Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

THẾ GIỚI ĐỒ CŨ

PHAN TRIỀU HẢI


Có lẽ không ai khổ bằng những người sống cùng nhà với một tay mê đồ cũ. Tất nhiên rồi. Ai mà chịu nổi cảnh một ông chồng có bao nhiêu tiền đều đổ vào mua sách, mua bình, mua đĩa… những thứ rách nát, móp mép, ve chai lạc xoong với người trần mắt thịt. Trong khi hàng xóm đã xem HD thì nhà vẫn chiếc tivi 14 inches sắm từ thời World Cup 98 đáng liệt vào dạng đồ cũ phủ bụi lại chẳng được ngó ngàng. Đã thế, thỉnh thoảng lại còn tha về một đám bạn cùng chí hướng ngụy trang áo bỏ trong quần, nhưng vẫn lộ hình dung cổ quái vì ông chồng phổng mũi giới thiệu tay này đang có bộ đồ cổ trị giá cả triệu đô, còn quyển sách tay kia đang giữ là vô giá. Nghe phát khiếp, nhưng không ông nào chịu bán bao giờ.
Không can đảm như ông anh, tôi cũng có sở thích hao hao vậy, nhưng thuộc về số đông và mang tính phổ biến, đó là mê phố cũ, nhà cũ, hay đơn giản chỉ là một cây bàng thân to gốc cũ. Có khi chỉ là mê một con đường bất chợt im ắng vào giữa trưa. Xét ra với hai kiểu say sưa đồ cũ, kiểu của tôi dễ được chấp nhận hơn nhiều, vì đi đâu thì đi, trưa về ngồi bên nồi cơm điện là quên hết, thích quạt máy hơn nắng trời. Trong khi anh kia đến giờ ăn, giờ ngủ trong lòng là quyển sách mỏng dính lem nhem vừa săn được với giá trên mây, tay mân mê gáy sách sờn như đắm đuối đếm tóc tình nhân. Ai mà chịu nổi.
Phố cổ Hà Nội - Tranh BÙI XUÂN PHÁI

Nhưng anh có lý do để làm thế, vì anh đang xây một thế giới cho riêng mình, một thế giới cá nhân nhỏ bé bất di bất dịch mà anh kiểm soát được. Ngược lại, thế giới cũ của tôi thuộc về đám đông, bất kỳ ai cũng có thể bước vào đi qua, người thờ ơ kẻ ngắm nhìn, một thế giới mà mình không có một quyền gì để giữ lại. Anh có cái đắm đuối của một nô lệ nhưng cũng chủ động như một ông chủ đích thực đối với thứ mình yêu quý. Còn tôi, đó chỉ là sự say mê của một kẻ qua đường, quyền hạn như tất cả mọi người, ngang bằng sổ thẳng với người sống trăm năm trong đó nhưng lại chẳng có tiếng nói gì, không khác một ông Tây ba lô xa mãi châu Phi lệt xệt ghé ngang.
Những ngày cuối năm cho anh cơ hội vài ngày chăm sóc hợp pháp thế giới con con ấy khi mọi người trong nhà ai cũng mong chờ nhà cửa sạch sẽ đầu năm. Còn với tôi đấy là những ngày tìm về những khu phố vừa đông vừa riêng, vừa ồn vừa tĩnh của Chợ Lớn. Ở đó có một Sài Gòn khác, không khí hội hè không phải chật vật tìm cách thể hiện như trên những đường hoa, mà nhẹ nhàng tỏa ra từ mỗi cánh cửa nhà, với lẻ loi vài nén nhang thơm, hay trên vách bong vôi phập phồng một tờ đỏ thắm, chữ còn lóng lánh mực, và xa xa đầu ngõ một bà cụ lưng cong gập run run bưng về cho cháu nội một tô mì trong sáng hiu lạnh. Tất cả hình ảnh ấy như một cuốn phim quay chậm mà tôi cứ mong sẽ bị người đời bỏ quên, để được còn mãi.
 Thật vậy. Chỉ mong đừng ai nhớ đến để được mãi là mình. Như Angkor ấy, chắc gì bây giờ còn đứng ngạo nghễ hớp hồn bao người nếu không có gần nghìn năm bị bỏ quên chìm khuất. Thà ở trong rừng còn an toàn hơn trong tay người. Đi một vòng Angkor rồi thể nào cũng tự hỏi không biết nước mình đã từng làm được một cái gì vĩ đại như thế không nhỉ? Hay đã từng có, mà nay biến mất? Hay vì ở ta cái gì cũng có lắm tay người chạm vào? Hay sự thật là chẳng có gì? Không. Chắc chắn phải có gì chứ, vì mình có cả nghìn năm lịch sử, có cả triệu triệu người qua bao thế hệ kia mà?
Phát triển quả thật là khó dung hòa giữa cũ và mới. Cái nào giữ, cái nào bỏ rõ ràng nhức đầu. Năm trước, Hà Nội triển lãm lại hình ảnh thời bao cấp khiến ai xem cũng say mê. Nhưng cái hợp tác xã may mặc bên hồ Tịnh Tâm của mồng một Tết ngày xưa, chìm giữa hàng dài những bàn máy may cũ kỹ và đống vải hăng hắc có một người phụ nữ nhỏ bé ôm hai đứa con trai thẫn thờ nhìn Tết trôi qua qua song lưới thép, biến mất thay bằng quán cà phê mở nhạc xình xịch, lại khiến lòng tôi nhẹ nhõm. Nhưng thay đổi khiến phải lăn tăn nghĩ là đại lộ Đông Tây phẳng phiu không một bóng cây, chạy mạnh mẽ như một nhát dao liếm mép Chợ Lớn. Con đường thênh thang ấy như chực nuốt lấy bánh xe. Tôi phải mất một lúc loay hoay mới tìm ra lối về nơi mình cần, may mà vẫn còn đó quán chè người Hoa trăm năm sau cột đèn và quán sữa đậu xanh đậu nành vài mươi năm trước cổng chùa bên hè phố để biết mình không lạc. Nhưng rồi thì cũng than ôi, ngôi trường cũ nhỏ nhắn xinh xắn ở hẻm Tản Đà chỉ còn một bãi gạch vụn, trong khi buổi trưa nắng của con đường ngắn ấy phải phối cùng lao xao trẻ con tiếng Việt tiếng Hoa, rồi trở lại ngay im ắng hoàn toàn, mới hoàn hảo một không gian mơ ước.
Yêu cái của chung là cũng đồng nghĩa giao phó tình cảm của mình vào tay kẻ khác,  sẽ đến lúc chỉ biết gặm nhấm một mình nỗi bị tổn thương. Như ở Hà Nội đấy, ai không tự hào với ngôi trường Ams lừng lẫy tiếng tăm. Ngôi trường danh tiếng bao nhiêu thế hệ gây dựng ấy đang được đặt lên bàn, sắp xếp cho một cuộc biến mất. Sừng sững kiến trúc mà còn tan hoang nói gì một cái tên vài mươi năm tuổi, thế nên sẽ quá đáng khi đòi đưa một cái tên vào diện di tích văn hóa phi vật thể cần được lưu tâm. Trường Ams sẽ đơn giản thay bằng một cái tên chung chung nào đó, và sẽ chẳng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó người ta thay bún chả Hàng Mành thành bún chả Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây thành bánh tôm Hà Nội, vì bún nào chả là bún bánh nào chả là bánh. Cái tên thì có nghĩa gì.
Không biết có vì nghĩ thế không mà bất chấp bị mọi người trêu đùa hâm hâm dở dở, anh vẫn chìm trong thế giới cũ kỹ của mình. Đó là thứ mà không ai xâm phạm được. Anh vẫn thường ngồi im lặng trong nắng chiều, ngắm nhìn những đồ vật của mình hắt bóng lên tường. Không ai cảm nhận được tình yêu của chúng ngoài anh. Không ai thấy được giá trị của chúng ngoài anh. Anh chính là ông chủ thật sự của cái thế giới này, vì chỉ có anh biết lắng nghe tiếng nói vô tri và biết yêu thương âm thầm kia. Nhưng có chắc thế giới ấy của anh còn mãi không? Liệu sau khi không còn anh nữa, những đứa con có chăm chút những cuốn sách mục nát, những chiếc bình sứt miệng ấy như anh đang làm không? Hay việc đầu tiên chúng làm là tống khứ tất cả, sơn lại cả ngôi nhà với màu sơn mới rực rỡ, điều mà chúng thầm mong suốt cả một đời.
Anh nghĩ một lúc rồi thở ra.
Chỉ mong chúng làm thế khi mình đã chết thật rồi.

                                                                           P.T.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét