Hồi nhỏ tôi ở Hàng Buồm, trong khu phố bây giờ được định danh là "cổ". Những ngôi nhà ống chật chội chen chúc người tứ xứ, đa phần dân nghèo, nghĩ ngợi rất đơn giản. Vào sâu hun hút là nhà bếp, hố xí bẩn thỉu, hàng xóm chán nhau mà gặp mặt không chào lại trách móc. Tôi đã không thể yêu "cái tổ" của mình, mặc dù nó có cấu trúc tương đối gọi là "di sản" bây giờ: nhà ống nhiều ngăn chen sân giời, những khoang gác có ô trống để kéo hàng từ tầng dưới. Chỗ ở của một gia tộc tam tứ đại đồng đường, đem nhét nhiều gia đình ở tỉnh về thật bất tiện.
Nhưng sang nhà cô tôi ở Hàng Đường lại là một không gian khác hẳn. Cô tôi ở một mình, kĩ tính, bướng bỉnh đến gan góc, thế nào mà giữ được cả số nhà nguyên vẹn trong cơn bão tố cải tạo. Mảnh sân không rộng, vì vẫn là nhà ống, nhưng sâu, đặt đầy chậu cảnh. Cầu thang chẽ ra, dẫn lên những căn phòng lát gỗ lim lâu ngày nở lồi lên. Thiêng liêng nhất là gian thờ lúc nào cũng khép kín. Mở ra, mùi nhang đen, hoa huệ và bưởi đột nhập vào mũi gây cảm giác rất lạ. Ngày kị cô tôi nấu những món đặc phong kiến tinh xảo không thể tưởng. Ây là nghe bình phán lại, chứ ngày bé tôi chỉ thấy sướng mê mẩn được lên ăn, phễnh bụng rồi còn muốn nhồi tiếp.
Kí ức của tôi về sự cổ kính đã qua đường mũi và dạ dầy như thế. Sau này, trong sách vở, nhất là qua tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh, tôi mới biết phường Hà Khẩu từng có một không gian sông hồ cơ man lãng mạn. Một thời dài, phần thị của Thăng Long chỉ gồm những lối đi hai bên có nhà tranh tre , một ngọn lửa có thể thiêu trụi dãy phố và đền tạ vương hầu , ngay cả phủ chúa. Bao nhiêu lần đổi chủ , lúc có , lúc không phi chiến địa , kiến trúc bền vững trong khu phố ấy giờ sót lại chỉ còn cổng Ô Quan Chưởng . Chếch lên mé Đông Bắc có Thành Cổ , điện Kính Thiên .
Rồi người Pháp đến , xây phía Nam đường Tràng Thi một loạt công sở , biệt thự , đồn binh . Khu Ba sáu phố phường hình thành với những kiến trúc phong kiến chuyển tiếp sang thực dân , tuy có đặc trưng khá rõ nhưng gọi là “cổ” rất không chính xác . Riêng quận Hoàn Kiếm bé tí xíu có hơn trăm di tích . Nhưng so sánh với những ảnh tư liệu do người Pháp giữ , thấy không thể tưởng tượng ra “dấu xưa xe ngựa” , “nền cũ lâu đài” , nghĩa là yếu tố kế thừa không còn bao nhiêu .
Lúc trưởng thành tôi không còn ở Hàng Buồm , chỗ mới vẫn trong khu Ba sáu phố phường. Ấn tượng sau chiến tranh về khu phố mình thường bắt đầu từ những buổi sáng . Tinh mơ, người hàng xóm lạch cạch chẻ củi , đánh thức giấc ngủ còn đương non . Đến khi khói nhóm lò bay khắp phố , vào từng căn buồng thì không thể nằm nướng mơ màng nữa . Ngột ngạt , khó chịu , nhưng kêu ca rất khó , vì đấy là miếng ăn trưa , ăn tối cho con họ . Hòa bình đã về nhưng sinh hoạt vẫn đắt đỏ . Thời thịnh trị của những chị mậu dịch mặt vác lên chưa hết , cầm tem phiếu đi mua thực phẩm còn phải khúm núm để có miếng ngon . Ngày ấy , người đàn ông khen cô bán gạo có bàn tay đẹp đã đem về nhà túi được túi tấm trắng vợ khen phải biết . Một phóng viên Pháp ghi nhận “cái nghèo và chiến tranh giữ lại cho Hà Nội hình thái cổ kính”...
Sau năm 1975 , kiến trúc bắt đầu biến đổi . Cuộc cách mạng khu phụ , có người gọi là “nền văn minh toa lét” từ Sài Gòn tràn ra . Những nhà vừa có vừa được ở biệt lập đã xây bếp , phòng vệ sinh mấy lạng vàng một mét vuông , gía trị cao hơn hẳn chỗ ngủ , tiếp khách . Tiện nghi biến đổi con người . Ngồi xí bệt “tư cách” khác hẳn xí xổm họ hàng với “quận công” , “cầu tõm” ở quê . Có máy tính , tivi , thanh niên nhuộm tóc , hát theo MTV . Nhưng còn ối gia đình cũng khá giả mà còn phải chung đụng thì không thể , vì nhà trên là tư nhân ,nhà dưới lại nhà nước quản lí . Trong bữa ăn họ còn phải chịu đựng ông hàng xóm sột soạt vo nửa tờ báo đi qua để vào khu phụ dùng chung , cả hai bên đều thấy chướng .
Kịp đến thời đổi mới , mọi người , mọi nhà nhất tề bung ra làm ăn ,sự khấm khá lan tỏa , kiến trúc vùn vụt đổi dạng . Nhiều người mua lại được cả số nhà , rất nhiều người mua lại được một phần để xây cất lại cho riêng biệt . Phổ biến hơn là những cuộc hoán chuyển . Trong một số nhà , các hộ tìm cách chia cắt khu phụ dùng chung , đổi chỗ cho nhau cốt có không gian biệt lập . Rồi thì cửa đóng then cài , ai ăn gì hay không ăn gì , mặc gì hay không mặc gì đã thoải mái , khỏi so bì giữ ý . Cuộc chia cắt , cơi nới đem lại sắc thái độc lập hơn cho mỗi “tế bào xã hội”, tất nhiên phải có tiền lo lót phường quận , những nhân viên quy tắc, thanh tra xây dựng. Nhưng tiền vẫn đẻ lãi , mà nhu cầu có không gian riêng cho mỗi cá nhân đã xuất hiện . Nên chi chỉ trong quãng hai chục năm cuối thế kỉ XX , nhiều gia đình đã có đến hai cuộc “cách mạng nhà cửa” , lần đầu để quây khu , tránh chung đụng ,lần sau thỏa mãn những ý thích về tiện nghi , nhu cầu cho mỗi thành viên . Kết cấu mỗi số nhà thường có lối đi chung rộng 80-90 phân , đủ chỗ cho xe máy vào , và phải ngồi lên xe đi mới tiện . Những ô cửa trổ từ ngõ chung vào mỗi nhà , có đường thoải lên cho xe máy . Bây giờ thì nhiều ông bố bà mẹ muốn vào phòng con phải gõ cửa , khiến thân thuộc ở quê ra thấy xa cách , rằng “ vẽ , sao mà phú quý sinh lễ nghĩa” . Mặc lòng, các nhu cầu thị dân phải được thỏa mãn . Những cậu trai mới lớn thích mặc “xịp” lên giường , “ép phôn” gắn vào tai nghe Bít - tơn không hề muốn ngủ chung với anh em , dù rất ít anh em , càng không thích bố mẹ soi . Mỗi người có âm nhạc , kênh truyền hình , thú khám phá riêng . Riêng quá , đến nỗi một ông chủ gia đình khi xây lại nhà đã yêu cầu thiết kế hành lang , chiếu nghỉ rộng ra , làm chỗ sinh hoạt chung , kẻo con cái nghĩ gì chẳng biết đường theo dõi . Hình như là “sự cô đơn bản thể” đã bắt đầu mon men ...
Phải công nhận là khu phố cũ có nhiều gia đình trung lưu . Tuy chỗ ở bé xíu , mà con họ béo phì , đeo kính , học đàn orgue , có vài gia sư kèm riêng Anh văn , toán lí . Thích truyện tranh , xem băng đĩa hình , TV , chơi games hơn truyện chữ , chúng chẳng tỏ con ễnh ương khác con ếch . Nhiều “cô” , “cậu” đi học Việt - Đức , là trường phổ thông trung học theo tuyến - bằng xe máy Spacy , có lúc chỗ gửi kêu váng cả chục điện thoại di động để trong cốp .
Nhưng giàu có đến mấy thì sự sang trọng , bắc bậc cũng chỉ có chừng mực , bởi diện tích nhà chỉ có thể tăng theo chiều cao chứ không nong rộng đi đâu được . Những hộp diêm đứng , có người gọi là “ nhà công ten nơ” - ngó xuống đường đã thấy hun hút , ban công “bụng chửa bẩy tháng” phì phò máy điều hòa . Vườn leo lên sân thượng - nơi thường có bàn thờ thiên , đôi khi to cỡ cái miếu ,ông chủ đứng tưới cây bên trên những ầm ầm huyên náo . Dưới đường , tiếng ồn , bụi bậm và sự lộn xộn làm chúa tể , tuy tiếng ồn Hà Nội còn phải gọi tiếng ồn Sài Gòn là “cụ”. Những gốc bàng , bằng lăng bị quây gạch bít gốc để chỗ đặt bếp than tổ ong , hộp thuốc , ấm nước. Đa Cu Quyền Hàng Bông , đa Thanh Lương Ngõ Gạch chẳng có đất cắm râu . “Nhà mặt phố bố làm to” . Bởi phần vỉa hè trước mặt nhà nào đã thành sở hữu bất thành văn của nhà ấy nên nơi ngõ chung trổ ra thành chỗ kiếm ăn của các hộ bên trong .Len lách qua những bàn nước , gánh phở , mẹt bún phải “tay lái lụa” lắm . Sự cộng sinh tạo ra những quan hệ ngọt ngào hay xô bát đổ đĩa , nhưng cuối cùng người ta cũng phải thu xếp bằng được. Trên vỉa hè , chẳng cần say rượu hay ngổ ngáo gì , không “đánh võng” đố đi bộ nổi . Nên chi bà đầm điện ảnh Pháp C , Deneuve dòm phố cổ trên xích lô có nhận xét ngồ ngộ: “Hà Nội hoang dã , ô tô đi sau bộ hành”.
Chật ninh ních , ngày càng đông , mà phố cũ níu giữ người ta , cả người thừa tiền tậu đất xây nhà ra ven ngoại thoáng đãng . Ngoài phần là trung tâm , ở đây có trường học tốt , lắm chợ búa , quà bánh vừa ngon vừa rẻ . Cuối những năm tám mươi, khi sự làm ăn bung ra , nhiều chị nhiều cô ra bán hàng rất thanh tú , gọn ghẽ . Nhưng cốm đầu nia , nhãn đầu mùa sẵn quá , sẵn cân nhà thì đố đứa nào bán điêu nổi , thế nên chỉ vài năm mợ nào mợ nấy đã ra “eo bánh mì” cả .
Dù nhà quản lí đã có chính sách hạn chế xây cao , xây to để giữ gìn bộ mặt cổ kính , sức sống nội tại trẻ trung vẫn tràn ra , làm bật từng mối chỉ của manh áo quá cũ . Người viết bài này có lần dẫn một đoàn sinh viên thành phố Hồ Chí Minh đi thăm “ phố cổ” . Dọc Hàng Đường , Hàng Ngang , chốc chốc lại có em hỏi “phố cổ đâu chú”? . Không có không gian cổ thì lấy đâu cảm giác cổ , dù chả đâu trong cả nước - ngay cả Hội An hay Huế - dày di tích bằng khu vực này . Chùa Cầu Đông , Thái Cam , đền Bạch Mã , và ngôi đình Tơ Lụa mới toanh ở 38 Hàng Đào nằm quá lạc lõng . Nên chi , đành dắt các cháu vào các ngõ . Tạm Thương , Phất Lộc , Thanh Hà dù nhem nhếch nhưng còn rung rúc cũ một chút .
■
Kiến trúc đã vậy . Còn dân cư thì sao ?
Giống như mọi đô thị , Kẻ Chợ chẳng bao giờ bảo vệ được cho mình một cấu trúc bất biến . Cứ hai trăm năm một cuộc xâm lăng , gần gần chừng nấy một vương triều , bao nhiêu nước chảy qua cầu mà kể . Mỗi khi người trị vì trong thành thay đổi, cư dân ngoài thị lại xáo trộn theo . Quan binh các nơi kéo về cùng gia quyến mang theo nếp ăn ở quê nhà , thì sinh hoạt , lối sống , và trên hết , tinh thần của đô thị thật khó xác định . Thế nhưng dù sao ông giải nguyên Nguyễn Công Trứ gốc Hà Tĩnh cũng đã có câu “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” . Thanh lịch , chắc là trên nhiều phương diện , người ta thể hiện nét văn hóa trong ngôn ngữ , giao tiếp , ăn mặc , dáng đi , nụ cười , điệu hát ... Đó chắc chỉ là bên ngoài , và cũng chắc rằng đó phải là kết quả của một thời kì Kẻ Chợ được ổn định lâu dài . Chiến tranh và mọi sự xáo trộn làm đứt các tiến trình văn hóa , giáo dục . Không bị binh lửa với những thói quen thời chiến ảnh hưởng , đã phân hóa thành giầu nghèo , chí ít cũng có một lớp người không phải lo cấy cầy quá , để mà bận tâm nhiều đến cách châm chè , pha rượu , sửa câu hát , lời văn ... , đô thị mới có được nếp thanh lịch ấy . Nho giáo và nho sĩ đóng vai trò quan trọng . Dù ở Thanh Nghệ ra , Kinh Bắc , Sơn Nam về ,họ đều đã được tuyển chọn , là tinh tuý ở quê . Họ tập nhiễm lề thói kẻ chợ , đồng thời làm chúng giầu lên bằng bản sắc của mình . Quá trình thành thị hóa nông thôn và nông thôn hóa thành thị cứ tồn tại song song tạo nên bản sắc Tràng An . Càng ít chiến tranh , nhiều phân hóa ,sự chuyên biệt ở mọi giai tầng càng rõ, thì sự khác nhau giữa “ nhà quê” và “ nhà tỉnh” càng lớn .
Trong ba phần tư thời gian đầu thế kỉ XX , xã hội Việt Nam trải qua những vận động cực lớn: Nho tàn , Tây học , canh tân , cách mạng ... Bảy tám mươi năm trước , trong tôn ti phong kiến bán thực dân , khu phố có người giầu kẻ nghèo . Công chức , trí thức và người lao động chân tay có thân phận rạch ròi ; bác sĩ đã được gọi “quan đốc” . Hàng Đào có những hiệu buôn lớn của người Ân . Người Việt có nhà Tam Kì , Lê Đào . Cụ Vĩnh Hòa ở Hàng Đường buôn chè sen tuyết nuôi mấy ông con phương trưởng được triều đình phong Tứ phẩm cung nhân . Sự phân hóa xã hội cùng một vài tiến trình văn hóa , kinh tế tạm ngưng lại sau cách mạng ,trong các cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập , giành thống nhất đất nước . Cuối thế kỉ , sau giai đoạn nhùng nhằng chọn đường là công cuộc đổi mới . Dầu sao sự ổn định mới chỉ bắt đầu , vì thế kỉ quá nhiều biến động .
Như kiến trúc , cư dân phố cũ đảo lộn tận gốc rễ . Đảo lộn lớn nhất là người dồn về quá nhiều . Không thể nói đến các tập tính lâu đời của “dân gốc” sau những biến động như cải tạo nhà cửa , sự xếp hạng lí lịch ... Nhiều định kiến , chính sách làm họ co lại . Có xu hướng yếm thế , nghi ngờ , thậm chí sợ hãi mọi thứ , họ hay chọn các ngành chuyên môn ,kĩ thuật , nghệ thuật . Tránh xa những vị trí phải đương đầu , chịu sức ép , cũng là đồng nghĩa với sự không có quyền lực . Tinh tế , có óc hài hước , họ cũng dễ tổn thương ; tóm lại là bản năng sinh tồn yếu ớt . Sinh ra , lớn lên trong sự ổn định , họ không được chuẩn bị cho sự tranh đấu còn dài dài trong cuộc đời rất dài . Hay thu mình lại , không có máu đồng hương hay làm thủ lĩnh , rốt cuộc là họ phải chịu lép trước những tập người Thanh Hóa khôn ngoan , Nghệ Tĩnh vừa mạnh mẽ vừa cục bộ . Có thể nói là trong cuộc tranh đấu toàn diện về vị trí công tác, không gian cư trú , thậm chí không gian văn hóa , ngôn ngữ , với bản tính “cô” , “cậu” , thua kém về óc tổ chức , tính kỉ luật , họ là kẻ thua - dù chả ai tuyên bố , và sẽ chả bao giờ có “cuộc tuyên bố” đó . Thế nên giờ đây gần như là không thể xác định được một tính cách Hà Nội . Để rồi , con cái những gia đình cũ và thế hệ thứ hai trong các “nhà mới đến” lại hòa đồng nhau , kết hôn phổ biến . Những nét đặc thù đại thể không còn bao nhiêu , tuy chất tiểu thị dân khá rõ .
Do chỗ là cái “chợ lớn” , Hà Nội không có những họ danh giá như Nguyễn Khoa trong Huế , hay là “họ Hồ Nghệ An , họ Phan Hà Tĩnh” , mà chỉ có những làng khoa bảng . Tuy thế , sinh hoạt họ tộc vẫn còn . Ngay thời kì xóa tàn tích phong kiến, họ Nguyễn vẫn có người đi nối phả , sinh hoạt họ , tôn cụ Nguyễn Bặc làm tổ .
Sau năm 1954 , không ít người hữu sản chạy vào Nam ,sau này có thể lại sang Pháp hoặc Mỹ ,đem theo một tầng tri thức và văn hóa nhất định . Thành phố ở lại ,hệ thống hạ tầng để phục vụ vài chục vạn người nay cáng đáng lượng người đông gấp bội , sinh trưởng lại mau . Những gia đình lâu đời hoặc bị cải tạo tư sản , trưng tập nhà cửa ,hoặc phải phân chia chỗ ở cho đàn con cháu , tứ tán ra nhiều nơi cư trú . Thế vào là “thị dân mới” . Hàng Đào ,Hàng Ngang , Hàng Buồm , Hàng Bồ ít người cũ , trong khi Hàng Bạc, Hàng Trống , Lãn Ông còn kha khá nhiều . Những ngôi nhà bị bán , chủ cũ đem đồ thờ lên đình , đền gửi Thánh . Gia phong thay đổi khi cách dạy con thưa gửi , “không dám” với “xin phép ra về ạ” bị coi là phong kiến , tiểu tư sản . Giáo dục khuôn phép đã kém phù hợp , thay vào là “tác phong quần chúng” kiểu xuề xòa . Quan trọng hơn là nhiều khi đặc tính “chín bỏ làm mười” bước sang ngự trị trong cả công việc , tư duy khoa học . Như “giai tầng thứ ba” sau cách mạng Pháp , người bình dân hừng hực bản năng sinh tồn vươn lên nắm giữ những cửa hiệu , vị thế quan trọng trong bộ máy mới . Thời kinh tế eo hẹp , lấy vợ lương thực , thương nghiệp thành mốt trong công chức . Sự lãng mạn , cả tinh nơi các “cô” , “cậu” , con các ông thông ông kí xưa mất dần . Quả là sự thanh lịch có ít đi : xếp hàng chen ngang , hàng xóm sửa nhà trổ cửa , để nước chảy sang nhau . Thời chống tàn dư phong kiến , mê tín dị đoan , các bà đi lễ khó vì đình đền bị xâm nhập , đồ thờ hóa bỏ hoặc không ai bảo vệ . Khi thần phật không còn , người ta ít biết sợ . Rất nhiều cuộc vận động xây dựng nếp sống mới được tổ chức trong khi quan niệm Nho giáo trong tổ chức gia đình , xã hội bị coi thường . Nhưng dầu sao thì một vài “tàn dư” cũ vẫn tồn tại : những bà già Hàng Bạc sang trọng một cách kín đáo . Con cháu những ông lang ở Lãn Ông giàu nứt đố mà không chơi bời lối giàu xổi , khá dị ứng với loại nhạc thiên về tiết tấu .
Rồi "thời thị trường" ập về . Cuộc sống biến đổi vùn vụt . Truyền thống được đánh giá cao hơn , thi thoảng cả những "di sản phong kiến" , nhưng quay lại không thể như xưa , hoặc bị chắp vá . Do phân công tự nhiên , nhiều phố hàng xáo trộn . Thuốc Bắc chuyển sang bán đinh , Hàng Cân , Hàng Cá bán quần áo . Hàng Buồm chuyên rượu , bánh kẹo , vẫn còn lạp xường , thịt quay nhưng "rốn ông Tầu " đã hết . Người Ninh Hiệp bên Gia Lâm có nghề da sang chiếm cứ Hà Trung đã lâu , nay buôn thuốc bắc , mua lắm nhà Lãn Ông . Chợ Đồng Xuân gần như chỉ còn bán buôn . Hàng Bè thành "chợ xịn " với các bà còn chưa quen ra siêu thị , vì thịt cá rau quả vừa nhiều vừa ngon . Dù thuế cao và không ngừng tăng , nghề buôn vẫn phát đạt. Lạ , là chẳng nơi nào đất đắt như đây , mỗi mét vuông hàng chục lạng vàng , mà vẫn có người tậu nguyên số nhà . Lạ nữa là họ lại từ tỉnh ngoài về . Có lời giải thích: tỉnh ngoài , nhất là tỉnh xa , công chức - tất nhiên chỉ cỡ cao cấp - kiếm ăn qua các dự án dễ vô kể . "Lấy thằng miền xuôi nuôi thằng miền ngược" mà.
■
Bây giờ thì kí ức về phố cũ ra sao? Thật khó mà kể ra. Đã tít mù tắp không gian sông hồ, mặt người chìm trong sương giăng. Khói bếp dóm than tổ ong cũng dạt nhiều ra ven ngoại. Có lẽ nên chuyển "ấn tượng" qua cái ti vi. Sáng sáng, vừa trỗi dậy, người ta với tay tìm ngay cục điều khiển. Sau một ngày làm lụng không thấy mặt nhau, tối đến, cả nhà quây quần quanh cái hộp có hình có tiếng, không ai nói chuyện với ai. Nghĩ ngợi, xúc cảm gì do TV quy định. Một nhịp sống, sự hưởng thụ có thể gọi là đơn giản. Hiện đại là như thế?...
Và phố cũ ngày một mới hơn, bất chấp những hội thảo về phố cổ và văn bản định danh "cổ". Khu phụ dùng chung trong các số nhà "đa hệ" đã "tư nhân hoá" gần hết; một quá trình béo bở cho cấp phường. Mọi sự thay đổi theo hướng tiện nghi, dễ khai thác hơn, tiêu biểu nhất có lẽ là phố Hàng Giầy. Cái nhà vệ sinh công cộng sừng sững bao nhiêu năm giờ phải nhường chỗ cho khách sạn Phan Thái và trung tâm Hướng dẫn du lịch. Tấp nập một đoạn phố con là những cà phê internet, chi chít biển hiệu Prince, Classic. Có cái hồn gì đấy trong khung cảnh không quá sang trọng, không quá nhem nhếch này, rất quyến rũ dân du lịch. Trên vỉa hè hẹp, cạnh dòng cống "róc rách", gái Bắc Âu tóc trắng ngồi tu Heineken chai. Những quán bar ốp gỗ, thắp đèn dây tóc tạo không gian "hơi bị cũ kĩ", vừa ngồ ngộ vừa gần gũi, để mà có thể chiêm nghiệm, khám phá "cái gì đấy". Sáng ra, những gánh rau quả, xe đạp chở hoa sặc sỡ đi qua hàng chí mà phù có con ngựa đá thật bắt mắt. Về giá ăn ở, dù đã là "giá tây", chắc chẳng có nơi nào trên thế giới rẻ bằng. Mà đã thế, du lịch bụi còn mò ra phở xào Ngõ Gạch tám nghìn, "giá ta". Một anh Bỉ nhờ học trước tiếng Việt được chủ khách sạn đầu Hàng Gà giảm giá phòng từ một trăm xuống còn tám chục nghìn một ngày. Ngoài ra là những giầy dép Hàng Dầu, sơ mi Hàng Đào, đĩa CD tầu ..., có lẽ "rẻ nhất thế giới ".
Với những hương vị không giống Sài Gòn hiện đại, rất khác Huế, Hội An - có không gian cổ riêng để bảo tồn, khu Hà Nội Ba sáu phố phường mang lại cho khách nước ngoài những ấn tượng riêng. Nhưng nó đâu có giống những Arbat của Matxcơva, Ile de la Cité của Paris , mà là khu thương nghiệp phừng phừng sức sống. Sự bán buôn chẳng bao giờ già nua. Cái câu "nhất cận thị nhị cận giang" chả hề đúng với những bảo tàng, di tích, kiến trúc tôn giáo. Những cụ hưu, đám Việt kiều hồi cố và du khách hiếu kì đâu có mang lại động lực sống cho khu phố. Không làm ăn, xông ra mặt phố, không khiến đồng tiền đẻ lãi thì lấy gì đóng thuế - nguồn thu chính cho Nhà nước. Dám chắc là trên một diện tích tương đương, chẳng khu vực nào ở Hà Nội đều đặn góp vào ngân sách thành phố một lượng tiền tương đương. Cho nên không thể bắt chước nước người biến phố cũ thành khu bảo tàng, gái già kể chuyện ngày xưa. Nói thô tục, "cô gái" ấy mà bị áp đặt vào những dự án kiểu phố đi bộ thể nào cũng "thủ dâm". Cái áo cũ bận ngoài cơ thể trẻ trung chỉ nên giữ lại những đường nét, chi tiết "cổ" thôi. Các vật liệu nhôm kính, dáng nhà quá cứng cáp, và loại "hộp diêm đứng" chênh vênh cần bị hạn chế. Rồi phải có những điểm độc đáo cho người ta thăm thú. Chẳng may là trụ sở trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở 10 Hàng Đào - một biểu tượng của khát vọng canh tân - chưa phải địa chỉ được lựa chọn, trong khi phố ẩm thực Tống Duy Tân được chăm sóc đến nơi lại nhiều nỗi "rất đáng tiếc". Hồ Gươm - gạch nối giữa khu phố Tây và khu phố cũ, nếu không đập bỏ được những kiến trúc quá nghiêm khắc thì xin đừng cho xây thêm công trình đồ sộ nào bên cạnh nữa. Hà Nội Vàng, "Hàm cá mập" chẳng phải những bài học đủ ê chề rồi hay sao...
Nhưng không làm "đông cứng" phố cũ thì Hà Nội có cái gì để khoe là bản sắc (về văn hoá), là điểm du lịch (về kinh tế)? Khu vực ven ngoại và ngoại thành còn khối nét son đấy. Thành phố đã chọn những làng nghề như Bát Tràng gốm sứ, Vân Hà chạm gỗ, Ninh Hiệp buôn thập cẩm. Nếu Huế có nhà vườn thì sao Hà Nội không khai thác những làng cổ, văn vật. Phú Thượng, Mọc có bao nhiêu vị khoa bảng, còn những cổng làng gợi nhớ đến cánh cổng phố làm nên tên phố Hàng Ngang cách nay trăm năm, những cụm di tích đủ cả đình đền chùa, những dòng họ còn nhà thờ, phả hệ, giữ nguyên ngày giỗ tổ... Đi chơi chỗ đấy bây giờ có thể hình dung "ngôi làng lớn nhất nước" đã "hàng phố hoá" như thế nào...
Nhưng đấy lại là sự tìm hiểu, là du lịch văn hoá, thứ hiện nay ta chưa lí đến nhiều. Còn phố cũ thì nó sẽ "vầy vậy", vừa là di sản vừa là chỗ đồng tiền đẻ lãi từng phút từng giây.
T.C.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét