Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

ĐOẢN VĂN CUỐI TUẦN - 6

TRẦN ĐỨC TIẾN



CƠM HÀ NỘI

          Lâu lâu ra Hà Nội một lần, anh lại có cái thú được cùng bạn bè đi ăn cơm. Người Hà Nội nấu ăn ngon đã đành, họ còn tinh tế cả trong việc tạo không khí cho quán ăn của họ. Lịch sự, ấm cúng. Đèn sáng vừa phải. Nhạc mở vừa phải. Người phục vụ luôn giữ khoảng cách cần thiết với khách hàng, không quá săn đón hỏi han khui bia rót rượu…

          Hai người ngồi một bàn, vừa nhẩn nha thưởng thức các món ăn vừa chuyện trò khe khẽ. Nào phải nem công chả phượng gì - một đĩa ngô non chiên bơ, mấy bìa đậu phụ “lướt ván”, đĩa rau bí xào tỏi, đĩa tôm rim hay vài lát cá kho riềng, bát canh hến nấu cà chua, liễn cơm gạo ngon thổi khô nóng hổi. Mâm cơm toàn những món “nhà quê” dọn ra, khăn trải bàn trắng bóc, lọ hoa tươi, phòng máy lạnh, nhạc dặt dìu, thêm ly rượu tây hay chai bia ngoại là vừa khéo.
          - Hai ông vào quán một bữa như thế hết bao nhiêu? - Chị hỏi, sau khi nghe anh tấm tắc khen.
          - Đâu có bao nhiêu! Tính cả ly rượu hay chai bia, chỉ mất trên dưới hai trăm nghìn.
          - Ừ, không bao nhiêu! Nhưng hai trăm nghìn ấy, cũng đủ đi chợ cho bốn người nhà mình trong hai ngày đấy ông ạ.
          Rồi chị cười cười:
          - Làm gì cơm Hà Nội chả ngon.


CÂY TRỨNG CÁ

          Cây trứng cá mọc hoang ngoài đường, cành vươn cao, xòe tán vào trong sân nhà anh. Những bà hàng xóm rỗi việc chiều chiều đem ghế ra ngồi hóng dưới gốc cây, kháo nhau đủ chuyện trên trời dưới đất. Đi làm về tới cổng, phải gật đầu, mỉm cười với từng ấy cặp mắt nghênh nghênh nhìn mình, phát mệt. Bóng cây còn là nơi nghỉ trưa lý tưởng của những chị đồng nát ve chai. Tiếng quang gánh xủng xoẻng, tiếng cười nói ì xèo đủ làm tiêu tan luôn những giấc trưa ngắn ngủi. Mùa quả chín, chim kéo nhau về ríu rít trên cành. Nhưng quả ngọt rụng đầy sân cũng làm mồi rủ rê ruồi nhặng… Cho đến hôm phát hiện bộ quần áo phơi ngoài hè biến mất thì kẻ tòng phạm đương nhiên là cây trứng cá. Trộm làm sao có thể vượt qua hàng rào thép gai để vào sân, nếu không nhờ đến cây?
          Lợi chưa thấy đâu, đã thấy họa.
          Thuê người đến xoẹt xoẹt vài đường cưa máy. Trống một khoảng trời trước hiên. Tiếng người không còn. Ruồi nhặng không còn. Tiếng chim cũng vắng. Những vòng dây thép gai chĩa lên trời tua tủa.
          Mấy hôm sau, vào buổi sáng, có một thằng bé đến đứng bần thần bên gốc cây cụt. Nó không nhìn anh. Nó nhìn lên cái khoảng trống trên đầu. Rồi không nói không rằng, lủi thủi đi mất.
          Những người lớn không bao giờ biết được vị ngọt thơm lạ lùng của trái cây trứng cá.


ĐOẠN KẾT

          Công danh đang nổi, ngôi nhà riêng vào loại đẹp nhất phố vừa xây xong, đùng một cái, ông ngã bệnh. Ở bệnh viện về, người ông tọp hẳn, da xanh mét. Cơ quan tiếp tục cho ông nghỉ dưỡng bệnh. Sáng sớm nào cũng thấy ông lững thững đi bộ ra công viên, tập dưỡng sinh, hít thở không khí trong lành. Nhiều người quen chạy đến bắt tay ông, ân cần thăm hỏi: “Anh thấy trong người thế nào”? “Mình đỡ nhiều, trong người thấy dễ chịu lắm” - ông trả lời không mấy tự tin, gắng kèm thêm một nụ cười buồn buồn tai tái. Cũng có hôm đột nhiên ông trở nên cởi mở, vừa thở vừa tâm sự với một ai đó:
          - Qua đợt này, mình phải bắt tay vào viết một cuốn sách.
          Không để cho người đối thoại kịp ngạc nhiên, ông hào hển nói tiếp:
          - Có lẽ chẳng có thứ của cải nào qúy hơn cuốn sách để lại cho con cháu. Chuyện của mình, chuyện đời mình thôi, nhưng viết ra đọc thấy thú vị hơn hẳn…
          Ông cất tiếng cười, rồi vừa cười vừa ôm ngực ho.
          Mỗi sáng, vẫn có người chạy đến bắt tay ông, nhưng không còn ai gợi hỏi chuyện sức khoẻ hay viết sách. Nụ cười yếu ớt cũng biến dần trên môi ông.
          Chỉ còn duy nhất mình ông chưa biết căn bệnh hiểm nghèo của mình - bệnh ung thư phổi đang vào giai đoạn cuối.

                                                                                             T.Đ.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét