Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

LẠI CHUYỆN BÚT DANH

TRẦN ĐỨC TIẾN


          Một buổi sáng mà có đến 4 - 5 cuộc gọi với cùng nội dung: sao thế, hồi này đốc chứng ra hay sao mà đi làm thơ? Mình hết sức ngạc nhiên. Quả thật đã từ lâu lẩu lầu lâu, mình có dám động bút viết liều câu thơ nào? Lâu đến nỗi, có lần một ông bạn học cùng hồi lớp 10 đọc cho nghe một bài thơ rồi đố biết của ai, mình đã ngớ ra. Chịu chết. Mà sao lạ cái ông bạn này, thơ dở ẹc cũng nhớ, lại còn đọc vanh vách nữa. Ông ấy nhìn cái mặt thộn của mình, cười: của cậu chứ của ai! Mình giãy nảy. Nhưng muộn rồi. Hoá ra là của mình thật. Cho dù là của mình cách đây bốn chục năm. Ngượng chín người từ đầu xuống chân.
          Quay lại cái buổi sáng ẩm ương với 4 - 5 cuộc điện thoại nọ. Cho đến lúc mở email, thấy một bức thư dài 3 trang A4, của một bà lạ hoắc mãi tận Hà Tây (bây giờ là Hà Nội) gửi cho mình, bình tán, khen nức nở mấy bài thơ của mình trên mạng Trần Nhương, thì mình phát hoảng. Mình vội vàng mở trannhuong.com. Có chùm thơ mới post thật, của một người ký tên Đức Tiến. Chết nỗi trong chùm thơ ấy, lại có đến mấy bài viết về Vũng Tàu! Thảo nào mà nhiều người nhầm tưởng là của mình, kẻ đang sống ở Vũng Tàu, vẫn ký bút danh là Trần Đức Tiến. Mình lập tức gọi cho ông Trần Nhương, chủ trang web, mới biết cái ông làm thơ ký tên Đức Tiến kia ở Quảng Trị. Ông Nhương bảo, để ông ấy mở ngoặc, thêm vào sau tên tác giả hai chữ “Quảng Trị”, cho mọi người không nhầm với Tiến Vũng Tàu. Nhưng ngày hôm sau, mở lại chùm thơ ra xem, chỉ thấy ông Nhương mở ngoặc, thêm 2 chữ viết tắt “QT”. “QT” thì bố thằng Tây cũng chịu chết không luận ra được.
          Bút danh - thương hiệu của người viết - thường gắn liền với cả cuộc đời viết lách của người ấy. Không mấy ai, khi đã có một bút danh nhiều người biết, lại bỏ đi dùng bút danh khác. Nhiều người tên thật một đằng, bút danh một nẻo, nhưng thiên hạ chỉ nhớ, chỉ yêu cái bút danh của anh, chứ tên thật thì người ta quên. Với người viết, cái bút danh rất quan trọng, còn thiêng liêng nữa. Chả thế mà với những người không muốn dùng tên thật làm bút danh, họ phải đau đầu lắm, lao tâm khổ tứ lắm mới nghĩ ra được bút danh cho mình. Và vì nó là “thương hiệu”, nên nó có “bản quyền”. Người hiểu biết, tự trọng thì không bao giờ lặp lại, hay nhái bút danh người khác. Nếu vô tình giống nhau, hoặc dễ lẫn vào nhau, thì cũng nên chủ động thay bút danh khác, để khỏi mang tiếng vi phạm “bản quyền”.
          Chuyện bút danh trùng nhau, nhái nhau đã nhiều người nói rồi, nhưng xem ra trong thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp “xập xí xập ngầu”, chả hiểu vì sao. Chẳng hạn, đã có cụ Tô Hoài lừng lững trên văn đàn hơn cả nửa thế kỷ nay, lại bỗng dưng xuất hiện ông (bà) Tố Hoài (tác giả của mấy cuốn sách dày đáo để), chỉ khác nhau cái dấu sắc trên đầu chữ “ô”. Ở Biên Hoà có nhà thơ Trần Ngọc Tuấn được bạn yêu thơ biết đến từ nhiều năm qua, nay lại có bác Trần Ngọc Tuấn ở Cộng hoà Czech cũng viết… đủ thứ. Để phân biệt 2 Tuấn, mọi người phải bảo “Tuấn Biên Hoà” với “Tuấn Séc”, thật rắc rối. Bà Rịa-Vũng Tàu có bạn trẻ viết văn Văn Thành Lê (từng được giải thưởng truyện ngắn báo Phụ nữ T.P. HCM), hoá ra ở Quảng Nam từ hồi nào cũng đã có Văn Thành Lê viết truyện viết ký. Rồi Nguyễn Thuý Quỳnh làm thơ ở Thái Nguyên với Nguyễn Thị Thuý Quỳnh làm thơ ở Sài Gòn. Đã có nhà thơ Thái Thăng Long, lại có thêm Nguyễn Thái Thăng Long viết báo. Nhà văn lão thành Đoàn Minh Tuấn chắc có lúc cũng giật mình vì có đến mấy ông Đoàn Minh Tuấn khác: ông làm thơ (được giải nhất thi thơ Văn nghệ quân đội hẳn hoi, nhưng bây giờ chắc đổi bút danh khác rồi), ông làm biên kịch, ông chụp ảnh - toàn những ông ít nhiều cũng có “tên tuổi” cả.
          Mình chỉ tạm kể ra mấy trường hợp như thế, chắc là chưa hết.
          Khi phàn nàn chuyện này với một người bạn trong nghề, bạn bảo: đến cái bút danh của mình mà cũng cẩu thả, lười nghĩ, nhập nhèm với người nọ người kia, thì còn viết lách cái nỗi gì.
          Còn mình, mình lại nhớ đến chuyện kiện cáo lùm xùm mới rồi trên báo chí: công ty “Vincom” kiện công ty “Vincon” (khác nhau chữ m n ở cuối) về chuyện nhái thương hiệu. Vâng, trong làng văn làng báo, cũng còn nhiều ông “Vincon” lắm. Nhưng nói ra, thể nào cũng có ông cãi: tôi dùng tên thật làm bút danh, bố mẹ tôi đẻ tôi ra đã đặt tên cho như thế, việc gì tôi phải đổi?
          Đến nước ấy chắc chịu thua các bố!

                                                                                          22-2-2011
                                                                                            T.Đ.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét