Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

MA DẠY BƠI

TRẦN ĐỨC TIẾN


          Làng tôi có nhiều ao chuôm, nhưng chẳng cái nào giống cái nào. Cái hình vuông, cái hình tròn, có cái không ra vuông không ra tròn. Cái nông choèn cái sâu lút đầu người. Cái thì đặc những bèo, cái không thả bèo nhưng lại cắm nhiều cành tre gai xuống cho cá đẻ, gọi là cành trà. Ao có đường thoát nước ra đồng, ra sông thì nhiều cá trắng (chép, trôi, mè, rói, giếc, thiểu...). Ao quanh năm nước đọng gọi là ao tù, chỉ rặt cá đen (chuối, rô, trê, săn sắt…).
          Cái ao to nhất làng, sạch nhất làng có tên là ao Nông Dân. Còn cái ao nổi tiếng có nhiều ma là ao nhà cô Sự.
          Nhà cô Sự chỉ có hai mẹ con. Bà mẹ cô bị loà cả hai mắt. Suốt ngày thấy bà ngồi cửa bếp, đôi tròng mắt trắng đục ngó ngơ ra vườn. Mảnh khăn nâu vắt vai, thỉnh thoảng bà lại cầm góc khăn đưa lên mắt chấm chấm.
          Mảnh vườn nhà cô Sự trồng toàn giong, trơ trọi mấy thân chuối cằn. Bên ngoài là cái ao thả rau muống. Cái ao này nhắc đến ai cũng lắc đầu rùng mình. Đã có mấy người, cả người lớn lẫn trẻ con, chết đuối dưới đó. Mẹ tôi bảo nó có cái rong đưa người.
          Ba tôi kể, hồi ông còn nhỏ như tôi thì cái ao này đã có ma rồi. Một lần vào lúc giữa trưa, làng xóm vắng vẻ, ông một mình vác cành câu ra đây câu cá rô. Cá rô hay ăn nổi, chỉ cần mắc con châu chấu vào lưỡi câu rồi cứ thế nhử nhử trên mặt nước. Ba tôi nhử mãi mà chẳng thấy con cá nào đớp mồi. Trưa nắng chang chang, để đầu trần đứng câu nên mắt ông muốn hoa lên. Đúng lúc ấy, cái bè rau muống bỗng dập dềnh chuyển động. Rồi bất ngờ có một bàn chân nho nhỏ xinh xinh như của đứa trẻ lên ba thò lên khỏi mặt nước, ngoáy ngoáy. Ba tôi không bỏ chạy. Ngay từ nhỏ ông đã là người cứng bóng vía. Ông đứng lại, định thần nhìn kỹ hồi lâu. Đoạn, từ từ nhấc câu lên, tháo con mồi ra khỏi lưỡi, rồi lại thận trọng thả cái lưỡi câu sắc nhọn xuống, lựa cho nó ngoắc vào cái bàn chân đang giãy giãy. Như kiểu người ta mạng cá. Rồi ông giật!
          Chỉ nghe “tũm” một cái, như tiếng đuôi con cá quẫy. Sợi dây cước căng ra, kéo ghì ngọn cành câu. Cái bàn chân biến mất. Còn lưỡi câu của ba tôi mắc kẹt vào bè rau muống già.
          Chị Thắng, người rửa chung cầu ao với nhà cô Sự, kể: một lần chị ra ao rửa rau, bỗng thấy dưới làn nước xanh đen hiện ra một đàn cá trê béo vàng. Chị Thắng vội vàng đổ rau, lấy rổ xúc cá. Cứ xúc được con nào lên khỏi mặt nước thì con ấy lại trườn ra khỏi rổ rơi xuống. Giống cá trê khắp mình toàn nhớt, trơn tuồn tuột, rất khó bắt. Chị Thắng càng xúc càng ham. Chị mê đi, để cả quần áo lội xuống nước. Đàn cá hút chị theo, cho đến lúc nước ngập đến bụng, đến cổ… May sao giữa lúc ấy có người đi qua nhìn thấy, thét to một tiếng. Chị Thắng giật mình bừng tỉnh. Trên tay chị là chiếc rổ không. Chẳng thấy cá đâu, chỉ thấy một đàn đỉa đói to bằng đầu đũa đang nhâu nhâu xung quanh.
          Nhưng người tận mắt nhìn thấy ma ở ao cô Sự hiện hình là chú Cảnh. Chú Cảnh ngoài ba mươi tuổi chưa lấy được vợ, tính hơi tàng tàng. Chú bán mảnh vườn, lấy tiền sắm được chiếc máy khâu cổ ơi là cổ. Mất ba năm thuê thầy thuê thợ, so vai rụt cổ, gò ngực gò lưng bên máy cũng chỉ học may được chiếc quần đùi. Chú mê cô Sự như điếu đổ. Mê quá bỏ may, học thổi sáo. Lại mất thêm mấy tháng. Rồi chiều nào cũng ra ngồi bụi tre đầu ngõ hứng gió nồm nam, chõ sáo sang nhà cô Sự véo von: “Này bà Lý Toét ơi, con tôi muốn lấy con bà”… Quanh đi quẩn lại chỉ có mỗi điệp khúc ấy nên cô Sự không mảy may động lòng. Cứ thấy cái bóng áo gụ thậm thụt ở đầu sân là cô vung chổi vung gậy, miệng “xuỳ xuỳ”, ra bộ đuổi gà nhưng thật ra là cô đuổi khéo chú Cảnh. Có hôm trời mưa, vừa sẩm tối, chú lễ mễ bưng sang nhà cô một rổ đao luộc còn bốc hơi nghi ngút. Trời mưa vừa ăn đao nóng vừa tâm tình thì còn gì bằng! Cô Sự đang mải xay thóc. Chú Cảnh bê rổ đao quanh ra quẩn vào. Loay hoay thế nào, cái chàng xay cáu kỉnh đập bốp vào đầu chú. Chú ngã lăn kềnh. Rổ đao đổ lăn long lóc. Chú lồm cồm bò dạy, xoa xoa cái cục u trên trán, nhìn cô nhe răng cười.
          Một tối khác, chú Cảnh lại lỏn sang nhà cô Sự. Vừa đến bờ ao thì bắt gặp một người đàn bà ngồi xoã tóc bên bụi ruối. Tưởng cô Sự ngồi hong tóc, chú đánh bạo kiễng chân rón rén đến sau lưng. Rón rén vòng hai tay ra phía trước, định bịt mắt cô chơi trò “ú oà”! Nhưng đúng lúc ấy, cô bỗng quay phắt lại, thè ra cái lưỡi đỏ hỏn, dài như lưỡi con kỳ đà. Chú Cảnh cứng người, hồn bay phách lạc. Người đàn bà thụt lưỡi vào, ôm đầu nhảy ùm xuống ao. Nước ao sủi bong bóng, sôi ùng ục.
          Chú Cảnh á khẩu, nằm liệt giường nửa tháng. Ốm dậy càng thêm ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Từ đấy tiệt không có ý giăng đèn với cô Sự nữa. Hàng xóm biết chuyện, có người bảo ma thật, có người bảo cô Sự đóng giả ma hù chú Cảnh.
                                                                 *
                                                              *    *
          Thế mà chính tôi đã có lần xảy chân rơi xuống cái ao ấy!
          Tôi, một thằng trẻ con chưa biết bơi, rơi xuống cái ao có ma.    
          Về chuyện bơi lội thì quả thật cho đến lúc bấy giờ, tôi là thằng đụt nhất xóm. Tôi tập bơi nhiều lần. Chiều nào cũng một mình ôm cây chuối đập chân bì bõm dưới ao. Thả chuối ra thì người chìm nghỉm. Cho chuồn ngô cắn rốn, đau thót cả rốn cũng chả ăn nhằm gì. Nói dại, quê tôi quanh năm sông ngòi đồng nước mênh mông, lỡ có chuyện gì không may xảy ra thì tôi là kẻ đầu tiên xuống chầu Hà Bá!
          Trưa, tôi mang vợt đi bắt ốc về làm mồi thả rọ cua. Không có cái ao nào trong xóm nhiều ốc nhồi như ao cô Sự. Những con ốc béo đen, bám lưng lửng dọc thân khoai ngứa, hoặc há miệng nổi hẳn lên trên mặt nước như bơi ngửa. Có một con đang bơi xa bờ, tôi nhoài người đưa vợt ra. Con ốc tinh quái thấy bóng vợt ngậm ngay miệng lại, từ từ chìm. Tôi vội vàng vươn theo nó, bị quá đà, lăn tòm xuống nước.
          Hai chân tôi chới với không chạm đất. Càng đạp càng lảng ra xa. Chỉ vài giây là tôi đã chìm nghỉm. Tôi quờ tay túm được mấy dây rau muống. Rau muống đứt phựt. Ý nghĩ về ma vừa lóe lên khiến tôi vùng vẫy cuống cuồng. Đột nhiên trước mặt bừng sáng. Mở mắt thấy mình đang ở giữa ao, nhưng đầu đã ngóc lên khỏi mặt nước. Tôi vội hít một hơi thật sâu. Người nổi phềnh như cái bong bóng trâu. Dễ dàng, thoải mái còn hơn cả nằm trên cây chuối. Tôi nhịp nhàng khoát tay, đạp chân lướt vào bờ.
          Sau lần chết hụt ấy tôi trở thành đứa bơi giỏi. Có thể bơi qua bơi lại con sông chảy qua làng bốn năm lần. Những lúc mệt thì lật ngửa người trên mặt nước, không cần vẫy chân vẫy tay, cứ thế nằm lim dim ngắm mây trời. Tôi giấu biệt mọi người chuyện ngã xuống ao cô Sự. Bởi vì có kể ra thì chưa chắc mọi người đã tin. Chính tôi cũng còn nửa tin nửa ngờ. Nhưng rõ ràng lúc ấy, lúc chợt nghĩ đến ma, lập tức như có người đẩy tôi nổi lên mặt nước. Tôi biết bơi mà không cần cây chuối, không cần cả chuồn chuồn…

                                                                             T.Đ.T

3 nhận xét:

  1. Chuyện này có thật không chú? Hồi bé cháu cũng sợ đi qua cái ao này lắm. Mà cái khu xóm đằng đó cũng hoang vu sao ấy, nhất là mấy cái nhà quanh nhà ông Cảnh.

    Trả lờiXóa
  2. @Linh: Thật chứ. Tưởng hồi nhỏ cháu được nghe bà kể hết rồi?

    Trả lờiXóa
  3. Cháu cũng được nghe bà kể nhiều nhưng cái chuyện ma dạy bơi thì cháu chưa nghe.

    Trả lờiXóa