Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

BA BỊ CHÍN QUAI...

          (Truyện thiếu nhi)

TRẦN ĐỨC TIẾN
 
          Đây là ông Ba Bị Chín Quai ở làng mình ngày xưa. Truyện này rút trong tập bản thảo đang viết dở…
                                                                                                                    T.Đ.T

          Ông Hàng Lồng không phải người làng tôi, nhưng ngày nào ông cũng phải đi qua làng tôi hai lần. Buổi sáng đi chợ bán hàng. Còn buổi chiều thì từ chợ về nhà. Bọn trẻ con làng tôi chỉ hay gặp ông vào buổi chiều.
          Ông Hàng Lồng không phải tên Hàng Lồng. Tên ông là gì, hình như không ai biết. Gọi ông Hàng Lồng, vì ông chuyên bán các loại lồng sọt ở ngoài chợ: lồng gà, lồng vịt, sọt ngâm mạ, sọt đựng phân trâu, sọt dùng cho xe thồ… Ông nổi tiếng không phải vì buôn bán mấy thứ hàng tre đan. Ông nổi tiếng vì hay bắt trẻ con! Ấy là người lớn bảo thế. Đứa nào hư, bố mẹ quẳng cho ông Hàng Lồng. Ông ấy nhốt vào lồng gánh tuốt lên rừng, thả vào đấy mấy hôm là người mọc đầy lông, biến thành khỉ.
          Hồi lên ba lên bốn còn cởi truồng, thò lò mũi xanh, tôi cũng sợ ông Hàng Lồng chết khiếp. Nhác thấy bóng ông đằng xa là co cẳng chạy bán sống bán chết. Nhưng cũng có lần mải chơi, ngẩng lên đã thấy ông lừ lừ trước mặt. Chân cẳng ríu  lại, chẳng khác gì cua nhìn thấy ếch. Ông đứng sững, nhìn chúng tôi rồi vươn cổ gầm lên một tiếng “hừ…ừm”. Bấy giờ mới kịp giật nảy người, cả lũ tóa ra như đàn chim đang nhặt thóc bất ngờ bị người ta ném cho hòn đá. Mạnh đứa nào đứa ấy chạy. Chạy quên cả nhìn đường. Dẫm bừa vào cứt trâu cứt bò. Chạy đâm sầm vào nhau, khóc như ri. Có đứa đầu rúc vào đống rơm mà mông vẫn ngoáy ngoáy ngoài khoảng không…
          Lúc ông đã khuất hẳn phía cuối làng, chúng tôi mới hoàn hồn tụ lại với nhau. Nước mắt nước mũi còn hề hạc trên mặt.
          - Mồm ông ấy thế này này! - Một thằng lấy hai ngón tay đen nhẻm gang mép chành ra hai bên.
          - Mắt long sòng sọc - Thằng khác cố trợn mắt, đảo đảo con ngươi.
          - Cái bướu ở cổ to bằng quả bòng.
          - Có túm lông mọc dài như râu ngô.
          - Lưỡi thè ra đỏ hỏn…
          - Lưỡi ma ở ao cô Sự mới đỏ. Lưỡi lão ấy xanh lè lè.
          - A, thằng này dám bảo ông Hàng Lồng là “lão ấy, lão ấy”. Chết nhá…         
          Cứ thế, cả bọn chí chóe “tao nhìn thấy, tao nhìn thấy”. Nhưng mỗi đứa một phách. Thế là ông Hàng Lồng biến thành ông “ba bị chín quai”.
          Năm tôi lên mười còn thấy ông Hàng Lồng đi qua làng. Toòng teng trên vai mấy cái sọt không. Cái nón lá cũ nát. Bộ quần áo nhuộm nâu ngả sang vàng vàng xỉn xỉn. Cái bướu to ở cổ nhẵn bóng, trụi hết lông. Lâu rồi không nghe tiếng ông “hừ…ừm”. Chúng tôi không còn sợ ông như ngày trước. Nhưng gặp ông vẫn thấy ngài ngại, có ý tranh tránh.
          Một hôm chúng tôi rủ nhau đi câu ngoài sông. Ở sông có một loại cá rất hay cắn câu là cá thè be. Mỗi lần vác cần ra sông kiếm được xâu thè be mấy chục con về nấu dấm là thường. Cá thè be to cỡ ba đầu ngón tay, mình dẹp lép như cái lá sòi, xương cứng, ăn không ngon. Nhưng câu rất thích. Khi giật lên, con thè be mắc câu giống mảnh thiếc liệng một đường trên không, bắt ánh nắng xanh lấp lánh.
          Trưa hôm ấy câu chán ở bến Lò Vôi, chúng tôi ngược lên bến Đầu Làng. Bến này vắng, cá thè be to hơn. Nhưng vừa tới nơi đã thấy một người đàn ông đang ngâm mình dưới nước.
          - Bác ơi!… Bác gì ơi…
          - Bác tắm lui xuống dưới kia, để chúng cháu câu với.
          Chúng tôi đồng thanh kêu lên.
          Cái đầu người đàn ông thò lên khỏi mặt nước vẫn bất động.
          - Bác ơi!
          - Ông ơi!
          Chúng tôi gào to hơn. Người kia vẫn lặng thinh.
          Tưởng ông ta điếc, một thằng bèn xăm xăm lội ra. Nhưng nửa chừng nó bỗng khựng lại. Đúng lúc ấy chúng tôi cũng phát hiện ra đôi quang gánh với hai chiếc sọt để trên bờ. Bên cạnh là bộ quần áo nâu nâu vàng vàng cuộn tròn đặt trong lòng chiếc nón tã.
          Ông Hàng Lồng!
          Chắc hôm nay trời nóng, tan chợ về ông lội xuống tắm.
          Chúng tôi chán nản quay lên bờ.
          - Về à?
          - Về là về thế nào?
          - Không về, đợi ông ấy tắm xong có mà đến chiều!
          - Ê, tao có cách.
          Cái thằng ban nãy toan lội xuống sông ra hiệu cho chúng tôi xích lại. Rồi nó thì thầm… Mặt đứa nào đứa ấy bỗng trở nên tinh quái hẳn.
          Chúng tôi lui vào phía trong, chỗ ruộng mía. Còn thằng đầu trò úp bụng sát đất, nhoài ra bờ sông như con thằn lằn. Xa xa, dưới sông, ông Hàng Lồng vẫn trầm mình. Đúng vào lúc ông ngụp đầu lặn xuống nước thì thằng kia cũng nhoài tới nơi. Nó vơ vội bộ quần áo trong nón, rồi chẳng cần giữ gìn, đứng vụt dậy, quay đầu chạy huỳnh huỵch.
          Thấy động, ông Hàng Lồng vội vàng lồm cồm lội lên bờ. Ông chẳng mặc gì,  người trần như nhộng. Cái bướu chảy xệ dưới cổ. Hai tay ông thu thu trước háng. Thoáng nhìn chiếc nón trống không, ông tức tốc quay lại, nhảy tùm xuống nước.
          Trong này chúng tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo.
          - Ồi, gác gậu ồi…
          Ông nhanh chóng phát hiện ra chúng tôi và ngập ngừng lên tiếng.
          Đây là lần đầu tiên chúng tôi nghe thấy tiếng ông Hàng Lồng. Ồ ồ, lào phào, lại ngòng ngọng. Như hơi thoát ra buồng phổi bị thủng. Chẳng dữ dằn, “hoành tráng” như lúc ông gầm lên tí nào. Mất giây lát chúng tôi mới hiểu ra “gác gậu ồi” là “các cậu ơi” - ông gọi chúng tôi.
          - Ông cần gì? - Thằng đang giữ bộ quần áo của ông làm “con tin”, được thể hỏi vọng ra.
          - Gác gậu giấu guần của tôi, cho tôi xin.
          - Chúng cháu không lấy quần của ông.
          - Ồi ồi… Không gác gậu thì ai…
          Ông Hàng Lồng men men vào bờ. Đúng lúc mấy bà bóc lá mía trong ruộng chui ra. Ông lại cuống cuồng ngồi thụp xuống nước. Chúng tôi cười lăn cười bò.
          - Thôi, trả ông ấy đi.
          - Trả đi. Cho ông ấy về, mình còn câu…
          - Ừ thì trả!
          Thằng kia ôm bộ quần áo thủng thỉnh đi ra. Nhưng đến gần bến sông, nó lại chợt dừng lại:
          - Ông ơi! Ông phải làm cái này cháu mới trả.
          - Gậu bảo làm gì cơ?
          - Ông “hừ… ừm” một cái rõ to xem nào?
          Dưới sông, ông Hàng Lồng nghiêng nghiêng tai. Mất mấy giây ông mới hiểu ra. Ông gục gặc đầu. Cái bướu to dưới cổ bóng loáng nước cũng lúc lắc theo. Ông dướn người, từ từ hít vào một hơi thật sâu. Rồi trợn mắt, lấy sức…
          - Hừ… ừ… ừ…
          Cả lũ chúng tôi dỏng hết tai. Chẳng đứa nào giật mình. Lạ nhỉ? Tiếng “hừ… ừ…” tan ngay trên mặt sông mênh mông như tiếng thở dài. Hay là tại ở dưới nước tức bụng, ông hừm không to? Thằng đầu trò tiu nghỉu trả bộ quần áo cho ông vào chiếc nón. Ông nhìn chúng tôi rồi toét miệng cười.
          Trời đất! Hoá ra ông Hàng Lồng chẳng còn chiếc răng nào.

                                                                    T.Đ.T

1 nhận xét:

  1. Đọc truyện của chú cháu thấy nhớ quê, nhớ nhà...

    Trả lờiXóa