Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

ĐỒNG HỒ BÁO TỬ

Truyện ngắn của TRẦN ĐỨC TIẾN

          Đọc bài "Đồng hồ sinh học" của mình trên blog cách đây ít ngày, có bạn đề nghị được đọc thêm truyện ngắn "Đồng hồ báo tử".
          Như mình đã nói ngay từ đầu: sẽ rất hạn chế đưa truyện ngắn lên mạng. Nhưng trước yêu cầu của các bạn, làm sao mình có thể chối từ?
                                                                    *
                                                                 *    *

                                    Hiện lên, hiện lên, từng nếp nhăn trên mặt mi, từng sợi tóc trên đầu mi,
                       cả những góc khuất thâm u trong tâm hồn chưa có ánh sáng nào rọi tới…
                                                  (Bài ca của người thợ ảnh trong buồng tối)

                                                          I.         

          Y chồm dậy, và chỉ trong chớp mắt, đã nhảy phốc tới bên chiếc giá sách kê sát tường. Cái động tác bất thường này hơi thiếu chính xác, khiến y phải quờ hai tay ra phía trước, đề phòng một sự va chạm mạnh. Rất may điều đó không xảy ra. Đêm vẫn hoàn toàn yên tĩnh. Y khẽ xoay người qua một bên, đầu óc đã bớt quay cuồng. Giấc ngủ được rũ bỏ. Các giác quan theo nhau hoạt động trở lại. Những cái gáy sách ram ráp, ngưa ngứa cọ vào một bên tai, một bên má. Mùi hôi hôi của cứt gián, mùi khô kháo của bụi bặm len lỏi vào trong hai cánh mũi mở rộng. Tất cả những dây thần kinh ở trong người căng hết lên để nghe ngóng… Từ trong sự tĩnh mịch sâu thẳm của bóng tối, sâu thẳm của cõi chết, sự sống của chiếc đồng hồ đã được hồi phục qua tiếng động cựa mơ hồ, đứt quãng, tích tắc, tích tắc, giống như sự hồi phục của một trái tim khốn khổ sau cơn nhồi máu. Tích tắc - tích tắc. Nhịp đập cơ khí đều đặn, mạch lạc dần. Vậy là nó chưa chết, cái đồng hồ báo thức của y. Bây giờ không chỉ có tiếng đồng hồ chạy. Trống ngực y cũng bắt đầu khua rộn rã. Thình thịch… Tích tắc… Thình thịch. Tiếng gõ của cả hai quả tim, một của người, một của đồ vật, trộn vào nhau, nương tựa lẫn nhau, hối hả, vang động, tràn ngập trong căn phòng tối đen.

                                                                II.

          Câu chuyện có lẽ được bắt đầu từ một buổi sáng cách đây khá lâu. Dạo ấy y còn công tác ở Tổng cục H. ngoài Hà Nội. Buổi sáng ở cơ quan mở đầu có vẻ như vô sự, nếu sau ít phút không có hồi chuông điện thoại bất ngờ đổ dồn. Y nhấc máy, theo thói quen, sẵng giọng:
          - Ai?
          - Cậu đấy à? - Đầu máy bên kia vang lên một giọng đàn bà khàn khàn đầy vẻ giễu cợt.
          Bà gác cổng khu tập thể! Một bà cô gần năm mươi tuổi, không chồng ngang ngược và đồng bóng, ngay đến Tổng cục trưởng cũng phải gờm, chứ đừng nói gì loại cán bộ tép như y. Y nhận ra thế và vội vàng đổi giọng:
          - Có việc gì đấy, bà chị?
          - Báo cho cậu biết, liệu mà thu xếp về! K. vừa phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện.
          Cúp máy. Y chợt thấy nhẹ bỗng cả người. Có vẻ như vô lý, nhưng quả thật, đấy là trạng thái tinh thần vụt thoáng trong khoảnh khắc đầu tiên sau khi nhận được hung tin.
          Căn phòng mười mét vuông trong khu tập thể, y ở chung với K., hai chiếc giường cá nhân, một góc đun nấu suốt ngày sực nức mùi dầu hỏa, mùi bụi bặm và đủ thứ mùi lưu cữu khác. K. là bạn đồng nghiệp của y, một gã đàn ông khù khờ, tốt bụng và nghèo khổ. Anh ta rất ít nói, cái dáng đi càng lạ lùng, vật vờ, thất thểu ngoài sân khu tập thể. Một người giàu lòng trắc ẩn sẽ phải thót tim lại mỗi khi nhìn thấy K. đi. Đấy không phải là bước chân của con người trên mặt đất bằng. Đấy là sự chuyển động thập thõm của một thứ hình nhân, bất kỳ lúc nào cũng có thể đổ lăn kềnh. Cái bóng ấy lang thang, chập chờn nhưng quyết không chịu đổ qua cửa những căn phòng mỗi buổi tối, rình cơ hội để sà vào, định vị rất lâu bên một hội chơi bài, một cuộc tụ tập chuyện phiếm, tiêu thụ ké rất nhiều thuốc lào và nước trà… Đã bảo là K. rất nghèo khổ. Y chẳng giàu có gì đã đành, nhưng K. còn tệ hơn, vì anh ta đông con. Cái ổ chó cái lẫn chó con lúc nhúc mãi tận quê xa - K. vẫn âu yếm gọi vợ con như vậy, vừa âu yếm vừa hằn học - chưa lúc nào chịu buông tha K. Mỗi tuần anh ta phải đạp xe vã năm chục cây số về quê thăm vợ một lần, để chu cấp tiền nong và vỗ về tình cảm. Chính vì vậy, ở tập thể, ăn chung với y, K. đã xung phong nhận làm chân kế toán. Nghĩa là phải ghi chép, tính toán các khoản chi tiêu của cả hai người cho mấy bữa ăn hàng ngày. Chiều chiều, cơm nước xong, K. ngồi thu lu bên bàn, quyển sổ mở trước mặt, nghiền ngẫm từng xu đong gạo, mua dầu, gói tăm, quả ớt… để rồi cuối tháng tổng kết, K. lại dứt tóc gãi tai, nhăn nhó cười: “Tháng này mình lại âm, để mình thong thả chi bù tháng sau”…
          Bù tháng sau, bù tháng sau! Cái điệp khúc không thay đổi từ tháng này qua tháng khác, quen nhờn đến nỗi, có lúc y chợt giật mình, ngờ ngợ như bị K. cho ăn quả lừa.
          Có lẽ vì thế chăng, vì thế nên bây giờ y tâng tâng đạp xe ra chợ? Buổi sáng chưa kịp ăn gì. Lúc dắt xe đi làm, vẫn thấy K. còn nằm trong màn. Nhưng dù K. có dậy sớm đi nữa thì cả hai cũng không có lệ cùng nhau ăn sáng… Bây giờ, y sẽ mua hẳn một cái lưỡi lợn. Y rất khoái ăn lưỡi, chết thèm chết nhạt vì món lưỡi từ bao lâu nay. Không phải y không đủ tiền để ăn, mà chỉ vì sự bất tiện của phương thức ăn chung. Ăn chung với ai đã đành, đằng này lại với một ông luôn luôn mang dấu âm khi tổng kết!
          Một mình với cả một cái lưỡi lợn luộc bốc khói, thơm nhức răng. Mấy đồng bạc rượu trắng càng làm tăng thêm sự bằng lòng cho kẻ vừa bất ngờ được hưởng trọn nền độc lập. Vừa vặn, sạch sẽ, hệt tác phong ăn uống của người Đức! Mồ hôi tháo đầm đìa, chảy từng dòng buồn buồn dễ chịu trong tóc, trên sống lưng. Tắm? Cần phải thế!
          Xong xuôi tất cả mọi thủ tục để đạt tới sự cực khoái của Kim Thánh Thán - nhấm nháp món lưỡi, vùng vẫy, thở phì phì trong buồng tắm dưới vòi nước lạnh - trở về phòng lau khô người, y mới chợt nhớ tới giờ giấc phải đến bệnh viện. Một giờ kém năm. Y giật mình, nhưng rồi nhận ra ngay chiếc đồng hồ báo thức của K. đã chết ngoẻo từ bao giờ (cho tới lúc này, chiếc đồng hồ vẫn còn là của K. để ngay ngắn trên mặt hòm kê đầu giường chủ nhân). Nhìn chăm chú vào những chiếc kim bất động, y lại sực nhớ: thảo nào hai giờ sáng hôm nay không nghe chuông réo như mọi lần. Mọi ngày, cứ đúng vào giờ ấy, cái đồ thổ tả này lại kêu ré lên. Nó, cái đồng hồ ấy, vốn là quà tặng của một người bạn K. khi đi Tây về, đã cũ, giống như một kẻ hư hỏng và phóng đãng. Lúc thì lồng lên như ngựa, lúc thì dừng hẳn lại lấy sức để sau đó chạy tiếp. Nhưng thế cũng chưa đáng ghét bằng, cứ đúng vào lúc hai giờ sáng, chuông báo thức lại thét lên một hồi. Tiếng kim khí va chạm giòn giã, đắc thắng, bất chợt vang lên trong đêm tĩnh lặng, đến người chết cũng phải giật mình nhỏm dậy, chứ đừng nói gì người sống. Y bực bõ, thắc mắc rất nhiều lần về chuyện đồng hồ. Nhưng K. chỉ cười buồn bã, không một lời giải thích, khuôn mặt khờ khạo hơi tái đi. Rốt cuộc đâu lại hoàn đó: hai giờ sáng, cái đồng hồ cất tiếng gáy.
          Nhưng sáng nay, đúng vào giờ dó, y tỉnh dậy không phải vì tiếng chuông đồng hồ. Yên tĩnh tuyệt đối. Y nhỏm hẳn dậy để nhòm sang giường bên kia. Mờ mờ trong ánh điện hắt qua cửa sổ, tấm màn buông kín khẽ lay động. Lẽ ra như mọi lần, K. đã phải ngồi dậy sau tiếng chuông reo, khục khặc ho, quờ chân tìm dép và rón rén đi ra ngoài…
          Ở bệnh viện. Trong phòng cấp cứu hồi sức.
          K. nằm duỗi dài trên chiếc giường trải nệm trắng, mắt nhắm nghiền, da mặt vàng xỉn như màu đất sét. Những vết bã chè, tàn nhang nổi hằn lên một cách kỳ lạ ở hai bên thái dương, trên lớp da đầu mỏng và thưa thớt những sợi tóc mềm rũ.
          - Anh là thân nhân của người bệnh?
          - Dạ… - Y ấp úng, tránh cái nhìn dò xét của ông bác sĩ. Ông ta tự giới thiệu là trưởng khoa, có chân trong hội Huyết học, rồi trịnh trọng tuyên bố:
          - Hồng cầu đột ngột tụt xuống mức một triệu bảy. Có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: một, giun đũa xơi hồng cầu; hai, suy tuỷ; ba, ung thư máu. May phúc cho anh chàng này nếu anh ta rơi vào trường hợp đầu. Hai trường hợp sau…
          - Không có loại thuốc nào có thể?…
          - Vấn đề hiện nay chưa phải là thuốc. Vấn đề là máu tươi, anh bạn ạ. Tôi nhắc lại: máu tươi! Thứ này bây giờ cực hiếm - Ông bác sĩ nhếch miệng cười thâm thuý - Khủng hoảng thiếu, trong phạm vi toàn xã hội.
          Cô nàng hộ lý đứng bên cạnh ông bác sĩ - một ả to béo phốp pháp, mặt lấm tấm những nốt trứng cá đỏ, nãy giờ vẫn hau háu nhìn y - liền bước hẳn lên một bước.
          - Anh thử về bàn bạc với cái công đoàn nhà anh, xem có ông bà nào tình nguyện đến đây cho máu? Nếu không - cô nàng mủm mỉm liếc nhìn ông bác sĩ, liền bị ông này véo cho một cái vào đùi giãy nảy - Nếu không em cho! Chỉ có điều em thuộc nhóm máu “dê” không biết ông bạn lẻo khoẻo của anh có đủ “đô” không?
          Ả cười khanh khách, đôi mắt lúng liếc, bộ ngực nở căng dưới lần áo blu trắng.
          Ngay buổi trưa, y đạp xe trở lại cơ quan để thông báo tình hình và đề xuất phương án: điện khẩn về nhà quê cho vợ K.
          Hai ngày sau, người vợ bất hạnh xuất hiện trong sân khu tập thể, với một chiếc lồng nhốt hai con gà sống thiến và một thằng bé như cái dải khoai bám lẵng nhẵng bên sườn. Ngay tối hôm đó y hăm hở xông đến nhà riêng ông bác sĩ thành viên hội máu, đàm phán quyết liệt với ông về vấn đề máu tươi, trong tiếng yểm trợ quang quác của hai chú gà sống thiến nằm chực ngoài cửa. Hai ca mổ trong bệnh viện sau đó phải đình lại, để dành máu chuyển qua cho K. Tuy nhiên, đấy chỉ là cách giải quyết tạm bợ. Máu tươi, dù xét theo quan điểm y học, trước hết vẫn cứ là hàng hoá phải mua bằng tiền. Người vợ khốn khổ của K. không giết ai ra tiền, khi món hàng này theo thời giá bấy giờ là mười ngàn đồng một lít.
          Phương án hiến máu buộc phải đặt ra. Y còn nhớ như in lúc ấy, tất cả thành viên trong cái cơ quan thiếu máu của y hơi lặng đi.
          Mân mê chén nước trong tay, không nhìn ai, nhưng y biết có hàng chục cặp mắt đang đổ dồn vào phía mình. Chứ gì nữa? Ăn chung một mâm, ở chung một phòng, chính y là người gần gũi, thân thiết với K. hơn cả. Thái độ của y lúc này sẽ tác động đáng kể tới số đông trước mặt y: một phong trào lạc quyên hoan hỉ hay là một cuộc rút lui trong danh dự. Nhoáng một cái, máu trong người y ngừng chảy. Toàn bộ hồng cầu đe doạ làm một cuộc bãi công để phản đối thái độ nông nổi, hoang phí của ông chủ. Những cái lưỡi lợn (được tiêu hóa liên tiếp trong thời gian gần đây) cố nhiên cũng đứng về phía các hồng cầu, đặng cho sự hy sinh của chúng không trở nên vô ích. Ông chủ đang ngồi ngay ngắn trên ghế tựa, bèn từ từ gục đầu xuống, đổ vật sang bên cạnh. Mọi người hốt hoảng xúm lại, khiêng y đặt lên bàn, xoa bóp và đánh cảm.
          Y nghiễm nhiên bị loại ra khỏi số người đi thử máu vì lý do sức khỏe.
          Một tuần sau, K. qua đời. Người vợ đã cùng với cơ quan lo liệu xong tang lễ cho chồng. Trước khi về quê, chị ôm con sụt sùi nói với y:
          - Nhà em phận mỏng, được như vậy là cũng mát mẻ cho vong linh lắm. Em suốt đời đội ơn các bác, các anh các chị ở cơ quan. Ngày mai em cho cháu xuôi. Nội mấy thứ đồ tầm tầm này của nhà em, bác cho em xin lại. Còn chiếc đồng hồ - người đàn bà gạt nước mắt - trước lúc “đi”, nhà em có trối lại: khi còn ở chung với nhau, ơn bác chưa trả hết… Bác vui lòng giữ lấy làm kỷ niệm.
          Y gượng cười - y đã định chối từ, nhưng nghĩ lại thấy không đành. Vả lại, chiếc đồng hồ cũng đã tàng tàng. Lại là thứ mà nghe nói bên Tây, họ chế ra cốt để cho trẻ em làm quen với máy móc, có thể tháo ra lắp vào như một thứ đồ chơi.
          - Ấy, trông vậy mà không có nó, chưa biết chừng nhà em đã “đi” từ lâu rồi. Đêm đêm, anh ấy vẫn phải để cho nó gọi chuông, sợ ngủ quên một cái là “đi” luôn. Chao, bệnh đâu có thứ bệnh khốn bệnh khổ!
          Y giật mình. Bây giờ y mới kịp giật mình. Thì ra những hồi chuông thất thanh vào lúc hai giờ sáng…

                                                             III.

          Chuyện rắc rối đầu tiên về chiếc đồng hồ đã xảy ra, ngay sau cái đêm vợ K. khăn gói về quê, mọi chuyện phiền tạp về người bạn đã chấm dứt. Y đã kịp ngủ một giấc ngon lành, không mộng mị. Sáng hôm ấy là chủ nhật. Y để chuông báo thức sáu giờ, nhưng mãi bảy giờ ba mươi, chuông mới đổ. Y vùng dậy, cuống cuồng đạp xe tới chỗ hẹn, bị nàng mắng cho một trận té tát. Những nốt trứng cá trên mặt nàng đỏ tấy lên, như một phẩm giá bị xúc phạm. Tuy vậy, không vì thế mà nàng từ chối đêm hôm sau sẽ đến với y, trong căn phòng tạm thời chỉ có mình y chiếm cứ.
          Ngay lập tức xảy ra chuyện rắc rối tiếp theo. Đúng vào lúc hai giờ sáng, chuông đồng hồ lại réo. Hồi chuông mạnh mẽ, dị thường đến nỗi, y thấy như có người nắm tóc mình lôi dậy. Bóng tối trong căn phòng dày đặc. Y nổi da gà - nghe như có tiếng ai vừa thở dài. Tâm thần thảng thốt, y lần mò tìm công tắc đèn. Ánh điện vụt loé, và hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những điếu thuốc vung vãi tung toé trên nền nhà - những điếu thuốc rời, lúc đi ngủ y đã xếp gọn gàng trên mặt bàn cạnh chiếc đồng hồ. Bất chấp sự quy định của y, hồi chuông đã đổ sớm hơn ba tiếng.
          Bối rối và sợ hãi, y không dám tắt đèn đi ngủ tiếp. Trong màn, ả hộ lý phốp pháp - thành quả thắng giành được không tốn một giọt máu - vẫn đang ngủ mê mệt, không mảnh vải trên người, trắng bệch như vôi.
          Y quyết định không bao giờ động đến bộ phận chuông của chiếc đồng hồ. Mặc dù vậy; tình hình vẫn tiếp tục xấu đi trông thấy. Ở y bắt đầu xuất hiện những cơn choáng nhẹ. Những cơn choáng lặp đi lặp lại theo một chu kỳ khá đều đặn. Tới một ngày kia, y mới chết lặng người vì kinh hãi: chúng, những cơn choáng ấy, diễn ra đúng vào lúc chiếc đồng hồ xổ ra vòng dây cót cuối cùng.
          Rồi những cơn choáng cũng tái diễn không theo chu kỳ nữa. Chúng xảy ra bất kỳ lúc nào chiếc đồng hồ giở chứng. Điều này đặc biệt hay xảy ra vào ban đêm. Mỗi lần như vậy, y cảm thấy rất rõ một cơn nghẹt thở. Bản năng sinh tồn thúc y thoát khỏi cạm bẫy của giấc ngủ. Y lao đến bên chiếc đồng hồ, ôm lấy nó trong hai bàn tay, vỗ về, lắc lắc nhẹ - động tác cấp cứu thường tỏ ra có hiệu quả.
          Giữa sinh mệnh y và sinh mệnh chiếc đồng hồ đã hình thành một mối quan hệ chặt chẽ và bí ẩn. Linh cảm thầm thì mách bảo y những điều mà y tự nhủ phải nghiến răng lại để hiểu lấy một mình. Y để mắt tới đồng hồ nhiều hơn. Lên dây cót nhiều hơn trong một ngày. Những chuyến đi công tác xa nơi ở quá ba mươi sáu tiếng - giới hạn tối đa cho phép những chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót bình thường vẫn có thể hoạt động - bị khéo léo từ chối. Trường hợp không từ chối nổi, y bí mật ôm đồng hồ theo. Những tháng ngày căng thẳng, mệt mỏi kéo dài triền miên đã dẫn y tới một quyết định tối hậu: chuyển đi thật xa, thật gấp, bất ngờ cắt đứt hoàn toàn mọi sự dây dưa với những kỷ niệm u ám và chiếc đồng hồ quái gở.
          Vào trước lúc lên tàu tới vùng đất mới, y ngồi lại trong căn phòng một lát với vợ và con (vợ y chỉ được báo trước rất cận ngày, vừa hối hả dẫn con từ quê ra để cùng y thực hiện cuộc di cư). Y ngấm ngầm muốn nghe ngóng lại lần cuối cùng…
          Đúng lúc ấy, lúc im lặng có vẻ ngậm ngùi, trong phòng chợt vang lên tiếng tích tắc, tích tắc, hối hả, ráo riết, rõ mồn một. Y thu mình lại, như ớn lạnh. Thằng con y, thằng bé mười tuổi, đắc thắng reo ầm lên trước chiến công bất ngờ của nó: phát hiện ra chiếc đồng hồ suýt bị bỏ quên trong chiếc hòm gỗ mục quẳng lại xó nhà!
          Y mỉm cười cay đắng, đầu hàng định mệnh.

                                                                  IV.

          Ở nơi trú ngụ mới, hy vọng đã có lúc loé lên, và y tưởng như xoay chuyển được tình thế. Ấy là khi chợt nảy ra ý định đem chiếc đồng hồ đến tiệm lau dầu. Chiếc đồng hồ trục trặc, chẳng qua là vì nó đã quá cũ, máy móc rệu rạo, cần phải được bàn tay thợ lành nghề tu chỉnh lại. Y không mấy tin vào việc làm này, thậm chí còn linh cảm thấy có phần nguy hiểm, song không còn cách nào khác.
          Cần phải nói ngay rằng, trong suốt hai ngày chiếc đồng hồ nằm ở tiệm, y sống dở chết dở trong trạng thái gay go kỳ lạ cả về tâm hồn lẫn thể xác. Những cơn đau không rõ rệt, lúc chỗ này, lúc chỗ khác. Đôi khi có cảm tưởng như một bộ phận nào đó trên cơ thể bị tháo rời ra: một bên cẳng chân, những ngón tay ở bàn tay trái… Những bộ phận khác mất hẳn cảm giác. Đến ngay cả thứ chất lỏng vẫn lưu thông trong huyết quản dường như không còn là máu nữa - một dung dịch lành lạnh, sền sệt, bò chậm chạp. Sang ngày thứ ba, y gắng gượng bò đến tiệm. Đến nơi, người trở lại khỏe mạnh bình thường, các triệu chứng kinh dị kể trên mất hẳn. Y khoan khoái mời ông thợ già điếu JET. Ông ta vừa hoàn thành công việc lau chùi, lắp ráp, tra dầu mỡ cẩn thận vào chiếc đồng hồ cho y.
          - Đồng hồ của ông còn tốt lắm - ông thợ nhận tiền công, vui vẻ nói.
          - Thưa ông, ông quá khen…
          - Đấy rồi ông xem. Chưa biết chừng nó còn sống lâu hơn cả tôi và ông nữa cơ.
          Y ngờ vực điều dự đoán của ông thợ. Thâm tâm, y không biết nên vui hay nên buồn? Có điều chiếc đồng hồ sau khi lau dầu đã chạy tốt đến mức không dám mong đợi. Tanh tách, giòn giã, trơn tru, chính xác, như thể thừa sức vượt qua cả giới hạn ba mươi sáu tiếng. Cố nhiên y không bao giờ dám để xấp xỉ tới giới hạn đó. Hàng ngày đúng vào lúc sáu giờ sáng, y lên giây đồng hồ. Y âu yếm lắng nghe tiếng nhả cót đều đặn như tiếng đập của trái tim đã bình phục. Cơn choáng bất ngờ biến mất. Hy vọng nhen nhóm dần cùng với sự ổn định của sức khỏe và sự bằng an của tinh thần. Đến nỗi một ý tưởng mới lại xảy ra, và y sung sướng như có một phát kiến lớn: ba tháng, không hai tháng, thậm chí một tháng, y sẽ tiến hành lau dầu cho đồng hồ một lần. Dẫu sao, chi phí vẫn còn rẻ hơn nhiều so với giá máu.
          - Xin lỗi, vẫn còn chạy tốt? Nếu tôi không lầm thì mới tháng trước, ông đã đem tới đây cũng chiếc đồng hồ này? - Ông thợ già ngạc nhiên nhìn vẻ mặt bối rối của y - Quái quỷ! Tôi cam đoan với ông, bất kỳ chiếc đồng hồ nào qua tay tôi, đều được bảo hành nghiêm chỉnh trong vòng một năm.
          “Lão già dốt nát, chẳng hiểu quái gì hết”. Y nhét chiếc đồng hồ vào túi, bước ra cửa và lầu bầu. “Cả thành phố này có không dưới một chục tiệm đồng hồ. Vừa đủ để một năm sau, ta quay lại lão”.
          Cái chương trình độc đáo đó được y hăm hở thực hiện trong vòng một năm. Mỗi tháng y phải chịu đựng hai ngày đau đớn khốn khổ (thời gian chiếc đồng hồ nằm lại ở tiệm sửa chữa nào đó). Nhưng bù lại, y được yên ổn khỏe mạnh trong suốt những ngày còn lại. Chuyện tưởng như chẳng có gì để nói, nếu sự hoài nghi không để lại mầm mống dai dẳng trong máu y. Một lần, vào ngày cuối cùng trong tháng, y thử cố tình không đem đồng hồ đến tiệm. Chẳng phải đợi lâu la gì, ngay đêm đó, vào lúc không ngờ nhất, tiếng tích tắc lụi dần rồi tắt ngóm. Y sa sẩm cả mặt mũi - trạng thái nguy kịch của một năm trước đó lập tức xuất hiện.

                                                              V.

          Y dứt khoát không đem đồng hồ đi đâu nữa, sau khi tỉnh ngộ: thời hạn an toàn đã âm thầm bị rút ngắn lại. Vô nghĩa biết bao, tất cả những nỗ lực trong suốt một năm qua! Giờ đây, y đã có thể cười to lên vì sự ngu ngốc của chính mình. Xem ra chẳng mấy nữa, tình hình sẽ vô phương cứu chữa. Y chỉ còn một việc duy nhất là chờ đợi cái giây phút ấy…
          Hôm đó từ nhiệm sở trở về nhà, vừa bước chân vào đến cửa, y bỗng đứng sững lại. Trước mặt y, ngay trên nền phòng khách, chiếc đồng hồ đã bị tháo tung ra từng bộ phận. Thằng con trai y, cái thằng đã từng lập chiến công phát hiện ra chuyện “bỏ quên” năm nào, đang dùng một chiếc tuốc-nơ-vít ngoáy ngoáy vào cái lỗ nào đó trong bộ máy. Nhác thấy bố, thằng bé giật mình, nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Thì đã sao - chiếc đồng hồ vốn dành cho những đứa trẻ tò mò như nó kia mà? Thằng bé định mỉm cười để ngăn chặn cơn thịnh nộ có thể xảy ra ở ông bố. Nhưng thật bất ngờ, bố nó lại mỉm cười trước. Nụ cười bất tuyệt. Và thằng nhóc phải mất một lát mới nhận thấy vẻ kinh dị, chết chóc ở trong nụ cười ấy.
          Cu cậu sợ quá kêu toáng lên. Năm phút sau, người ta vội vàng đưa bố nó vào bệnh viện.

                                                                VI.

          Ba ngày ba đêm liền trong bệnh viện, y không ăn uống một tí gì vào bụng. Lúc nào cũng thiêm thiếp ngủ, song chưa có dấu hiệu chứng tỏ cơ thể đã hoàn toàn suy kiệt. Ca bệnh bất ngờ hứa hẹn một phát minh trứ danh trong lĩnh vực y học. Tuyệt hơn nữa, phát minh đó lại có thể ra đời tại một bệnh viện vô danh! Y được đưa vào phòng theo dõi đặc biệt. Những bác sĩ giỏi nhất của bệnh viện đã tham gia hội chẩn. Huyết áp bình thường. Tim đập dõng dạc. Hơi thở đều đặn. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy cả hồng cầu và bạch cầu đều ở mức lý tưởng. Đến một người khỏe mạnh đang ở độ tuổi sung sức cũng chẳng mong ước gì hơn. Hoan hô! Chắc chắn không thể dẫn tới tử vong.
          Tuy vậy, hy vọng về một phát minh tai tiếng của đám thầy thuốc ở đây thực chất là hão huyền. Một mình y, phải, vẫn chỉ một mình y hiểu được rằng: căn bệnh của y sẽ là một ngõ cụt đối với kiếm tìm thuần túy khoa học.
          Gần sáng ngày thứ tư, đột nhiên y tỉnh táo trở lại, sau một giấc mơ ngắn không đầu không đuôi. Y gặp lại K. sau mấy năm xa cách. K. vẫn như ngày ấy, mái tóc thưa mềm rũ, những vết tàn nhang, bã chè nổi hằn trên màu da đất sét. K. nhìn y, không phải cái nhìn tồi tội của người biết mình yếu thế, trái lại rất tự tin, thậm chí còn tỏ ra thương hại. Chính điều đó khiến y điên tiết. Y định giằng lấy cuốn sổ trong tay K. mà y biết rõ là cuốn sổ chi tiêu, nhưng K. nhanh tay hơn giấu ra sau lưng rồi cười phá lên: “Mình đã trả hết nợ nần rồi cậu ạ. Trả hết. Nhẹ nhõm quá”. Nói xong, K. thong thả xé vụn quyển sổ, tung lên cao. Những mảnh giấy rơi lả tả, phủ trắng lên mặt đất giữa hai người. “Đợi với!…” - trong mơ, y cuống cuồng hét lên và chạy theo vạt áo trắng bay lất phất.
          Viên bác sĩ trực xô ngay lại, trong khi y ngồi nhỏm dậy trên giường, đôi mắt trừng trừng nhìn chiếc áo blu trắng của ông, vẫn chưa tan hết vẻ thảng thốt. Lát sau, y thong thả xỏ chân xuống dép, tìm khăn mặt, bàn chải răng, lặng lẽ đi ra ngoài. Y làm vệ sinh cá nhân buổi sáng rất cẩn thận, đàng hoàng, như một kẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Thậm chí người ta còn nghe thấy y huýt sáo vui vẻ trong toa lét, bài “Thành phố không người”:
         
“Thành phố khuya, những nẻo đường hoang vu cỏ mọc đẫm sương.
          Không có người, chỉ có những chú chó hoang”…

          Viên bác sĩ trực hết sức hoang mang. Là người thông minh, lẽ ra ông phải tìm cách khôn khéo tiếp cận y. Chính vào thời điểm đột biến này của con bệnh, những phát hiện có giá trị nhất thường nảy nòi. Song vì thiếu bản lĩnh nên ông đã không biết tận dụng cơ hội. Ông chỉ tiếp tục công việc quan sát từ xa, có phần còn thận trọng hơn trước.
          Trở về phòng, y ngồi ngay ngắn trên giường. Sắc mặt hồng hào, tươi tắn, tuy đượm vẻ bồn chồn. Quả thật, y đã hơi sốt ruột… Thể trạng đột ngột thay đổi, và nhất là giấc mơ đầy tính chất điềm báo xui y nghĩ ngay rằng giây phút ấy đang tới gần. Y tin rằng mọi chuyện sẽ kết thúc trong sáng nay, sau buổi viếng thăm hàng ngày của vợ và con. Chắc chắn là như vậy. Giờ thì không còn bất cứ lý do gì để bác bỏ niềm tin thiêng liêng đó.
          Và giây phút ấy đã đến… Y lịch sự xin phép người bác sĩ được gặp riêng vợ con trong phòng. Ông bác sĩ hoàn toàn rối trí, nhưng buộc phải chấp nhận lời đề nghị. Ra khỏi cửa, ông sực nhớ phải cấp tốc đi tìm ông giám đốc, chủ tịch hội đồng khoa học của bệnh viện.
          Trong thời gian đó, y từ từ ngả mình xuống giường. Động tác thanh thản, êm ái nhất mà chỉ đến lúc này người ta mới có thể có được. Sung sướng đến ứa nước mắt, y nhìn vợ con lần cuối. Vợ y hầu như chẳng biết gì, vẫn cặm cụi múc phở từ cặp lồng ra bát. Y vời con lại gần, nắm lấy bàn tay nhỏ bé của nó, vuốt ve nhè nhẹ. Cái bàn tay đã tháo tung chiếc đồng hồ. Bàn tay của Đấng - giải - thoát - vĩ - đại! Y định nói một câu gì… Nhưng đúng lúc ấy, thằng bé sực nhớ và reo to:
          - Cái đồng hồ lại chạy rồi bố ạ!
          Y tái mặt, mồm há hốc. Những điều định nói bay biến đi đâu mất. Thằng bé hoàn toàn không biết gì, vui vẻ khoe:
          - Con đã lắp lại được y như cũ. Và nó lại bắt đầu tà lách, tà lách

                                                                                                    1990
                                                                                                   T.Đ.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét