhìn lối tách bạch ấy người có tuổi dễ nghĩ sòng phẳng quá văn hoá tiêu dùng thấp kém quá. Nhưng nó thật là tiện. Ăn cốt no cơ mà, chả phải nghĩ chuyện hôm nay anh này trả ngày mai đến lượt mình, nhất là cái sự so sánh “thằng ấy nó uống bia mà mình lại không uống”, có vui hơn không. Khao nhau lại là chuyện khác, cuộc khác. Miếng ăn mà không phải nợ nhau vẫn sướng hơn nhẹ nhõm hơn chứ!

                                                                                 T.C

1 nhận xét:

  1. Hoc an, hoc noi...o VN it co gia dinh day con cai hoc an cho dung cach nen nhieu khi cu gio khoc gio cuoi. Minh cung chang sieu gi nhung duoc cai chiu kho hoc hoi,nhieu khi di tiep khach nuoc ngoai nhin can bo minh an uong .. , chan qua.

    Trả lờiXóa