Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Trở lại câu chuyện

 VÌ SAO NHÀ VĂN KHÔNG ĐƯỢC COI TRỌNG? - 1
              (Trò chuyện với Lão Đối)

TRẦN ĐỨC TIẾN

        Mình thấy cần thiết phải nói vài lời về lão Đối.
          Lão hơn tuổi mình, nhà ở cùng phố. Tên đầy đủ là Trần Đối Đáp, nhưng mình quen gọi là Lão Đối. Từ đây trở đi cứ gọi thế cho tiện. Đối thoại, đối lập, đối chọi, đối nghịch, đối đầu, đối trọng… và có thể còn linh tinh nhiều “đối” khác. Mỗi “đối” một tí. Tóm lại, thường mình nói một đằng lão nói một nẻo. Lắm lúc cãi nhau chan chát. Lão xuất hiện ở nhà mình bất ưng, và bỏ đi cũng đường đột. Mình và lão cộng lại, chưa biết chừng thành một cái mô hình xã hội dân chủ con con. Lúc giận, ai về nhà nấy, không biết lão cảm thấy thế nào, chứ mình thì… buồn như chó cắn! Chính vì thế mà chả mấy khi rời nhau lâu.
          Mới chiều qua, lão Đối mò sang, mặt hơn hớn:
          - Nhà văn các cậu cũng ý thức về mình phết!
          - Bác có ý kiến gì nói trắng ra xem nào?
          - Tớ vừa đọc bờ lốc của cậu - Lão cười hề hề - Thấy có bài viết về cái vụ nhà văn bây giờ đếch được người ta coi trọng…
          - Một số thôi bố ạ.
          - Ừ thì một số. Bây giờ khối người, khối nghề chả được coi trọng. Nhưng mới chỉ thấy mấy ông nhà văn ngậm ngùi kêu lên. Tự ý thức được về mình như thế là rất tốt.
          - Chả cần bác phải khen.
          - Này, đừng vội tưởng bở. Bài trên bờ lốc của cậu, cũng như ở mấy nơi khác, còn lý sự chung chung lắm. Sao các cậu không dám huỵch toẹt ra những chuyện cụ thể?
          - Bác biết nhiều chuyện cụ thể thế cơ à? - Mình nhìn lão nghi ngờ.
          - Tớ đếch phải ma xó. Nhưng cũng có khối chuyện tình cờ lọt vào tai, vào mắt tớ. Chuyện thứ nhất…
          Biết tính lão Đối đã mở máy là không hãm lại được, mình đành chịu trận. Chuyện thứ nhất lão kể là chuyện một ông quan lớn về vườn. Quả thực mình không biết về ông này nhiều. Chỉ nghe nói lúc đương chức cũng hách lắm. Chả dễ mà gặp được ông. Nhưng mình đã gặp ông một lần. Lần ấy ông về thăm tỉnh X. Tỉnh mời các quan đầu ngành đến “làm việc”. Phòng họp treo một cái phông lớn, trên có dòng chữ “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí…”. Giới thiệu quan lớn xong, ông quan tỉnh đọc báo cáo thành tích của tỉnh. Mình ngồi dưới, để ý thấy quan lớn đùi rung tít. Quan ngồi trên cái ghế xoay. Quan cứ xoay bên nọ hai mươi độ, rồi lại xoay bên kia hai mươi độ. Cuối cùng, quan xoay hẳn một phát gần chín mươi độ, tức là quay hai phần ba đít lại cử toạ. Quan nghển cổ nhìn lên cái phông treo đằng sau, nơi có dòng chữ vàng choé trên nền đỏ rực nhiệt liệt chào mừng quan. Trong lúc ấy, vị quan tỉnh vẫn véo von với bản báo cáo thành tích.
          - Lão ấy còn lâu mới chủ động rũ áo từ quan. Lão ấy bị các đồng chí của mình cho… bật xới! - Lão Đối chua chát - Thế mà vừa rời khỏi quan trường, đã làm bộ khoan khoái đắm mình vào đời sống thảo dân. Nào đi xe đạp, nào ăn cơm bụi, nào chơi với trẻ chăn bò. Lại còn vĩnh biệt micro, vĩnh biệt cà vạt, vĩnh biệt điện thoại…
          - Thôi bác! Đằng nào ông ấy cũng xuống ngựa rồi.
          - Thế xuống ngựa thì tha hồ được làm ra vẻ à?
          Mình cười xuê xoa:
          - Nhưng dính dáng gì đến các nhà văn?
          - Sao lại không dính? Lân la tìm đến nhà lão. Cảm động vì được ngồi uống rượu với lão. Về nhà viết bài ca ngợi lão…
          - Ơ hay! Biết đâu ông ấy có những cái đáng ca ngợi? Vả lại, người ta thân với nhau, người ta viết… Bác hẹp hòi thế?
          Lão Đối nhìn soi vào mặt mình, cười khẩy:
          - Tớ không tin! Nói xin lỗi cậu… Đéo ngửi được!  
          - Đồng chí Trần Đối Đáp! Đề nghị đồng chí bình tĩnh. Không được cay cú!
          - Tính tớ vậy. Không thế đếch ra tớ.
          - Nhưng đồng chí lấy thông tin từ đâu?
          Lão Đối lườm mình một cái rách cả mắt:
          - Cậu cũng thuộc loại nhanh quên nhỉ? Bài cậu viết in trên báo T. số tết cách đây mấy năm còn rành rành ra kia. Chẳng qua là tớ “thuổng” từ cậu. Thế chuyện chén chú chén anh với nhau có chính xác không?
          Mình cười trừ. Mình cũng chả phải người trong cuộc. Mình đọc được chuyện ấy trên báo.
          Lão Đối nói tiếp:
          - Nhân vụ này, tớ sực nhớ đến câu nói của cụ… Hình như cụ Sê-khôp. Cậu nhớ chứ?
          - Cụ Khốp nói tỷ câu, biết câu nào?
          - Cụ ấy bảo: phải thường xuyên chắt ra từng giọt nô lệ ở trong máu mình!

                                                      10 - 12 - 2010

                                               (còn tiếp)

2 nhận xét:

  1. Có hai cách đăng một nhận xét trên blogspot.com phổ biến nhất:

    Cách 1- Viết nội dung nhận xét, sau đó vào "Chọn hồ sơ", chọn "ẩn danh". Nghĩa là người đăng nhận xét đơn giản chỉ cần ghi nội dung và sau đó chọn mục "ẩn danh" rồi "đăng nhận xét" - hạn chế của cách này là không hiển thị tên (chỉ hiển thị chữ :"nặc danh") và không hiển thị đường dẫn về blog của người đăng nhận xét - nếu người đăng nhận xét không có blog thì có thể dùng cách này, nhưng sau đó có thể mở ngoặc nói rõ anh, chị ta là ai.

    Cách 2 - Viết nội dung nhận xét, sau đó vào "chọn hồ sơ", và chọn "Tên/URL", sau đó ghi tên người đăng nhân xét (ví dụ: miên di), sau đó chép URL rồi dán vào khung (URL là đường dẫn chép từ thanh địa chỉ của trình duyệt, ví dụ URL của blog miên di là: http://www.miendi.com/ ), sau đó nhấn "tiếp tục" và "đăng nhận xét" Hết.

    Chúc mọi người đăng nhận xét thành công!

    Trả lờiXóa