Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

THÂN PHẬN CỦA SÁCH, THÂN PHẬN CỦA NGƯỜI

TRẦN ĐỨC TIẾN


          Ra Hà Nội lần vừa rồi, T.H. đem cho mình một đống sách. Lật từng quyển, nàng hỏi: đọc chưa? Mình bảo: chưa. Nàng lại bảo: quyển này hay lắm, quyển này rất hay, quyển này nữa, đọc đi. Mình bảo: quyển nào của em cho không hay cũng thành hay hết, khỏi phải giới thiệu. Mình nhìn vào mắt nàng, biết tỏng là nàng chẳng đọc quyển nào.
          Trong số sách của T.H. cho, có quyển “Những ngã tư và những cột đèn” của bác Trần Dần.
          Trước đấy ít ngày, mình đã đọc bài giới thiệu cuốn tiểu thuyết này của ông Lại Nguyên Ân in trên báo. Vì thế nên về đến nhà, mình đè cuốn này ra đọc ngay. Một mạch.
          Đúng như ông Ân nói, mình nhớ đại khái: hấp dẫn, văn chương hiện đại, mới mẻ không ngờ. Mà Trần Dần viết cuốn này từ năm 1966 (năm 1989 – 1990 ông có sửa lại).
          Cuốn sách có mùi trinh thám, nhưng theo mình, nó kể về sự bị phân hoá, bị tha hoá của con người. Bị phân hoá, tha hoá rất kinh hãi. Người trong phố với nhau. Mẹ với con. Vợ với chồng. Ngay bản thân từng người nữa. Dưỡng - nhân vật chính xưng tôi - thường xuyên nhìn ngắm, đối thoại giằng co với bóng sọ là những phân thân của y. Tất cả đang dần dần biến thành ma bùn, suy nghĩ ma bùn, hành động ma bùn. Bầu không khí nghi ngờ, hãi sợ đè nặng lên mọi thứ. Cái “hạt” lương tâm chẳng có đất mà cựa quậy, chứ đừng nói gì đến việc nảy mầm. Thời ấy mà bác Trần Dần nghĩ, viết như thế thì quả là đáng nể. Đọc được một nửa, rồi hai phần ba cuốn sách, mình kêu thầm: cố lên, cố lên bác! Sắp đến đích rồi! Bác mà đến đích là em xách xe máy phóng ra đường. Chạy rông một hồi như con chó dái. Cho thoả. Giống như em từng làm mỗi khi đọc xong một kiệt tác.
          Nhưng tiếc làm sao! Sau hai phần ba, đến ba phần tư thì mạch sách lại đổi chiều. Sách đành lòng quay về làm thân phận của một cuốn trinh thám bình thường, như nhan nhản những cuốn trinh thám khác. Và tác giả của sách, đến lượt mình, cũng cam chịu thân phận giống như các nhân vật.
          Mình nghĩ đến tình thế bác Trần Dần lúc đó. Sực nhớ đến mẩu chuyện được nghe qua anh T.H.D. Anh D. kể: lần ấy anh đến chơi nhà Trần Dần, khoảng 20, 21 tháng 8 dương lịch. Trần Dần nhắc vợ treo cờ. Vợ ông hỏi: còn hơn mười ngày nữa mới tới ngày Quốc khánh, sao đã vội treo cờ? Trần Dần rên lên. Và phải chờ đến khi thấy lá cờ đã được bà vợ treo lên trước cửa bay lật phật, ông mới yên tâm quay lại tiếp khách.
          Treo cờ mừng Quốc khánh trước mười ngày.
          Còn hơn là quên!

                                                                                     26-1-2011
                                                                                       T.Đ.T

2 nhận xét:

  1. Bài này có nhiều chi tiết hay anh ơi: nhân vật "ma bùn"; cách thưởng sách của TĐT và tinh thần treo cờ của TD (từ ngày có nhà riêng đến giờ em chưa biết treo cờ anh ạ, may là chỉ bị tổ dân phố nhắc nhở)

    Trả lờiXóa
  2. Lúc nào cho mình xin số di động của V nhé? Gửi qua email: tien_tranduc@yahoo.com

    Trả lờiXóa