Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

NGÔI NHÀ TRÊN MẶT ĐẤT

TRẦN ĐỨC TIẾN

          Giữa biển thông tin sôi sục với những ngọn sóng lừng đủ sức làm chao đảo thế giới: giải cứu 33 thợ mỏ Chi Lê, rò rỉ thông tin WikiLeaks, đấu pháo giữa hai miền Nam-Bắc Triều…, thì cái tin nhỏ đăng trang áp chót của một tờ báo ra hàng ngày chỉ giống như một bàn tay chới với nhô lên khỏi mặt nước. Cô giáo Đông Anh, 27 tuổi, từ tỉnh Hắc Long Giang tới thủ đô Bắc Kinh với hy vọng đổi đời. Mỗi tháng cô kiếm được khoảng 3.000 nhân dân tệ, khoản thu nhập khá lớn so với ở quê, nhưng vẫn không thể đủ tiền để thuê một căn hộ. Cô phải trú trong một căn phòng dưới tầng hầm của một toà nhà chung cư, chỉ đủ chỗ kê một chiếc giường, chiếc tủ nhỏ và cái bàn. Tuy thế, cô vẫn còn được ở gần mặt đất hơn rất nhiều những gia đình khác… (*).
          Mình đã từng có ngót chục lần phải chuyển nhà. Rời quê đi từ năm 17 tuổi, ở ký túc xá sinh viên, nhà tập thể cơ quan, nhà tập thể nơi vợ dạy học, lại nhà tập thể cơ quan, sau này là nhà riêng, rồi bán nhà riêng mua nhà riêng khác… Vậy mà ở tuổi 50, vẫn chưa một ngày có tâm thế ổn định về chuyện nơi ăn chốn ở. Đầu năm nay in cuốn sách, người bạn thân làm biên tập cho mình đọc xong, bảo: chuyện nhà cửa ám ông ghê quá. Giật mình nhận ra: đúng thật, trong 15 cái truyện thì có tới 5 cái vòng vo đủ thứ nhưng thể nào cũng vấp vào chuyện mua đất với xây nhà. Thì làm gì mà chả “ám”? An cư mới lạc nghiệp. Căn nhà hiện mình đang ở đây, mùa mưa năm nào cũng lo nước tràn, và tấm mái hiên chắp nối đang có nguy cơ sập xuống… Có lẽ vì thế mà cái tin cô giáo Đông Anh ở dưới hầm dễ chạm vào “vết thương” của mình hơn chăng?
          May mà mình cũng đã từng có nhiều lần đi lùng mua nhà. Mua cho mình. Rồi mua cho các con. Túi chỉ đủ tiền đổ xăng xe với uống nước. Bìa hồng nhà trước thế chấp ngân hàng để tìm nhà sau. Đương nhiên phải nhắm mắt bỏ qua những đường rộng phố lớn để luồn sâu vào những ngõ vắng hẻm nhỏ. Và như thế, được tận thấy những cảnh đời chật hẹp, chen chúc, nhếch nhác, vẹo xiêu bày ra trước mắt mình, thật bất ngờ, lạ lẫm, ở ngay trong cái thành phố mà mình tưởng đã thuộc như lòng bàn tay. Ra khỏi những nơi ấy, nghĩ về căn nhà ọp ẹp của mình, lại thấy mình vẫn còn xênh xang chả kém… ông hoàng bà chúa!
          Ngôi nhà của mình. Nơi trú ngụ của mình. Cái tổ của mình. Pháo đài riêng của mình. Ngước lên chẳng bằng ai. Nhưng nó còn may mắn được ở trên mặt đất. Nắng chan hoà mỗi sáng. Gió chan hoà mỗi chiều. Và ban đêm, mở cửa sổ ra là thấy cả những ngôi sao xa nhất.
          Căn hầm của cô giáo Đông Anh thì không. Ở dưới ấy, mỗi khi tắt đèn - nguồn sáng nhân tạo - chỉ tràn ngập bóng tối và khí lạnh. Hơi đất có thể nhiễm vào cô, biến thành căn bệnh thấp khớp và biết đâu, đủ thứ bệnh quái quỷ khác, như mình đã từng mắc phải một dạo không giường, phải trải chiếu nằm trên nền xi măng. Nghe nói Đông Anh còn có ý định đưa mẹ ra ở cùng. Mẹ già rồi, và cô muốn được chăm sóc mẹ. Cô đau đáu từng ngày với tâm nguyện đó. Cũng là một mơ ước giản dị và thiêng liêng của đứa con hiếu thảo. Không nói ra, nhưng có thể trong cô còn âm thầm nung nấu một mơ ước mãnh liệt hơn: mơ đến một ngày nào đó sẽ có được căn phòng của riêng mình tắm trong ánh sáng mặt trời.
          Thế kỷ 21 đã trôi qua được 10 năm. Mơ ước của Đông Anh - được nuôi giấu âm thầm dưới lòng đất như nuôi một hạt cây - vẫn còn là hoài vọng thăm thẳm của những người đang sống bên các bờ kinh đen Sài Gòn, các “xóm liều” Vũng Tàu, Hà Nội, các gầm cầu Paris, London, các ga tàu điện ngầm Mat-xcơ-va, New York, của hàng triệu triệu người không chốn nương thân, ngày ngày vật vờ lang thang như những con kiến lạc bầy.

                                                                                               3-1-2011          
                                                                                                T.Đ.T

-------------------------------------------------------------------------------
(*): Báo Thanh Niên, số ra ngày 30-12-2010.

4 nhận xét:

  1. mong khát vọng sẽ đủ, để sưởi ấm "căn hầm" ấy...

    Trả lờiXóa
  2. Ông không cần phải sang tận Tàu để thấy cô Đông Anh sống dưới mặt đất. Tôi dây này, tôi sống trong cái kho chứa sách 26 mét vuông dưới gầm cầu thang tầng trệt chung cư 190 Nam Kỳ Khởi nghĩa, Quận 3, Sài Gòn. Căn hầm này có số 007,ông Cao Xuân Sơn gọi là căn hầm của Jame Bond - Trong phim Điệp viên 007. Cả ngày không một tí anh sáng trời nào lọt vào được, bật điện 24/24 giờ. 26 mét vuông cho 4 người. Mẹ kiếp, rồi trời cũng thương kẻ khôn nạn tử tế, tặng liền hai quả đất, trúng hai quả đất chó ỉa, cho người ta không lấy. Thế là đổi đời cái rụp. Thế là Trần Đức Tiến đến chơi có cái sân nhỏ ngồi uống trà. He...he...Cô giáo Đông Anh của lão thế nào cũng trúng quả đất cho mà xem.

    Trả lờiXóa
  3. Sap toi se uu tien cap dat cho cac nha van , tieu chuan cua nha van Tran Duc Tien duoc 500m2 o Bai Truoc, phuong 1.Tha ho co nang va gio de anh cam nhan. (Bi thu)

    Trả lờiXóa
  4. Trời ơi, nghe chú (cô) Bi thu nói cháu cũng mừng cho chú à. Nhưng sắp tới là khi nào? Chờ đợi mệt mỏi lắm chú ạ. Hê hê...

    Trả lờiXóa