Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

ĐOẢN VĂN CUỐI TUẦN

TRẦN ĐỨC TIẾN

          Mình viết đoản văn chủ yếu để in báo kiếm mấy đồng nhuận bút còm. Viết khá nhiều, đã có lúc định in thành tập, nhưng nghĩ đến việc nhặt nhạnh chúng chỗ này chỗ khác rồi gom lại, sửa chữa… lại quá sức ngại.
          Cuối tuần thư giãn, post lên mấy cái cho các bạn đọc chơi.
                                                           *
                                                        *    *


YÊN TỬ


          Non nửa đường đi bằng cáp treo rồi mà phần còn lại vẫn bằn bặt trong thâm u. Những bậc đá cheo leo, dựng đứng ngay trước mũi. Vật vã chừng hai tiếng đồng hồ, gặp một nhà sư đẹp trai  thong dong bước xuống.
          A di đà Phật! Đường còn xa không thầy”?
          Gian nan đấy. Mà xem chừng đi như thế thì đến tối chưa chắc tới nơi”. Nhà sư cười, hàm răng trắng tươi. Ơ kìa, người tu hành mà cũng thích đùa nhỉ?
          Leo thêm tiếng nữa, dừng lại vuốt mồ hôi, thở. Người bạn cùng đi chỉ tay lên phía sườn núi xa mờ: qua chặng kia là đến! Nhìn theo tay bạn thấy tuyệt vọng. Một cô gái  cũng bỏ gậy, ngồi phệt xuống bậc đá. Mặt cô tái mét, vắt không ra giọt mồ hôi: “Thôi. Xuống. Không đi nữa”. Anh bạn trai của cô động viên: “Cố lên tí nữa. Sắp đến rồi”. “Sắp cũng thôi” - đột nhiên cô gái cau mặt, gắt - “Có gì đâu mà đi”?
          Không có gì thật. Chỉ có đá và những bụi cây dại. Rừng trúc đã ở lại dưới xa. Ở lại dưới xa “thăm thẳm mây ngàn”. Ở lại dưới xa “véo von con sáo sậu”. Những câu hát nổi tiếng lãng mạn đã tự tắt trong lòng từ lâu. Chùa Đồng, đỉnh núi, tận cùng con đường. Chỉ đá và cỏ. Và gió hoang sàn sạt thổi mòn núi từ bao thế kỷ.
          Anh chống gậy, ngửa mặt nhìn trời. Chợt hiểu vì sao bao nhiêu người bỏ cuộc ở lại dưới xa kia.
          Cứ đi cứ đi. Đừng nghĩ đến đích. Làm gì có đích.
          Đó không chừng là bài học câm lặng vĩ đại của Yên Tử.



MƯA PHÙN


          Hai mươi năm trước, hai người chia tay nhau. Một cuộc chia tay buồn, thật buồn, nhưng cả hai đều cố giấu nỗi buồn ấy. Anh chuyển hẳn vào Nam sinh sống. Vì không muốn thừa nhận nỗi buồn, nên thỉnh thoảng còn điện thoại. Mùa đông ngoài Bắc mưa phùn gió bấc. Quên làm sao những lần đi chơi về khuya mưa đẫm tóc, má môi chị cũng lạnh đi vì mưa... Tiếng chị nghe thảng thốt trong máy: “Anh bảo trong ấy đang nắng to à”? “Ừ, nắng chang chang. Như giữa mùa hè ngoài Bắc”. Chị lặng người. Thật khó hình dung ra trong một nước, chỉ cách nhau hai đầu dây nói, mà một đầu thì lạnh lẽo u ám, một đầu thì nóng bức chói chang.
          Sang tuổi ngũ tuần anh mới có một lần ra Bắc, tình cờ đúng vào vụ rét. Phố nhỏ đèn khuya mưa giăng mờ. Chị tiễn anh ra cửa: “Cầm lấy chiếc ô này che tạm. Để đầu trần, ngấm mưa thì khổ”. Anh cười cười, đưa tay vuốt mấy sợi tóc lưa thưa sót lại trên đỉnh đầu: “Tôi bỏ ra bao nhiêu tiền chỉ cốt mua lấy cái mưa phùn này thôi”. Rồi không để ý đến cặp mắt loáng ướt của chị, anh quay đầu, vội vã bước.
          Mưa phùn mưa phùn!
          Đi hết đời người chưa chắc đã hết mưa!



THU


          Bạn ở ngoài Hà Nội điện thoại vào, suýt soa thu đã về, trời đẹp lắm, cố tìm cách tranh thủ ra chơi vài ngày kẻo uổng.
          Anh từng sống những năm tuổi trẻ ở Hà Nội nên rất hiểu cảm xúc của bạn. Một ban mai ẩm ướt, thức dậy mở cửa sổ nhìn ra Hồ Tây mênh mông sương phủ. Những chú chim bói cá bất động giữa khoảng không như thả neo trong sương mù. Cây dạ lan ngoài thềm thao thức suốt đêm, giờ mùi hương như vẫn còn lẩn quất đâu đó. Không khí thoáng nhẹ, tinh khiết, chỉ muốn hít thật sâu vào ngực… Gần hai mươi năm xa Hà Nội, sống ở một thành phố phương Nam nắng gió, hết mùa mưa thì sang mùa khô, còn đâu cảm nhận rõ ràng mỗi khi thu về?
          “Sao, liệu có thu xếp được không?”, bạn hỏi.
          “Để từ từ rồi tính”, anh ngần ngừ hoãn binh.
          “Không tính gì nữa. Mùa thu cũng như nhan sắc phụ nữ, chớp mắt là qua. Từ từ thì có mà đến tết. Nếu kẹt tiền, đây bao, khỏi lo”.
          Anh cảm động trước sự hăng hái của bạn, nhưng chỉ cười khẽ vào máy: “Không phải chuyện tiền… Đi đâu xa bây giờ ngại quá ông ạ. Mỗi sáng dậy còn đau ê ẩm hết cả người. Tuổi tác, sức khoẻ mà ông”.
          Đầu dây đằng kia giọng bạn chuyển sang châm biếm: “À à… Hiểu, hiểu. Đời thế là… sang thu mất rồi”.
          Còn gì nữa?
          Ngoài năm mươi tuổi.
          Thu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét