Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

ĐỐI MẶT VỚI TƯƠNG LAI

TẠ DUY ANH


        Do chỗ tôi được mời đọc chọn các sáng tác của những cây bút tuổi thiếu niên trong một cuộc thi, vì thế tôi có điều kiện tiếp cận với suy nghĩ của chúng. Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ, tôi tin những cô, cậu bé ấy không biết “bịa” như người lớn. Chúng nói về tâm tư của chúng.
        So với tôi (ở tuổi năm mươi) chúng hiển nhiên là thế hệ tương lai, là những người sẽ tiếp tục làm chủ giang san khi chúng ta - những người lớn hôm nay đang cai quản chúng - đã về với đất. Quả là không nhẹ nhàng chút nào khi dù không muốn vẫn cứ phải thấy trước sự thật cay nghiệt ấy. Điều đó có nghĩa là sẽ đến lúc (và không xa lắm nữa) những đứa trẻ hôm nay không cần làm gì cũng thoát khỏi tầm kiểm soát của chúng ta - nếu thế hệ đàn anh có ý định kiểm soát chúng. Nhưng cái sự thật không cách gì dối lòng ấy, dù sao vẫn cho ta một nơi thoát ra khi ta quy về quy luật của Tạo hóa. Còn cái sự thật sau đây mới đáng sợ bởi nó đẩy chúng ta tới chỗ cô đơn: sẽ đến lúc chúng ta biến mất! Theo cả hai nghĩa. Biến mất về thân xác - ứng với sự thật thứ nhất - tức là luật Trời đã định, thì còn chịu được. Và thực ra sự biến mất này xác định ý nghĩa đích thực cho đời sống. Nhưng nếu biết, ngay cả hình bóng chúng ta, cái hình bóng tinh thần được tạo dựng bởi tâm linh và văn hóa gửi ở chúng (chủ yếu thông qua hành vi sống và giáo dục) cũng biến mất nốt - ứng với sự thật thứ hai - thì thật bi kịch! Bi kịch này dành cho cả chúng ta, những người ra đi, dành cho cả chúng, những người còn ở lại nối dài sự sống, sự lao động sáng tạo, duy trì sự liên tục của văn hóa... Vì thế, bằng sự lo lắng, nuối tiếc, sợ hãi và cả tò mò nữa, chúng ta rất muốn nhìn thấy trước tương lai, mà thực ra là muốn thấy trước sự hiện diện mai sau của mình khi thân xác đã tan rữa. Chính vì nhu cầu này mà một điều tưởng như nghịch lý đã xảy ra: chúng ta luôn luôn sống với cảm giác phải đối mặt với tương lai, đôi khi, giống như đối mặt với sự phán quyết của quan tòa. Không có ngoại lệ trong trường hợp này. Không ai đủ tự tin để khẳng định đã có vé, đi thẳng một lèo vào tương lai mà không bị kiểm tra, không bị nguy cơ xóa sổ, bị trục xuất... đe dọa, trừ khi anh ta sống với ảo tưởng hoặc dối trá. Bởi vì tương lai có cách đo đếm riêng của nó. Vì thế mới có ý tưởng cho rằng “Người may mắn là người trốn thoát được tương lai!”.
        Khi soi vào quá khứ người ta hy vọng (và do đó cố công) tìm ra những bài học, những kinh nghiệm, những sai lầm không nên mắc lại. Cái mà ta gọi là “bài học lịch sử” phải bao gồm cả sự ngọt ngào lẫn cay đắng. Nhưng theo tôi, cái cay đắng dạy chúng ta nhiều bổ ích hơn. Cho dù thế thì việc soi vào quá khứ không phải là công việc quá khó làm. Chúng ta hoàn toàn vô can đối với lịch sử và vì thế chúng ta chỉ như những khán giả, những nhà nghiên cứu. Nhưng nếu một ai đủ dũng cảm thử soi mình vào tương lai xem, sẽ thấy đó là công việc đem lại không chỉ nỗi kinh ngạc mà còn cả sự cắn dứt đau đớn. Bởi vì khi đó chúng ta đóng vai trò là quá khứ, là kẻ bị xem xét. Tương lai sẽ soi xét chúng ta từng li từng tí, để tìm kinh nghiệm, những bài học, và dĩ nhiên, cả những căn bệnh, những quả đắng nữa. (Họ ứng xử với điều này bằng thái độ nào, là cái mà chúng ta không thể biết chính xác được). Vâng, nếu một ai dám làm điều đó thì anh ta thật đáng khâm phục. Bởi vì anh ta sẽ phải đối mặt với một cái gì anh ta không muốn song đã thuộc về anh ta. Nó có thể méo mó, dị dạng, thậm chí không hình dung được. Nó có thể khiến anh ta hoảng loạn mà bỏ chạy mặc dù biết chắc không thể chạy đi đâu cho thoát.
        Hãy giả định mỗi ý nghĩ ngu xuẩn, độc ác, mỗi toan tính vụ lợi, tham lam, mỗi hành vi xấu xa, ti tiện, mỗi ý định lừa thầy phản bạn, trụy lạc, dâm ô, mỗi một lời nói dối v.v... đều in một vết đen lên hình ảnh chúng ta đang chiếu vào tương lai, thì lạy Chúa, bức chân dung của chúng ta sẽ kinh khủng như thế nào?
        Tôi phải tự xác định lại là tôi đang đối mặt với tương lai, khi dẫn ra hai mẩu chuyện bọn trẻ viết.
        Chuyện thứ nhất:
        Một người lớn nghiêm túc hỏi ba em học trò:
        - Nếu giả định có ba người trong đó có một người là Vua, một người là Cha, một người là Thầy dậy học... cùng bị rơi xuống nước và có thể bị chết đuối mà em thấy thì em cứu ai trước?
        Người lớn, với thái độ tự phụ, chỉ định thử trí thông minh của trẻ con. Đáp án có sẵn sẽ là vớ được ai trước thì đưa lên bờ trước. Bởi vì khi đó có họa điên mới ngồi nhớ xem thứ tự ai trước, ai sau trong thang thứ bậc để quyết định cứu ai trước. Hẳn khi nêu xong câu hỏi, cái ông người lớn nào đó chỉ còn rung đùi ngồi chờ mở chiếc hòm tri thức mà ông ta độc quyền với bọn trẻ. Nhưng ông có biết đâu cái hòm ấy chẳng có ý nghĩa gì với chúng.
        Đứa thứ nhất trả lời:
        - Người lớn cái gì mà chả làm được, họ sẽ tự biết cách bơi vào bờ.
        Đứa thứ hai:
        - Nếu nhảy xuống sẽ thành người thứ tư bị chết, chả dại. Mất ba người đỡ phí hơn bốn chứ?
        Còn đây là câu của em thứ ba:
        - Không cứu ai hết!
        - Tại sao? Em không có lương tâm à?
        - Vì Vua thì hà hiếp, cứu lên làm gì?
        - Thế còn Bố?
        - Chắc gì đã là người đẻ ra mình.
        - Thế còn Thầy?
        - Đấy là người chuyên “vặt” mình, càng không cứu.
        Nếu bỏ qua tính phi đạo lý trong những câu trả lời, thì ai bảo đó không phải là những câu trả lời thông minh, thậm chí còn từng trải nữa? Liệu chúng ta có còn muốn làm một cú “test” thứ hai không?
        Câu chuyện thứ hai mà tôi sắp dẫn là của một bé trai học lớp 7. Nó gắn câu chuyện thứ nhất như là nguyên nhân và kết quả, như là gieo và gặt.
        Cũng có ba cậu bé, chỉ khác chúng là những đứa trẻ bị bỏ rơi, lang thang tự kiếm sống. Vào đêm 30 tết chúng không biết đi đâu, về đâu, bèn tụ lại dưới một mái hiên, nơi có ngọn đèn đường chiếu sáng. Tại đây, để quên đi nỗi sợ, đói rét và đêm tối, chúng tự thưởng cho chúng những lời ước.
        Đứa thứ nhất ước:
  - Ước gì ngay bây giờ trời sáng, tạnh mưa - và nó nhắm mắt lại tưởng tượng ngọn đèn điện là mặt trời.
        Đứa thứ hai ước:
        - Ước gì có một mâm cỗ Giao thừa - Nó xuýt xoa như sắp được chén những món bổ béo, nóng bỏng môi.
        Đứa thứ ba ước:
        - Ước gì có bố có mẹ, có cửa có nhà...
        Lần này, chưa dứt lời, chúng thấy một cánh cửa sổ bung ra và một giọng phụ nữ the thé:
        - Bọn đầu đường xó chợ kia, đi chỗ khác! Tết nhất, định ám quẻ gì?
        Chúng còn đang chưa hoàn hồn, ngơ ngác như muốn hỏi nhau đi đâu bây giờ, thì một giọng nam trầm thản nhiên, vừa đủ nghe:
        - Thả con Bốp ra! Thả con Bốp ra!
        Cả ba đứa hiểu rằng chúng không thể cầu xin, thanh minh bất cứ điều gì với con vật tên là Bốp, chạy tóe ra phố và chui tọt vào đêm đen. Thật là trớ trêu khi “cái ngày mai” không biết đến ngày mai mình ra sao?
        Chúng ta thường rất tâm đắc với câu: “Nếu anh bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ nã đại bác vào anh”. Tôi nói tâm đắc là căn cứ vào mật độ trích dẫn, thường bởi các nhà phê bình hoặc các nhà giáo dục. Đây là câu của một nhà thơ nước ngoài, sống cùng thời với chúng ta. Mặc dù tôi không thấy gì thuộc về tính chân lý trong câu cảnh cáo đó, nhưng cũng không định phản bác. Vâng, cứ cho điều đó là một tiên tri đi. Thế thì với lớp trẻ hiển nhiên chúng ta là quá khứ (đã, đang và sẽ, khỏi phải bàn cãi!) và thử xem chúng ta chuẩn bị cho tương lai những gì để loại trước những viên súng lục của chúng, để có thể thanh thản nhắm mắt sau khi dặn lại lời răn dạy ấy? Chả lẽ đó là đủ các loại tệ nạn? Chả lẽ là tư tưởng mạnh ai người ấy sống? Chả lẽ là sự ghẻ lạnh, thái độ vô cảm trước nỗi đau của người khác? Chả lẽ là đầy rẫy những nghịch cảnh được mặc nhiên thừa nhận? Chả lẽ là nạn ăn chặn, móc túi người lương thiện ngang nhiên tồn tại ngoài đường, ngoài chợ, trong những công đường nghiêm cẩn bề ngoài, trong thánh đường của đạo đức là trường học, bệnh viện? Chả lẽ là trăm kiểu đối xử thô lậu với nhau, tôn thờ đồng tiền, vọng ngoại một cách lố bịch? v.v... Đó là cái cách chúng ta chuẩn bị cho tương lai ư? Chỉ có thể gọi đó là một canh bạc hoặc một cuộc cá cược đầy may rủi. Và tàn khốc - như bất cứ một cuộc đỏ-đen nào. Nếu ai đó, do khôn lỏi và trí tưởng tượng cằn cỗi, hy vọng mình được tương lai cấp cho “quyền miễn trừ” là một hy vọng khốn khổ, đáng khinh và đáng thương hại. Chúng ta có thể cứ sống, cứ hành động, cứ suy nghĩ như chúng ta muốn, bất chấp mọi hậu quả, nhưng một hy vọng có thể rũ sạch mọi vết nhơ như kiểu ảo thuật, là ảo tưởng. Bởi vì, tôi phải nhắc lại, tương lai có cách đo, đếm riêng mà chúng ta không thể biết được, y như chúng ta đã dùng những cách chưa từng có trong quá khứ để trả lại những sự thật cho lịch sử.
        Tôi vừa tình cờ tìm được từ nguyên của từ giáo dục: Education. Nó là E-ducere (gốc La tinh) có nghĩa: rút từ bên trong ra. Rút từ bên trong ra, chứ không phải như mọi hành vi vụ lợi là vơ từ bên ngoài vào! Nó như trai làm ngọc, như yến xây tổ, như tằm nhả tơ... Phải hy sinh lớn lao mới mong tạo ra một cái gì có thể để lại. Rút từ bên trong ra, với mỗi dân tộc là những tinh túy chắt bóp được, dè xẻn, tích tụ dành để cung tiến tương lai, tức là tự xây trước ngôi đền cho chính mình. Rút từ bên trong ra cũng có thể hiểu là làm kết tinh trong tâm hồn con người những giá trị văn hóa có thể tỏa sáng. Nó như một thứ vàng ròng làm nên kho báu, được nhân giá trị lên mãi theo thời gian.
        Chỉ khi đó, khi đã vắt kiệt cho tương lai, chúng ta mới có thể bình tâm mà chờ đợi nó, đối thoại với nó, thay vì phải lẩn tránh nó như lẩn tránh một cuộc đối mặt với kẻ mạnh đầy oán hận.

                                                                                                            T.D.A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét