Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

ĐỒNG HỒ SINH HỌC

TRẦN ĐỨC TIẾN

          Đầu năm 1986, anh T đi Liên Xô về, cho mình quà là một chiếc đồng hồ để bàn. Chiếc đồng hồ vỏ nhựa màu đỏ, có chuông báo thức hẳn hoi. Sau này nghe nói bên ấy người ta chế ra loại đồng hồ này chủ yếu dành cho trẻ con, để chúng thoải mái tháo ra lắp vào, làm quen với cơ khí. Tức là giá trị của nó không cao. Chẳng biết có đúng không, nhưng với bọn mình lúc bấy giờ - lũ công chức độc thân sống trong khu tập thể giữa thời bao cấp - có một cái đồng hồ báo thức để đầu giường là oách lắm.
          Anh T về nước ít lâu thì lăn ra bệnh. Mà bệnh hiểm nghèo: suy tuỷ. Hồng cầu trong máu anh tụt xuống mức thê thảm. Anh vào nằm bệnh viện, phải tiếp máu thường xuyên. Đầu tiên nửa tháng tiếp một lần, rồi hạ xuống 1 tuần, cuối cùng cứ vài ba ngày lại phải tiếp. Mỗi lần, mình nhớ là ¼ lít máu tươi. Máu tươi ngày ấy thì… kinh khủng! Đâu đâu cũng thiếu ăn. Bọn cán bộ như mình, đang tuổi thanh xuân, thằng nào thằng nấy mặt xanh nanh vàng. Đã có thằng đang ngồi làm việc, mót tiểu, chui vào toa lét rồi ngất xỉu, sấp mặt vào bồn cầu. Có thằng buổi chiều đi làm về, vừa kịp bưng bát cơm lên miệng thì lăn đùng ra đất, phải gọi xe cấp cứu… Thế mà có những lần, để có máu tiếp cho anh T, công đoàn phải đứng ra vận động mọi người đi thử máu, hiến máu. Nhưng cái công đoàn thiếu máu kinh niên ấy làm sao cứu nổi anh! Cuối năm 1986 mình chuyển vào Nam. Trước khi đi đến thăm anh ở bệnh viện. Lúc ấy anh “bệt” lắm rồi. Nằm như dán xuống giường bệnh. Mắt kéo màng, lờ đờ. Da vàng như đất sét, nổi lên vô số đốm bã chè. Mình ứa nước mắt, nắm lấy bàn tay khô lủng củng những xương của anh lần cuối cùng.
          Mình vào Nam, mang theo chiếc đồng hồ, giữ gìn nó như kỷ vật. Được ít ngày thì nghe tin anh T mất.
          Chuyện về anh T và chiếc đồng hồ - đúng hơn là chuyện về tụi mình thời ấy - mình đã kể lại ít nhiều trong truyện ngắn “Đồng hồ báo tử”.

Bìa cuốn sách "Đồng hồ báo tử"
          Đồng hồ báo tử” được in đi in lại nhiều lần, có lần được chọn làm tên tập “truyện ngắn kinh dị” của nhiều tác giả, mặc dù nó chả phải là truyện kinh dị.
          Chiếc đồng hồ mình vẫn còn giữ cho đến tận bây giờ, sau 25 năm.
          Nhà mình có 2 cái đồng hồ treo tường, một ở phòng khách, một dưới bếp. Không kể đồng hồ đeo tay, đồng hồ điện thoại, đồng hồ máy tính… Nhưng sáng nào mình cũng lên dây cót cho cái đồng hồ báo thức vỏ đỏ cũ kỹ.
          Những năm đầu nó chạy tốt, chính xác từng phút. Cứ đúng 7 giờ sáng thì mình lên dây. Vặn 7 vòng thì nó chạy đến đúng 7 giờ sáng hôm sau. Vặn 9 vòng thì “sống” lâu hơn ít nữa, nhưng giờ bị chậm lại mấy phút so với đồng hồ chạy pin treo tường.
          Mùa hè, trời nóng, đồng hồ chạy chậm, mình vặn 7 vòng. Cuối năm, trời mát, chạy thong dong, mình vặn 9 vòng.
          Đã có lúc mình nghĩ cái đồng hồ này không biết hỏng là gì. Trông cũ kỹ, bụi bám dày, lại chẳng một lần lau dầu (bây giờ còn tiệm lau dầu cho đồng hồ không nhỉ?), vậy mà có khi nó còn sống lâu hơn cả mình. Nghĩ đến đấy mình thấy hơi buồn buồn. Nó mà sống lâu hơn mình thì không biết ai sẽ lên dây cót cho nó? Mà có biết khi nào vặn 7 vòng, khi nào vặn 9 vòng hay không?
          Nhưng không ngờ cũng đến lúc nó giở chứng.
          Đầu tiên là cái chuông báo thức. Đang kêu reng reng vui tai, bỗng đổi thành lạch xạch. Mà cũng chỉ lạch xạch được vài tiếng rồi tắt ngóm.
          Rồi đến lúc vặn cót xong, đứng ì ra, không chịu chạy. Phải lắc mấy cái, vỗ mấy cái, mới nghe tiếng tích tắc lười nhác.
          Có lần chạy được năm, bảy tiếng thì nó… nghỉ khoẻ. 7 giờ sáng hôm sau ngó đến, thấy kim chỉ 12 giờ, mới biết là cu cậu ngoẻo từ trưa hôm trước, hay từ nửa đêm. Gõ cho một phát, lại chạy. Thế là chỉ phải vặn cót thêm ba, bốn vòng.
          Đến đầu mùa khô năm nay, đồng hồ đứng hẳn. Tha hồ gõ, tha hồ lắc, nhất định không nhúc nhích. Biến đổi khí hậu, trời lạnh, có lẽ cu cậu sun vòi lại. Nghĩ thế nên mình đem nó ra phơi nắng giữa trưa. Quả nhiên nghe có tiếng giở mình, rồi tiếng tích tắc khe khẽ, đều đều. Nhưng đến lúc đem vào nhà lại nằm im.
          Chán, mặc kệ muốn ra sao thì ra. Không ai hơi đâu chứ chốc chốc lại nhấc lên gõ với lắc. Nhưng lúc đem đặt đồng hồ lên giá sách, mạnh tay thế nào khiến nó đổ chổng kềnh. Ngay lập tức tiếng tích tắc vang lên giòn giã. Mình đứng im lắng tai một lúc. Đích thị nó lại chạy. Chạy ngon lành.
          Một tuần trôi qua rồi. Cái đồng hồ quái quỷ ấy bây giờ dứt khoát chỉ chạy khi nằm ngửa.
          Thì ra đồ vật cũng như con người. Có đời sống, tâm hồn hẳn hoi. Già cũ thì bệnh tật, trái tính trái nết. Mình cũng già rồi. Có sáng ngủ dậy, thò chân xuống đất  thấy mình đã như người khác.
          Viết đến đây, mình phì cười vì nhớ ra lời một ông bạn. Ông ấy bảo: tuổi chúng mình, tầm ba, bốn giờ sáng thức dậy trên giường, thấy cái đồng hồ sinh học của mình nằm im không nhúc nhích, cái đồng hồ 1 kim ấy, lúc nào cũng buồn thiu chỉ 6 giờ,
                  
                              coi như
                                                xong!

                                                                                    29-12-2010
                                                                                        T.Đ.T                 

1 nhận xét: