Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

NGHÈO

TẠ DUY ANH


          Suốt bao nhiêu năm, cả khi tôi đã lớn, vẫn thấy cha tôi giữ nguyên vẻ mặt “khôn hơn người” khi ông kể về việc ông đã bảo vệ thành phần cố nông của gia đình tôi như thế nào: cố nông chứ quyết không là bần nông. Bằng sự hãnh diện của cha, tôi hiểu rằng cố nông “sang” hơn bần nông. Cố nông là chẳng có thước đất cắm dùi, là quần mê áo đụp, chỉ cách những người chết đói đúng một gang tay, trong khi bần nông tức vẫn còn có thể thoi thóp qua ngày.
          Thế là tôi đem theo cái nghèo - như một tài sản có giá trị nhất, một chiếc giấy thông hành, lá bùa hộ mệnh... đi khắp thế gian. Với tôi nghèo đồng nghĩa với đạo đức, nhân cách, sự trong sạch. Tôi lên mặt ngạo mạn mình là con cháu những người vẫn giữ được cái nghèo. Tôi thuộc lầu những bài thơ - vì chúng nhiều vô kể - ca ngợi cái nghèo. Tôi gối đầu giường những tập sách viết về nhân vật nhà tranh vách đất, chum sứt nồi mẻ, đêm đêm trong ánh đèn dầu vặn nhỏ, mọi người quây bên rổ khoai luộc ăn với cà. Giờ đây tôi có thể ngẫu hứng đọc hàng giờ liền những tác phẩm văn thơ tụng ca sự nghèo khổ. Mà cần gì phải qua sách báo. Chỉ cứ nhìn ra xung quanh đã thấy ngay sự hiển hiện của cái nghèo. Làng xóm xơ xác chưa là điều đáng nói. Ngay bà cô ruột của tôi đã đủ là một nhân vật điển hình. Quanh năm cô mặc loại quần vải thô ống lửng, thắt lưng dây chuối, bất kể mùa đông cũng như mùa hè, mò mẫm khắp ao trong ngoài, đồng trên đồng dưới, bóp nặn bất cứ thứ gì có thể cho vào nồi. Suốt hàng chục năm gia cảnh nhà cô tôi không hề thay đổi. Đúng ra cô chẳng thể nghèo hơn được nữa. Ấy vậy mà hễ cứ mở miệng là cô khuyên con cháu chớ có mơ giầu sang.
          Đôi khi có những chuyện từng đóng vai là chân lý, ngự trị suốt một đời mà nay kể lại y như chuyện bịa. Thật may là còn nhiều nhân chứng. Ngay cả những người như bố tôi, cô tôi cũng bàng hoàng khi có ai gợi lại quá khứ. Chả lẽ lại đã từng có lúc tự hào về cái nghèo ư? Rồi cứ thế cười phá lên.
          Nhưng mọi cái bề ngoài luôn là cái đơn giản, hời  hợt. Còn có lúc tôi giật mình khi bắt gặp nỗi buồn không có đáy trong cặp mắt những chủ nhân của sự nghèo khổ. Với họ đã có lúc cái nghèo trở thành niềm tự hào, nay xua đuổi nó đi, biết lấy gì để tôn thờ? Bởi vì thời của cái giầu sang hãy còn chưa tới? Còn lâu nhân vật giầu sang mới có vị trí sang trọng, chắc chắn như nhân vật nghèo từng có.

                                                                                                                          T.D.A

3 nhận xét:

  1. Tôi mà là Bí thư Chi bộ bác Tạ Duy Anh thì tôi sẽ nhắc bác Tạ không nên viết về quá khứ đói nghèo, biểu tượng trong sạch vĩ đại của quá khứ, bằng giọng văn buồn như rứa. Nước ta trong sạch nhất thế giới, vì nước ta nghèo nhất thế giới. Tự hào quá ta ơi!

    Trả lờiXóa
  2. Hehe, bác Tạ Duy Anh lại chưa phải là đảng viên bà con ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Bác Tạ nên vào Đảng đi thôi. Một người nghèo trong sạch như bác không vào Đảng là một sự thiệt thòi lớn cho quần chúng nhà chúng em.Hi...hi...

    Trả lờiXóa