Tôi không có ý định buông một câu triết lý, hay thốt một lời đau đời gì đâu. Nhưng quả thật cái câu “cuộc đời dài quá” bỗng chợt bật ra rồi cứ đáo qua đáo lại trong đầu khi tôi nhìn hai đứa con nhỏ bé của mình. Một thằng lên sáu, một thằng vừa hơn một tuổi. Còn tôi đang dần bước đến cái tuổi mà thiên hạ vẫn gọi là “tứ thập nhi bất hoặc”.
Khi ở tuổi hai mươi, ta thấy tuổi đời còn mênh mông quá, cái đích tới tuổi ba mươi như chạy mãi không bao giờ tới. Nhưng khi qua tuổi ba mươi thì ta như đang lao xuống cái dốc của cuộc đời, hay lao theo cái cỗ xe thời gian bị… mòn bố thắng. Có một chút gì đó ngậm ngùi, khi đọc mấy câu thơ của thi sĩ Nguyên Sa:
Bốn mươi, con vạc ăn sương
Có giường đệm trắng, có em cởi truồng
Em nằm nghe hát cải lương
Ta nằm nhớ bác Tú Xương ngậm ngùi
Cảm nhận về nỗi buồn là vậy. Nhưng cảm thức về thời gian lại chừng như mâu thuẫn. Khi nhìn hai đứa con nhỏ bé của mình, chợt dưng tôi thấy cuộc đời sao mà dài quá đỗi. Hơn ba mươi năm trước, tôi cũng chỉ là một thằng bé như thằng con lớn của tôi bây giờ. Thơ dại buồn hiu trong nhà tranh vách đất. Thơ thẩn đường làng cỏ cây hoa lá. Đêm tối mênh mông nhỏ lẻ ngọn đèn dầu. Như chẳng bao giờ có sự khởi đầu. Không có cả sự dìu dắt, dù trong nhà có cả cha lẫn mẹ. Cả tuổi thơ là một niềm thinh lặng. Nhưng điều an ủi lớn nhất của những đứa trẻ nông thôn là, chúng có thể xa lạ với những con người quanh mình, nhưng không xa lạ với thiên nhiên quanh mình. Dường như có một cuộc chuyện trò nào đó không bao giờ ngưng nghỉ giữa những đứa trẻ và thiên nhiên xung quanh. Sau này, tôi để ý thấy đôi mắt trẻ thơ nông thôn có một vẻ ngây thơ trong sáng rất khác đôi mắt trẻ thơ thành thị. Có lẽ, những đôi mắt trẻ thơ nông thôn là đôi mắt của thiên nhiên chăng?
Cuộc đời, nếu chỉ ngưng đọng mãi ở những năm tháng tuổi thơ thì tuyệt vời quá. Sự tuyệt vời không phải ở những gì mà tuổi thơ hưởng được như sự chăm lo, nuông chiều, mà chính ở tâm hồn trong veo, chưa một vết vẩn đục. Nhưng cuộc đời còn dài. Dài ở quãng đường chân đất tới trường, dài như leo thang lên trời để tìm tri thức trong trang sách. Rồi, rời làng lên tỉnh trọ học; rồi vào thành phố để kiếm mảnh bằng đại học; rồi loay hoay xoay xở kiếm sống bằng đủ thứ nghề lặt vặt; trong thời gian ấy, mình đã trải qua biết bao tâm trạng, gặp biết bao người, đụng biết bao chuyện.
Sống trên đời đã gần bốn mươi năm, nghĩa là đã ăn mấy chục ngàn chén cơm, đã uống mấy ngàn chai bia, đã thay vài trăm bộ trăm bộ quần áo, đã vứt cả hàng chục đôi giày, đã lảm nhảm hơi bị nhiều, đã yêu gần như tơi tả… Thế mà, vẫn còn… một chặng đường rất dài phía trước. Mà, có khi là như mới bắt đầu, bởi với tôi chỉ là những năm tháng đầu tiên nuôi con.
Nhưng cuộc đời, kỳ thực là dài dằng dặc hay quá ngắn ngủi? Bởi nếu ai cũng bảo cuộc đời quá dài như tôi thì làm gì có câu: “Chớp mắt đời người”. Có lẽ, đời dài hay ngắn là tùy tâm trạng, quan niệm của mỗi người. Nhưng, theo tôi một cuộc đời, rốt lại cũng chỉ có vài ba chuyện quẩn quanh. Một người sống đến 90 tuổi thì chỉ cần làm một bộ phim 90 phút là dư sức để nói về họ. Hoặc, nếu như có ai đó chịu khó đứng trên cao nhìn xuống, thử quan sát một đời người thì sẽ thấy quả là không có gì nhiều nhặn. Nếu quan sát một công chức thì sẽ thấy ngày nào anh ta cũng chạy xe đi đi về về trên vài con đường đó. Bất đắc dĩ lắm anh ta mới chạy sang một con đường khác là bởi vướng “lô cốt” hay kẹt xe gì đó. Anh ta thường ngồi uống cà phê chỗ quán cóc đó, nói chuyện với vài ba người đó, dăm ba câu chuyện đó cứ lặp đi lặp lại. Thỉnh thoảng anh ta đi uống bia, cũng cái quán nghêu sò ốc hến gì đó, uống một loại bia quen thuộc nào đó, với vài ba chiến hữu đó, cũng nói mấy câu chuyện đó. Cũng có khi hứng chí làm tăng hai, hát hò karaoke thì anh ta cũng hát đi hát lại vài bài, thậm chí chỉ một bài duy nhất đó. Vẫn về nhà nằm lên cái giường đó. Vẫn thích xem phim của một hai đạo diễn nào đó. Vẫn luôn chuyển kênh khi thấy mặt một vài chính trị gia nào đó. Vẫn luôn nghĩ tới một điểm đến trong mơ nào đó. Và, ngày nào cũng mua vài ba tờ vé số gì đó để mà nuôi cái niềm hy vọng đó.
Nói tóm lại, một đời người nếu gom lại cũng chỉ thấy vài hành vi để duy trì sự tồn tại. Những hành vi lặp lại và kéo dài. Đạo đức cũng là một thứ khuôn mẫu lặp lại. Nhưng cái gì lặp đi lặp lại mãi thì cũng khó mà tránh sơ suất, trục trặc. Cho nên, theo tôi, câu “cái quan định luận” (đợi đến khi đậy nắp quan tài thì mới đó thể nhận định về một con người) là rất đáng lưu tâm trong đời.
Tôi thường nhớ thương tuổi thơ của mình. Và, tôi thương hai đứa con nhỏ của tôi hơn tất thảy mọi thứ trên đời. Cuộc đời dù dài hay ngắn thì cũng là một cuộc đời. Tôi thường rơi vào trạng thái u sầu khi nhớ về tuổi thơ của mình. Nhưng có lẽ, không ai sống trong đời chỉ để gặm nhấm nỗi sầu, dẫu biết sầu là muôn thưở. Thôi thì, học tập theo cái vui kiểu Nguyễn Thế Hoàng Linh vậy:
Haha vui quá tuổi đời
tan như viên đá vừa rời tủ lạnh
mấy nghìn trận bóng nữa rồi chết
mấy trăm bữa lẩu nữa rồi chết
mấy chục thất bại nữa rồi chết
trận bóng, bữa lẩu, thất bại, tuyệt vọng
mấy nghìn, mấy trăm, mấy chục, mấy lần
được nhiều thế cơ à
vui làm sao.
T.N.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét