Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Họp báo về

NGÀY THƠ VIỆT NAM lần thứ IX


Sáng nay, 11-2-2011, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX với chủ đề "Đất nước - Mùa xuân". Ngày thơ hứa hẹn sẽ mang đến cho người yêu thơ cả nước những điều mới mẻ với một không gian văn hóa Ngày thơ đặc sắc, đậm không khí lễ hội.Với chủ đề "Đất nước - Mùa xuân", Ngày thơ VN lần thứ IX sẽ kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 70 năm Người trở về trực tiếp lãnh đạo Cách mạng VN. Vì thế, thay vì rước lửa từ Đền Hùng về Văn Miếu Quốc Tử Giám như năm ngoái, năm nay Hội sẽ tổ chức lễ rước Đất và Nước. "Nước" lấy từ suối Lê-nin do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội và đoàn nhà văn lên Cao Bằng rước về. "Đất" lấy từ vườn Kim Liên quê Bác do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội, rước về.
Buổi khai mạc Ngày thơ sẽ được bắt đầu với việc diễn ngâm bài thơ "Người đi tìm hình của Nước" của nhà thơ Chế Lan Viên. Giọng ngâm vừa dứt thì "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" ngân lên để mọi người tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, một nhà thơ, một danh nhân văn hóa của Việt Nam và nhân loại.
Thiên Quang Tỉnh của Văn Miếu năm nay hứa hẹn sẽ là trung tâm của Ngày thơ, nơi công chúng thỏa sức nghe nhìn với những bài thơ của Bác được xuất bản trên thế giới, hình ảnh Bác tiếp xúc các nhà thơ, nhà văn hóa của nhân loại và thơ ca ngợi Bác bằng nhiều ngôn ngữ của bạn bè năm châu. Chính vì thế, Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX không chỉ để công chúng yêu thơ được thưởng thức thơ, mà còn để thế hệ sau thêm hiểu, trân trọng và tôn vinh những giá trị thơ ca đi cùng đất nước, cùng năm tháng. Hướng theo chủ đề này, bắt đầu từ hôm nay (12 - 2) các địa phương trong cả nước sẽ tổ chức Ngày thơ VN như Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nam...
Ngày thơ VN lần IX sẽ có 4 sân thơ: Truyền thống, Hiện đại, Thiếu nhiCâu lạc bộ. Từng được gọi là sân thơ Trẻ, sân thơ Hiện đại năm nay sẽ có nhiều đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung với chủ đề "Blog Xuân 2011". Đó là một không gian thơ trẻ trung, cởi mở, có sự tương tác và giao lưu của những nhà thơ trẻ đã định hình được chỗ đứng của mình trong lòng công chúng và các tác giả mới xuất hiện nhưng hứa hẹn sẽ đem lại những cảm xúc tươi mới trong lòng bạn đọc. Đặc biệt, với sân thơ Hiện đại, những người tổ chức muốn xóa nhòa khoảng cách thế hệ, tuổi tác, chỉ nhấn mạnh đến giá trị của thơ ca. Hơn nữa, các gương mặt mới tham gia sân thơ năm nay được tuyển chọn từ hơn 60 gương mặt trẻ đã được hội viên Hội Nhà văn đề cử từ khắp mọi miền đất nước. Các nhà thơ đã tham gia đọc thơ từ 2-3 lần tại sân thơ Trẻ mọi năm mà chưa có thành tựu nổi bật trong năm 2010 thì sẽ không được tham gia lần này.
Các nhà thơ góp mặt trong sân thơ Hiện đại là: Vi Thùy Linh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Huyền Thư, Lò Cao Nhum, Lương Đình Khoa, Nhã Thuyên, Đàm Thùy Dương... "Hành trình thơ" tạo nên không gian thơ gần gũi, thân thiện với sự sắp đặt 10 tấm poster tôn vinh các tác giả thơ hiện đại đã có thành tựu trong các năm gần đây nhằm mang đến cho độc giả cái nhìn khái quát về chuyển động của nền thơ ca Việt Nam hiện đại trong năm 2010. "Thi quán" là nơi giao lưu của các nhà thơ trẻ với nhiều thế hệ thơ và độc giả.
Bên cạnh đó là một loạt triển lãm: triển lãm vườn tượng các nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh, triển lãm thơ trên đèn lồng, triển lãm thư pháp, triển lãm thơ Bác ở nước ngoài…
Trong buổi họp báo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tiết lộ thông tin thú vị khiến nhiều người quan tâm: một nữ doanh nhân yêu thơ, là bạn nhà thơ muốn gửi tặng số tiền 53.000USD cho việc tổ chức Ngày thơ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sẽ báo cáo Ban Chấp hành dùng số tiền đó cho việc quảng bá thơ, mà tâm điểm là việc tổ chức Ngày thơ VN lần thứ X để kỷ niệm 10 năm Ngày thơ Việt Nam. Sẽ có một hoạt động hấp dẫn là Liên hoan thơ Châu Á, với sự góp mặt của 50 nhà thơ tiêu biểu trong châu lục, thảo luận về các vấn đề của thi ca châu Á ngày nay, đồng thời tổ chức xuất bản một ấn phẩm chung về thơ.

                                                                    P.V tại Hà Nội

3 nhận xét:

  1. Anh Tiến ơi, người Nga họ biết việc các biệt thự thơ VN đi rước nứơc từ suối Lê nin về hẳn sẽ vui lắm chẳng bù cho bên ấy đang tính chuyện cải táng thi hài Lê Nin, sao không ngâm bài "vui biết mấy khi con tập nói" hả anh?TCV

    Trả lờiXóa
  2. @TCV: Theo mình, cái tin trên (của một bạn PV từ Hà Nội gửi cho) có lẽ cũng phản ánh đúng tinh thần hồ hởi, phấn khởi... của các bác Hội Nhà văn sắp đứng ra tổ chức ngày Thơ đấy. Mình cứ khách quan đưa lên cho mọi người cùng đọc, cùng biết, cùng nghĩ.

    Trả lờiXóa
  3. Dạ vâng, em spam ý kiến của Nguyễn Quang Lập chút anh nhé, có người nói "Bầu ông Hữu Thỉnh là chủ tịch HNV trọn đời" quả là danh bất hư truyền.
    "Nói thiệt lâu ni tui cũng không mấy để ý đến Ngày thơ Việt. Do hoàn cảnh riêng đi lại khó khăn, từ ngày có Ngày thơ Việt đến giờ tui chưa tham dự một lần nào. Đọc báo thì thấy chưa có một sinh hoạt nào của Hội nhà văn xôm trò như Ngày thơ Việt. Lúc đầu cũng thấy hơi sên sến nhưng sau đó thấy anh em nhà văn hưởng ứng rất nhiệt liệt, công chúng ngày càng quan tâm, báo chí viết bài đưa tin tơi tới thì thấy cũng hay hay, vui vui.

    Tối qua tui ngồi nhậu với mấy ông bạn văn thân thiết, nghe họ nói Ngày thơ Việt năm ni xôm trò lắm, Hội nhà văn cho người đi lấy nước ở suối Pắc Bó, lấy đất ở làng Kim Liên về Ngày thơ. Tui hỏi lấy về để mần chi, ai cũng nhăn răng cười, nói chả biết. Tui thấy hơi kì kì, lấy về mần chi hè? Hay cụ Hồ là cụ tổ của thơ Việt? Hay uống nước suối Pắc Bó, ngửi đất làng Kim Liên thì thơ Việt sẽ hay lên, sang lên? Tui gọi điện hỏi một ông BCH, ông này cười khì khì, nói vì chủ đề Ngày thơ năm ni là Đất nước. Tui nói ok, nếu chủ đề Đất nước thì phải lấy đất nơi Đền Vua Hùng núi Nghĩa Lĩnh, lấy nước ở Sông Hồng, Sông Cửu Long chứ? Ông này cười khì khì, nói bọ ơi, bọ hỏi bác Hữu Thỉnh chứ tôi cũng không biết.

    Bác Hửu Thỉnh thì vô Xứ Nghệ khai mạc Ngày thơ Việt rồi, có mô đây mà hỏi. Tui đành gửi thắc mắc ni lên trời vậy.

    Lâu nay Ngày thơ Việt ở Huế anh em đều đi viếng mộ các nhà thơ trước khi mở hội mở hè. Một việc làm quá hay. Bác Ngô Minh nói đúng: “Việc đáng làm nhất trong Ngày thơ Việt Nam: Nên dành thời gian viếng mộ các thi nhân như là một sự tri ân người đi trước. Và phải duy trì Ngày viếng mộ thi nhân thành một tập tục văn hoá Việt.” Rứa đo rứa đo. Việc đáng làm thì không làm lại đi làm mấy việc đâu đâu, vừa lộ vừa lố, khiến thiên hạ bịt miệng cười ruồi, chán chết được.

    Ngày thơ trên quê Bác nghe nói xôm trò lắm. Nỏ biết mộ cụ Nguyễn Du ở Tiên Điền cách đó không xa có ai đến thắp hương không? Chắc không, hu hu".

    (Blog Que choa)

    Trả lờiXóa