Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

VẪN CÒN NGƯỜI TỬ TẾ

TRẦN ĐỨC TIẾN


          1. Năm ngoái, đường phố nơi mình ở bị đào lên để đặt cống thoát nước. Hầu hết các gia đình ở mặt phố phải sửa lại đường ống dẫn nước sạch vào nhà. Có 2 chú thợ của công ty cấp nước đến làm cho nhà mình. Thay một đoạn ống vài ba mét chẳng mất mấy thì giờ, nhưng giữa mùa nắng nóng, các chú cũng mướt mồ hôi.

          Xong việc, mình mời uống trà đá, các chú uống. Mời thuốc lá, các chú cám ơn nhưng không hút. Quen với lề thói lâu nay, mình đã chuẩn bị sẵn dăm chục để “bồi dưỡng” các chú. Nhưng khi mình cầm tiền đưa cho chú lớn tuổi hơn, đưa đẩy mấy câu, bảo là tiền cà phê cà pháo, thì chú này dứt khoát không nhận. Mình ép mãi, cả hai chú đều nói: công ty nghiêm cấm chuyện này, các chú đã có nguồn thu nhập đảm bảo từ công ty, nếu ai còn nhận tiền của dân mà công ty biết thì người ấy sẽ bị sa thải.
          Mình đành chịu thua. Nhưng chưa hết ngạc nhiên. Một sự việc lẽ ra rất nhỏ bé và bình thường, nhưng ở thời buổi bây giờ bỗng trở thành của hiếm. Phục tinh thần tự giác chấp hành “luật lệ” công ty của hai chú thợ, mình còn rất phục một người vắng mặt khác, đó là “sếp” của các chú. Lý do: một, tay “sếp” này phải rất giỏi kinh doanh (nếu không thì hắn không thể mang lại nguồn thu nhập đảm bảo cho “lính” của hắn không phải đi kiếm ăn vặt, kiếm ăn… không sạch từ bên ngoài); hai, hắn phải là người chưa đứt dây thần kinh xấu hổ, hay nói cho nghiêm túc là có văn hoá, hơn hẳn những tay “sếp” khác mà mình thấy nhan nhản ngoài đời; và ba, hắn đủ mạnh mẽ và dũng cảm để làm một người tử tế ở cái vị trí của hắn.
                                                    *                                                          
          2. Chiếc xe máy mình đang đi đã có thâm niên hơn 10 năm. Không phải xe Nhật xịn, mà chỉ là loại xe tầm tầm, lại hơi thấp bé. Mấy năm gần đây, cái xe cũng như người có tuổi, bắt đầu giở chứng. Tối cất xe vào nhà, xăng dư ở bình xăng con rớt xuống, sáng dậy bốc mùi rất khó chịu. Xú páp hở, đường hơi dốc là xe vừa đi vừa thở, khói từ ống bô phụt ra khét mù. Thỉnh thoảng có khách phải đèo đi chơi quanh Vũng Tàu, gặp người thấp bé nhẹ cân còn đỡ, chứ như ông Nguyễn Đức Thiện ở Tây Ninh hay ông Khôi Vũ ở Đồng Nai, ngót nghét một trăm ký thượng lên, thì… toát mồ hôi hột. Bà xã xui: đổi xe khác. Thằng con trai bảo: bố lên đời nghẽo, con chi tiền. Nhưng mình chỉ cười. Không đổi. Mình không tiếc tiền. Mà là… tiếc cái anh thợ chữa xe vẫn chữa cho mình.
          Cả 10 năm nay mình chỉ sửa xe ở chỗ anh ta. Người có tay nghề cao, làm cái gì cũng nhoay nhoáy nhoay nhoáy. Nhìn anh ta tháo cái bánh xe để thay cặp má phanh, nối lại sợi dây đứt cho đèn sáng, hay đơn giản là xả nhớt cũ, thay nhớt mới…, cũng thấy có tiết tấu, giai điệu hẳn hoi. Mình sửa một chỗ hỏng, anh ta lại chỉnh giúp cho vài chỗ sắp hỏng khác. Chưa từng bó tay trước bất kỳ hỏng hóc nào. Lúc đưa tiền thì chìa tay ra nhận, nhưng cử chỉ lại ngượng ngập như người ta… cho tiền mình! Và dường như lúc nào cũng có mặt ở cái góc đường ấy. Nếu mình mua xe mới, xe xịn, mấy khi còn có dịp được ghé qua chỗ anh ta? Dù chỉ để tháo cái mũ bảo hiểm ra khỏi đầu, hứng làn gió mát từ đầu phố thổi tới, ngồi dạng chân trên chiếc ghế nhựa dính đầy dầu, vừa xem chữa xe vừa trao đổi vài ba câu chuyện, chả dính dáng gì đến văn chương thơ phú. Cái giọng nói thật thà, cái nụ cười hiền lành trên môi anh thợ đủ khiến mình nhẹ lòng.
                                                       *
          3. Cái răng hàm bị mòn, nhai phải hạt cơm rang hơi dai một tí cũng đau buốt vào trong tuỷ. Sáng đánh răng súc miệng ngụm nước lã cũng đau. Đau mấy ngày mới dịu. Nhai mãi một bên, chán, bèn nghĩ đến chuyện đi chữa răng. Đến bác sĩ, tiêm thuốc tê, khoan thủng cái răng đau, tra thuốc vào cho chết tuỷ, cái răng thành cục xương khô, sẽ không còn biết đau đớn gì nữa. Ấy là cách xử lý đơn giản và dễ dàng nhất mình từng biết. Vấn đề là tìm được ông bác sĩ đáng tin cậy giữa cái thành phố lủng củng những răng sâu lợi hỏng này.
          Bạn mách cho một ông có phòng mạch tư gần chợ Bến Đình. Đúng giờ, mình đến. Ông bác sĩ từ trong phòng bước ra, áo blu, khẩu trang che kín miệng, chỉ thấy cặp mắt đang nheo cười: “Bác nào là bác Tiến”? Mình vụt đứng lên: “Dạ thưa, tôi”. Ông bác sĩ mời mình vào phòng. Soi, khám rất cẩn thận. Hỏi: bác thấy đau cái răng nào? Mình bảo: ở hàm trên, cái thứ 3, bên trái, tính từ trong ra. Ông bác sĩ lại soi đèn, cà cà, gõ gõ. “Răng bác còn tốt lắm. Chỉ hơi mòn một tẹo. Khoan cho chết tuỷ, hết đau, dễ quá. Nhưng như thế là giết chết một cái răng còn đang sống. Phí. Có cách khác hay hơn bác ạ”. Nói đoạn ông tắt đèn, bảo mình ngồi dậy, mời ra cái bàn con kê sát tường. Ông với cây bút, lấy mảnh giấy, ngoạch một cái thành hình cái răng có đủ cả  chân. Lại vừa vẽ tiếp vừa giảng giải cho mình, giảng đến đâu vẽ đến đấy. Tận tình đến mức như quên khuấy mất cả đám đông bệnh nhân đang xếp hàng chờ bên ngoài.
          Giảng xong, ông đưa ra lời khuyên: bác chỉ cần dùng một loại thuốc đánh răng đặc biệt, và chịu khó kiên nhẫn một thời gian. Lại rút tờ giấy khác, ghi cho mình tên loại thuốc đánh răng ấy. Chỉ cụ thể cho mình chỗ mua. Mình cảm ơn, rồi móc ví định trả tiền công khám bệnh. Bác sĩ xua tay: không phải tiền nong gì cả, em đã làm gì cho bác đâu?
          Mình lại đờ người. Chịu thua.
          Giống như hôm nào chịu thua chú thợ của công ty cấp nước.

                                                                                       3-3-2011
                                                                                        T.Đ.T

4 nhận xét:

  1. Tại anh ở hiền gặp lành đó thôi, những người tốt như vậy giờ hiếm lắm. Đa phần lộ trình chữa rằng bây giờ là: khoan lấy tuỷ-trám tạm+kháng sinh nặng-trám thật-răng bể-nhổ răng-trồng răng giả, hìhì. Với qui trình ấy em đã sống chung với lũ được khoảng 1-2 năm thương xuyên đi nha sỹ và được khuyến mãi bệnh bao tử do dùng kháng sinh đặc trị. Phòng răng anh nói là ở đường LL hay PHT vậy anh?

    Trả lờiXóa
  2. Phòng răng ấy ở cuối đường LL. Nếu bạn còn cần chữa răng thì cứ thử đến đó xem nhé.

    Trả lờiXóa
  3. phạm ngọc tiếnlúc 19:10 10 tháng 3, 2011

    Xem ra cái tay Tiến này chỉ toàn gặp người tốt. May mắn đấy mà. Nhưng ngẫm ra thì thấy gà cồ ăn quẩn cối xay thôi. Phiền bác đi ra xa lộ để dính đinh rồi gặp mấy thợ mặt rô, biết liền. Nghĩ tốt viết tốt về thiên hạ là điều nên nhưng bác ơi, mấy cái sự tử tế kia suy cho cùng cũng chỉ là tự an ủi. Khe...khe...

    Trả lờiXóa
  4. @Phạm Ngọc Tiến: Giời ạ, khi kêu lên "vẫn còn người tử tế" thì có nghĩa là trước đấy đã phải thất vọng ê chề rồi! Kể về cái xấu, cái đểu, thì vụ đinh tặc kia chưa là... cái đinh gì đâu.
    Này, hỏi nhỏ tí: có phải Tiến "tàn đen đốm đỏ" không đấy?

    Trả lờiXóa