Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Về xuất xứ bức tranh NHÀ THƠ TÚ XƯƠNG

PHẠM TRỌNG THANH


    Báo Văn nghệ Công an số Xuân Tân Mão, chuyên mục Đời sống văn hoá văn nghệ trong nước, trang 19, sau bài "Về mấy câu thơ trên bia mộ cụ Tú Xương" của nhà văn Trần Đức Tiến, báo in kèm bức tranh với lời chú dẫn: "Bức tranh thường được các báo in với lời chú thích là "Nhà thơ Tú Xương" mà không ghi chú xuất xứ từ đâu? Và căn cứ vào yếu tố nào để hoạ sĩ thực hiện bức vẽ?".
Ông Trần Ngọc Hồ trước ban thờ có ảnh chụp bức tranh "Nhà thơ Tú Xương" tại số nhà 20/177, đường Hưng Yên, T.P. Nam Định (ảnh PHẠM TRỌNG THANH)
     Mang theo tờ báo Văn nghệ Công an số Xuân làm quà biếu, tôi tìm đến số nhà 20/177 đường Hưng Yên, thành phố Nam Định, nơi cháu đích tôn nhà thơ Trần Tế Xương - ông Trần Ngọc Hồ thường trú. Sau Tết các con cháu của hai ông bà, người vào thành phố Hồ Chí Minh, người ở Nam Định đã trở lại công việc thường ngày của họ. Chỉ có có hai ông bà - cháu trai, cháu dâu của nhà thơ đón khách. Ông Trần Ngọc Hồ, 85 tuổi, là con cụ Bột tức Trần Bạch Khuê - con thứ nhà thơ Tú Xương. Bà Trần Thị Sửu, vợ ông, 76 tuổi, công nhân máy Sợi nghỉ mất sức nhiều năm nay. Căn nhà hẹp sâu trong ngõ hẻm, hai người già cẩn thận kê ghế, bước lên thắp hương cho khách làm lễ. Bức tranh "Nhà thơ Tú Xương" lồng trong khung kính treo chính giữa ban thờ. Bài báo của nhà văn Trần Đức Tiến được đọc to lên trước ban thờ cụ Tú. Vẻ xúc động, cảm kích hiện lên trong ánh mắt, giọng nói người già. Lòng kính yêu nhà thơ non Côi sông Vị không chỉ riêng của người Nam Định. Cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ Tú Xương gắn bó mật thiết với Thành Nam, Nam Định những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nhiều thế hệ bạn đọc trong Nam, ngoài Bắc tìm về Nam Định, viếng mộ nhà thơ. Các cụ cao niên ở tận thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp trong hành trình xe đạp xuyên Việt, ghé thăm ngôi nhà cũ số 280 Hàng Nâu (nay là phố Minh Khai) nơi gia đình nhà thơ từng sinh sống từ năm 1900 đến năm 1950, một địa chỉ văn học thân thiết đã ghi danh trong các công trình biên khảo, trong văn học sử nước nhà.
     Ông Trần Ngọc Hồ kể rằng sinh thời nhà thơ Tú Xương không thích chụp ảnh mặc dù ông nội ông từng được mời "đề thơ" trên ảnh bạn bè:
 Cử Thăng, Huấn Mỹ, Tú Tây Hồ
 Ba bác chung nhau một cái đồ
 Mới biết trời cho sum họp mặt
 Thôi đừng chê nhỏ với cười to!
     Nhiều năm sau ngày nhà thơ qua đời, cụ Hạc Phong Lương Ngọc Tùng, một ngưòi bạn học của Tú Xương viết bài thơ "Nhớ rõ hình dung", phác hoạ chân dung nhà thơ non Côi Sông Vị:
          Cùng làng, cùng phố, học cùng trường
          Nhớ rõ hình dung cụ Tú Xương:
          Trán rộng, tai dày, da tựa tuyết,
          Mồm tươi, mũi thẳng, mắt như gương.
          Tiếng vàng sang sảng ngâm thơ phú,
          Gót ngọc khoan thai dạo phố phường.
          Mấy chục năm trời đà vắng bóng
          Nghìn năm còn rạng dấu thư hương.
       "Bài thơ chân dung" này giúp chúng ta "hình dung"  nhà thơ Tú Xương khá "điển trai": miệng tươi, mũi thẳng, mắt sáng, giọng nói hay, phong thái đàng hoàng... khác xa những nét biếm hoạ tự trào ông viết về mình, nào là "Con người phong nhã/ Ở chốn thị thành /Râu rậm như chổi/ Đầu to tầy giành" (Phú thầy đồ); nào là "Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành/ Mắt thời thao láo, mặt thời xanh" (Tự cười mình).
       Ông Trần Ngọc Hồ cho biết: bức hoạ chân dung Tú Xương gia đình ông có được là do một hoạ sĩ ở Nam Định vẽ lại theo trí nhớ, rất giống cụ Tú, gia đình chụp lại làm ảnh thờ.
      Cũng nói về xuất xứ bức tranh "Nhà thơ Tú Xương", nhà thơ Trần Lê Văn trong cuốn Tú Xương "khi cười, khi khóc, khi than thở" (NXB Lao Động, 2000), trang 85 viết: "Ông Tú, bà Tú không có ảnh để lại. Thế mà chúng tôi, những người đồng hương Vị Xuyên mỗi khi đến nhà bạn Trần Ngọc Tiến, nhạc sĩ, cháu nội nhà thơ Tú Xương (số 5 Hàng Chuối, Hà Nội) thắp hương tưởng nhớ nhà thơ, lại được chiêm ngưỡng tấm ảnh ông Tú, bà Tú đặt trên bàn thờ.Vậy tấm ảnh này ở đâu ra? Nghe chuyện, tôi được biết đó là ảnh chụp bức tranh chân dung do ông NGYM (tức Trần Quang Trân) hoạ sĩ già, vẽ theo trí tưởng tượng (phần nào dựa vào trí nhớ, vì thuở nhỏ, rất nhỏ, có thể ông NGYM đã được trông thấy ông Tú và bà Tú)... Chẳng biết do "linh ứng" thế nào mà bức chân dung vẽ theo trí tưởng tượng là chính đó lại được lại được những người có tuổi trong gia đình như bà Trần Thị Nhâm và ông Trần Ngọc Tiến... đều nhận là giống hệt ông Tú bà Tú. Bức ảnh chụp chân dung này, chúng tôi đã công bố lần đầu tiên trong báo Văn nghệ số ra ngày 15-12-1990" (Kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhà thơ Tú Xương).
     Sau khi ghi lại tấm hình có bức tranh "Nhà thơ Tú Xương", tôi cáo từ ra về. Ông Trần Ngọc Hồ nhờ tôi chuyển lời cảm ơn nhà văn Trần Đức Tiến và báo Văn nghệ Công an đã đăng bài "Về mấy câu thơ trên bia mộ cụ Tú Xương", góp phần đính chính  những chữ khắc sai trên bia mộ nhà thơ tại công viên Vị Xuyên thành phố Nam Định.       
                                                                             Nam Định tháng 2-2011
                                                                                                            P.T.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét