Còn đang bệnh thì chị L. đã tìm đến nhà, nhờ mình làm đại diện cho nhà gái trong lễ ăn hỏi con gái chị sáng nay. Chị L. là vợ anh Hoàng Trung Thuỷ - nhà thơ, người bạn thân thiết của mình, đã mất năm 1998. Mình đành phải gọi điện cho T., nhờ T. đóng thế vai cho mình (chứ tiếp khách long trọng như thế mà 15 phút lại phải chạy vào toilet thì hỏng). T. nhận lời, và đã hoàn thành “vai diễn” của mình một cách xuất sắc.
Ngồi dự đám hỏi, chợt thấy nhớ và thương Hoàng Trung Thuỷ mất sớm, không được chứng kiến gương mặt đứa con gái út của mình rờ rỡ hạnh phúc như thế kia. Lại nghĩ: tí nữa về nhà, sẽ đưa lên blog bài mình viết về Hoàng Trung Thuỷ. Bài viết cách đây mấy năm, đưa lại vào dịp này, cũng coi như thắp một nén nhang để tưởng nhớ bạn.
*
* *
"Nhà tôi số một trăm sáu chín/Đường Lê Hồng Phong... xanh mây trời".
Hai câu thơ suýt nữa rơi vào tầm thường. May mà còn có nửa cuối câu sau. Từ rõ ràng cụ thể và quá đỗi thật thà, thoắt cái phiêu bồng trên mây trên gió. Hoàng Trung Thủy mất năm 54 tuổi âm. Gần mười năm sau, những bạn bè thân thiết của anh ở Vũng Tàu vẫn còn bất ngờ.
Sinh thời, Hoàng Trung Thủy nổi tiếng là người chân thành, hiếu khách. Bài thơ Nhà tôi có hai câu thơ nói trên giống như một tin nhắn, một lời mời mọc ân cần của anh gửi tới tất cả bè bạn xa gần. Không ai nghi ngờ gì "tính chân thực" của những câu thơ ấy. Nhưng tôi vẫn đùa: "Ông này lại giăng lưới bẫy người"!
Năm ấy Hội Văn nghệ đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo mới thành lập, số anh em viết lách ở vùng đất mới này còn thưa thớt, lại chưa biết hết về nhau. Hoàng Trung Thủy làm ở văn phòng hội, rất để tâm đến việc nghe ngóng, thăm dò. Mỗi lần tình cờ phát hiện ra một cây bút còn ở ẩn đâu đó, anh mừng như bắt được của.
Khi số báo văn nghệ đầu tiên của hội ra đời, Hoàng Trung Thủy lẳng lặng đem về nhà một xấp. Kiếm sợi dây dài, chăng ngang khoảng hè phố trước cửa nhà. Đem xấp báo mới tinh vắt lần lượt lên sợi dây, cố tình để cho cái măng-set báo quay ra đường. Rồi sau đó rút vào góc căn phòng phía trong ngồi đợi.
Một buổi chiều có chàng trai trẻ phóng xe đạp qua. Nhìn thấy dây báo, như bị điện giật, chàng quay ngoắt xe lại. Tất cả những cử chỉ đó không lọt qua mắt Hoàng Trung Thủy.
- Ông chủ! Bán cho tờ báo.
Hoàng Trung Thủy thong thả đứng lên, lững thững bước ra cửa. Nghiêng mái tóc dài vô cùng thi sĩ, rước chàng trai vào nhà.
Trà nước xong xuôi đâu đấy, chủ mới cất giọng từ tốn hỏi. Khách định thần xưng tên, hào hứng xen lẫn bẽn lẽn.
Đặng Trung Nhân, cây bút văn xuôi, vừa đoạt giải B của báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) với chùm truyện ngắn viết cho thiếu nhi, đã được Hoàng Trung Thủy "bẫy" như thế. Một năm sau, Nhân bỏ nghề kỹ sư xây dựng chuyển sang làm biên tập viên cho chính tờ báo của hội.
Sau Đặng Trung Nhân là Lê Xuân Hoà. Sau Hoà là Phạm Duy Hiển. Là Trương Xuân Hoàng, Hiếu Tân, Trịnh Công Vương... và nhiều người khác. Cái dây treo báo hôm nào hoá ra là tiền thân của sạp sách báo có tên "THƯ VĂN TÌNH QUÁN". Hoàng Trung Thủy lấy tên của ba đứa con ghép lại thành tên quán. "THƯ VĂN TÌNH QUÁN" giống như "trụ sở" thứ hai của hội văn nghệ.
Chiều nào tôi cũng đạp xe tới quán báo của Hoàng Trung Thủy. Đó là thời kỳ khó quên trong sinh hoạt văn chương nước nhà. Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn về đến Vũng Tàu tờ nào hết veo tờ ấy. Nhiều người phải phô tô những truyện ngắn, những bút ký hay để chuyền tay nhau. Chả cứ dân văn nghệ, mà trong giới bạn đọc bình thường đến đâu cũng nhắc nhỏm Nguyễn Huy Thiệp. Rồi "Cái đêm hôm ấy đêm gì", "Được vật quý", "Ông vua lốp"... Rồi "Thiên sứ", rồi "Nỗi buồn chiến tranh"... Rồi vụ om sòm xung quanh "lập trường" cụ khốt Đặng Bửu.
Tôi đến quán báo của Hoàng Trung Thủy đọc báo "chùa", và nhất là để được tắm trong cái không khí đổi mới của văn học đang toả ra từ các trang sách báo nóng hôi hổi. Thấy khỏe ra và thêm phần tự tin.
Năm 1992, nhà thơ Xuân Sách cho ra mắt bạn đọc tập "Chân dung nhà văn". Ngay lập tức, vinh quang và phiền lụy cùng lúc ập đến ông. Trụ sở hội văn nghệ tỉnh - hội do ông làm chủ tịch - bị xuống cấp trầm trọng nhưng không được cấp kinh phí sửa chữa! Những mảng vữa trần trong các phòng bong tróc, thỉnh thoảng rớt xuống sàn vỡ tan. Anh em trong cơ quan được làm việc tại nhà. Khách khứa thưa vắng hẳn. Sáng sáng chỉ thấy nhà thơ chủ tịch hội lặng lẽ chắp tay sau đít, lững thững quanh quẩn ngoài hành lang. Nằm phủ phục cách đó một quãng là con chó của Đặng Trung Nhân, con chó già chỉ còn sức đớp gió và suốt ngày chìm đắm trong mộng mị...
Năm 1995, hội "được" chuyển đến trụ sở mới lẫn vào nhà dân trong một con phố nhỏ. Xuân Sách về hưu. Anh em ở hội người nghỉ việc, người chuyển đi nơi khác gần hết. Tôi đang ngấp nghé vài chỗ làm mới. Hoàng Trung Thủy (lúc này được giao nhiệm vụ thường trực hội) gặp tôi, bảo: "Sắp đại hội. Cơ quan phải lấy thêm người. Mà tôi thì không biết nhìn người. Cậu bỏ đi lúc này gay lắm". Tôi lặng đi một lát rồi đưa ra điều kiện: "Thôi được. Tôi ở lại, nếu anh được bầu làm chủ tịch hội. Còn nếu anh trượt, chắc chắn tôi biến". Hoàng Trung Thủy cười hề hề.
Ông Thuỷ ơi ông Thủy! Lần này thì tự tôi dại dột chui đầu vào bẫy! Ngót mười năm sau nghĩ lại cái khoảnh khắc tưởng như vô tình ấy, vừa thấy thương ông, vừa thấy giận mình.
■
Mất hai năm để chuẩn bị cho cái đại hội văn nghệ mà Hoàng Trung Thủy sẽ được bầu làm chủ tịch. Trong khoảng thời gian này, vui nhất là những lần tôi với anh đi chạy quảng cáo để in trên báo hội. Chạy được quảng cáo, anh em ở văn phòng sẽ có tiền "đời sống", còn chúng tôi được hưởng thêm phần trăm hoa hồng.
Chạy quảng cáo như tôi với Hoàng Trung Thủy giống như đi câu. May thì vớ cá, không may thì coi như... thư giãn. Có lần gặp một sếp, vừa nghe tôi vào đề, đã thủng thẳng: "Năm ngoái năm kia làm ăn được không thấy đâu. Năm nay thất bát lại mò đến". Nói thế, nhưng ông vẫn cho gọi cấp phó sang, giao nhiệm vụ ủng hộ chúng tôi. "Anh cho ý kiến xem bao nhiêu"? - ông phó hỏi. "Ông xem thử xem có thể bao nhiêu"? - ông trưởng hỏi lại. Ông phó ngẩn ra một tí rồi ngập ngừng: "Anh xem... hai trăm được không ạ? Ông trưởng vẩy tàn thuốc, im lặng. Tôi và Hoàng Trung Thủy không dám động đậy. Nghe hai ông xem xem xem xem, hồi hộp không thể tả, như xem kịch. Nhưng cuối cùng thì ông trưởng cũng kết thúc có hậu: "Có thì cho, không thì thôi. Cho hai trăm thì cho làm gì"! Ông phó thở dài đi ra. Lát sau ông quay lại với nét mặt ngường ngượng và cái phong bì... lạy Chúa, nằng nặng.
Nhưng cũng có lúc mừng hụt, rồi sinh cáu. Một công ty lừng danh, giàu có nhất Vũng Tàu, đồng ý ủng hộ tờ báo. Hẹn ngày, tôi với Hoàng Trung Thủy hớn hở phóng xe đến. Đến lĩnh tiền, không cần nói lại mục đích lý do, nên tôi ngồi ngoài. Bên trong, nhà thơ chờ cô thủ qũy mở két. Qua khung cửa kính, tôi thấy cô ta đưa cho anh một tập tiền... ngờ ngợ thế nào! Hình như không phải tiền mệnh giá lớn. Lại hình như mong mỏng. Ra khỏi cửa tôi hỏi ngay. Hoàng Trung Thủy mặt tỉnh bơ, dắt xe, đợi tôi ngồi lên yên sau rồi phóng ra đường. Đi được một đoạn, anh hỏi: "Cậu đoán bao nhiêu"? "Giàu nứt đố đổ vách thế, bét cũng cho hai triệu". Hoàng Trung Thủy rồ ga, phóng tuốt đi một đoạn xa nữa mới lấy lại hơi, nói thật khẽ: "Hai trăm". "Đùa à"? "Thật. Tớ cũng hơi... choáng". Suýt nữa thì tôi nhảy phắt xuống đường: "Thế mà anh cũng cầm? Sao không vứt trả chúng nó"? Hoàng Trung Thủy cười nhẫn nhịn: "Thôi, mất mặt người ta. Mình biết thế để lần sau... cạch".
Có một điều nói ra thì thấy tức cười, vô lý. Đã mất ngày mất buổi lê la chỗ này chỗ khác để có tiền, ai chẳng mong ký được hợp đồng? Muốn ký hợp đồng thì phải gặp giám đốc, gặp thủ trưởng. Ấy thế mà mỗi khi dừng xe ngoài cổng, người nọ lại đọc thấy trong mắt người kia: "Chỉ mong cho hắn... không có nhà"! "Hắn" ở đây là giám đốc hay thủ trưởng cái đơn vị bên trong cổng kia. Khi bảo vệ thông báo "hắn" đi vắng là chúng tôi chẳng cần biết thực hư, quay ngoắt xe. Lý do chính đáng để thêm một lần tránh được mặc cảm đi xin. Nhẹ cả người.
■
Hiếu khách và cả nể, nhiều khi Hoàng Trung Thủy tự chuốc vào mình những phiền lụy. Đến cơ quan khách cơ quan, về nhà khách nhà. Khách bình thường không nói làm gì, chứ khách thơ thì chúa ngồi dai, tốn nước chè và điếc tai vợ. Tôi viết văn xuôi nhưng cũng thích đọc thơ. Giở tờ báo, quyển sách nào có thơ là dừng lại đọc trước. Nhưng khoản ngồi im để các nhà thơ phát thanh trực tiếp thơ cho nghe thì... yếu! Hơn mười năm làm ở hội văn nghệ tỉnh, chưa bao giờ nghe trọn bài thơ nào của ai theo kiểu này. Hoàng Trung Thủy thì khác.
Một lần tôi tạt qua hội vào buổi trưa, thấy anh ngồi ngửa người trên sa-lông, hai chân duỗi dài, hai tay dang rộng vắt trên thành ghế, đầu ngoẹo sang bên. "Trưa rặt ra rồi mà anh chưa về à"? Tôi hỏi, không thấy anh trả lời. Hỏi tiếp câu nữa vẫn bất động. Hoảng, lại gần, nhìn hai mắt lim dim nhưng gương mặt bạc phếch. Tôi chạm tay vào người. Anh rùng mình, đôi đồng tử đảo lên lờ đờ. "Suốt từ sáng đến giờ tôi chưa ăn". "Thế ngồi ở đây làm gì"? "Nghe ông F. đọc thơ"! Thôi, tiêu rồi! Tôi nghĩ nhanh. Ông F. thì tôi không lạ. Người bé, giọng choang choang, đanh như búa lò rèn. Ngồi với ông này, câu trước câu sau là ông ấy chồm lên, chỉ thẳng ngón tay vào mặt mình: "Đọc nhá"! Rồi lập tức mở van, thơ tuôn xối xả. Vuốt mặt không kịp. Hết bài này đến bài khác. Trường ca cũng đè ngửa ra nghiến ngấu!
Hoàng Trung Thủy uể oải đứng dậy, moi trong túi xách gói bột ngũ cốc, dốc vào ly, chế nước sôi, thong thả quấy thìa. Anh vừa mổ cắt hai phần ba dạ dày, hút chết, phải gượng ăn tí một. Húp một ngụm cho hoàn hồn, anh quay sang tôi: "Vừa sáng ra đã khai hỏa. Đến mười giờ tôi ù hết hai tai. Mười một giờ điếc đặc, mê mẩn. Ông ấy về lúc nào tôi cũng chả biết".
Chuyện ông F. đọc thơ tuy thế chưa căng thẳng bằng chuyện thi sĩ Q. đến nhà tá túc. Phải nói ngay Hoàng Trung Thuỷ không hề quen biết Q. Trước khi giáp mặt Q. lần đầu, chúng tôi chỉ nghe loáng thoáng hành tung về thi sĩ này. Chuyện kể rằng: nhà thơ M. ở tỉnh bên một lần đi công tác xa về, vừa lò dò vào đến cửa thì thấy một gã đàn ông lạ hoắc đang ngất ngưởng ngồi nhậu với vợ. M. chưa kịp ú ớ, liền bị người kia chỉ tay vào mặt, quát: "Mày là thằng nào? Định đến đây mè nheo à? Cút"! Khi chủ khách phân định ngôi thứ rõ ràng, khách "biết điều" tỉnh ra khăn gói chuồn lẹ, M. mới té ngửa vì bà xã quá tôn thờ thơ nên đã trót hào hiệp tháo ở tay chiếc nhẫn hai chỉ vàng tặng cho thi sĩ vãng lai làm tiền lộ phí...
Q. cao to, mặt mũi bặm trợn, bộ quần áo lính tẩy xộc xệch, nhếch nhác. Đường đột xông vào nhà, chẳng rào đón gì, quẳng uỵch cái ba lô xuống góc phòng: "Thủy cho mình ở nhờ". Nói xong lăn ra sàn ngáy òng ọc.
Tôi bảo: "Cho ông chết. Ai bảo làm thơ khoe số nhà... Hắn mò đến đúng tổ con chuồn chuồn". Hoàng Trung Thủy tái mặt: "Nhìn cái cách ông ấy quẳng ba lô vào góc nhà, sợ lắm cậu ạ. Cứ như là khẳng định chủ quyền. Kiểu này thì ăn dầm nằm dề không biết đến khi nào". "Thế chưa nói gì với anh à"? "Có. Bảo đi vận động tài trợ. Đi hết các doanh nghiệp ở Vũng Tàu". Các doanh nghiệp ở Vũng Tàu chả dại móc hầu bao cho mấy ông thơ phú phát vãng! Chỉ tổ mang tiếng oan cho những người làm văn nghệ đàng hoàng. Mà trước mắt là khổ, là phiền cho Hoàng Trung Thủy... Nhưng cũng may! Khi tôi chưa kịp nghĩ ra kế gì để "cứu" anh thì Q. lại đùng đùng vác ba lô ra đi. Có thể anh ta cảm nhận được điều gì đó từ thái độ của chủ nhà. Hoặc "mánh" làm ăn bị bể... Chỉ ít ngày sau, trên một tờ báo ở Sài Gòn đăng ảnh Q. kèm một tin ngắn: "Nhà thơ dỏm vừa bị trục xuất khỏi tỉnh Bến Tre".
■
Tôi không bao giờ quên được những lần chứng kiến Hoàng Trung Thủy bị đối xử tệ.
Một đêm khuya, tôi ra đóng cổng chuẩn bị đi ngủ thì anh xịch đến. Quẳng chiếc Honda 50 rách tã vào bờ rào, anh thất thểu bước vào nhà, ngồi phịch xuống ghế, thở. Hoàng Trung Thủy bị hen nặng từ nhiều năm nay. Lúc nào cũng thủ sẵn ống thuốc xịt trong túi. Đang ngồi làm việc lên cơn, xịt. Nửa đêm tắc thở choàng dậy, xịt. Hát karaoke với bạn bè đang lúc "cao trào" cũng dừng lại, một mình lẳng lặng chui vào toilet, xịt. Bệnh của anh kị bia rượu, khói bụi, thời tiết thay đổi, rất kị cả những cơn xúc động bất thường. Nhìn Hoàng Trung Thủy lúc ấy tóc tai bơ phờ, mặt mũi như thấm đòn, tôi đoán anh vừa phải trải qua cơn chấn động tinh thần ghê gớm.
- Có chuyện gì thế? - Tôi sốt ruột.
- Lúc chập tối, ăn cơm xong, tôi đến nhà anh ấy...
- Anh nào?
Hoàng Trung Thủy ngắc ngắc trong cổ:
- Ăn cơm tối xong, tôi đến nhà anh ấy...
Tôi sực nhớ, ngồi ngay lại, không dám giục. Hoàng Trung Thủy không bao giờ từ bỏ cái nết kể một câu chuyện cho có đầu có đuôi. Có lẽ do thói quen anh có được trong nhiều năm làm thầy giáo. Kể chuyện hay trình bày một vấn đề gì, bao giờ cũng tuần tự 1 nhỏ, 2 nhỏ... Đang nói mà bị người khác ngắt lời, anh im bặt, để người kia nói xong, lại thong thả bắt đầu lại từ đúng cái chỗ bị ngắt, không ăn bớt một dấu phảy.
Anh kể dài, tỉ mỉ chi tiết, nhưng đại khái như sau: buổi tối, anh phóng xe đến nhà ông bạn họa sĩ. Hai người vốn có mối quan hệ khá thân thiết. Vào nhà, chưa kịp nước nôi gì, ông họa sĩ đã "đè nghiến" ông cán bộ hội ra để căn vặn chuyện công việc của hội. Cụ thể là việc xin kinh phí cho các họa sĩ. Ông này bảo: tại cuộc triển lãm tranh hôm nọ, có vị lãnh đạo tỉnh đến dự đã đọc diễn văn, hứa hẹn tạo điều kiện tốt cho các họa sĩ hoạt động. Thế mà ông Thủy không biết tận dụng sự quan tâm ưu ái của lãnh đạo. Ông Thủy lười biếng, không biết làm việc. Ông Thủy mải lo cho cái ghế của mình, không thèm để ý đến phong trào, đến anh em hội viên. Ông Thủy làm thui chột cảm hứng sáng tác v.v... Một thôi một hồi chan tương đổ mẻ vào mặt ông Thủy. Và khi khách định mở mồm thanh minh thì chủ gạt phắt, đẩy khách ra sân rồi đóng sầm cửa.
Hoàng Trung Thủy bị ông họa sĩ đuổi ra khỏi nhà.
Vì cái tội không năng động xin tiền tài trợ cho ông ấy vẽ tranh. Tội không biết có thứ văn nghệ èo uột chỉ nhằng nhẵng bám vú nhà nước.
Tôi gắng nuốt cục nghẹn, bảo: "Ông còn cái tội to nữa là không biết tin vào diễn văn của đồng chí lãnh đạo".
Đại hội văn nghệ tỉnh lần ấy, một tay Hoàng Trung Thủy lo liệu mọi việc. Dự kiến nhân sự, lập kế hoạch, xin kinh phí, viết báo cáo, chuẩn bị các văn bản... Tôi trốn việc, phất phơ bên ngoài, còn giở cả mánh để tránh ngồi trên ghế chủ tịch đoàn, tức là không phải tham gia điều hành đại hội. Buổi tối trước ngày khai mạc, rủ một ông bạn đi nhậu để tự thưởng cho cái sự khôn lỏi của mình. Nhậu về, 9 giờ tối, điện thoại kêu. Đầu dây đằng kia, em vợ Hoàng Trung Thủy báo tin ông anh rể vừa thổ ra máu, đưa vào viện cấp cứu. Tôi hoảng hồn lao đến bệnh viện. Hoàng Trung Thuỷ hồi hồi lại, nắm hờ tay tôi: "Ngày mai... đại hội... cậu giúp...".
Thế là hết! Tưởng phủi tay, ai ngờ vẫn phải nhận ấn tín một cách bất đắc dĩ. Đành thức trắng cả đêm để chuẩn bị.
Tôi đã lường trước sự tồi tệ, nhưng không ngờ nó diễn ra ở mức độ như vậy. Một số người, vì động cơ nào đó, đã xúm vào "bề hội đồng" Hoàng Trung Thủy. Thủy cơ hội. Thủy bè cánh. Thủy thanh lý xe cơ quan lấy tiền đút túi. Thuỷ là đảng viên mà tán thành đa nguyên... Đến thế là cùng! Mơ hồ kết hợp với dựng đứng. Vỗ mặt đi kèm với hung hiểm. Rát mặt thay cho anh, nhưng tôi cũng chợt mừng. May mà anh thổ huyết sớm từ tối qua. Chứ nếu bây giờ anh ngồi đây thì không biết sự thể sẽ như thế nào. Giữa lúc đó lại có tin báo từ bệnh viện: Hoàng Trung Thủy phải mổ gấp. Thế là trong vòng một buổi sáng, Hoàng Trung Thủy phải hai lần lên bàn mổ, trải qua hai cuộc mổ xẻ bầm dập.
Cuối cùng anh vẫn trúng chủ tịch hội. Sau này ngẫm lại, tôi thấy cái đau nhất không đến từ trận đòn. Cái đau nhất chính là sự im lặng của số đông. Số đông có thể nhận ra điều này điều nọ, nhưng họ vẫn im lặng...
Dường như anh cũng hiểu điều đó. Những ngày tiếp theo, anh trở nên trầm lặng hẳn.
■
Cuộc thi thơ của báo Văn nghệ (Hội Nhà văn VN) năm 1969-1970 kết thúc, Hoàng Trung Thủy là một trong số những người được giải thưởng. Hoàng Trung Thủy viết ít. Có khoảng thời gian cả gần chục năm hầu như anh không viết gì. Những năm cuối đời, khi đã định cư hẳn ở Vũng Tàu, Hoàng Trung Thủy tìm lại được cảm hứng và bắt đầu một nhịp độ sáng tác mới không dồn dập nhưng đều đặn. Những bài thơ hay nhất của anh cũng ra đời trong khoảng thời gian này.
Hoàng Trung Thủy luôn tỏ ra kinh ngạc và bái phục những tìm tòi mới về hình thức, nhưng khi làm thơ vẫn trung thành với cái tạng giản dị, khiêm nhường vốn có của mình. Đó là sự trung thành, sự tự biết mình rất cảm động. "Chao ôi, hỡi, ô hay, phải chăng, người ơi, mùa hạ ơi"... thỉnh thoảng vẫn có mặt trong thơ anh, nhưng nói chung không gây cảm giác õng ẹo giả dối. Chúng là những lời buột thốt từ tâm trạng của một thi sĩ lãng mạn theo kiểu truyền thống. Những bài thơ hay của Hoàng Trung Thủy bao giờ cũng có "vị" nghẹn ngào của xúc cảm.
Năm 2004, lần đầu tiên trao giải thưởng văn học nghệ thuật của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhà thơ Nguyễn Duy được mời tư vấn cho hội đồng nghệ thuật (phần thơ). Khi đọc xong và đưa trả các tác phẩm tham dự giải cho tôi cùng với bản nhận xét, Nguyễn Duy nói thêm đúng một câu: "Thơ lão Thủy hay nhất".
Nhưng Hoàng Trung Thủy cũng có lúc bị chi phối bởi sự... sốt ruột. Có thể vì anh đã có tuổi. Anh viết vẫn còn ít, vẫn còn nhẩn nha. Và có thể còn vì một sự hối thúc vô hình nào khác mà chính Hoàng Trung Thủy cũng chỉ mới mơ hồ nhận thấy. Một năm trước khi mất, anh đôn đáo cho in tập trường ca "Hoa bằng lăng". Đây là tập bản thảo anh hoàn thành từ thời còn trai trẻ, nhân một cuộc vận động sáng tác nào đó. Suốt từ ngày ấy nó vẫn nằm im trong tủ trong hòm. Bây giờ có người tài trợ, anh vội vã đem ra sửa chữa lại rồi đưa in. Sách in xong, Hoàng Trung Thủy vui mừng tặng cho bạn bè. Tôi đọc, và không nói gì với anh.
■
Hoàng Trung Thủy ở ngôi chủ tịch hội chưa đầy một năm.
Buổi trưa, như thường lệ, anh giở mấy tờ báo đem từ cơ quan về, khoan khoái ngả người trên ghế bố. Trang giữa báo Lao Động hôm ấy đưa tin nhà văn Tô Ngọc Hiến ở Quảng Ninh vừa mất. Hoàng Trung Thủy liếc thấy, ném tờ báo xuống đất, quay ra bảo con trai: "Bác Hiến cùng thời với bố, đi rồi".
Năm giờ chiều tôi đạp xe đến nhà Hoàng Trung Thủy. "THƯ VĂN TÌNH QUÁN" đóng cửa từ lâu, nhưng gian nhà dưới của anh giờ cho thuê bán vật liệu xây dựng. Tôi hỏi mua mấy viên gạch Tàu về sửa bếp. Nghe tiếng tôi, anh từ tầng hai chạy xuống. Hai anh em đứng nói với nhau vài câu rồi anh nhảy lên chiếc Honda 50, bảo đi đón vợ chiều nay ra viện. Chị Liên, vợ anh, mấy hôm trước ngã cầu thang trẹo tay.
Bảy giờ tối. Tôi đang ăn dở miếng cơm thì cháu Tình, con gái út của anh, mếu máo nói qua điện thoại: "Bố cháu nôn ra máu". Tôi hoảng hốt gọi vài người thân rồi nháo nhào chạy đến anh. Taxi đã đưa anh đi rồi. Chúng tôi phóng đến bệnh viện.
Hoàng Trung Thủy nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, mái tóc dài xoã ra đầy gối. Mấy nhân viên y tế đang gấp gáp thực hiện các thao tác. Tôi tìm cách lách được vào bên trong đứng cạnh anh. Thời gian trôi rất nhanh. Một bà nhân viên bỗng ngừng tay, mở mí mắt anh nhìn vào một thoáng rồi quay sang tôi, thản nhiên: "Bác ấy đi rồi".
"Bác ấy đi từ lúc nãy cơ, lúc đang ngồi trên taxi - Ông hàng xóm của anh, người đã bế anh lên xe đến bệnh viện, thì thầm bên tai tôi - Tự nhiên tôi thấy bác ấy ưỡn người lên mấy cái, rồi nằm im".
Suốt mấy tuần sau đó, tôi thường xuyên nằm mơ thấy Hoàng Trung Thủy. Thấp thoáng đi về, không nói không rằng. Chỉ đến lần cuối cùng, tự nhiên anh đưa tay ra cho tôi: "Ở dưới ấy buồn quá...". Tôi rụt ngay tay lại, kêu to: "Không! Tôi còn nhiều việc lắm".
Tôi sợ chết. Hẳn rồi.
Chứ công việc thì vẫn kẽo kẹt nhũng nhẵng qua ngày thế thôi.
Mười năm qua làm được gì?
Mười năm nữa thì làm được gì?
Những bạn hăm hở ngày đầu thành lập hội đâu rồi?
Hoàng sớm về với cát bụi.
N. trở lại nghề cũ, làm thầu xây dựng, vợ đẹp con khôn.
K. phụ vợ buôn bán, phất lên xe hơi nhà lầu, nhớ văn chương xin tiền vợ tự in cho mình cuốn sách đóng bìa cứng cất đi để dành làm của gia bảo.
H. quay ra nghiên cứu thiền, hỏi còn viết còn dịch gì nữa không chỉ cười ngơ ngẩn.
T. thôi viết từ lâu.
V. bỏ bút.
L. bỏ bút.
Nhiều người nữa bỏ bút.
Văn chương bạc bẽo. Làm việc khác làm việc khác.
Gặp lại nhau bây giờ thông cảm cười, xuê xoa cười, meo méo cười.
Như thế để thấy chuyện đi ở cũng nhẹ nhõm thường tình anh Thủy nhỉ?
Vũng Tàu, tháng 8-2007
T.Đ.T
Thương anh Thuỷ, nhớ anh Tiến và các anh mà thỉnh thoảng nhìn thấy nhau lại chỉ meo méo cười, buồn quá anh Tiến ơi mà sao em cũng vẫn nhớ những ngày "trong sáng" ấy, hìhì. Thật cảm động khi anh còn nhắc tới TCV, mong có dịp hầu rượu anh
Trả lờiXóa1-Đời nhạt đi tìm rượu
Rượu nhạt làm sao say
Say nhạt tình cũng nhạt
Tình nhạt, buồn ai hay
2-Sương nguội, đêm gày đem nhậu chơi
Gió già ta vẫn sẵn sàng xơi
Thềm trăng lóc chóc bông quỳnh nở
Nhậu độc mùi hương đủ xỉn rồi
Mình quá bất ngờ vì V cũng vào đọc blog của mình. Cùng ở VT mà cứ như nghìn dặm cách trở, hu hu!Thích 2 bài thơ của V lắm, nhất là bài 2. "Sương nguội, đêm gày" đã lạ, lại còn hoa quỳnh nở "lóc chóc" nữa thì độc đáo hơn người đấy. Hôm nào rảnh ngồi cafe với nhau nhé, mình chừa bia rượu rồi.
Trả lờiXóadạ, huhu
Trả lờiXóa... cái đau nhất không đến từ những trận đòn. Cái đau nhất chính là sự im lặng của số đông. Hôm nọ khi ông thày dạy phần triết học phương đông, ông chứng minh và đi đến kết luận: người Việt mình không có tư tưởng riêng, tào lao, thiếu tự trọng.Khi giảng xong ông có hỏi lại: tôi nói vậy các anh chị thấy đúng hay sai? Cả lớp hơn trăm người mỗi thằng mình có ý kiến ( vì mình đến tuổi sắp về hưu) còn lại im như thóc. Ông mỉn cười: thế thì nhận xét này của tôi đúng cả về lịch sử lẫn tương lai. Chán thật anh nhỉ? (Bá Bi)
Trả lờiXóa@ Bá Bi: Vâng, đúng thế thưa anh! Thật chẳng còn gì để nói.
Trả lờiXóaAnh đỡ chưa,chiều đi được không để em gọi bác Minh và bác Hiển nhé?
Trả lờiXóa