Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

10 NĂM INTERNET:

thập kỷ của lãng quên và không thể quên


ĐÔNG KINH


          Có một cái thói quen cũ ơi là cũ, không hiểu sao nhiều bác vẫn khoái giữ khư khư: khai bút ngày mồng Một tết. Viết lách như đi cày, như đánh vật quanh năm còn chẳng ăn ai. Đằng này, đến ngày đầu năm mặt mũi lại đờ đẫn trước computer, cố nặn ra tí cảm hứng để có cớ hy vọng cho cả năm văn hay chữ tốt. 
          Tết, thiên hạ nhốn nháo tít mù thì mình chơi, nghỉ, tận hưởng rượu ngon và thức ăn ngon. Mình chả khai bút, dù là khai… blog! Đọc được bài báo này của một người lạ hoắc, thấy hay hay, post lên cho mọi người cùng đọc.
                                                                                  T.Đ.T
                                                                              

          Tôi viết những dòng về một thập kỷ qua, khi vừa lướt qua www.baomoi.com bị đập vào mắt ngay bởi dòng tít “Những màn thả rông ngực lộ liễu nhất của sao”. Dòng tít đó để ở top mục “Văn hóa”.
          1. Không thể trách được baomoi.com, vì trang web này cập nhật tự động. Nghĩa là những cỗ “máy chủ” ở đâu đó đang làm thay cho con người trong việc cung cấp một thực đơn văn hóa cho rất nhiều người trong chúng ta thưởng thức hàng ngày. Cỗ máy đó dĩ nhiên, chọn những gì là văn hóa theo cách của nó.
          Internet và sự bùng nổ của các phương tiện giải trí khiến chúng ta trở nên thóc mách hơn bao giờ hết với những cách “buôn dưa lê” xuyên Việt và “buôn dưa lê” toàn cầu như thế này. Điều đó chẳng có gì lạ, ở khắp nơi trên thế giới, trong sự bùng nổ internet này đều như vậy. Nhưng mối nguy nhất mà Internet đem lại, không chỉ ở chỗ nó biến thế giới thành ngôi làng để chúng ta tha hồ buôn dưa lê với nhau. Mà Internet khiến cho nhiều người, đặc biệt là những công dân “net” (netcitizen) tin rằng những gì không có trên Google thì cũng không có trên trái đất. 
          Tôi lo sợ rằng, chính điều đó vô hình trung đã làm đứt lìa các thế hệ thời @ với các thập kỷ chưa có Internet trước đó và một phần khổng lồ của quá khứ cũng có nguy cơ bị lãng quên.
          2. Vì sao? Bởi vì đến năm 1994, Viện Khoa học Việt Nam và mạng VARNET kết nối Internet qua giao thức UCP để Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó trao đổi thư điện tử với thủ tướng Thụy Điển. Và đến tận ngày 19/11/1997 Việt Nam mới chính thức hòa vào mạng Internet toàn cầu.
          Phải từ năm 2000 trở đi, Internet mới trở nên phổ biến. Internet đã ôm trọn cả thập kỷ này quăng lên mạng… Chính Internet đã thúc đẩy tiếng Việt thống nhất dùng mã unicode để thuận tiện cho việc chuẩn hóa trên công cụ tìm kiếm. Và chỉ trong 1 thập kỷ, khối lượng thông tin tiếng Việt được sản xuất ra và tung lên mạng Internet có thể sánh với cả thế kỷ cộng lại. Bất cứ một chữ tiếng Việt nào gõ vào Google cũng có thể tìm thấy hàng hàng ngàn, hàng vạn trang văn bản có chứa chữ đó. Bất cứ một khái niệm, một sự vật, hiện tượng, thậm chí con người nào cũng ít nhiều tìm thấy bóng dáng trên Internet. Đó chính là lý do dẫn đến tình trạng các thế hệ tiếp thời @ sẽ nghĩ rằng, vào Internet và vào Google là hiểu được tất cả, biết được tất cả, và kiểm tra được sự tồn tại của mọi thứ trên thế giới.
          Nhưng chưa nói việc “số hóa” kho tri thức của chúng ta còn rất rời rạc, thiếu hệ thống, mà kể cả khi có nỗ lực thế nào chăng nữa, cũng không ai có thể đưa tất cả tri thức lên Internet, nhất là những gì đã xảy ra từ những thập kỷ trước, thế kỷ trước. Điều đó có nghĩa là Internet tiếng Việt không bao hàm toàn bộ những gì diễn ra trước năm 2000. Có những thứ (mà rất nhiều) đã không có mặt trên Internet, mặc dù nó đã diễn ra, hoặc đã tồn tại một cách vạm vỡ trên đất Việt Nam này.
          Mỗi ngày mở mắt ra dán mắt vào mạng, chúng ta sẽ ngày càng rời xa khối tri thức ấy của quá khứ. Điều đó nguy hiểm chẳng kém gì việc bỏ chữ Hán Nôm trong những thập niên đầu của thế kỷ trước khiến chúng ta bị đứt lìa khỏi kho tri thức của cha ông từ ngàn năm trước để lại.
          3. Năm 2009, một người bậc thầy của văn chương của tôi (từng đoạt giải B của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam) là nhà thơ Thế Mạc qua đời. Khi tôi search tên ông trên Internet thì không có một dòng nào. Điều đó có nghĩa là những thế hệ chỉ dựa vào Google sẽ không bao giờ cảm thấy sự tồn tại của cây đại thụ của xứ Đoài ấy. Và còn nhiều, rất nhiều những thứ khác nữa... Chúng đã tồn tại một cách oanh liệt trong đời nhưng không có nghĩa là nó bắt buộc phải có trên Google. Nếu chúng ta quên điều đó, và chỉ nhìn vào Google thì chúng ta sẽ đánh mất nhiều giá trị trước năm 2000.
          4. Một thập kỷ khiến chúng ta lãng quên quá khứ (nếu quá khứ đó không được quăng lên mạng), nhưng đồng thời cũng khiến ta sẽ không thể “quên” được những gì vừa xảy ra... Trong khi cuộc sống thì có rất nhiều thứ cần phải quên, như một mối tình đã qua, một lỗi lầm đã được sửa chữa. Nhưng nếu bạn là một nghệ sĩ từng thổ lộ tình yêu hay từng chụp ảnh “tay trong tay” với một ai đó và rồi tình cờ được đưa lên mạng, thì mối tình ấy của bạn rất có thể sẽ bị công khai đến tận khi bạn nhắm mắt lìa đời.
          Bạn có thể quên nhưng… Google sẽ luôn tìm thấy quá khứ ấy của bạn.
          Quá khứ và hiện tại của cuộc sống chúng ta “đồng hiện” trên Internet, nhờ các công cụ tìm kiếm. Nó không “quên” lỗi lầm của bất kỳ ai và như thế trong những thập kỷ tới, những người mắc lỗi sẽ không nhận được đầy đủ sự bao dung và tha thứ của xã hội và của chính lương tâm mình. Pháp luật còn quy định về “xóa án tích” trong lý lịch của những người đã mãn hạn tù và cải tạo tốt, song, khi bạn đưa tên một tên tội phạm và bản án dành cho hắn lên mạng, bạn có hình dung rằng văn bản ấy sẽ tồn tại lâu hơn bản án dành cho hắn ở Tòa? Có thể con cháu hắn, khi muốn tìm tên bố, tên ông mình trên Internet, chúng vẫn thấy “bản cáo trạng” như bia miệng muôn đời ở trên đó.
                                                                                      Đ.K

Nguồn: Thể thao&văn hoá - Thứ 3, 1-2-2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét