TRẦN CHIẾN
Khi tôi đến, “câu lạc bộ” Cây Si đang vào tuần thứ ba, không khí có vẻ trầm lặng. Trên đầu cả nhóm, những chùm rễ si lưa thưa đang ngả sang trăng trắng đung đưa rất khẽ. Lạ nhỉ, có nhẽ nào trời ẩm ướt sắp đổ mưa lại là cái lý để dân nhậu phải lặng lẽ.
- Barca bị Chelsea hạ rồi. Ba - một ! - Một người giải thích cho sự ngơ ngác của tôi.
- Dù sao còn trận lượt về kia mà - Người khác lên tiếng - Bóng đá tấn công là thế. Thua thì thua, xem vẫn quyến rũ.
- Nào, thì ta uống mừng bóng đá tấn công!
Người thứ ba “tổng kết”. Cả bọn ngửa cổ cạn nỗi đắng cay của Barca, một tuần nữa cho hi vọng ở trận lượt về. Nhất trí trăm phần trăm.
Ở bãi bia, người ta luôn chuộng phong cách tấn công. Sự lãng mạn tuyệt vời hun đúc những người đàn ông, đoàn kết họ lại trong tinh thần đại đồng ghê gớm. Khéo nay mai có bóng đá chuyên nghiệp, các câu lạc bộ cổ động viên tuyển người trước hết phải sở cậy vào bãi bia. Rồi cũng đến lúc có những “bãi Thể Công”, “bãi Đường sắt” như cái quán bar nổi tiếng của đội Olimpic Marseille tít bên trời Tây kia chứ ...
*
* *
Tôi con nhà gia giáo, lần đầu uống bia là khi Hinh đến tìm. Hinh không hề quen tôi, nhưng thằng bạn thân của tôi đang “cưa” người yêu hắn. Dù vậy, “vấn đề” được nhất trí nhanh chóng sau khi tôi với Hinh đánh đổ một lũ bia chai Hà Nội. Hai mươi hai tuổi mới uống bia so với bây giờ là quá lạc hậu, so với những cô cậu sành điệu phải là hủ bại rồi. Nhưng sau trận ấy tôi tỉnh ra hai điều hệ trọng. Một là, bia giúp người ta can trường hẳn, quyết định những việc tày trời rất dễ. Hai, là tôi uống được, không đến nỗi ba say chưa chai.
Cái thuở chập chững uống ấy, sự bia bọt vừa giản tiện vừa cách rách vô cùng. Đang chiến tranh, ai có tiền mà thả dàn được, có thì cũng nhìn nhau dàn hàng ngang cùng tiến kẻo mang tiếng “hưởng lạc”, “cá nhân”. Bia hơi mậu dịch xếp hàng cắn xèng cả dây dài chục mét, người nọ nối người kia mặt mũi nghiêm trọng không thể tưởng, bao nhiêu công lực vận hết vào cánh tay giữ xèng mà chỉ được mỗi. Dăm đồng gì đó, một vại đủ nửa lít kèm bát bầu dục trần hay đĩa nộm từ thứ tư tuần trước. Mặt mậu dịch khinh khỉnh. Mồ hôi chảy tới đâu biết tới đó, thoát khỏi hàng người, tay bê đĩa, tay khư khư giữ vại Dân Chủ bọt thủy tinh nhiều hơn bọt bia chen ra đến chỗ ngồi là đã hả hê, ngất ngưởng hơn cụ Nguyễn Công Trứ rồ. “Hạnh phúc quá đơn sơ ...”, lẽ ra người ta phải sáng tác bài hát ấy từ thuở ấy mới phải chứ. Thế nên khi Thứ, một phiên dịch tiếng Nga - nghĩa là ăn lương Tây - bê cả két Hà Nội từ trong kho ra thì cả bọn đờ ra vì cảm động. Thứ ngồi đó phân phát những mắng mỏ, chế giễu mà không ai dám hó hé. Chiều ấy trong quán phở bia Mỹ Kinh, Thứ là ông vua, bạn bè bỗng thành thần dân, cả bàn là một đẳng cấp siêu việt, cảm hứng thăng hoa tới vô cùng.
Hết chiến tranh, xã hội bước vào thời kì bình trị, phát triển theo chiều tăng tiến. Các vận động đưa nữ quyền lên ngôi làm dấy lên nhu cầu giải phóng đàn ông. Không biết có phải vì thế mà sự nghiệp bia bọt phát triển mạnh. Quãng đầu những năm tám mươi, đĩa mì xào thịt trâu đã được quyền kèm vại bia vàng óng sủi bọt đứ đừ. Đến giờ thì nhà nhà uống bia, tỉnh tỉnh làm bia xuất khẩu sang nhau. Những HUDA, THADA, VIDA, HALIDA… mọc lên như nấm sau mưa. Ấn tượng về đất nước Đan Mạch chuyển từ Andersen sang công nghệ liên kết cho ra thứ cảm hứng tuyệt vời nhất. Lon, chai được nhâm nhi trong phòng lạnh bên các nhân tình nhân bánh chung tình theo giờ, càng tiêu tiền “chùa” càng bôm bốp bật khỏe. Nhiều em ca-ve học được bản lĩnh cứ nhắm mắt nín thở zdô, xong lại vào toa lét móc họng, hàng giờ thế đi đứng vẫn tỉnh queo. Trong cơn có men, có tình vầy vậy, khách chịu chi tới tiền triệu lắm. Dân chơi ra gì mà !
Nhưng đa phần đám sành sỏi, không nhiều tiền lắm và cũng không màng tiếng chịu chơi đều thích bia hơi hơn. Nhất là ở Hà Nội, nghe nói nhà máy bia có mỏ nước chứa vi lượng gì gì sản xuất được bia hơi “ngon nhất thế giới”. Chai lọ lon hộp liên kết với Đan Mạch đan miếc cũng không thể bằng bom vại. Và bia hơi phải uống ở bãi mới hả. Chứ dưới một mái nhà hầm hập, nói cứ phải hét lên, ới khản cổ phục vụ bàn mới thủng thì dù mồi đậm thế nào cũng cứ dở mồm. Lãng phí phạm, bằng đem bia đi đổ lỗ dế .
Thử tưởng xem, xung quanh là bè bạn, bên trên là bầu trời thoáng đãng nó cho phép ta bộc lộ hết những dí dỏm, những lời vô nghĩa vô thức, kì thú hơn bao nhiêu. Tứ hải giai huynh đệ, đại đồng, tương thân tương ái mới là đây. Bãi bia là địa chỉ vàng chấp nhận mọi thân phận, túi tiền, tâm trạng. Không có sang hèn, tôn ti, bàn này có thể vắt sang bàn kia những chủ đề vĩ đại cỡ bóng đá hay ông con bà vợ thằng chồng... Dù chỉ dăm ba củ lạc hay bộn bề thức nhắm, bia đã vào là lời phải ra. Có bao nhiêu mồm thì bấy nhiêu hùng hổ chẳng cần ai nghe, cứ mình mình hùng biện cũng đã lắm. Bao nhiêu cánh tay là bấy nhiêu động tác khoát đạt, hào sảng. Đến lúc uống tới, chỉ mỗi câu càng nhắc đi nhắc lại càng sướng kệ cha thằng nào không hiểu. Bốc nhất là hát được, cả mâm đồng ca “Anh vẫn hành quân”, nhất trí sửa chữa ông Huy Du thành “thôi thế thì thôi, thôi thì thôi thế thì...”, tình đồng đội sao mà ngấm nghía, mà da diết...
Uống xong về nhà ăn cơm với gia đình thì chao ôi, kẻ coi vợ bằng vung, người nem nép hối hận. Mà vợ là cái giống nói dối nó còn chả tin nữa là nói thật. Bởi thế, sự dùng dằng ngoài bãi mới dài mãi ra. Không khắt khe quy phạm ba bát bốn đĩa như cỗ truyền thống, không mưu lược cài cắm nhau như ở khách sạn, “ khế ngọt “ đưa bên A đi hái chùm rượu Tây lúc lỉu. Mà có thể lì lợm bám bàn hoặc cứ ngồi yên trên xe ghếch vỉa hè làm đôi vại đỡ khát. Được cái đi “gì” rất dễ, “ WC” chỉ là mảnh tôn bình dị dựng hờ cách đấy dăm mét, hương vị quyện cả vào món sào. Hình như bãi bia thành phố có gốc gác từ quán nước dưới gốc đa xưa, nơi ông thợ cầy có thể làm một thôi nước chè xanh rồi rít thuốc lào say ngã ngửa. Lại hình như nó có họ với những hội làng, ai ai cũng được phép dón hòn xôi, tợp chén rượu chèn miếng thịt mỡ luộc rồi ngất ngư xênh tiền với hành vân lưu thủy.
Bãi bia Hà Nội, mỗi nơi hấp dẫn khách mỗi kiểu. Nhưng tiêu chuẩn đầu tiên vẫn là có ngon không. Bãi Ngọc Hà và Câu lạc bộ Quân đội uống thả phanh đầu vẫn trong vắt. Bia Hàng Vải đậm, ai cũng bảo ngon nhưng lắm lúc nằng nặng đầu. Lắm chỗ đúng là nước lã có cồn. Dân sành phân rõ bia thứ thiệt, nghĩa là không pha với bia ba- bẩy, bốn - sáu (ba phần nước với bẩy phần bia )... Nghe nói trên Bưởi có những lò bia rất đậm, nước lã pha “vô tư đi”, bán thì lãi nhưng thằng uống nhức đầu muốn chết. Lại còn những bia thương binh, bia tàn tật... Sau chất lượng, người ta kén đến địa điểm, thức ăn, cách mời. Những ông chủ béo tốt, thần thái vui tươi thường kéo khách hơn loại da mặt sát tận xương. Mỗi nơi lại có món độc làm của riêng, trưng biển “gia truyền”, như thịt chó chặt, rau cần xào bún, rau dấp cá, mướp đắng... Quán Cây Bàng Lý Quốc Sư có cá rô ron rán ròn, tiết canh ngan. Lại một ông lủng lẳng hòm gỗ vẽ chữ Tây cacahouete với địa chỉ Hàng Thiếc đi từ bãi này sang bãi khác giao lạc rang húng lìu ngon chúa sừng, hết hòm thì thôi, nhất định không bán thêm lạc non lạc độn. Vỉa hè đường Láng Hạ rộng mênh mông tha hồ ngồi duỗi dài, lại “trồng” được cả lẩu dê. “Mùi”, “Lan Chín”, “Hoàn Béo”, “Hải Xồm”, “Nghi Râu”, “Đỉnh Hói”... là những cái tên đủ lẫm liệt làm đấng trượng phu động lòng ngay từ câu ới đầu tiên. Cứ dầm dề, rồi quá trưa, khách có thể quên bữa với cơm nắm muối vừng của những người bán rong từ Như Quỳnh, Lạc Đạo sang; giờ khắc của những vại cuối cùng thiêng liêng.
Theo quan điểm lập trường của các bà thì bãi bia là chỗ chẳng ra gì. Về đạo đức, nó làm bê tha đàn ông, đánh mất điểm để xây dựng gia đình văn hóa mới. Về sức khỏe thì thậm mất vệ sinh, ăn uống gì mà ngay cạnh cống rãnh. Về thẩm mĩ, chân tay đờ đẫn, mặt trời còn phải gọi là cụ thì không thể chấp nhận được. Và về mặt tâm lí, có quái gì mà các lão chồng không gặp nhau hàng ngày không đựơc nhỉ? Tưng nấy chuyện, nói mãi phải hết chứ. Thế là chàng đi thiếp cũng theo cùng, có bà ra tận bãi hầu chuyện chồng, báo hại mấy ông bạn nhậu phải uống bia pha dấm ớt.
Nhưng mặc lòng các bà xử theo phương châm của ngành y tế “phòng bệnh hơn chữa bệnh” ,đám đàn ông cứ phải quấn quýt nhau. Có lẽ nữ nhân tầm thường không thể hiểu thế nào là sự hào sảng, là không khí dân chủ, cởi mở, bình quyền bình đẳng. Những quân nhân tháo lon, những công chức đi trốn stresse có thể khẳng định mình, quên đi tư tưởng hèn hạ “nhất vợ nhì giời”. Uống xong đi karaoke khai thác tiềm năng thanh nhạc lại chả hơn ối bọn cờ bạc nghiện hút a? “Cặp phạm trù” bia hơi - bóng đá dứt định lành mạnh hơn cặp nhạc rốc - ma túy, chứ lị!
Dấy lên một cách tự phát - chứ không tự giác, không có nhân cốt, đội ngũ cán bộ chuyên trách, phong trào uống bia đã có một bề rộng, chiều sâu phong phú với chân đế vững chắc. Sức sống đó cho thấy nhu cầu giải phóng đàn ông là có thật và bức xúc lắm. Được định hướng, liệu nó có những đóng góp tích cực hơn cho xã hội chăng?
“Bãi bia là sân nhạc rốc đủ tiết tấu, không cần lĩnh xướng, là Lương Sơn Bạc không có đại ca. Uống xong là về đoàn kết, thương yêu gia đình hơn, đừng có eo xèo đây nhá ...”.
Một thợ nhậu đã chân thành tổng kết thế trong lúc tỉnh táo. Hỡi một nửa thế giới không có bia bọt, các mợ đã thủng chưa?
T.C.
Hi hi, bài này hóm không chịu được. Giờ mới được đọc bác Trần Chiến, mà sao còm vào bờ lốc của bác Tiến khó quá, em phải làm đi làm lại mấy lần đấy. Bác Trần Đức Tiến với bác Trần Chiến chắc cũng cưng cứng tuổi rồi ha? Không sao, gừng càng già càng cay. Em mạo muội còm mấy dòng, có gì các bác đừng chấp... (Nhật Trang)
Trả lờiXóa