Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2011

"BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ" -

Trương Hán Siêu và cái làng nghèo xơ
nghèo xác của mình (*)

TRẦN ĐỨC TIẾN


          TRƯƠNG HÁN SIÊU sinh ngày 25 tháng Mười một, năm Giáp Tuất (1274), quê làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là thành phố Ninh Bình). Thời trẻ là môn khách của Trần Quốc Tuấn, từng 2 lần tham giá kháng chiến chống giặc Nguyên (lần 2 và 3). Năm 1308 được vua Trần Anh Tông bổ làm Hàn lâm viện học sĩ. Đời Trần Minh Tông giữ chức Hành khiển. Đời Trần Hiến Tông giữ chức Môn hạ hữu ty lang trung. Năm 1341 cùng quan nhập nội hành khiển Nguyễn Trung Ngạn biên soạn 2 bộ sách Hình luật thưHoàng triều đại điển làm cơ sở cho việc trị nước.
          Ông cũng từng có lần bị giáng chức xuống làm Tả ty lang trung, kiêm Kinh lược sứ Lạng Giang. Rồi lại được thăng Tả gián nghị đại phu, tiếp là Tham chi chính sự.
          Thời gian bị giáng chức, TRƯƠNG HÁN SIÊU đã về tá túc ở làng mình: làng Cao Đà, thuộc phủ Nam Sang, tỉnh Hà Nam (nay là làng Cao Đà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), và ở ngay trong xóm mình (tên chữ ngày trước là Quý Du, nay là xóm 2). Thấy làng xóm tiêu điều, nhà cửa đổ nát, người dân đói khổ, Trương Hán Siêu đã cấp tiền cho dân sửa sang nhà cửa, mua sắm trâu bò, cày bừa để sản xuất. Đặc biệt, ông đã thuê những kíp thợ mộc giỏi ở các nơi về truyền nghề mộc cho dân bản địa. Nghề mộc ở đây phát triển không ngờ. Đình chùa, miếu mạo, cung điện… các nơi đều in dấu bàn tay tài hoa của thợ mộc Cao Đà: Phủ Thiên Trường, cố đô Hoa Lư, phố cổ Thăng Long, chùa Keo Thái Bình, cung đình Huế… Trương Hán Siêu nghiễm nhiên trở thành "công dân" của làng Cao Đà. Khi ông mất, dân Cao Đà đã lập đền thờ ông, và tôn ông là Tổ nghề mộc.
          Hồi nhỏ ở làng, mình vẫn ra nô đùa ở sân Mộc Từ - chính là ngôi đền nói trên. Mộc Từ ở gần chùa và đình làng. Hoa móng rồng, hoa lan tiêu chín thơm sực nức. Hoa mộc thơm dịu dàng sau cơn mưa đêm. Hai cây si trùm bóng rợp xuống cầu ao chùa. Rễ si dài có thể bện làm võng, đu đưa từ bên này sang bên kia… Nhưng đến khi mình lớn lên, rời làng đi xa thì Mộc Từ bị phá. Bác mình, bố mình và những người thợ mộc khét tiếng khác là lứa thợ “bàn tay vàng” cuối cùng của làng. Nghề mộc thất truyền. Làng mình lại nghèo xơ nghèo xác.
          TRƯƠNG HÁN SIÊU mất năm 1345. Nhưng “Bạch Đằng Giang phú” bất hủ của ông vẫn còn. Làng Cao Đà vẫn còn. Miếu Quý Du vẫn còn. Vẫn còn ở đình làng bức đại tự “Vạn cổ sư” với đôi câu đối tưởng nhớ công lao to lớn của ông:
          Hưng nhân công nghệ Trần triều thuỷ
          Vị xã bình an đế đức thâm
          (Tạm dịch: Tạo dựng nghề nghiệp cho dân từ thời nhà Trần. Làng xã bình yên nhờ âm đức của vua).
          Mồng 3 tết năm nay rỗi rãi, nhớ quê, giở sách cũ ra đọc, không vui không buồn, không hoài cổ tê dại, không nỗi niềm thế sự ngổn ngang, chỉ giật mình thấy mấy trăm năm vèo trong một chớp mắt.
          Đưa lại “Bạch Đằng Giang phú” lên đây, thay cho chắp tay nghiêng mình kính cẩn trước anh linh người cùng làng kiệt hiệt.

                                                        Mồng 3 Tết Tân Mão, 2011
                                                                    T.Đ.T

______________________________________________
(*): Bài có sử dụng tư liệu trong cuốn “Nhân vật lịch sử - văn hoá Hà Nam” của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2000).


BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ
(Bản dịch của Nguyễn Hữu Tiến và Bùi Văn Nguyên)

Khách có kẻ:
Giương buồm giong gió chơi vơi
Lướt bể chơi trăng mải miết
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương
Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt
Cửu Giang, Ngũ Hồ
Tam Ngô, Bách Việt
Nơi có người đi
Ðâu mà chẳng biết
Ðầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều
Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết.
Bèn giữa dòng chừ buông chèo
Học Tử Trường chừ thú tiêu diêu
Qua cửa Ðại Than
Ngược bến Ðông Triều
Ðến sông Bạch Đằng
Rong chơi mái chèo
Bát ngát sóng kình muôn dặm
Bập bềnh đuôi trĩ liền nhau
Nước trời: một sắc
Phong cảnh: ba thu
Ngàn lau xào xạc
Bến lách đìu hiu
Sông chìm giáo gãy
Gò đầy xương khô
Buồn vì cảnh thảm
Ðứng lặng giờ lâu
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá?
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu!
Bên sông bô lão
Hỏi ta sở cầu
Có kẻ gậy lê chống trước
Có người thuyền nhẹ bơi sau
Vái ta mà thưa rằng:
Ðây là chiến địa buổi Trùng Hưng Nhị Thánh bắt Ô Mã
Cũng là bãi đất xưa Ngô Chúa phá Hoằng Thao
”.
Ðương khi ấy:
Thuyền bè muôn đội
Tinh kỳ phấp phới
Tì hổ ba quân
Giáo gươm sáng chói
Trận đánh thư hùng chửa phân
Chiến lũy Bắc Nam chống đối
Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ
Bầu trời đất chừ sắp đổi
Kìa! Tất Liệt thế cường
Lưu Cung chước dối
Những tưởng gieo roi một lần
Quét sạch Nam bang bốn cõi
Thế nhưng:
Trời cũng chiều người
Hung đồ hết lối
Khác nào như khi xưa:
Trận Xích Bích, quân Tào Tháo tan tác tro bay
Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết rụi
Ðến nay nước sông tuy chảy hoài
Mà nhục quân thù khôn rửa nổi
Tái tạo công lao
Nghìn thu ca ngợi
Tuy nhiên:
Từ có vũ trụ
Ðã có giang san
Qủa là trời đất cho nơi hiểm trở
Cũng nhờ nhân tài giữ được điện an
Hội nào bằng Hội Mạnh Tân, có vương sư họ Lã
Trận nào bằng trận Duy Thủy, có quốc sĩ họ Hàn
Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng
Bởi Ðại vương coi thế giặc nhàn
Tiếng thơm đồn mãi
Bia miệng không mòn
Khách chơi sông chừ ủ mặt
Người hoài cổ chừ lệ chan
Rồi vừa đi vừa ca rằng:
Sông Ðằng một dải dài ghê
Luồng to sóng lớn tuôn về bể Ðông
Những phường bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh
”.
Khách cũng nối tiếp mà ca rằng:
Anh minh hai vị thánh quân
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh
Giặc tan, muôn thuở thanh bình
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao
”.

1 nhận xét:

  1. Ghi sai hết vậy bạn. Trương Hán Siêu đâu phải quê ở Hà Nam, ông cũng đâu nất năm 1345 đâu (mà là 1354)

    Trả lờiXóa