Tết đến thì thường nhà nào cũng có hoa. Nhà giàu chơi hoa kiểu nhà giàu, còn bình dân lại có hoa dành cho bình dân. Chợ hoa tết thượng vàng hạ cám, từ chậu mai giá tiền triệu đến những giỏ hoa chỉ chục ngàn đồng. Cúc vạn thọ, hồng, thược dược, mào gà, sống đời... tất cả đều trồng sẵn trong những chiếc giỏ tre lót ni lông đựng đầy đất mùn, nở hoa tươi rói. Mua những giỏ hoa này về trưng la liệt ngoài sân, ngoài vườn cũng là cách "chơi" quen thuộc của nhiều người dân nơi đây.
Mình có người bạn nhà ở trong hẻm, cứ tết đến là cả con hẻm này biến thành một chợ hoa nho nhỏ, bày bán toàn những thứ hoa "bình dân" đã nói ở trên. Tối ba mươi, chợ tàn, lắm khi hoa ế ngập. Những chủ hoa mặt mũi ỉu xìu, dùng dằng nửa về nửa ở. Vợ chồng ông bạn mình lại phải đóng vai nhà từ thiện, bỏ ra ít tiền để tiễn mấy người trong số họ lên xe và chuyển một góc cái chợ hoa ấy vào trong vườn nhà.
Nói chuyện hoa tết, lại nhớ đến chuyện cành mai của ông anh đồng hao với mình là người miền Nam . Mấy chục năm trước, đã có lần ông ấy đánh xe riêng chở vợ con ra Bắc ăn tết với ông bà nhạc. Trên xe mang theo một cành mai. Ông lựa mai rất kỹ: cành khoẻ, nụ mập và đều tăm tắp. Tưởng sẽ góp thêm với gia đình vợ một sự bất ngờ độc đáo nho nhỏ trong dịp đón xuân, nào ngờ ra đến nơi gặp cái giá buốt phương Bắc, mai nhất định không chịu nở. Chỉ vài ngày sau, hàng trăm nụ mai còn mím chặt môi rụng xanh cả gốc. Khi đã chuyển hẳn vào Nam sinh sống, mỗi năm đến mùa mai vàng rực các sân vườn, vơ vẩn nhớ hoa đào, mình lại thấy hiển hiện trước mắt cái nụ cười buồn buồn tội tội của ông ấy tết năm nào bên cành mai lạc xứ...
Hoa tết mỗi năm một nhiều hơn. Vũng Tàu hiếm đất trồng hoa, nhưng hoa ở Sài Gòn, Đà Lạt chở về kìn kìn. Hồng, cúc, lay ơn, thược dược, loa kèn, cẩm chướng... Mỗi loài lại có nhiều thứ, màu sắc khác nhau. Hoa ly thơm ngát. Phong lan yêu kiều. Xương rồng lạ mắt. Dã thảo hồn hậu. Mấy năm trước nhiều người rất chuộng thứ đào Sinh-ga-po mà chẳng hiểu có đúng là xuất xứ từ Sinh hay không. Những cành hoa thẳng đuột như cái roi tre, cách một đoạn ngắn lại nảy nòi ra một bông nhang nhác hoa đào. Mỗi cành hoa nhuộm một màu khác nhau, trông cứ như hoa giấy, hoa nhựa gắn vào cành giả. Ở Đà Lạt mấy năm trước lại có ông trồng hoa bỏ công lai tạo, "sáng chế" ra thứ hoa quỳnh nở vào ban ngày! Ti vi quay thành phim chiếu lên hẳn hoi. Có thể ai đó suýt soa, trầm trồ thán phục. Nhưng với mình, thế là hết! Trắng muốt, dịu dàng, tinh khiết, đợi chờ cả đêm để đổi lấy phút thăng hoa kỳ ảo - quỳnh hơn người ở chỗ ấy. Bây giờ quỳnh lại được ghép vào gốc thanh long, xanh đỏ tím vàng, toe toét suốt đêm suốt ngày ra như thế kia thì còn gì là quỳnh nữa quỳnh ơi!
Và đào cũng đã có mặt ở Vũng Tàu.
Đầu tiên là những cành lẻ của một số hành khách mang theo máy bay. Rồi đào theo tàu hoả, xe tốc hành Bắc - Nam "đổ bộ" vào Vũng Tàu những ngày giáp tết. Chợ hoa ở trung tâm thành phố đã có thêm một dãy dành cho hoa đào. Đào là hồn xuân xứ Bắc. Nhưng xem ra cuộc đổ bộ của thứ giá trị tinh thần lâu bền này chưa gây được ấn tượng như cuộc đổ bộ của nhiều thứ khác, chẳng hạn như... vải thiều! Vải thiều có mặt lập tức khiến cho chôm chôm rớt giá. Còn đào, ngay cả người xứ đào cũng không khỏi có chút ngần ngại. Lại vẫn là chuyện khí hậu, thời tiết có hợp hay không.
Những bông hoa đào vào nam gặp nắng gặp gió, nở như đuối sức. Ngay cả đào trồng ở Đà Lạt mang xuống Vũng Tàu cũng khó trụ nổi quá ba ngày. Chắc chắn đây không phải là những cành đào trong văn chương của những nhà văn sành điệu người Hà Nội. Càng không phải cành đào của vua Quang Trung mùa xuân năm nào đã được sân khấu hoá, thi vị hóa với tham vọng vĩnh viễn đi vào lịch sử chiến trận cũng như lịch sử tình ái.
Mình vẫn thường đi chợ hoa tết Vũng Tàu, nhưng chưa bao giờ khinh khoái rước về nhà một cành đào mấy chục năm thương nhớ. Miên man trong trong nỗi nhớ quê, chợt giật mình nhận ra: thì ngay cả những năm còn sống trên đất bắc, cũng đã có tết nào mình trưng đào trong nhà đâu? Ồ lạ! Yêu đào đến thế, vương vấn với đào đến thế, sao đến tận bây giờ vẫn chỉ biết... tương tư đào? Hay với mình, đào không còn là thực nữa? Giống như một tác phẩm còn nằm trong mơ, cả đời văn vẫn mơ mà chưa một lần động bút, có thể là không bao giờ dám động bút, viết ra dòng đầu tiên...
T.Đ.T
Anh viết về hoa đào thật hay. Ngày còn ở quê, nhà em có cây đào ăn trái, Tết cắt cành vào cắm, hoa ít nhưng tuyệt đẹp (màu như đào phai, bông lớn hơn, nhiều cánh, cánh dày, mạnh như đào rừng Sapa). Có lẽ em là một trong những người đầu tiên có đào ngày Tết ở VT, cuối năm đi công tác, đến tận vườn Nhật tân lựa cây rồi hẹn cắt trước giờ lên mày bay, phải lựa loại nụ cho vừa nở ở xứ nóng, mang vào ngâm cả cành trong bể nước mát và Tết có những cành đào phai tươi tốt trong nhà. Tàn Tết, cành còn ra lộc xuân. Sau này vì nhiều lẽ không chơi đào nữa, thấy người ta bày bán đào ê hề mà thương, thương người bán, thương những cành, những cây đào bích (đa phần là đào Nam định, Thái Bình, không phải đào Nhật tân)cong mình chịu nắng. Hoa đầy cành mà không còn sức sống trông chẳng khác hoa giả, cành khô. Ở trong này thì những bông mai vàng rực rỡ gợi Xuân hơn anh há.
Trả lờiXóa