NHÀ VĂN LÀ AI? AI COI TRỌNG NHÀ VĂN?
Sau khi đọc vài bài mở đầu cho loạt bài (dự tính) “Trở lại câu chuyện: Vì sao nhà văn không được coi trọng?”, nhà văn HÀ PHẠM PHÚ gửi cho mình bức thư này. Rất trân trọng ý kiến của ông, mình đưa nguyên văn bức thư lên đây cho mọi người cùng đọc. Xin mở ngoặc nói thêm: mình nhiệt liệt hoan nghênh và chờ đón ý kiến của tất cả các bạn quan tâm đến văn chương và quan tâm đến… blog Trần Đức Tiến.
Nhà văn là ai, thuộc tầng lớp nào trong xã hội?
Đó là một câu hỏi mà tôi nghĩ là rất thú vị. Theo cái nhìn “ếch ngồi đáy giếng” của mình thì nhà văn thuộc tầng lớp trí thức. Phân loại học phương Tây, căn cứ vào vị trí xã hội, chia trí thức ra thành bốn loại: các chuyên gia kĩ thuật, các nhà triết học, các học giả và những người sáng tạo ra tri thức. Hiển nhiên nhà văn là một loại trí thức đặc biệt, có tất cả các đặc trưng của các loại trí thức nói trên.
Trí thức có từ bao giờ, có lẽ từ thời có sự phân công lao động chăng? Câu hỏi này xin để các nhà nghiên cứu trả lời.
Theo sách vở mà tôi được đọc, thì từ thời Trung Quốc cổ đại đã có tầng lớp trí thức. Bắt đầu từ thời Xuân Thu, nở rộ tầng lớp du sĩ (trí thức). Các du sĩ kéo nhau từ nước này sang nước khác tuyên truyền quảng bá học thuyết của mình, tạo nên một cục diện hoành tráng “trăm nhà đua tiếng”, xuất hiện những nhà tư tưởng, những triết gia như Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Lão Tử, Hàn Phi… mà ảnh hưởng của họ tới giới học thuật kéo dài cả mấy ngàn năm.
Nhưng danh từ phần tử trí thức thì mãi sau này mới xuất hiện. Nghe nói đâu từ thế kỉ 18, có cứ liệu xác đáng là từ đầu thế kỉ 19, khoảng năm 1860 ở Nga. Ở Trung Quốc, thời kì cách mạng Tân Hợi xuất hiện danh từ giai cấp trí thức (dịch từ tiếng Nhật), rồi diễn biến thành tầng lớp trí thức, rồi phần tử trí thức.
Sức mạnh của tầng lớp trí thức và cũng vì thế được xã hội tôn trọng chính là TINH THẦN, TƯ TƯỞNG của họ.
Tinh thần (hay tư tưởng) là Tự do. Là thế giới đặc biệt siêu tự nhiên. Là biểu hiện bản chất cao nhất của con người. Tinh thần không đồng nhất với Linh hồn. (Linh hồn là mặt kia của nhục thể, là hình ảnh phản chiếu của thế giới kinh nghiệm, là thứ biểu hiện ở phương diện chủ quan của con người.) Tinh thần có thể hoàn toàn tách khỏi mọi thứ gọi là sự sống. Không bị chi phối bởi bản năng và hoàn cảnh. Kinh nghiệm và cảm giác không chi phối nổi nó. Tinh thần như ánh sáng mặt trời. Tinh thần của mỗi cá thể sống có thể khác nhau giống như ánh sáng mặt trời của bốn mùa xuân hạ thu đông.
Nhà văn bậc thày ngôn ngữ, dĩ nhiên, nhưng cái làm cho nhà văn có sức mạnh, cũng là cái để người đời coi trọng chính là tư tưởng.
Tư tưởng là Tự do. Lâu nay chúng ta vẫn nói tự do sáng tác, chính là nói tự do tư tưởng. Cái không gian tự do sáng tác ấy lớn bao nhiêu và có được tôn trọng? Xin thưa với nhà văn như sau. Theo khảo cứu, ngay sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, các phần tử trí thức liền bị quốc hữu hoá. Dưới chế độ chuyên chế, ý vua là ý trời thì không thể có đa nguyên tư tưởng, không thể có trăm nhà đua tiếng, bao trùm là sự câm lặng, những tiếng nói khác lạ bị nhấn chìm. Trong một xã hội như thế, những trí thức truyền thống, trí thức tự do hoặc là tháo chạy, hoặc là hoạt động ngầm, hoặc là tìm đến cái chết. Những trí thức tự do là những người chỉ làm theo những gì mình tin, dù tù đầy, dù chết vẫn kiên trì niềm tin ấy.
Nhìn vào lịch sử phát triển của nhân loại, có thể thấy rõ, các tập đoàn xã hội luôn tạo ra các tầng lớp trí thức của mình, trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị phù hợp với tập đoàn xã hội - những phần từ trí thức đó được gọi là những phần tử trí thức cơ hữu. Sau này, ở các nước như Liên Xô (cũ), Trung Quốc… ngoài những tầng lớp trí thức do chế độ đào tạo thành trí thức cơ hữu, những phần tử trí thức khác, đã được thông qua các biện pháp cải tạo tư tưởng, các biện pháp tổ chức (thông qua biên chế cơ quan, các đoàn thể, các loại tem phiếu…) biến họ thành trí thức cơ hữu loại hai.
Thành thử cái không gian tự do dành cho giới trí thức tự do, giới nhà văn đã bị thu hẹp lại. Trong một chế độ chuyên chế, chỉ có những tiếng nói, như nhà văn Lỗ Tấn mỉa mai, chỉ còn những tiếng nói “thuận thế hoà lạc chi âm”, những giọng ca xu thời nịnh hót. Hãy tưởng tưởng xem, trong mấy ngàn năm lịch sử của chính trị, văn hoá phương Đông, tầng lớp trí thức, nhà văn ấy là loại trí thức nhà văn gì?
May thay thế giới không phải nhất nguyên, ngay cả một xã hội nhất nguyên thì, nói như nhà thơ Tố Hữu, sự chuyên chế, nhà tù không thể giam cầm được tư tưởng, vì thế có thể đất sống cho những trí thức tự do không có, nhưng tư tưởng tự do vẫn tồn tại.
Trí thức tư do có những đặc điểm gì? Theo các nhà nghiên cứu, giới trí thức Nga có 5 đặc trưng: 1. Luôn quan tâm đến xã hội, 2. Coi sự nghiệp chung là trách nhiệm của mình, 3. Có khuynh hướng coi những vấn đề chính trị xã hội như những vấn đề đạo đức, 4. Có tinh thần gánh vác, 5. Luôn nhìn thấy sự bất hợp lí của thế giới và tính tất yếu phải cải tạo chúng. Giới trí thức, nhà văn phương Đông thì sao?
Ngày xưa Khổng Tử đẻ ra thuyết chính danh, dạy vua ra vua, quan ra quan, dân ra dân… ấy là nhằm phục vụ cho giai cấp vua chúa, là nhằm để kiếm chút bổng lộc, quan tước… Tính chất xu phụ của đạo Nho rất đậm đặc, xét về góc độ tiến bộ xã hội thì đạo Nho quả thật phản động. Sau này tầng lớp trí thức cơ hữu ngày càng đông đảo, tính chất xu phụ, ăn bám mỗi ngày mỗi nặng. Duy danh định nghĩa thì phần tử trí thức cơ hữu là người đại diện của tập đoàn xã hội, là nhân viên công vụ của hệ thống kiến trúc thượng tầng, hành xử bá quyền xã hội, thực hiện chức năng cấp thấp của thống trị chính trị.
Nhưng còn những trí thức truyền thống, trí thức tự do thì sao? Đặc tính của những phần tử trí thức này là luôn coi mình là hiện thân của sự liên tục lịch sử và tự thân, tự coi là tự trị, độc lập, không dựa vào tập đoàn xã hội nào. Galilê bước lên giàn thiêu vẫn dõng dạc tuyên bố: trái đất quay. Paxtecnac bị bỏ tù vẫn không thay đổi quan niệm sáng tác, vẫn viết Bác sĩ Zivago… Họ là những trí thức, nhà văn tự do, được lịch sử ghi nhận và nhân loại coi trọng.
Thưa nhà văn Trần Đức Tiến! Những người viết đều có thể coi mình là nhà văn, nhưng tôi nghĩ không phải ai cũng là nhà văn đích thực, giống như mọi người đều có thể là phần tử trí thức nhưng không phải người nào cũng có chức năng của phần tử trí thức. Điều này có thể dễ thống nhất. Ngô Bảo Châu là một trí thức lớn, nhưng liệu ông có phải là một trí thức đích thực? Khi ông nhận giải thưởng toán học thế giới, những nhà lãnh đạo đất nước tiếp đón linh đình, tặng cả nhà (và ông đã nhận), như thế liệu ông có phải là được tôn trọng?
Tôi thấy hình như chuyện này cũng nằm trong vấn đề mà mọi người đang bàn tán trên con “OÉP” của ông.
Xin nói thêm một điều, người Đức rất sùng bái văn hoá, nhưng phạm một sai lầm lớn, tức là chấp nhận để nền văn hoá của mình rơi xuống trở thành văn hoá quan phương, khiến nó không thể bước ra thế giới. Tôi với ông thuộc loại nào trong giới nhà văn? Không biết ông nghĩ sao, nếu tôi xếp tôi với ông vào loại nhà văn cơ hữu? Ai là người coi trọng chúng ta?
HÀ PHẠM PHÚ
Tôi không hiểu lắm cái đoạn "người Đức rất sùng bái văn hoá, nhưng phạm một sai lầm lớn... khiến nó không thể bước ra thế giới"? Văn hoá, văn học Đức cũng nổi đình nổi đám trên thế giới lắm chứ bác Phú? Sao bác lại bảo nó "ko thể bước ra thế giới"? Bác làm ơn giải thích giùm, được ko?
Trả lờiXóaTôi có sơ xuất. Nói Văn hoá Đức bị tuột xuống biến thành văn hoá quan phương, là nói thời Hitle cầm quyền
Trả lờiXóa