VĂN HỌC
VÀ HIỆN THỰC ĐẤT NƯỚC HÔM NAY
(Trần Thiện Khanh thực hiện) (*)
Nhà thơ Trần Nhuận Minh |
1. Thưa nhà thơ Trần Nhuận Minh, ông có cho rằng văn học cần phải phản ánh hiện thực không? Nếu văn học phản ánh hiện thực, thì theo ông cần hiểu hiện thực và sự phản ánh hiện thực đó trong văn học như thế nào cho đúng? Điều gì quyết định chất lượng và tầm vóc của một tác phẩm văn học.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh:
Văn học có chức năng phản ánh hiện thực, điều ấy có lẽ không có gì để bàn. Cái có điều để bàn là hiện thực gì, hiện thực đó được nhìn bằng con mắt mở hay bằng con mắt khép, thậm chí không nhìn bằng mắt. Rồi hiện thực đó được phản ánh qua thể loại nào, ví như hiện thực của thơ không giống với hiện thực của tiểu thuyết, không phải chỉ ở dung lượng mà ở bản chất của nó, dù cùng một tác giả và viết cùng một phương pháp sáng tác.
Theo tôi, trong sáng tác, không nên đặt vấn đề hiện thực đó đúng hay không đúng, (đấy là vấn đề của các phạm vi ngoài nghệ thuật), mà là hiện thực đó có phù hợp với phương pháp sáng tác và được kết tinh hoặc tỏa sáng bằng một tài năng hay không? Tôi đã từng thấy có cái hiện thực từng được coi là rất đúng, bây giờ thấy rõ ràng là sai, có cái trước đây tôi đọc, thấy là rất quan trọng, mới có vài năm sau đã thấy chả còn quan trọng gì. Trong nghệ thuật chỉ có hay và không hay. Hình ảnh người đẹp khỏa thân bay lên trời, khi có một ánh mắt phàm tục nhìn vào, trong tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” của G. Mắckét thì không thể nói điều “xẩy ra” đó là đúng hay không đúng. Còn quyết định chất lượng của một tác phẩm là hàm lượng nghệ thuật có trong tác phẩm đó, với các đặc thù về thao tác, vừa mới mẻ, đầy ấn tượng, vừa hấp dẫn bạn đọc, và tầm vóc của một tác phẩm, được quyết định bởi giá trị tư tưởng, trong đó có hàm lượng triết học về thế giới và nhân sinh của tác giả. Hoàn toàn không phải ở độ dài. Ví dụ như khi Hồ Chí Minh viết: “Núi cao gặp hổ mà vô sự / Đường phẳng gặp người bị tống lao” là rất lớn chứ. Hoặc khi Trần Dần viết: “Tôi khóc những chân trời không có người bay / Lại khóc những người bay không có chân trời”, bài thơ chỉ có 2 câu nho nhỏ vậy thôi, mà ai dám bảo là nhỏ?
2. Quan niệm của ông về hiện thực đất nước hôm nay. Cuộc sống hôm nay đặt ra những vấn đề gì cho người viết. Ông thường quan tâm đến mảng hiện thực nào, vì sao?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh:
Hiện thực của đất nước hôm nay là những biểu hiện của một xã hội đang vận hành trong cơ chế thị trường, từng bước hội nhập với thế giới, với tất cả mặt sáng và mặt tối của nó. Nói thật gọn, tôi hiểu là như vậy và tôi quan tâm đến mảng hiện thực này, vì nó đang tác động rất ráo riết đến đời sống của cả xã hội và của tất cả mọi người. Với sự cởi mở của công cuộc đổi mới, nhà văn được thấy và được viết về các mặt đối lập vốn có của hiện thực, và như thế, mọi rào cản đã cơ bản được tháo gỡ. Nước ngoài có một câu ngạn ngữ rất hay: “Một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì, nhưng một nửa sự thật vẫn không phải là sự thật.” Chúng ta chưa có một tài năng nào, đủ sức khái quát nghệ thuật, về độ lớn đó của đời sống hiện thực, kể cả khi được phép viết về hai mặt của một tấm huân chương, để có một tấm huân chương như nó vốn có. Vấn đề đặt ra cho nền văn chương của chúng ta hiện nay là như vậy. Cũng không phải vì không có hoặc ít có tiền đầu tư. Tôi cho rằng, nhiều tác phẩm viết theo kiểu làm hàng (đầu tư), chỉ là tác phẩm trung bình. Mà nền văn học thì không cần các tác phẩm trung bình.
Hiện thực trong sáng tác của cá nhân tôi phát triển theo một qui trình với 3 bước tôi đã đi. Thời bao cấp (1960 - 1986), hiện thực trong sáng tác của tôi là sự nghiệp của giai cấp công nhân và mối liên hệ xã hội của nó trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc (cả trong 4 tập thơ đã xuất bản, mà tập thơ, đáng chú ý nhất là “Âm điệu một vùng đất” và 2 tập truyện vừa: “Trước mùa mưa bão”, “Hòn đảo phía chân trời” đều đã tái bản lần thứ 5). 15 năm cuối thế kỉ XX, tức là thời kì đổi mới đất nước (1986 - 2000), hiện thực trong sáng tác của tôi là số phận của Nhân dân Việt Nam trong những va đập của thế cuộc, cả ở trong nước và ở nước ngoài, với đủ mọi biểu hiện của đời sống mà tôi không hề né tránh, dù hiện thực đó nghiệt ngã và đau lòng đến đâu. Trong thơ của tôi có đủ các hạng người trong xã hội hiện nay, từ nhà lãnh đạo đầu tỉnh (như nhà khoán hộ Kim Ngọc) đến một tên tướng cướp ở sân bay nước Nga, nếu có thiếu, có lẽ chỉ thiếu một loại người là người nhiễm HIV. Tập thơ duy nhất của tôi ở giai đoạn này, là: “Nhà thơ và hoa cỏ” hoàn thành trong 15 năm, với sự bổ sung dần từ các tập thơ đã xuất bản khác, đã tái bản đến lần thứ 17. Mười năm đầu thế kỉ XXI, hiện thực trong sáng tác của tôi là hiện thực của Con Người, với mọi nỗi niềm người, kể cả nỗi niềm trước cõi Vô Cùng của vũ trụ và tâm linh, được phản ảnh hoàn toàn khác nhau trong 3 tập thơ: “Bản xônat hoang dã” (đã tái bản lần thứ 8) 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh (đã tái bản lần thứ 2) và Miền dân gian mây trắng (đã tái bản lần thứ nhất). Như vậy là tôi đã đi dần từ sông ra biển, từ Công nhân đến với Nhân Dân và từ Nhân Dân đến với Con Người. Tôi đã tập hợp 4 tập thơ tiêu biểu nhất của tôi (như đã ghi ở trên), làm thành tập “Bốn mùa”, xuất bản năm 2008 (song ngữ Việt Anh) và 2009. Tôi hi vọng, nếu ai đọc thơ tôi trong cả quá trình sẽ nhận ra bước đi đó, với cố gắng luôn luôn tự làm mới mình, để không tập thơ nào cùng kiểu với một tập thơ nào, trong cách phản ánh hiện thực, cũng như trong các thao tác nghệ thuật.
3 . Mỗi khi đặt bút sáng tác, ông có quan tâm nhiều đến môi trường xã hội của sự viết và sự đọc hiện nay không. Theo ông, những loại sáng tác văn học nào hiện nay thu hút được sự quan tâm chú ý của người đọc, ông có bao giờ sáng tác để “chiều lòng” độc giả như thế không, vì sao?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh:
Tôi chỉ chú ý đến “môi trường xã hội của sự viết và sự đọc” như bạn nói, trong thời gian 25 năm bao cấp 1960 - 1986 (những năm ấy, tôi đi dự một trại sáng tác 2 tháng ở TP Nha Trang, viết được một truyện vừa, 165 trang in, và là lần duy nhất đi trại cho đến ngày hôm nay). Nghĩa là tôi viết cho mọi người, theo một yêu cầu xã hội nào đó mà tôi hình dung ra. Từ năm 1986, tôi chỉ viết về cái mà trái tim tôi mách bảo, hoàn toàn không vì tiền đầu tư, cũng không vì sự áp đặt hay “đặt hàng” của ai. Tôi không đi các trại sáng tác, để khỏi bị ràng buộc bởi “đồng tiền, bát gạo”. Tôi thấy ba loại sáng tác nhiều người hiện nay tìm đọc, nhất là các bạn trẻ, là tình dục; đời tư có nhiều uẩn khúc của những người nổi tiếng; và tố cáo những mặt xấu xa còn bị che khuất của xã hội. Tôi không viết ba loại này, vì đó không phải là sở trường của tôi và tôi nghĩ, sự “tìm đọc” nhiều ba loại sách trên, cũng sẽ qua nhanh, rồi họ lại trở về với cái cốt lõi của văn chương là chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân văn. Tôi không chiều theo ý của các “độc giả” đó, dù tôi luôn hướng tới độc giả. Có lẽ vì thế, mà tôi có độc giả, loại độc giả có thể ít hơn, nhưng tôi yêu mến, kính trọng và tin cậy hơn. Hãy viết hết lòng mình, độc giả là ở đó. Vì thế, trong một lần trả lời phỏng vấn của báo An ninh thế giới, tôi có nói rằng, con đường dài nhất mà tôi đã đi là đến với chính mình. Nghĩa là tôi đã đi ngược từ ngọn xuống gốc. Và tôi chỉ gặp được bạn đọc thân yêu của mình ở đó mà thôi.
4. Ông cho rằng văn học hiện nay có vị trí như thế nào trong xã hội? Điều gì thôi thúc ông cầm bút?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh:
Bây giờ văn học không còn quan trọng như trước đây, nhưng vị trí của nó trong đời sống tinh thần của con người thì không thay đổi và cũng không có gì thay thế được. Tôi cầm bút là vì sự thôi thúc của chính bản thân tôi. Trong Kỉ yếu nhà văn, phần suy nghĩ về nghề, tôi chỉ ghi có một câu: “Có một nỗi niềm nào đó thực sự ám ảnh anh, buộc anh phải viết ra, để giữ thăng bằng cho chính bản thân mình”.
5. Sau 50 năm cầm bút, ông thấm thía nhất điều gì trong nghiệp văn chương?
Nhà thơ Trần Nhuận Minh:
Không dối trá. Tất cả chỉ có vậy.
Hà Nội, 7 – 2010
-------------------------------------------------------------------------------
(*) Tạp chí Quê Việt Hải Ngoại xuất bản ở Canađa, mỗi năm một số. Bài PV này đăng ở số 2 (2010). Trần Thiện Khanh: nhà báo, nhà phê bình văn học trẻ, hiện công tác tại Viện Văn học.
-------------------------------------------------------------------------------
(*) Tạp chí Quê Việt Hải Ngoại xuất bản ở Canađa, mỗi năm một số. Bài PV này đăng ở số 2 (2010). Trần Thiện Khanh: nhà báo, nhà phê bình văn học trẻ, hiện công tác tại Viện Văn học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét