Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

ĐOẢN VĂN CUỐI TUẦN - 7

TRẦN ĐỨC TIẾN



THẢ HY VỌNG

         
          Hăm ba tháng Chạp ông Táo lên trời. Nhiều người cúng xong, thả con cá chép thật khoẻ, thật đẹp tiễn ông làm ngựa cưỡi. Ngựa càng khoẻ thì ông đi càng nhanh, đi đến nơi về đến chốn. Bản báo cáo của gia đình cũng nhờ thế mà sớm lọt tai Trời. Trời chỉ một Trời, mà Táo quân thì muôn triệu. Chắc cũng như hạ giới, làm sao tránh được cảnh xếp hàng chầu chực bên ngoài…

          Năm nào tôi cũng hăng hái xung phong đi làm cái công việc thả cá rất nên thơ này cho nhà mình. Để góp phần gìn giữ một phong tục đẹp. Để hưởng niềm vui nho nhỏ làm người phóng sinh. Có đi mới biết. Trong thành phố bây giờ, kiếm được một nơi rộng thoáng cho những chú cá kia hoá “ngựa”, thật không dễ chút nào. Ao hồ nước ngọt thi nhau biến thành mặt bằng xây dựng.
          Xe hơi, xe máy xịch đến, vù đi. Những bọc ni lông nước đầy, bên trong cá nguây nguẩy sống. Đỏ, vàng, đen, trắng, mỗi chú cá chép mang theo hy vọng của một gia đình. Hoá ra trong việc này, những anh nhà giàu cũng nghèo tưởng tượng. Họ có thể đốt mã nhà lầu, xe hơi, đốt đô-la, “ô-sin” cho người chết, nhưng chả bịa ra được thứ phương tiện đi đường nào hay hơn cho Táo quân.
          Mẹ con người đàn bà ấy dừng xe đạp, mon men xách bịch cá xuống gần mép nước. Chị nhường việc thả cá cho con. Một chú cá vừa bằng chiếc lá chanh từ miệng túi ngo ngoe nhoài ra. Rồi chú cũng nhanh chóng mất hút vào làn nước xanh nhờ.
          Hai mẹ con ngước nhìn lên.
          Trong mắt họ, vẫn đầy một trời hy vọng…



QUA ĐƯỜNG


          Sau chị, có những người đàn bà khác đã đến với anh. Như những cơn mưa gió bất thường, gặp gỡ, chia sẻ, và… rời xa lặng lẽ. Bảo là nhẹ nhõm “vô tư” thì không hẳn. Nhưng rõ ràng anh đón đợi và chấp nhận họ như đón đợi và chấp nhận những điều biết trước sẽ xảy ra trong cuộc đời. Những cuộc hẹn hò kín đáo. Những chuyến đi đến những vùng đất lạ. Ngồi ăn với nhau bữa cơm trong nhà hàng. Khoác tay đi trên phố đêm mùa đông mưa phùn ướt tóc. Những cuộc đưa đón ở ga tàu sân bay hoa tươi nước mắt ồn ào. Nhưng bao giờ cũng thế, trong gần gũi âu yếm, ý nghĩ về cuộc chia tay luôn có mặt. Có lẽ vì thế mà anh bình thản ngay cả khi cùng họ xuất hiện trước đám đông…
          Chiều nay, hai vợ chồng rủ nhau ra phố. Đi bộ sang đường. Người xe tấp nập. Chị bất giác níu lấy tay anh. Còn anh thì bất giác đỏ mặt. Sống với nhau ngót bốn chục năm, hoá ra với chị, anh vẫn giữ được cảm giác ngượng nghịu như thuở ban đầu.
          Chị tựa hẳn người vào anh, cho đến khi qua được hè phố bên kia.



TOÁT MỒ HÔI


          Ngồi cắn bút trước tờ giấy trắng. Không làm được bài. Điểm xấu. Thi trượt. Đã hình dung ra cái ánh mắt của thầy, của bạn, của bố mẹ… Giật mình vùng dậy vì cảm giác nhục nhã. Toát mồ hôi. Hoá ra chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ về thời còn đi học. Hồi hộp, căng thẳng, nhọc nhằn vượt qua các kỳ thi.
          Nằm trấn an giây lát, lại thấy nhẹ cả người. Thoát! Vĩnh viễn không bao giờ lặp lại những cảnh đó trong thực tế. Nhưng sức ám ảnh của nó ghê gớm thật. Đã quá nửa đời rồi.
                                                           
          Thằng con ông bạn vừa trải qua kỳ thi vào đại học. Về đến nhà vẫn chưa hết ngơ ngác. Bố hỏi làm bài có được không, cậu chàng không ra lắc không ra gật. Hồn vía như vẫn còn để ở trường thi trên Sài Gòn. Thì bảo nó làm sao dám gật đầu một cách hùng hồn, khi trên báo, các thầy của nó vẫn còn cãi nhau đề thi ra đúng hay sai. Rồi các thầy nhận định: phải học cực giỏi, vào thi chỉ có việc cắm đầu cắm cổ viết thì mới mong làm hết bài. Nó tự biết mình không thuộc loại ấy. Nó thở dài.
          Bố và mẹ nó thì phải đợi đến đêm mới dám thở dài.
                                                            
          Buổi chiều anh đi bộ ra phố. Giờ tan học. Một cậu học trò lớp một cũng đi bộ, xăm xăm vượt lên trước anh. Cậu bé gò lưng cõng cặp sách, giống như anh lính mới tập hành quân đeo gạch! Cuộc chiến đấu với sách vở, với những tấm bằng, với miếng cơm manh áo… còn dằng dặc phía trước. Còn nhiều lần toát mồ hôi!
          Anh lính tí hon vẫn hăm hở bước, lẫn vào dòng người túi bụi trên đường.


                                                                                             T.Đ.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét