Sau khi đọc bài “Tháng củ mật” của tôi trên báo Nông nghiệp Việt Nam một độc giả (xin được giấu tên) viết thư cho tôi, nội dung như sau: “Ông cho tôi được phép nói thẳng nhé! Xưa kia các cụ gọi tháng Chạp là “tháng Củ mật” bởi tháng ấy nhiều trộm đạo, mọi người (nhất là các tuần đinh) phải củ soát cẩn mật. Xét cho cùng cũng vì đói mà đầu gối phải bò. Chả lẽ để ba ngày Tết tro tàn, bếp lạnh, chả lẽ để chủ nợ chiều ba mươi réo cụ, kị ông bà lên mà chửi.
Nhưng bọn trộm cắp quá lắm cũng chỉ đào tường khoét ngạch để bắt con chó con gà, to hơn là trâu, bò, dê, lợn, hoặc như mủng gạo, mẹt đỗ chứ tiền vàng thì nhét vào các ống đòn tay trên mái gianh, có mà giời tìm. Vả lại bọn trộm chỉ vì đói, mà lại con thơ mẹ già đói, đến nỗi phải ăn trộm vặt, có chỗ đáng ghét nhưng còn có chỗ đáng thương. Bà mẹ trong tạp văn “Tháng củ mật” của ông quả là có thiên lương, rất đáng cảm động. Trừ ý ấy ra, ông thật đã làm một việc của người “tham nhỏ bỏ lớn”. Ông chỉ biết con mèo rình công miếng thịt, khuyên người ta hoặc cho thức ăn vào tủ khóa kỹ, hoặc rọ mõm, xích cổ con mèo lại. Trong khi con lang con sói rình vồ cả con lợn thì ông chẳng khuyên ai được điều gì. Là bởi vì ngày nay chỉ củ soát cẩn mật có ăn nhằm gì với việc chống bọn ăn cắp. Bởi vì kẻ ăn trộm ngày nay chẳng chặt chuối, bắt gà, bả chó hay dắt trâu; chẳng rình cả đêm bị muỗi cắn cho nát người vì thùng thóc nếp, chẳng đào tường khoét ngạch... thì cẩn mật cũng bằng thừa. Hơn nữa bọn trộm cướp bây giờ đâu phải vì đói, đâu có vì mẹ già con nhỏ bụng rỗng ba ngày Tết. Chúng cứ việc ngồi ở nhà, toàn loại vila biệt thự, uống rượu Tây, xài trứng cá hồi, sức nước hoa con đầm, gọi bồ nhí bằng điện thoại di động... Nếu ngày xưa vào tháng Củ mật nhà nhà cửa đóng then cài thì bọn trộm bây giờ vào tháng ấy cửa lớn, cửa bé luôn luôn rộng mở (cho dù cả năm đóng im ỉm!). Thực ra họ chẳng ăn trộm của ai cả mà chỉ ăn trộm của thiên hạ. Bởi vì người mất trộm là để được cái khác: công việc, quan tước, nhà đất, hợp đồng béo bở, giấy phép, chạy tội, qua mặt luật pháp, đi nước ngoài, làm đề tài nghiên cứu... không sao kể xiết được. Đôi khi được kẻ trộm nhận cho là phúc. Thế là cái tên trộm phải đi ăn trộm xưa kia hóa ra cũng thuộc số những kẻ bị mất trộm, trước tên trộm loại con cháu như đã kể. Ông có biết tên trộm ấy là ai không? Là bọn quan lại tham ô văn dốt võ dát nhưng giỏi luồn cúi, nịnh bợ. Tháng Tết là tháng chúng ăn trộm rỗng cả tiền bạc của thiên hạ và với loại trộm này thì cả năm 12 tháng đều phải củ soát cẩn mật nếu muốn phòng chống chúng. Vì thế tháng Củ mật chỉ là tháng Chạp như dân gian vẫn gọi, hóa ra không đúng nữa rồi. Nhưng tháng ấy quả là dân gian mất trộm nhiều nhất. Vậy nên gọi là tháng gì đây?”.
Tôi đọc mà nóng bừng mặt, toát cả mồ hôi rồi sau mồ hôi không chảy được nữa, người lạnh toát. Thật là mình biết một tưởng biết mười, thiên hạ còn bao bậc vô danh đáng là tiên sinh! Để sửa chữa phần nào tôi xin gọi tháng Củ mật xưa kia là tháng của tham quan bây giờ. Chỉ khác là tháng của tham quan chỉ khoảng 10 ngày cuối năm.
T.D.A
Tạ Duy Anh đưa ra tháng quan tham chỉ 10 ngày cuối năm là chủ quan rồi. Làm quan bây giờ thì ngày nào, tháng nào cũng là củ mật. Quan càng to thì "củ mật" càng nhiều. Tôi tính tạm cho anh thấy nhé: Thằng đến đút lót cho được nhận công trình, thằng đến đút để lên chức lên quyền. Rồi mua sắm, sửa chữa cơ quan ... Thượng bất chính thì hạ tắc lọan, đến thằng công an giao thông đứng đầu đường cũng tìm đủ mọi cách để "vặt" quanh năm nữa là. Nhưng anh đừng buồn và bi quan nhé sắp tới riêng khỏan chống tham nhũng văn kiện đại hội đảng dài và tràn lan hơn trước rất nhiều.
Trả lờiXóa