Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ...
(VŨ ĐÌNH LIÊN)
Tôi lên năm tuổi, mẹ cho tôi sang học chữ cụ đồ Nhưng.
Ngày trước cụ đồ Nhưng dạy chữ nho. Sau này không ai học chữ nho nữa thì cụ chuyển sang dạy chữ quốc ngữ, nhưng mọi người trong xóm vẫn quen gọi cụ là cụ đồ.
Tôi trở thành học trò của cụ cũng là sự tình cờ.
Một lần tôi theo mẹ ra ngõ. Mẹ nhìn thấy một mảnh giấy nho rơi trên đường. Đây là loại giấy mà bọn trẻ chúng tôi rất thích, chuyên dùng để phất diều. Giấy mềm nhưng dai, người lớn gọi là giấy bản, còn chúng tôi gọi là giấy nho, vì nó thường được xé ra từ những quyển sách viết chữ nho. Kiếm được một tờ giấy nho cực kỳ khó. Đây chỉ là một mảnh nhỏ, chắc đứa nào làm diều xong còn thừa vứt đi.
Tôi định bước qua, nhưng mẹ tôi ngăn lại rồi cúi xuống nhặt mảnh giấy lên. Mẹ phủi sạch đất, cất vào túi áo:
- Chữ thánh hiền, phải biết qúy trọng con ạ.
Đúng lúc ấy cụ đồ Nhưng chống gậy đi tới.
- Con chào cụ - Mẹ tôi kéo tôi nép vào bên đường, nhường lối cho cụ.
- Không dám! Chào bà.
Cụ đồ dừng lại, nhìn mẹ con tôi rồi bất ngờ hỏi:
- Cậu nhà năm nay lên mấy rồi?
- Thưa cụ, cháu được năm tuổi nhưng vẫn còn dại lắm ạ… Kìa, khoanh tay vào chào cụ đi con!
Vừa nói mẹ vừa nắm lấy hai tay tôi khoanh lại trước ngực.
- Cháu chào cụ - tôi lúng búng.
- Ờ, ngoan. Chào cậu - Cụ đồ nheo mắt cười - Năm tuổi học chữ được rồi đấy. Bà không câu nệ thì sắm cho cậu quyển vở, cây bút, đưa sang tôi.
Mẹ tôi vội vàng đỡ lời cụ:
- Ôi, thế thì phúc đức cho cháu quá. Được cụ dạy dỗ còn gì bằng.
Hai mẹ con tôi đi một quãng ngoái lại vẫn thấy cụ vịn hai tay vào gậy, nheo nheo mắt nhìn theo.
Thế là mấy hôm sau, tôi trở thành học trò của cụ đồ.
Cùng học với tôi còn dăm đứa trẻ nữa trong xóm, nhưng tôi là bé nhất.
Lớp học ở nhà cụ đồ không có bàn ghế. Sân gạch, hè gạch, chúng tôi cứ việc ngồi bệt xuống sân kê sách vở lên hè. Suốt buổi học tôi ngồi thu lu một góc, tập nhận mặt từng chữ trong bảng chữ cái. Rồi lấy bút chấm mực, mắm môi mắm lợi tô theo những chữ cụ đồ viết sẵn trong vở bằng bút chì. Mấy đứa kia mải nghịch, bày trò cấu chí nhau, thỉnh thoảng lại đánh đổ mực ra hè. Quần áo, sách vở, mặt mũi chúng nó lem nhem những mực là mực.
Trong lúc chúng tôi ôn bài hay tô chữ thì cụ đồ lặng lẽ ngồi đan. Cụ đan rổ rá dần sàng, đan quạt, đan cả cái rế để bắc nồi… Nghĩa là tất tật đồ dùng hàng ngày bằng tre ở trong nhà, cụ đan được tuốt. Những thứ cụ làm vừa đẹp vừa bền, dùng cả đời cũng không hỏng. Người trong xóm thỉnh thoảng đến đặt hàng, cụ có thêm đồng ra đồng vào, có khi bằng mấy dạy học.
Lâu lâu cụ ngừng tay, kiểm tra xem bọn tôi học hành thế nào. Cụ có đôi mắt hiền nhưng tính rất nghiêm. Những đứa tô chữ xiên xẹo, đánh dây mực ra sách, cụ bắt đặt bàn tay úp sấp xuống hè gạch. Cụ vừa nhăm nhăm cái thước kẻ vừa hỏi:
- Hậu đậu à?
- Quáng gà à?
- Nước đổ đầu vịt à?
- Muốn làm thầy hay làm tớ thiên hạ?...
Dứt một câu, cái thước trên tay cụ vút xuống một nhát. Năm ngón tay thằng học trò trên nền gạch giãy lên. Thế mà đâu lại hoàn đấy. Mực vẫn đổ. Chữ vẫn xiên xẹo. Đánh vần thì “bê - o - bo - huyền - bà”…
Chỉ có tôi là không bị cụ phạt theo kiểu đó. Cụ liếc nhìn vào vở của tôi một thoáng, rồi lẳng lặng quay ra.
Mùa hè năm ấy, cụ đồ Nhưng ốm một trận thập tử nhất sinh. Khi cụ nhúc nhắc dậy được, bọn tôi lại lục tục kéo đến. Cụ xọp đi ghê quá, chỉ còn da bọc xương. Đôi mắt hết nheo nheo, mờ đục. Ngồi hí hoáy đan ở góc sân, lưng cụ còng gập, hai đầu gối nhọn nhô lên quá tai. Cụ không còn đan rổ rá dần sàng nữa mà chuyển sang đan vỉ ruồi.
Những cái vỉ ruồi hình tam giác.
Những cái vỉ ruồi hình lá sen.
Có cả vỉ ruồi hình trái tim…
Mỗi cái vỉ ruồi giá một hào.
Năm nay không hiểu ruồi ở đâu nở ra nhiều quá. Đánh thuốc đĩa nước cơm, ruồi bu vào chết như xôi đậu đen. Nhà nào cũng cần thêm vài cái vỉ ruồi.
Tôi đã nhận mặt xong hai mươi ba chữ cái, ghép được vần, bập bẹ đọc chữ, thuộc lòng bản cửu chương.
Mấy đứa cùng học cụ đồ “trình độ” ngấp nghé như nhau. Nhưng tụi kia vẫn nghịch, vẫn bị cụ đồ phạt. Chỉ khác là bây giờ cụ không nói không hỏi. Hơi cụ yếu rồi. Mấy đứa học trò cũng ranh ma hơn. Mỗi lần cụ vụt thước xuống, chúng rụt ngay tay lại. Lần nào chúng cũng rụt nhanh hơn cụ. “Cạch”! “Cạch”! “Cạch”! Tiếng cái thước gỗ đánh hụt xuống nền gạch.
Một lần, đang giữa buổi học, mẹ tôi ghé sang nhà cụ để trả tiền học cho tôi. Mẹ tôi chào cụ, nhưng hình như cụ không nghe thấy. Cụ cứ lẳng lặng ngồi đập ruồi. Mẹ tôi khép nép ngồi ghé xuống hè nhìn cụ. Cụ ngồi xổm, đầu gối quá tai, tay giơ chiếc vỉ ruồi, nhúc nha nhúc nhắc quanh sân. Đập chết con ruồi nào, cụ lại nhặt cái xác của nó cẩn thận bỏ vào cái lọ thủy tinh mang theo bên cạnh. Hồi lâu, ruồi vãn, cụ đổ ruồi trong lọ ra, lẩn mẩn đếm từng con. Có đến cả trăm xác ruồi chết khô. Đếm xong lại cất vào lọ, cầm vỉ lên, nhúc nhắc đập tiếp.
Cụ đập cả những cái đốm nắng lọt qua vòm lá cây lay lay trên sân…
Thỉnh thoảng cụ ngẩng lên nhìn. Đôi tròng mắt bạc phếch, xa vắng. Cụ không nhận ra mẹ tôi. Hình như cụ quên bẵng cả tụi học trò.
“Cụ lẫn rồi” - mẹ tôi bảo.
Mẹ mua một chục cam sang tạ cụ, rồi cho tôi nghỉ ở nhà nốt tháng hè.
Nhờ cụ dạy, tôi đã học xong chương trình vỡ lòng. Đầu năm học mới tôi có thể ung dung cắp sách đến trường làng để vào thẳng lớp một.
17-1-2009
T.Đ.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét