Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

MÙI

TRẦN NHÃ THỤY

                                                                                                           Tặng K.


Cánh đồng chạy dài tới chân núi.
Tôi quyết định bỏ lại chiếc xe gắn máy trên con đường lớn để đi trên những bờ cỏ dẫn về hướng núi. Chiều dần buông. Bàn chân dần đau ê ẩm và mồ hôi bắt đầu túa ra. Tôi nghe thấy mùi của cơ thể mình bắt đầu “bốc” lên sau một ngày lang thang nắng gió không tắm gội. Thế nhưng, càng bước đi, tôi như quên mùi của mình, hay mùi cơ thể tôi đang bị gió thổi phai dần đi? 
Tôi bắt đầu nghe thấy mùi hương cỏ, rồi cánh mũi phập phồng nghe mùi thơm cây lúa. Đi tiếp, tôi nghe dậy mùi bùn, rồi bất ngờ nhận ra mùi của nước láng qua mặt ruộng. Càng đi, tôi càng nghe mùi của thiên nhiên hiện ra thật rõ, khi đêm phủ nhòa, mùi như thêm “nét” dần, đến mức tôi nghe thấy mùi da một con nhái vừa búng mình vào bụi cỏ. Cuối cùng, mùi dúi vào nhau như một cú đổ domino. Chỉ riêng mùi người là tạm vắng mặt.
Nghĩ về mùi, tôi chợt nhớ về những chuyến đi vào thiên nhiên như thế, chút trải nghiệm nhỏ nhoi cũng khiến mình thêm yêu cuộc sống. Nhưng cũng phải nói thật lòng rằng, không phải chuyến đi nào cũng có những gặt hái hân hoan như vậy. Cũng là những chuyến đi vào thiên nhiên, nhưng lại không nghe được mùi sạch, mà nghe mùi những “bãi mìn” của con người “gài” trên bờ ruộng. Lúc khác lại chóng mặt buồn nôn khi nghe mùi nước đen thải ra từ các khu công nghiệp. Như hai mặt của một đồng xu, thơm tho và… không thơm tho cùng nhau có mặt ở cuộc đời này. Nhưng mùi không phải lúc nào cũng được nhận diện, có những thứ vốn không mùi như khí gas, nhưng vì nguy hiểm nên người ta phải cho thêm vào đó cái chất tạo mùi để khi có rò rỉ thì dễ phát hiện. Lại có những chuyện mà thiên hạ bảo với nhau là “có mùi” nhưng không định danh là mùi gì. Chỉ biết đó là mùi không ngửi được. Thỉnh thoảng đọc báo thấy có câu: “Công lý có mùi kim tiền”, thì đoán là có chuyện khuất tất tiền bạc, đổi trắng thay đen gì đó, chứ tiền thật ra chẳng có mùi gì ngoài mùi giấy.
Khi mới vào đời, được hưởng ái ân, người ta bảo là hưởng “mùi đời”. Nhưng bị đời quăng quật bầm dập thì cũng gọi là nếm “mùi đời”. Sướng hay khổ cũng quy về “mùi đời”. Xem ra cái “mùi đời” là mùi mà con người không tránh khỏi, nó là “mùi cơ bản” của tạo hoá.
Còn nước hoa, không biết có từ bao giờ, nhưng thiển nghĩ con người ta sáng chế ra tinh tuý của hương thơm chủ yếu là để che đi cái mùi không mấy hay ho của mình. Nhưng đọc tiểu thuyết Mùi hương của nhà văn người Đức Patrick Suskind thì thấy có nhân vật Jean-Baptiste Grenouille sở hữu một cơ thể vô mùi. Không có mùi gì cả, nhưng Grenouille lại là phù thủy của thế giới hương thơm. Nghĩ, chẳng thà là mùi hôi còn hơn không có mùi gì. Một cơ thể không mùi có lẽ còn sợ hơn là mùi chết. Thỉnh thoảng xem phim hay đọc báo, thấy có chuyện đại loại đang đêm tên trộm lẻn vào nhà rồi ân ái với bà chủ nhà, nhưng bà chủ nhà không biết mà nhầm tưởng là… đấng lang quân. Chuyện này tôi cho là xạo hoặc do một sự sơ suất nghiêm trọng của giác quan chứ có người vợ nào mà không nhận ra mùi chồng? Cũng như khi yêu nhau, chúng ta đều rất thuộc mùi của nhau. Đọc bài thơ Tự Đức khóc Bằng Phi chắc sẽ hiểu rõ hơn cái mùi của người bạn đời bạn tình nó thân thuộc và khắc sâu đến chừng nào: Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi. Cái hơi cái mùi không theo người đi mất mà như còn vương lại mãi ở trần thế này. 
Rồi mùa xuân có mùi thơm của xác pháo (ngày xưa), mùi thơm của bánh mứt, của hoa tươi, của áo mới, và mùi của những cặp môi tươi mới quyện nhau. Mùa hạ thì mùi như khuếch đại lên bởi nắng gió. Với riêng tôi mùa hạ là mùa của mùi tóc cháy trên những cánh đồng ấu thơ. Mùa thu mùi chậm theo những bước nắng, nó khiến ta cũng chậm lại như những con nai vàng ngơ ngác mộng du. Mùa đông thì mùi như đi trốn, nhưng lạ lùng thay, trong những đêm đông mùi vị ẩm thực chợt sực lên như những giọng rao mời. Đó là mùi của bánh mì nướng, mùi mực nướng, mùi ly rượu nóng… như hiện ra sưởi ấm ta trong đêm giá lạnh.
Ở thành phố, cứ ra đường là khẩu trang kín mít nên hầu như chẳng nghe thấy mùi gì. Thi thoảng trong giấc mơ thấy mình có một mảnh vườn để trồng đủ các loại rau, khi đêm tối ra ngồi nghe mùi thơm rau húng, rau quế, rau ngò, diếp cá… Cũng trong mơ nghe thấy mùi tóc cháy của thuở bé thơ đèn dầu đọc sách, và mộng du theo hương bồ kết trên mái tóc cô láng giềng. Kể chuyện giấc mơ, có anh bạn kêu tôi là “mùi mẫn”. Thôi thì nói chuyện thực. Chỗ tôi đang ở, còn vài con đường đất nhỏ có hàng rào cây dại. Những đêm tối về khuya, dù trong người tràn men rượu tôi cũng lách xe chạy chậm vào những con đường nhỏ ấy, để nghe mùi cây lá thở trong đêm, mùi dạ lan thoảng nhẹ. Dường như mỗi lần chạy xe chậm qua những con đường có hàng rào cây như thế, hơi men trong người tôi đã bay toát ra hết.
Tản mạn về mùi, chợt nhớ tới hai câu của Nguyễn Du: Mành tương phơn phớt gió đàn/ Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình. Theo bình luận của các bậc tiền bối thì mùi hương gây trong câu thơ ấy chính là cái mùi “gây gây”, hương của tình yêu ân ái. Nếu đúng vậy thì kẻ hậu sinh là tôi xin ngả… mũ bảo hiểm mà bái lạy các cụ!

                                                                  2010
                                                                  T.N.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét