Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

LÊN NÚI CUỐI NĂM

TRẦN ĐỨC TIẾN


          Đã thành lệ, khoảng mươi năm nay, chọn một ngày đẹp giời cuối năm âm lịch, lúc thiên hạ đã bắt đầu chộn rộn đón Tết, hội đi núi lại rủ nhau lên núi liên hoan tất niên. Những năm đầu trèo lên tận đỉnh Núi Lớn, trên ấy có một khoảng không gian mênh mông tuyệt đẹp. Rừng “anh đào” (anh đào Vũng Tàu) đang cữ rộ hoa, cả đỉnh núi rực một màu hồng. Rượu, bánh chưng, giò chả và các thứ đồ ăn thức uống mang sẵn từ nhà đi, chỉ việc trải mấy tấm nilon, mấy tấm bạt ra trên vạt cỏ là có ngay một mâm cỗ thịnh soạn.
          Thành phần tham dự không chỉ có những người đi bộ thể dục lên núi hàng ngày, mà còn cả đám con cháu (có đứa còn phải địu), và bạn bè thân thiết, nếu muốn. Cuộc nhậu trên cao vui đến mức, lắm khi tiệc tàn thì mặt trời cũng lặn xuống biển Bãi Trước từ lâu rồi. Mấy năm gần đây, đỉnh Núi Lớn đã biến thành nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, mất đi vẻ hoang sơ tự nhiên, thì cả hội lại chuyển sang Núi Nhỏ. Chỗ ngồi bên Núi Nhỏ cũng tuyệt chả kém. Đấy là nơi tận cùng của một đoạn đường lớn trải nhựa băng ra sườn tây (đường này còn mở tiếp hay không chưa rõ). Nơi ấy có một “pháo đài” cổ - một hệ thống boong-ke với chòi quan sát và những lỗ châu mai kiên cố - còn lại gần như nguyên vẹn từ thời Pháp.
Vũng Tàu nhìn từ trên Núi Nhỏ trước hôm ông Táo lên giời (2010)

Chuẩn bị bày cỗ

Vũng Tàu lên đèn

          Mình đi bộ lên núi - quen gọi tắt là đi núi - đã ngót mười năm nay, chính xác là từ ngày 21-7-2001, và là một trong số dăm bảy người đầu tiên mở ra phong trào đi bộ thể dục lên Núi Lớn (trước đó mấy năm đã có những người đi bộ lên Núi Nhỏ). Hồi ấy con đường lên Núi Lớn còn rất vắng vẻ. Ban ngày đi cả đoạn dài chưa chắc đã gặp người. Bọn nghiện xì ke ma tuý thường kéo nhau lên đây chích choác, kim tiêm rải đầy ở những “tụ điểm”, cắm chi chít trên thân cây ven đường. Mình với bà xã, cùng vợ chồng M, vợ chồng H, và DH làm thành một toán. Ngoài tụi mình, chỉ thấy lác đác vài ba người nữa, có người đi, có người ngồi thiền trên mỏm đá bên đường. Buổi chiều đầu tiên, chỉ đi được khoảng ½ đoạn đường thường đi sau này. Thế mà tối ấy về nhà, hai ống chân đau nhừ, còn nhức cả tuần sau mới hết. Sau khoảng dăm ngày thì chân hết đau, đường đi đã dài ra gấp rưỡi, gấp đôi. Đích là chùa Bồ Đề. Rồi doanh trại bộ đội. Rồi dốc 1, dốc 2… Sau không hiểu sao lại quay lại chùa Bồ Đề một thời gian. Cuối cùng, ổn định chỗ doanh trại bộ đội. Mấy năm sau, chỗ này cũng là đích đến của chung nhiều người. Cả một dãy quán giải khát đã mọc lên ở đó để phục vụ dân đi núi.
          Mỗi ngày vừa đi vừa về khoảng 6 cây số, mất gần tiếng đồng hồ. Hồi đầu còn đi bộ từ nhà thì quãng đường dài hơn, mất nhiều thời gian hơn. Sau vài năm, người đi bộ đông dần, xuất hiện những điểm gửi xe ở chân núi, mình cũng đi xe đến đó gửi rồi mới cuốc bộ. Mỗi năm trừ những ngày mưa, những ngày đi vắng hay bận việc không đi được, coi như còn 10 tháng, tức 300 ngày, 1.800 cây số, nhỉnh hơn chặng đường từ Sài Gòn ra Hà Nội. 10 năm, bằng đi ra đi vào Sài Gòn - Hà Nội 5 lần. Tính đùa ra tiền: mỗi chiều đi bộ coi như bỏ túi được 50.000đ tiền mua thuốc chữa bệnh, mỗi năm 15 triệu đồng, 10 năm vị chi 150 triệu.
          Chắc chắn sức khoẻ có khá hơn, so với không đi bộ. Bà xã bảo khỏi hẳn bệnh đau mỏi hai chân (trước đây bà ấy chỉ đứng đun bếp một lúc là 2 chân đã muốn khuỵu xuống). Còn mình, cân nặng không giảm (cũng không tăng), nhưng mỗi lần cảm cúm đi mat xa y học dân tộc, đứa nào sờ vào đùi mình cũng rụt ngay tay lại! Mình cười, trấn an chúng nó: chân bố hơi bị rắn, là do bố tập thể thao nặng đấy các con ạ.
          Nhưng không phải ai cũng kiên trì được như mình. Người mới đi nhiều thêm, nhưng những người cũ cũng rơi rụng dần. Có nhiều người gặp nhau hàng ngày, quen mặt lắm, gặp nhau có thể mỉm cười gật đầu, bỗng một hôm mất hút. Có cả những em xinh đẹp, cứ đúng đến gốc cây ấy, chân núi ấy, cửa chùa ấy… là nhìn thấy nhau, ba bốn năm liền, hôm nào không thấy lại thắc mắc, nhưng một chiều đẹp trời cũng biến thẳng một lèo, để lại trên con đường một khoảng trống vắng đầy tiếc nuối. Một hôm đi nộp tiền điện thoại, nhìn cô nhân viên bưu điện thấy ngờ ngợ. Định thần một lát, sực nhớ ra người ngồi sau quầy thu tiền kia chính là người mình vẫn gặp mỗi chiều trên núi đã ngót mười năm nay. Cô ấy cũng nhận ra mình. Nhưng sao khác lạ, so với mỗi chiều mình quần soóc áo phông, và cô ấy găng tay dài, khăn che gần kín mặt. “Em không đi núi thì em chết anh ạ” - cô ấy nói. Không hiểu “chết” là “chết” thế nào? Bệnh tật? Hay những stress trong đời sống hàng ngày, những buồn phiền cô đơn cay đắng cần phải thả lên núi, rồi nhận lại từ núi non, cây cỏ, mây trời… những dịu dàng an ủi?
          Mười năm, thay 5 - 6 đôi giày, chỉ mình với vài người bạn cũ vẫn kiên nhẫn trên đường.
          Mười năm, những gương mặt, những dáng người vụt qua.
                                                                   
          Để kết thúc bài viết này, xin đưa lại cái đoản văn “Rượu mừng” viết cách đây nhiều năm, nhưng giờ đọc lại, tự mình vẫn chưa thấy cũ:
          “Vào cái thời điểm bàn giao năm cũ năm mới, dù nhọc nhằn bận rộn đến mấy có lẽ cũng không ai bỏ được thói quen ngồi “tính sổ” cho mình. Mọi biến cố tinh thần vật chất trong năm, cứ tạm thời chia ra hai cột được, mất. Xây mới căn nhà. Tậu thêm mảnh đất. Trả xong mấy món nợ. Thêm một năm làm vợ, làm chồng, làm bố mẹ, ông bà… ngoan ngoãn và trách nhiệm. Cột bên kia, dính liền với những “được” bao giờ cũng là “mất”. Với riêng anh, không cái mất nào cay đắng hơn là mất thì giờ cho những chuyện vô bổ.
          Hoa anh đào nở rộ, hồng rực cả một triền núi. Thì thôi, bận lòng mãi với những được mất làm gì! Cả hội đi núi hẹn nhau, chọn một chiều cuối năm thật đẹp, leo tận lên đỉnh ngồi uống rượu ngắm hoa. Cái loài hoa màu hồng đang nở hết mình kia có thực xuất xứ từ nước Nhật xa xăm không cũng không quan trọng. Rượu đã rót ra rồi. Bánh chưng đã xẻ ra rồi. Nâng ly lên, chợt thấy trong rượu có ánh hồng của hoa. Ai sướng gì ở đâu không biết, nhưng chắc chắn trên thế gian này không ai có được cái sướng của mình lúc này. Còn muốn gì hơn? Như thế tức là ta đang được.
          Nào các ông các bà, xin cạn ly mừng năm mới”!

                                               25-1-2011 (22 tết âm lịch, vừa từ trên núi về)
                                                                     T.Đ.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét