TRẦN ĐỨC TIẾN
THÁNG NGÀY THONG THẢ
THÁNG NGÀY THONG THẢ
Anh hẹn Phương: thứ ba anh sẽ lên nhà chơi. Thứ ba, thứ ba! Tại sao lại thứ ba mà không phải là thứ tư, thứ năm hay thứ bảy? Anh quên rồi. Lời hẹn cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, thành quen. Bắt đầu từ mùa khô năm ngoái. Dạo đó, hình như Phương không có giờ lên lớp vào ngày thứ ba. Ừ, nhất định rồi. Nhất định! Nhất định phải đến! Có nhiều chuyện muốn kể cho Phương nghe lắm. Nhưng một mùa khô nữa lại sắp qua…
Mà đâu chỉ có chuyện hẹn đến nhà Phương? Còn biết bao việc khác vẫn nằm đó. Trồng thêm cái cây ở góc vườn. Mua đôi giày vải để tập leo núi. Viết một cuốn sách mới… Chỉ là những dự định riêng nho nhỏ. Chẳng công to việc lớn gì. Chẳng ảnh hưởng ghê gớm gì đến ai. Tặc lưỡi một cái là có thể bắt đầu. Ấy thế mà vẫn chưa bắt đầu được. Chưa bắt đầu, không phải vì thiếu thời gian. Trái lại, thời gian đến là dài. Ngày nọ nối ngày kia tuần tự.
Sáng nay chợt thức dậy, nghe văng vẳng tiếng kèn ò í e. Mở cửa, thò đầu sang hỏi thăm ông hàng xóm:
- Ai thế?
- À, ông hàng gạo ở đầu phố.
- Hàng gạo nào?
- Ông chủ cửa hàng bán gạo đó! Cái ông sáng sáng vẫn huỳnh huỵch chạy bộ qua đây. Hôm qua đi rồi.
Anh khép cửa, bàng hoàng. Người như thế đã “đi”, bất ngờ nhỉ? Ôi, mà biết thế nào được! “Tai họa như trẻ con trên mặt đất”… Anh lẩm bẩm mấy câu thơ theo thói quen. Rồi thẫn thờ nhấc máy điện thoại. Thẫn thờ bấm số máy.
- Phương đấy à? Ừ tôi đây. Phương có bận không? Thứ ba tôi đến nhé!… Không không, không có chuyện gì đặc biệt.
BÁNH KHỌT
Chủ nhật, cả nhà ngủ dậy muộn. Ngại ra phố ăn sáng, mà ở nhà thì chẳng biết làm món gì, anh nảy ra “sáng kiến” sai cô con gái đi mua bánh khọt. Món quà bình dân, lâu lâu ăn một lần, cho lạ miệng. Hai mươi phút sau, cô con gái mang bánh về. Mỗi phần bánh để riêng trong một hộp xốp, kèm theo rau sống, nước chấm. Mở ra, bánh còn nóng hôi hổi.
- Bánh ở đây kém giòn hơn bánh ở quán Cây Vú Sữa.
- Bánh Cây Vú Sữa còn rắc thêm lớp bột tôm.
- Nước chấm, rau sống cũng không bằng.
- Chuyện! Chả thế mà dân Sài Gòn xuống chơi cũng tìm đến Cây Vú Sữa xếp hàng. Chờ một suất bánh, mất nửa giờ đồng hồ.
- Buồn cười, hôm nọ có hai ông bà già đi ăn bánh khọt. Đĩa bánh mang ra bốc hơi thơm phức mà hai cụ bỏ đũa đứng dậy. Hoá ra bánh chiên giòn, các cụ lại chê cứng!
Cả nhà cười ồ. Anh cười theo, khẽ chạnh lòng. Mình cũng sắp già rồi còn gì. Tuổi già đến khổ! “Lợi thì có lợi, nhưng răng không còn”… Miếng bánh thơm ngon mà không nhá nổi.
Cô con gái sắp đi lấy chồng kể hồn nhiên:
- Bánh khọt ở đây có chỗ ngon chỗ chưa, nhưng vẫn còn hơn chán vạn bánh khọt ở quê anh H. Lần về quê cùng với anh ấy, đi ăn bánh khọt, chỉ thấy mấy cọng hành thái nhỏ rắc lên miếng bánh. Bánh hỏi ở ngoài ấy cũng thế, không thịt nướng, không chả giò…
Anh đưa mắt nhìn vợ. Chị lặng lẽ cúi xuống. Trái tim của người mẹ chắc đang thầm thì: “Lấy chồng xa, quê chồng lại nghèo, rồi ra khổ đấy con ạ”.
Ôi bánh khọt!
Có bao nhiêu cung bậc tình cảm trong một bữa ăn sáng bình thường…
QUÀ
Mỗi năm chàng đi công tác Hà Nội vài lần, lần nào cũng có cái thú mua quà về cho nàng. Một cây son ngoại, một lọ nước hoa, một mảnh vải may áo dài… Đồng lương cán bộ không được dư dả lắm, món quà cũng tương đối giản dị, nhưng chàng luôn dành thời gian và tâm huyết để chọn mua cho bằng được những thứ ưng ý nhất.
Lần này là một chiếc áo sơ mi, đồ hiệu.
Cô chủ shop thời trang ở phố B.T., sau một hồi toát mồ hôi lựa hàng chiều khách, ném cho chàng cái nhìn với nụ cười nửa miệng: “Mua cho vợ, hay…”? Chàng nói nhanh, với một thoáng đỏ mặt: “Cho con gái”.
Rốt cuộc, chiếc áo tình cũng đã được phong bao.
Từ bến tàu cánh ngầm, chàng thuê xe ôm về thẳng nhà nàng. Nàng nhận quà, mặt tươi như hoa. Rồi nàng háo hức mở giấy gói. Mắt nàng sáng lên. Nàng ướm thử chiếc áo lên người. Quay trước gương hai vòng thì mặt nàng xịu xuống, tiu nghỉu: “Ngắn. Với lại mô-đen giống một đứa ở cơ quan”.
Chàng với tay rót cho mình ly nước lọc. Ngụm nước nhạt thếch. Thêm một lần, chàng thấm thía về cái khoảng cách tuổi tác xa vời giữa chàng và nàng.
Từ nhà nàng về nhà mình, chàng đi xích lô. Mười lăm phút nữa, vợ chàng sẽ ra mở cổng, với bộ quần áo mặc nhà cũ nhàu và chiếc kính lão trễ xuống mũi. Quà cho vợ sau chuyến đi xa là một câu chào quen thuộc: “Mình ở nhà vẫn khoẻ chứ”?
Trần Chiến đây. Đang vào thử
Trả lờiXóa