Hai ông bà già đi xe buýt. Xe đông. Có một người đàn ông bước lên xe, một tay cầm cặp, tay kia cầm một túi nylon, trong túi là những cây hoa hồng, thấy đầy nụ và những ngọn hồng mập mạp vươn lên đung đưa. Chưa có chỗ ngồi, ông ta đứng cạnh hai ông bà già, tựa hông vào ghế, cái túi đung đưa. Hai ông bà già nhìn người ấy, ánh mắt đầy thiện cảm. Chắc là một người tử tế, có sách và có hoa.
Một bến đỗ, lại bến nữa, người vơi dần. Rồi cũng có chỗ trống. Người đàn ông với sách và với hoa hồng dợm người ngồi xuống cái ghế trống. "Kìa kìa! Anh ơi, ngồi vào hoa hồng rồi kìa!" - Bà già nhắc, vì chợt thấy ông ta không cẩn thận, ngồi vào những ngọn hoa màu sẫm. Chỗ ấy chắc là chưa có gai, thảng hoặc nếu có thì gai vẫn còn rất non, chưa đủ sức đục thủng vải quần.
Người đàn ông dợm đứng lên, lôi những ngọn hoa ra khỏi đít quần. Rồi liếc qua bà già. Rồi yên vị ngồi tựa lưng ghế. Duỗi chân. Thản nhiên. Có phần lành lạnh. Không một nụ cười đáp lễ. Không một lời cảm ơn.
Bà già thở dài. Ông già thở dài. Một hành khách ngáp.
■
Tại một hiệu khám mắt kiêm bán kính.
Có một ông già ngồi đợi đến lượt mình.
Bỗng nhiên, ông thấy một cậu con trai khoảng mười hai mười ba từ trong phòng khám đi ra, ngồi phịch xuống ghế cạnh bố mẹ. Cậu bé béo tốt, hồng hào. Trên mắt cậu ta là cặp kính thử. Những người khám mắt để làm kính đều được bác sĩ cho đeo những cặp kính thử như thế này để xem có vừa số kính không. Cậu bé ngồi ỳ ra, bố một bên, mẹ một bên. Bố mẹ cậu có vẻ người khá giả, quần áo "xịn". Bà mẹ diêm dúa. Ông bố com lê, chìa khóa xe lủng lẳng trên tay. Rõ là một gia đình kiểu mẫu và thành đạt.
Chắc cậu bé học hành nhiều quá nên lại cận đây, ông già nghĩ. Đó là mầm non của đất nước, rồi sẽ phơi phới bay, rồi sẽ có những phát minh cỡ Ngô Bảo Châu.
Nhưng cậu bé cứ ngồi đấy, khá lâu, giữa bố và mẹ.
Ông già đeo kính đã có "thâm niên" bốn chục năm nay, đã làm không biết bao nhiêu kính, biết rằng thử kính thì phải đi lại xem có choáng không, nhìn xa rồi lại nhìn gần xem có hợp mắt không. Thấy cậu cứ ngồi, bố mẹ chắc không biết, ông nhẹ nhàng giải thích cho họ, bảo họ cho cậu đi lại và thử nhìn gần nhìn xa. Ông bố bà mẹ có nghe nhưng không nhìn ông già lấy một lần, quay sang bảo con đi lại, nhìn xa nhìn gần. Cậu bé ngoan ghê, đứng lên ngó nghiêng, đọc hết biểu ngữ chăng ngang đường đến quảng cáo treo đầy trước những ngôi nhà sang trọng, rồi đi lại như diễn viên. Cô hộ lý đi ngang qua bảo, đúng rồi, đi lại nhiều vào, tốt chưa? Thế rồi, họ vào trả kính thử, họ làm kính mới, và... họ đi. Không nhìn ông già lấy một lần, không một lời cám ơn. Ông già cười. Không sao, ông nghĩ, cá biệt ấy mà.
Rồi lại có một cô bé xinh xẻo trạc mười lăm mười sáu cũng thử kính, đi cùng bố mẹ. Cũng lại ngồi ỳ ra. Ông già lại lần nữa tua lại bài học kinh nghiệm. Cả cô bé, ông bố, bà mẹ đi cùng, lại lần nữa, nghe lời ông nhưng cũng không nhìn ông lấy một lần, lại đi lại nhìn xa nhìn gần, làm kính mới, rồi đi mất, không một lời cám ơn.
Kính để làm gì nhỉ?
■
Sao lời cám ơn thốt ra khó thế?
■
Đến những việc lớn hơn. Hàng ngày, chúng ta dùng không biết bao nhiêu thành quả nghiên cứu của các nhà bác học. Điện thoại ta dùng, chiếc xe ta đi, hạt gạo ta ăn... Người nông dân và nhà bác học đều đáng tôn vinh. Nhưng ta không biết nói lời cám ơn. Hoặc giả, chỉ nói lời cám ơn đến người trồng ra lúa gạo. Còn ông bác học thì bye bye cho nhanh. Đồ ăn bám ấy mà.
■
Và còn những lời xin lỗi
Cũng lại sao khó thốt ra?
■
Có người cảm hoài như thế này: Ông ơi, bây giờ người ta sáng mặc may ô tập thể dục, ban ngày com lê cà vạt công sở, dù có cây bồ đề nghìn tuổi cũng chặt hạ không thương tiếc, chiều đánh quần sóoc đi uống bia, hễ thấy con nào thằng nào quần áo chỉnh tề tay lăm lăm giấy bút là có quyền tát thẳng và đá đít.
■
Lớp chồi, lớp lá, lớp một, lớp hai.
Chẳng lớp nào dạy lời cám ơn, xin lỗi.
Ngồi vào hoa hồng là điều tất nhiên.
T.H.V
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét