Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

NGỌN SU SU LUỘC

PHAN TRIỀU HẢI


          Lần đầu tiên tôi biết cái món ăn ấy là vào một buổi chiều sương lan vào đến tận phòng bếp của một khách sạn nhỏ trên Tam Đảo. Bạn bè cùng đi gọi: “Làm cho một đĩa ngọn su su luộc”. Đấy, ngọn su su luộc là thứ tôi chưa biết bao giờ.
Ngọn su su (chưa luộc, he he)
          Tôi đã phải học từng từ để không làm mọi thứ rối tinh lên. Ở Huế, cái củ dài dài được làm lương thực chính của một thời có tên là sắn, nhưng vào Sài Gòn ta phải gọi là khoai mì, còn nay mỗi đêm đi qua Văn Miếu cho dù có mê mẩn vì mùi thơm phưng phức thì tôi cũng phải tỉnh táo biết đấy không còn khoai mì nữa mà đã quay về củ sắn. Mỗi khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác theo chiều dọc của đất nước, trong đầu nên có vài trang từ điển nhỏ để linh hoạt thay đổi; trái đào-trái mận-quả roi, củ đậu-củ sắn, cà phê sữa đá và nâu đá, bánh flan và caramen, ve chai và đồng nát, lốp xe và vỏ xe, xe hơi và ô tô con… và nhiều nhiều nữa. Nhưng cho dù bạn có là một học trò chăm chỉ, thì thể nào cũng có lúc bạn cũng nhầm lẫn, người phục vụ thể nào cũng trố mắt hỏi lại khi bạn xin nước tương thay vì gọi xì - dầu, còn nếu các cô cậu phục vụ ấy không nhướng mắt thì hậu quả còn lớn hơn chưa biết chừng: sữa-chua-đánh-đá sẽ được thay bằng một ly sữa đá có vắt thêm chanh chua loét. Nhưng hãy tự tin, vì ngay cả tôi đây với kinh nghiệm đầy mình, đang chuẩn bị tinh thần xơi một đĩa những củ su su thái mỏng luộc chín thì anh bếp đem ra một đĩa rau xanh mướt. Té ra cũng có một món tên ngọn su su luộc thật.
          Trong quán Bốn Mùa tôi thường ngồi, hết một nửa người vào dùng cơm trưa văn phòng không cần suy nghĩ gọi ngay một đĩa ngọn su su. Vì sao người ta không gọi rau muống xào tỏi, thứ mà tôi vẫn nghĩ là quốc hồn quốc tuý và vẫn thường kết hợp với cá kho tộ cùng canh chua để chiêu đãi đám khách nước ngoài lần đầu tiên đến Việt Nam sốt ruột muốn thấm đẫm tinh thần xứ sở chỉ trong một bữa ăn tối? Bạn tôi trả lời đơn giản: “Vì ngọn su su mềm”. Mềm, nên thật dễ nhai. Nhất là vào buổi trưa, khi người ta mệt mỏi, miệng còn chẳng buồn mở ra để ngáp.
          Từ ngày nhà bị trộm ghé vào rồi đi ra nhẹ nhõm, bặt vô tăm tích, thì tôi có thêm thói quen mới là quan tâm đến tình hình an ninh. Trước tiên, phải lo cho cái nhà của mình. Hàng rào cao gấp đôi. Gai nhọn tua tủa. Ngay cả khi ngồi chờ đĩa cơm văn phòng dọn ra, ngón tay tôi cũng theo thói quen mà tìm gì để đọc trên mạng. Cảnh giác không thừa, bởi dạo này tin cướp giật hơi nhiều. Từ cướp be bé như cái điện thoại khi huyên thuyên ngoài phố, cho đến cướp tiệm vàng bất chấp nhân viên bảo vệ. Từ cướp ngây ngô như bê cả cái bình gas mà chạy cho đến cướp hung hãn như dí súng bóp cò. Có cướp thì hẳn nhiên là có chống cướp. Nhưng quanh đi quẩn lại chỉ thấy hai cách, một là người dân phải tự đề phòng, hai là tái thành lập đội chuyên diệt cướp.
          Còn vì sao tự nhiên cướp bỗng trong một thời gian ngắn sinh ra nhiều đến thế thì vẫn lờ mờ.
          Tôi vẫn còn nhớ, vào thời điểm lần đầu biết ngọn su su luộc (chao ôi, cái thời hoàng kim ở Tam Đảo!), một núi những ngọn lá xanh mươn mướt ngập mặt giá năm ngàn. Đầu năm nay, trong các bữa cơm văn phòng, đĩa su su luộc ấy giá bảy ngàn. Và vì tôi làm biếng di chuyển, chung thuỷ với mỗi một quán ấy, nên là nhân chứng trước việc đĩa su su lần mò lén lút tăng giá lên mười ngàn rồi mười lăm ngàn… Đắt thật đấy. Tốc độ tăng giá của su su luộc không thua gì giá vàng. Chuyện rau cỏ vốn tầm thường, thế mà nay khi gọi món tôi cũng đành phải ngượng nghịu liếc qua để cân đong đo đếm. Dù sao tôi và bạn bè vẫn còn may, vì vẫn còn ngồi được trong phòng máy lạnh mà xem xét đĩa cơm văn phòng. Bởi trong lúc ấy rất nhiều người khác với thu nhập ít ỏi hoặc tuyệt nhiên không chút thu nhập, từ lâu đã thường xuyên đứng một chân mấp mé ở bờ vực. Tăng giá một ngàn họ xiêu vẹo. Giá tăng thêm hai ngàn là họ tuột chân. Giá tăng năm ngàn, họ rơi thẳng xuống vực.
          Những kẻ sắp rơi xuống vực ấy, phải làm gì để tự cứu mình?
          Anh chàng thợ sắt tôi thuê làm hàng rào nhận xét: người Sài Gòn thích ngăn trộm bằng hàng rào cao, có kẽm gai, trong khi người Hà Nội thích làm rọ sắt. Tôi hỏi thứ nào an toàn hơn? Anh chàng bảo không biết, chỉ đi làm nhiều nên có nhận xét thế thôi. Như không thể giải thích được vì sao gọi trái mãng cầu là quả na vậy?
          Có thể ta không bao giờ biết vì sao tên gọi của rau củ quả lại linh tinh thế này thế nọ. Nhưng với đa số những điều khác, chắc chắn phải có một lý do để giải thích thấu đáo, nhất là khi chúng liên quan đến con người. Ngày trước, tôi từng say sưa đọc những truyện người thật việc thật về các chiến sĩ săn bắt cướp. Những con người dũng cảm kỳ lạ. Các anh ấy là hiện thân anh hùng của một thời kỳ. Nhưng giờ đây, sau bao nhiêu thập kỷ bình yên, lại cần vời đến các anh ấy ra tay dẹp loạn lần nữa thì đó quả là một bước thụt lùi lớn. Nó cho thấy sự bị động như cách tôi chăm chút cái hàng rào cỏn con cho riêng nhà mình, hay cục bộ như việc kỷ luật đội bóng vì đám cổ động viên bóng đá nổi loạn. Hẳn phải có những nguyên nhân ở phía sau, sâu xa hơn, mà ta phải đặt mình vào nhân vật chính mới hiểu được. Liệu có ai biết được tay cổ động viên vốn hiền lành nhã nhặn với xóm giềng, hôm ấy bất chấp vợ mắng mỏ vì tình yêu bóng đá của anh lớn gấp đôi tình yêu dành cho nàng sau năm năm chung sống, đã phải đi bộ năm cây số dưới trời nắng chỉ với một chai nước suối thật vì được lấy từ giếng nhà, rồi ngồi phơi mình trong lòng chảo chờ xem một trận đấu vừa nhạt vừa đầy lỗi. Thử hỏi anh ta có phát điên không? Có thể lắm chứ. Ấy thế nhưng sao ta vẫn thích xử lý mọi việc theo kiểu thích ăn ngọn su su luộc.
          Đã đành món ngọn su su luộc ấy mềm, dễ nhai dễ nuốt hơn bất cứ thứ gì đang bày ra trên bàn, khi ta không buồn há miệng ngáp. Nhưng cũng như khổ qua - mướp đắng, xong một bữa ăn vẫn đói meo, khiến vừa tiếc thời gian vừa nghi ngờ tính chi chút năm-xu-đổi-lấy-một-hào của mình, vì đã biết thứ ấy có bổ béo gì chưa mà cứ cắm đầu gọi.
                                                                                      P.T.H

1 nhận xét:

  1. đ/c Phan Triều Hải ơi, câu năm xu đổi lấy một hào hình như chính xác phải là năm xu còn hơn môt hào. Nó xuất phát từ một câu chuyện tiếu lâm: Có đôi vợ chồng, người chồng sinh lý không khỏe lắm nên người vợ rất quan tâm đến việc chăm lo, bồi bổ cho chống. Một hôm , cô ta nghe hàng xóm khuyên là đàn ông phải có tí tửu thì cái chuyện đấy mới "ngon". Cô vợ vội đi mua 5 xu rượu về cho chồng. Ăn cơm có tí tửu quả nhiên hôm ấy ông chồng yêu vợ có hăng hơn mọi khi. Cô vợ hí hửng nghĩ,kế của hàng xóm hay thật. Tuy nhiên, có voi lại đòi Hai Bà Trưng, cô vợ muốn chuyện chăn gối mĩ mãn hơn nữa nên hôm sau mua cho chồng hẳn 1 hào rượu. Ai ngờ , uống hết một hào rượu anh chồng "văn xỉu", lăn ra ngủ như chết. Cô vợ chép miệng, chẳng cái dại nào bằng cái dại nào, hóa ra năm xu còn hơn một hào!

    Trả lờiXóa