Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

ĐI TÌM MỘT TÍNH CÁCH HÀ NỘI

          TRẦN CHIẾN

          Định viết một cái sapo cho thật xứng với loạt bài viết này, loạt bài về Hà Nội. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy việc ấy là thừa. Văn hay, đâu cần đến thứ mình đưa đẩy?
                                                                                                          (T.Đ.T)
                                                                              *
                                                                           *    *

          Từ lâu ,khi nói về tính cách Hà Nội , người ta hay dẫn những câu đại để Dẫu thơm cũng thể hoa lài , dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An , hay Ăn Bắc mặc Kinh .Có người giải thích “ Tràng An” đây là Trường Yên Ninh Bình , hay “Kinh” là Kinh Bắc . Nhưng tôi cứ vơ vào cho Hà Nội vì thấy những tính nết ấy nó cũng định hình rồi .
          Nhưng dường như Hà Nội thiếu những câu nói về các thói tật không hay , như người Quảng Nam dặn nhau “bất giao Thừa Thiên hữu , bất thương Bắc Hà xứ , bất thú Bình Định thê ...”. Hay như cụ Đặng Thái Mai đúc kết về người Nghệ mà tôi nhớ không hết : “bất khuất đến liều mạng , ý chí đến cố chấp, hà tiện đến cá gỗ…”. Mà đi tìm những tính cách Hà Nội thì ,bên cạnh những tinh túy, lành mạnh, cũng cần nhấc , tóm cả những thói tật ấy .
          Ngược lên nữa thì chưa biết ,chưa rành . Nhưng quan sát chung quanh , những họ hàng , người quen , tôi tạm khoanh trong một lớp người ít nhất đã ba đời sống ở Hà Nội. Đời đầu, sinh ra cách nay quãng trăm năm , có thể là những ông thông, ông phán, viên chức nhỏ - cỡ thư kí . Đời thứ nhì , nay quãng bảy tám chục, năm bốn nhăm là học sinh ,sinh viên , đóng cửa nhà đi kháng chiến, đầu không ngoảnh lại  vẫn biết sau lưng thềm nắng lá rơi đầy . Có người ở lại , theo đến cùng cuộc trường kì , trải qua những giờ phút chiến thắng hào hùng , những đấu tố thời cải cách ruộng đất rồi sửa sai . Có người “dinh tê” vào thành , làm ăn vật vờ rồi năm năm tư sợ quá chạy vô Nam , có thể vào bảy lăm lại chạy đi Mỹ . Không ít người “lốm đốm “ , sống ở vùng giáp ranh, không dư dật gì nhưng vẫn có cà phê uống buổi sáng , bụng dạ để cả hai phương . Đời thứ ba năm nay quãng 40-50tuổi, đang sống khì khì giữa bố mẹ bên trên , con cái ở dưới .
          Không tính đời thứ tư ,dù rõ ràng là một thế hệ , vì họ khác nhiều quá , chưa định hình và cũng không dễ  hiểu .
          Những người khoanh lại ở trên đều có vài đặc điểm chung, như trải nhiều biến động chính trị, từ quân chủ mạt vận đến Pháp thuộc  , Nhật thuộc, Cách mạng . Xen giữa là các vận động xã hội : Nho tàn, Tây học, cải tạo tư bản , chiến tranh giải phóng, chiến tranh phá hoại , bây giờ là kinh tế thị trường .... Lí lịch họ thường ghi xuất thân viên chức , “tạch tạch sè “ , thị dân , nội trợ gì đó . Nghĩa là họ không phải quân chủ lực cũng như quân tiên phong .
          Tạm lấy một cái đặc điểm thô kệch nhất làm căn cứ , là đã cư trú ba bốn đời ở Hà Nội rồi quan sát, nhận xét họ,  có thể thấy được những cái gọi là tính cách chung . Như giao tiếp nhỏ nhẹ , không ăn to nói nhớn . Dù từng cá nhân có thể quá khép nép hay quá hài hước , lối tỏ ra của họ có chừng mực , không vồ vập mà ý nhị . Không nhậu lấy vui , cả mâm quay vòng một chén rượu đến lúc “đổ “ là vui , họ ưa nhâm nhi , lấy câu chuyện làm trọng, và cũng chỉ là “trà tam tửu tứ “ chứ không thích đông. Có lẽ vì vậy mà trai Hà Nội rất được gái Nam ưa , dù chưa biết so với đàn ông Nam thì ai chơi hết mình hơn . Dù rủng rỉnh hay nghèo kiết, họ khá khó tính trong thưởng thức văn học nghệ thuật , ăn uống, mặc, chơi . Tiếp thu văn hóa Pháp rất ngọt, hình như là tạng họ dễ chấp nhận những Nguyễn Tuân , Thạch Lam , Vũ Bằng hơn văn chương tranh đấu ( xin nói ra ngoài đề tài: Nguyễn Tuân là duy mĩ , nên đòi ông phải có màu sắc , thái độ rõ ràng , mãnh liệt quá với thiện - ác , giàu - nghèo là không phải lối) . Xin trở lại : họ ăn phở phải có cọng mùi , cá là phải thì là ,rất trọng vị , không thích bún riêu thả trứng đèo cả thịt bò với nem tai kẻo mà mất vị tanh đi. Đội mũ vải na ná mũ phở ngày xưa cũng gấp mép sau lên một chút , làm đỏm kín đáo như thế . 
       Kẻ chợ là nơi chịu nhiều sức ép . Những luồng dân từ tỉnh du nhập theo các thay đổi thời thế , mang lại lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt ở quê lên . Phải nói là bản năng sinh tồn của người tiểu tư sản không mạnh . Thời cải tạo nhà đất ,họ thu mình vào nhà trong , lên gác , để lại mặt phố Hàng Ngang , Hàng Đào cho dân mới . Để rồi , dần dà , con cháu sinh ra , một nhà ba bốn thế hệ , dù cố giữ lấy lề nhưng vục vặc nhau là điều không thể tránh. Cũng bởi sức tranh đấu kém , ngại va chạm , ít tham vọng, họ thường chọn những việc chuyên môn như bác sĩ , kĩ thuật  , văn nghệ , dạy học ... (nhiều khi không chọn mà do lí lịch sắp xếp ) . Nhưng cũng phải nói là người Hà Nội gốc không có tính cộng đồng mạnh như người Nghệ An , Hà Tĩnh (vốn chiếm một nửa các cơ quan ngành giáo dục đào tạo ở thủ đô hiện nay ). Có cái gì đó dè dặt trong thái độ sống của họ - dù chưa đến nỗi yếm thế.  Họ thích làm việc , có ý tưởng , chính kiến nhưng thiếu hẳn tham vọng , sự chịu đựng lì lợm các sức ép . Sắc sảo trong quan sát nhưng hay xét nét , họ cũng thiếu tính kỉ luật , sự đoàn kết để làm nên thành công . ít người làm quản lí , có nghĩa là không quyền lực , không đè khiến được kẻ khác , phần do chính sách cán bộ , phần do cái cá tính ấy .
          Với sự học và phông văn hóa trên trung bình  , với sức cạnh tranh kém , trong đời sống cộng đồng , người tiểu tư sản dễ chấp nhận các sinh hoạt ngoài tỉnh tràn về , nhưng không dễ tiếp thu , hòa hợp. Gặp người ho khạc bừa bãi , phơi quần áo nhỏ nước xuống nhà dưới , họ phản ứng nhún nhường , tránh xung đột. Bị cơi nới lấn chiếm xin đểu , càng co lại . Có phải vì thế mà bị đánh giá “ hoài nghi , lừng chừng “ không ? Hào hoa nhưng khinh bạc, vừa tự tôn vừa tự ti, họ thường tỏ tính cách không mạnh , không có ý làm thủ lĩnh . Trong công việc họ có chủ kiến, tinh ý , nhưng phải có người khác tạo điều kiện mới phát huy được khả năng . Tóm lại , tiềm lực người tiểu tư sản phát lộ nhiều ở thời kì hòa bình , ổn định hơn . Không ít đã có thành quả, tạo được những giá trị . Chứ vào thời điểm phải tranh đấu , họ lại ít bươn chải , thiếu quyết đoán . Họ có quá nhiều cái để tiếc . Hiển nhiên là người mới “ ở quê ra “ dễ tiếp thu cái mới hơn họ . Tất nhiên tiếp thu hồn nhiên , ít chọn lọc hơn .
          Con người tiểu tư sản là vậy . Còn văn học viết về họ thì sao? Tôi thấy là chưa nhiều và bị vương vướng không ít . Viết về sự đổi đời của người nông dân , một anh thợ gắng học hành ,”trí thức hóa “ rồi trở nên có cương vị dễ hơn những “cô “, “cậu “ gọi bố mẹ bằng “ba me”, “cậu mợ “ đi vào cách mạng. Trong những vận động khoảng dăm chục năm gần đây người tiểu tư sản được ít hơn người nông dân nói chung, và mất ít hơn 
người mại bản , quan lại cũ . Mẫu người bị tịch thu nhà rồi nung nấu những ước mơ trên gác xép khó có thể là một điển hình tích cực trong văn học . Một đằng được thấy rõ , như ruộng đất , như vị trí xã hội , đằng này lại có những đòi hỏi rất vô hình , tù mù, thỏa mãn những riêng tư khó vô cùng . Kiểu nhân vật “gàn dở”, theo lối “ chủ nghĩa trí thức “ như tấm gương lấp lánh đâu đó nhưng không đẩy tới , nên cứ bàng bạc , nhàn nhạt , đáng tiếc vô cùng .
          Những người sống tại đô thị , có thời phải rời bản quán đi xa vì chiến tranh hay những biến động nào đấy , đã rì rầm làm nên bản sắc văn hóa riêng , những sáng tạo văn nghệ , khoa học cho thành phố . Nhưng để phát huy được bản sắc Hà Nội trong họ lại là chuyện rất khác rồi .

                                                                    T.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét