nhớ sông quê
Nguyễn Minh Châu có một cái truyện ngắn mà mình rất thích là truyện “Bến quê”. Truyện này không gây ồn ào như một số truyện khác của ông lúc đương thời, nhưng mình nghĩ nó thuộc loại hay nhất trong số những gì ông để lại. Mà cái ông nhà văn này cũng lạ! Mình có 1 tập truyện ngắn chọn lọc của ông in cách đây vài chục năm, giấy vàng khè, chữ kẽm mòn mất nét, cất cẩn thận trên giá sách, nhưng mỗi lúc cần tìm lại là y như rằng nó biến đi đằng nào.
Mình nhớ đại khái nhân vật chính trong “Bến quê” tên Nhĩ. Lúc khỏe mạnh Nhĩ đã từng đi khắp nơi, đến mọi phương trời. Lúc ốm liệt giường, lại chợt phát hiện ra chưa một lần đặt chân lên cái bến đò bên kia sông - nơi mà bây giờ phải nhúc nhắc gượng dậy nửa người, lết đến bên khung cửa sổ để nhìn cho rõ. Nhĩ đã nghĩ ra một mẹo… tội nghiệp và thê thảm, là giả vờ sai thằng con sang bên ấy làm giúp một việc gì đó, rồi gửi bước chân mình theo bước chân thằng con. Nhưng cái thằng giời đánh ấy đâu có hiểu ý bố? Nó còn trẻ. Nó đi ra phố, ghé qua chỗ này một tí, tạt ngang chỗ kia một tí. Mà con đò thì đang ở bờ bên này, mỗi ngày lại chỉ có một chuyến đò đi về. Nhĩ dướn người, toát mồ hôi nhìn theo cái bóng thằng bé, sao mà nó giống Nhĩ ngày xưa thế, vô tư, vô tâm, vô tình! Nhanh lên, nhanh lên con ơi, đò chuẩn bị rời bến rồi…
Bố khỉ! Cái kết hay đến thế mà có lần mình nghe cô giáo dạy văn trên ti vi phán một câu chắc như cua gạch: con đò “mơ ước” đã chở thằng bé cập bờ bên kia!
Mình đồ rằng dưới suối vàng, ông Châu chắc sẽ đau đớn vì bị nhà sư phạm quen sực món văn chương có hậu “giết” thêm lần nữa.
■
Làng mình cũng có một con sông chảy qua. Chính xác là con sông chảy giữa hai làng - làng mình một bên và bên kia là làng An Ninh.
Chẳng hiểu vì sao mà hồi còn nhỏ, mình lại thấy cái làng bên kia có vẻ… đẹp hơn làng mình.
Bờ sông bên làng mình cao hơn, dốc hơn, và đất hay bị lở xuống sông. Trâu bò tan buổi cày theo mấy lối dốc xuống sông tắm phải gò cả người lại, và theo bước chân chúng, đất lở càng thêm lở. Bên kia lại là cánh bãi đất bồi bằng phẳng, màu mỡ. Buổi chiều chơi ở bờ sông bên này, nhìn con bò đang gặm cỏ bờ bên kia, chốc chốc nó ngẩng đầu kêu lên một tiếng, phải mấy giây sau, khi nó đã cúi xuống gặm tiếp, thì tiếng “ọ… ò…” mới vọng đến tai mình.
An Ninh cũng nhà tre mái rạ, nhưng nhà nào cũng có một giậu trúc bao quanh rất đẹp. Trúc An Ninh toàn thứ trúc cành câu, lá xanh mướt, thân dài, thon thả, làm cành câu tuyệt đẹp. Trúc làng mình cong queo, muốn làm cành câu phải hơ lửa từng đốt cho mềm ra rồi uốn thẳng. Suốt cả tuổi thơ mình mơ một cành câu bằng trúc làng An Ninh…
Bãi An Ninh trồng nhiều ngô, mía. Mía bên mình thường là mía xanh, còn bên ấy trồng mía tím. Mía xanh đốt dài, nhiều nước, cây cao hơn mía tím nhưng hình như cũng cứng hơn và không ngọt bằng. Mía bên mình đến vụ thu hoạch chuyển hết về nhà máy đường ở đầu huyện, cách làng hơn chục cây số. Còn ở bên An Ninh, người ta đưa mía vào những lò kéo mật dựng ngay ngoài bãi. Mùa kéo mật, suốt đêm mùi mật mía thơm lừng bay qua sông sang bên này.
Năm nào mẹ mình cũng mua một ít mật mía để dành. Mật đựng trong âu sành, mùa hè thì mềm, mùa đông đặc quánh lại. Mật mía thường để nấu chè, nhưng mình khoái phết lên bánh đa vừng rồi cắn ăn từng miếng.
Mình bơi giỏi ngay từ hồi còn nhỏ. Bình thường hay tắm ao, nhưng cũng có những chiều ra tắm sông. Mấy thằng trẻ con trong xóm thi bơi, cứ bơi qua bơi lại bên này bên kia sông, xem đứa nào bơi được nhiều lần. Rồi rủ nhau chui vào ruộng mía bên ấy ăn trộm mía! Có lần vừa bẻ được mấy khúc mía ngon chưa kịp mang ra khỏi ruộng thì bị phát hiện. Vội bỏ của chạy lấy người. Cứ tồng ngồng không mảnh vải trên người, mỗi thằng túa ra theo một hướng. Dân làng bên ấy chẳng biết đuổi đứa nào bỏ đứa nào. Thế là cả lũ cùng thoát. Sau lần ăn trộm hụt này, mình không tắm truồng, không bơi sang An Ninh lần nào nữa.
■
Dân làng An Ninh hồi ấy, mình chỉ biết có 2 người. Một là ông Nhạc thổi kèn đám ma, hai là ông thuyền chài chưa bao giờ nhìn rõ mặt.
Làng mình có ai chết là người nhà phải bơi thuyền sang An Ninh mời ông Nhạc sang thổi kèn. Ông Nhạc mù dở, hai mắt toàn lòng trắng. Tiếng kèn đám ma của ông bây giờ nhớ lại mình vẫn còn thấy ai oán. Í ò e, í ò e. E e e ò e í. Í e í e e ò. E ò ò ò e… Xen vào tiếng kèn là tiếng trống bung bung bung bung của một thằng bé cỡ 11, 12 tuổi. Thằng này hình như chẳng phải con mà cũng chẳng phải cháu ông, chỉ là đứa trẻ cùng làng ông cho đi theo kiếm cơm. Tiếng kèn như tiếng người khóc. Còn tiếng trống như tiếng mưa giọt gianh lơ đãng trước hiên nhà. Không khí vừa buồn vừa lạnh. Sau này đi nhiều nơi, sống ở nhiều vùng, chẳng thấy có cái đám ma nào buồn như đám ma làng mình.
Thỉnh thoảng lúc đêm khuya, mình thức giấc vì những tiếng gõ lạch cạch vào mạn thuyền. Tiếng gõ đều đều loang xa trên mặt sông. Nghe người lớn nói ông thuyền chài đang đuổi cá cho chúng mắc vào lưới. Năm ấy mình 17 tuổi, yêu một cô gái cùng làng. Mối tình đầu. Một lần đưa nhau ra bờ sông ngồi chơi. Khuya. Làng xóm ngủ yên. Trăng vằng vặc trên đầu. Hồi lâu ngẩng lên, giật mình thấy con thuyền đã đậu sát mép nước, cách vài mét ngay dưới chân. Bấy giờ người ngồi trên thuyền mới quay mũi cho con thuyền trườn ra xa, “để lại sau mái chèo một dải trăng lấp lánh như bạc vụn”.
Hơn mười năm sau mình viết truyện ngắn “Tiếng gọi” - chuyện về những đêm trăng và người thuyền chài mờ ảo của làng An Ninh.
(Còn nữa)
Hồi bé cháu cũng thấy làng An Ninh đẹp hơn làng mình chú ạ. Cháu nhớ quê quá.
Trả lờiXóaÀ chú ơi, cho cháu cop bài này sang bên facebook để chia sẻ với bạn bè cháu nhé chú.
Trả lờiXóa@Linh: Đồng ý. Nhưng chưa biết khi nào chú mới viết xong phần tiếp theo...
Trả lờiXóaCháu post 1 đoạn thôi chú ạ và đây là 1 trong những comment bên đó:
Trả lờiXóa"Tự nhiên thèm một cánh diều
Tự nhiên thèm một buổi chiều tắm sông
Tự nhiên thèm một cánh đồng
Tự nhiên thèm bụi tơ hồng ngõ sau
Tự nhiên thèm một hàng cau
Tự nhiên thèm một vườn rau trước nhà
Tự nhiên thèm tiếng mẹ cha
Tự nhiên thèm một mái nhà tranh rêu..."
Xin hỏi tác giả, khi dùng “để lại sau mái chèo một dải trăng lấp lánh như bạc vụn” là trích dẫn của ai? Tôi đã thử tìm trên Google nhưng không thấy.
Trả lờiXóa@Lan: Thưa, đấy là nguyên văn một câu trong truyện ngắn "Tiếng gọi" của cùng tác giả.
Trả lờiXóa