Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

TIN THÊM VỀ VỤ PHIM "ĐẠO" TRUYỆN

TRẦN ĐỨC TIẾN


          Báo Tuổi trẻ ra ngày thứ 5 (24-3-2011) có bài viết Đường kiến có “đạo” Đường kiến? của tác giả Cát Khuê, cho biết thêm một số thông tin về việc có ý kiến cho rằng phim Đường kiến đã “đạo” gần như nguyên xi ý tưởng của truyện ngắn Đường kiến của nhà văn Kinh Dương Vương được viết và in trên tạp chí Văn từ năm 1969. 
          Bài báo cho biết: “Tác giả kịch bản phim Đỗ Văn Hoàng có nói với Nghĩa (Thiều Hà Quang Nghĩa, đạo diễn phim Đường kiến - TĐT) là đã tham khảo một phần ý tưởng từ truyện ngắn Đường kiến của nhà văn Kinh Dương Vương, nhưng cả hai đều không liên lạc được với nhà văn này vì ông không sống ở Việt Nam (ông hiện định cư tại Mỹ). Khi thực hiện, phần mở đầu giới thiệu phim Nghĩa đã đề một lời tựa là “Phim ngắn Đường kiến dựa theo ý tưởng truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kinh Dương Vương”. Phim được chiếu trong các buổi thảo luận hay chiếu ở liên hoan phim đều có lời tựa đó”.
          Nếu thông tin trong bài báo của Cát Khuê là chính xác, thì có nghĩa ông Nguyễn Tôn Hiệt - tác giả bài viết Phim “Đường kiến” đoạt giải Cánh Diều Bạc là món hàng ăn cắp, đăng trên Tiền vệ - đã sai. Có thể do ông Nguyễn Tôn Hiệt chưa được xem phim, mới chỉ biết những thông tin về bộ phim qua báo chí nên kết luận của ông là vội vàng, oan cho tác giả phim.
          Tuy vậy, chúng tôi thấy vẫn cần phải nói thêm mấy điều:
          1 – Lý do tác giả kịch bản và đạo diễn không liên lạc được với nhà văn Kinh Dương Vương vì nhà văn định cư tại Mỹ là không thật thuyết phục. Theo chúng tôi được biết, nhà văn Kinh Dương Vương (họa sĩ Rừng) vẫn có những chuyến về nước khá thường xuyên, và hẳn nhiên ông có không ít bạn bè, người thân sống trong nước. Việc tìm ra manh mối để liên lạc với ông không phải là quá khó, nếu thực sự muốn.
          2 – Khi phim Đường kiến được chiếu, và nhất là sau khi đoạt giải Cánh Diều, chắc chắn không ít cơ hội cho tác giả bộ phim nói lời cảm ơn nhà văn (khi báo chí phỏng vấn, khi nhận giải…). Nhưng trong thực tế hình như không ai biết có chuyện đó.
          Có lẽ chính vì những điểm còn thưa thật sòng phẳng, minh bạch trên mà bản thân nhà văn Kinh Dương Vương khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ đã nói: khi thấy truyện ngắn của ông viết cách đây 42 năm được chuyển thể thành phim và được giải thưởng, ông cũng vui, “nhưng niềm vui không được trọn vẹn. Giá như đạo diễn Quang Nghĩa hỏi qua tôi một tiếng thì niềm vui sẽ trọn vẹn hơn” (theo Cát Khuê, bài đã dẫn).
          Và chúng tôi, công chúng yêu nghệ thuật, cũng không khỏi cảm thấy có chút gì đó còn gờn gợn.

                                                                   25-3-2011
                                                                       T.Đ.T

                                                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét