Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

BÀN TAY CẦM BÚT

PHAN TRIỀU HẢI


          Buổi chiều ra quán, đang lách tách gõ, tình cờ vướng vào một trang của The Paris Review có phỏng vấn Paul Auster. Tác giả Moon Palace nói gì cũng hay, nhưng thú vị nhất là việc ông luôn viết tay, dùng bút máy, thỉnh thoảng bằng bút chì, bởi khi viết “có thể cảm thấy chữ đi ra từ chính cơ thể mình.” Đọc đến đó chợt nhớ chuyện họp lớp gần đây.
                                                           
          Lớp đại học của tôi có mười hai đứa, tuổi chênh nhau vài ba năm không phải vì kém mà do thời cuộc khi ấy cần thi đi thi lại nhiều lần. Năm đứa con trai. Còn lại đương nhiên là con gái. Sống cùng một ký túc xá, nữ tầng một, nam tầng ba. Ngày ngày một đoàn đội nắng sang căn-tin nhận cơm, lếch thếch như một gia đình đông con không người lớn. Cái gia đình đông đúc ấy tan tác dần, khi trung bình mỗi năm một bạn rưỡi chia tay để định cư nước ngoài. Sau bốn năm học, sáu người ở lại cũng sắp xếp được đời mình, chuyện xưa cũng quên dần đi.
          Thế rồi các bạn ra đi lần lượt về thăm quê hương. Mỗi lần như thế nửa lớp còn lại tụ họp hân hoan chào đón. Lần này, đang vui cười thì bạn về thăm lấy trong túi to ra một cuốn sổ lớn đặt lên bàn. Nhìn cái bìa bọc bằng giấy báo cũ quen thuộc, mép báo gập bên trong còn in ngày tháng năm 1987, cả bọn ngồi lặng đi. Thời lãng mạn ấy, khi máy tính còn được gọi tên hai-tám-sáu, ba-tám-sáu xa xỉ, cuốn sổ đóng vai trò của những email, facebook trong cái lớp mười hai người ấy. Buổi tối những ngày chẵn, bọn con trai viết vẽ chuyện của mình vào đấy, sáng hôm sau chuyển cho các cô trang trải tâm tư những ngày lẻ. Cứ luân phiên nhau hí hoáy mà các trang viết dày lên dần. Sau hai mươi năm không cần đọc, chỉ nhìn từng trang nhật ký chung, ngắm nét bút nét vẽ lấm lem trên giấy vàng, các bà mẹ ngồi hôm đó cứ chớp chớp mắt khi năm tháng sống cùng nhau nghèo mà đẹp tưởng đã quên lại ùa về.
          Kiến thức của bốn năm học ấy không còn nguyên vẹn nên cuốn nhật ký chung ấy là thành quả duy nhất của cả lớp. Một kiệt tác chữ viết tay. Chỉ cần nhìn qua nét chữ cũng biết ai đang trải lòng. Mực tím của ai. Mực xanh của ai. Nét tròn trĩnh, nét liến láu, nét hờ hững kia là của ai. Quả thật, chữ viết tay có một thần thái khác ngoài ngữ nghĩa. Nó là tâm tính mỗi người. Chẳng có gì lạ, bởi chữ ban đầu được tay trẻ múp míp hình thành từ những nét vạch thô sơ. Nét thẳng, nét ngang, nét cong. Tiếp theo là những chữ to đùng như quả trứng, những chữ a chữ b chữ c quay lưng đi tới, những số 9 số 6 ngoằn ngoèo con nòng nọc, những chữ o gãy khúc vì phút cuối bút mới giật mình nối với điểm đầu. Cứ thế mỗi ngày chữ gọn dần, thanh dần, tay cứng cáp hơn bắt đầu tung tẩy nét đậm nét nhạt, chữ hoa chữ in. Rồi tập tành câu. Ném qua lại những dòng viết vội. Và thư đầu tiên.
          Tôi không nhớ lần sau cùng mình tự tay viết một lá thư là khi nào. Có lẽ gần mười lăm năm trước. Trong từng ấy năm, cây bút luôn có khắp nơi, trên mặt bàn, trong túi áo, nhưng chỉ dùng để viết nhanh các ghi chú, để ghi số điện thoại, địa chỉ email bạn hay có khi chỉ để nằm đó cả tuần không làm gì. Bàn tay viết như người dày công khổ luyện marathon, sau khi được cấp giấy xác nhận chỉ chạy đường ngắn, rồi chuyển sang đi bộ. Giờ thì vừa đi vừa nghỉ, như các cụ tuổi bốn mươi bụng tròn chiều chiều chăm chỉ Tao Đàn.
          Ba tôi là một người viết chữ đẹp, như đa số những người thuộc thế hệ ông. Nét phóng khoáng không gò theo mẫu chung. Bạn bè ông có người viết nét rộng, có người viết nét hẹp, nhưng mỗi nét đều nặng cái hồn. Các từ trước khi viết đều được nghĩ trước, được sắp xếp sao cho khi đến mép giấy từ nào bị xuống hàng phải tâm phục khẩu phục. Ông ở xa, nhưng không thích dùng máy tính. Mỗi thư ông gửi về phải mất nhiều ngày mới đến nơi. Con cái hướng dẫn cách dùng laptop, chỉ cách mạng, mở hòm thư nhưng ông không làm được. Ông chỉ thoải mái khi viết thư. Trên bàn ông xếp sẵn những tờ giấy theo khổ ông thích. Mỗi khi nhận được thư hay quà ông gửi, tôi thích ngắm dòng ghi tên và địa chỉ bên ngoài. Tên tôi qua nét bút của ông không chỉ là tên, mà còn là sự sở hữu. Rằng có bao nhiêu năm nữa trôi qua thì tôi vẫn chỉ là đứa con trai cần được yêu thương, không khác thằng bé bốn tuổi năm nào khi ông cầm tay gạch cho những nét đầu tiên.
          Không biết ông cảm thấy gì nếu nhận một thư tương tự từ con trai mình. Tôi không chắc nét chữ viết cho ông thuộc về tôi. Tờ đầu tiên tôi sẽ gạch bỏ sau vài dòng. Tờ tiếp theo cũng thế. Viết một lá thư vài trang như ngày xưa giờ là một việc quá nhọc nhằn. Khi cố gắng kiểm soát bàn tay cứng quèo cầm bút, tôi cũng làm văng chữ đi các nơi, đầu trống rỗng. Có lẽ tôi phải chọn một giải pháp vừa sức hơn, một chiếc postcard chẳng hạn, một mẩu giấy bé vừa chỗ cho vài dòng và hy vọng ông không kịp đọc ra sự thoái hoá của con mình qua những dòng ngắn ngủi ấy.
          Rốt cuộc mọi người quyết định giao tôi giữ cuốn nhật ký chung của lớp. Tôi dành hẳn một đêm lần giở từng trang, khám phá ra mình đã yêu thầm tất cả các cô bất chấp tuổi tác, hết cô này đến cô khác, mà không bị ai phát hiện. Bởi trong nhật ký, dưới sự phẳng lặng của câu chuyện hàng ngày, chỉ có tôi mới đọc được tình cảm của mình qua dấu chỉ của từng nét bút.
          Hết sức cảm phục sự tinh tế của nghệ thuật viết tay, tôi quyết định sẽ tập viết lại qua những thư trao đổi với cha. Nhưng ông đã gửi cho tôi email đầu tiên. Ông khoe: Ba đã biết dùng máy tính. Một câu ngắn với khoảng cách từ không đều. Email thứ hai là một thông báo sức khoẻ kèm mặt cười nhấp nháy. Những email sau của ông cho thấy một sự tiến bộ nho nhỏ trong công nghệ.
                                                           
          Tôi chép vào sổ nhận xét của Paul Auster về sự nhạy cảm của chữ viết tay, rồi tắt máy cho vào túi. Ở các bàn xung quanh, mọi người im lặng, mỗi người một máy. Tôi nghĩ dù sao cũng sẽ viết thư tay cho ba tôi, bất chấp ông sẽ trả lời bằng cách nào.

                                                                                       11-2010
                                                                                         P.T.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét