TẠ DUY ANH
Từ điển của cụ Đào Duy Anh giải thích: “Liêm là trong sạch, không tham lợi, ngay thẳng. Sỉ là xấu hổ”.
Liêm sỉ là người biết giữ cho mình trong sạch, không tham lợi và luôn biết xấu hổ về những thói xấu. Vậy là người có liêm sỉ là người không chỉ ngay thẳng, trong sạch mà còn biết xấu hổ nữa. Biết xấu hổ, biết thấy cái gì khiến người ta nhục, là phẩm chất quan trọng để giữ cho mình thanh liêm, chặn trước những việc dẫn đến nhơ nhuốc, tiếng xấu để đời. Mà bia miệng thì kinh khủng lắm.Đương thời là những đồn đại, khinh bỉ khắp dân gian. Khi thành quá khứ, thành lịch sử là những chuyện tiếu lâm, cáo trạng truyền khẩu (luôn luôn có vô số dị bản) là một thứ đóng đinh câu rút bằng ngôn từ, nhục tới muôn đời.
Người có liêm sỉ luôn thấy trước điều đó. Vì thế họ không chỉ sống để giữ tiếng thơm cho mình mà còn cho con cháu nhiều đời sau.
Theo cách diễn giải trên mà quy ngược lại thì những kẻ sau đây thuộc loại vô liêm sỉ:
- Đục khoét của dân nhưng lại luôn miệng hô hào phải giữ thanh liêm khi đăng đàn diễn thuyết.
- Nịnh bợ để thăng quan tiến chức.
- Nói một đằng, làm một nẻo.
- Dối trên lừa dưới.
- Giấu dốt.
- Lợi dụng chức quyền để vinh thân, phì gia.
- Biết sai trái mà nhắm mắt bịt tai.
Trong số các hạng người ấy thì kẻ đạo đức giả, nói như thánh nhưng làm như ma bùn là loại vô liêm sỉ vào bậc nhất. Dân gian vẫn bảo đấy là hạng người liệt mất dây thần kinh xấu hổ.
Đã vô liêm sỉ thì không thể tránh được hèn hạ, độc ác, bất tài. Và cũng không bao giờ một kẻ vô liêm sỉ, dù diễn xuất giỏi đến đâu, lại không bị nhận mặt. Chỉ có điều, đôi khi, thay vì trỏ mặt day trán, dân gian biến anh ta thành một gã hề.
Người có liêm sỉ là người biết loại trước cho mình con đường trở thành trò cười cho thiên hạ.
Liệu những gã hề, những gã sắp thành hề có thấm thía điều này?
T.D.A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét