Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Người đầu tiên đề xuất NGÀY THƠ VIỆT NAM

TRẦN NHUẬN MINH


       Đến bây giờ thì Ngày thơ Việt Nam đã thành một lễ hội văn hoá mới, rất quen thuộc, không chỉ với các nhà thơ và những người yêu thơ Việt Nam. Nhưng người đầu tiên đề xuất là ai? Tôi xin thưa: nhà thơ, đại tá Vương Trọng, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (Hà Nội). Ông đề xuất ở đâu và vào thời gian nào? Xin thưa: tại hội trường Khách sạn Công đoàn Bãi Cháy trong Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ VII, ngày 29 tháng 3 năm 1994.
      Năm 1994, kỉ niệm 50 năm thành lập Quân đội nhân dân VN (1944 – 1994) và năm có ngày kỉ niệm lớn của cả nước, bắt đầu ở Quảng Ninh: 30 năm chiến thắng trận đầu 5 / 8 (1964 – 1994). Ngày 5 / 8 / 1964, giặc Mĩ bắt đầu dùng không quân đánh phá miền Bắc. Tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, chiếc máy bay đầu tiên của giặc Mĩ đã bị bắn rơi, và tên giặc lái đầu tiên A. An-vơ-rét đã bị bắt sống.
       Tôi là Trưởng ban thơ của Hội Văn nghệ Quảng Ninh, từ khi Hội thành lập năm 1969, là người đề xuất tổ chức Ngày thơ Quảng Ninh hằng năm vào ngày 29 / 3, bắt đầu từ  năm 1988, nhân 520 năm, ngày vua Lê Thánh Tông đề thơ trên núi Truyền Đăng (1468), và vì sự kiện thi ca này mà nhân dân đã đổi tên núi Truyền Đăng thành núi Bài Thơ.
       Từ cuối năm 1993, tôi đã đề xuất với anh Hoàng Thuận, chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Ninh lúc đó, được anh Hoàng Thuận đồng tình, tôi soạn tờ trình rồi theo anh Hoàng Thuận vào báo cáo với lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo tỉnh đồng ý cho tổ chức với quy mô lớn, phối hợp với Quân khu 3, Bộ Tư lệnh Hải quân, Hội Văn nghệ Hải Phòng, Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Văn nghệ.  Địa điểm chính tổ chức tại Bãi Cháy, nơi diễn ra chiến thắng 5 / 8. Tại Bãi Cháy có Hội thảo 50 năm (1944 – 1994) thơ chiến tranh cách mạng Việt Nam và hình ảnh Anh bộ đội cụ Hồ vào sáng 29 / 3. Tối 29 tháng 3, tại Nhà văn hoá Việt Nhật, TP Hạ Long, diễn ra đêm thơ 50 năm Anh bộ đội cụ Hồ, mà nội dung là Thi ngâm thơ và Thi hát thơ phổ nhạc Quảng Ninh - Hải Phòng. Sáng hôm sau, thăm Vịnh Hạ Long và nơi tên phi công đầu tiên bị người dân chài bắt (thực ra là bộ đội bắt rồi giao cho người dân chài) áp tải về Bãi Cháy. Chiều và đêm đó, các nhóm nhà thơ ở lại mới đến với các chương trình thơ tổ chức trong mỏ than, huyện thị xa, và đơn vị quân đội.
      Chủ trì cuộc Hội thảo tại Bãi Cháy có nhà thơ Hữu Thỉnh, đại diện Hội Nhà văn và Báo Văn nghệ; nhà văn Nguyễn Trí Huân, đại diện Tạp chí Văn nghệ Quân đội; nhà phê bình Phong Lê, đại diện Viện Văn học và Tạp chí Văn học, anh Hoàng Thuận và tôi. Anh Hoàng Thuận có mời đại diện Hải quân và Hải Phòng , nhưng các anh bảo không cần, 2 chủ nhà và 3 quan khách là đủ.
    Trong Hội thảo này, có 2 tham luận gây được ấn tượng hơn cả. Một là tham luận của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Viện Văn học,  về thơ của các tác giả, phần lớn đã cầm súng trong quân đội Sài Gòn. Nhà văn Lê Minh có gọi tôi ra, nói nhỏ rằng, em nên có ý kiến nói lại vài điều, kẻo các đồng chí lãnh đạo tỉnh và quân đội có mặt ở đây băn khoăn… Tôi nói: em đã báo cảo Thường trực tỉnh uỷ rồi. Có 1 cái cửa sổ nhỏ mở ra về người lính phía bên kia cho đa dạng, chị ạ. Chị yên tâm, em nghĩ là các anh ấy không băn khoăn gì đâu. Tất nhiên em sẽ nói thêm vài câu trước khi anh Hữu Thỉnh kết luận hội thảo. Hai là tham luận của nhà thơ Vương Trọng: Kì vọng một Ngày thơ Việt Nam, có đoạn nguyên văn như sau: “Một tỉnh Quảng Ninh khá nhỏ bé, tiềm năng kinh tế khá hạn hẹp, thế mà từ năm 1988 đến nay, năm nào cũng tổ chức được một ngày hội thơ, năm chẵn có thể mời hàng chục đoàn đại biểu của Trung ương và một số tỉnh trong cả nước, năm lẻ ít ra cũng mời được ba bốn tỉnh lân cận. Hình thức tổ chức hết sức đa dạng và hiệu quả, năm thì tập trung ở TP Hạ Long, năm thì tụ về các huyện như Đông Triều, Vân Đồn, Móng Cái…Ở đâu cũng được quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh, ở đâu thi ca cũng được tôn vinh, nhà thơ được mọi người yêu mến. Cứ mỗi lần đi dự Ngày thơ Quảng Ninh về, tôi lại tự hỏi rằng: Tại sao không có Ngày thơ Việt Nam. Nghĩa là trong 365 ngày của một năm, sao không dành một ngày cho thơ… Hội nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày thơ Việt Nam (năm thì ở thủ đô, năm thì tổ chức ở các tỉnh thành phố khác), giải thưởng thơ hằng năm của Hội cũng trao vào ngày này…”  Cuối cùng, nhà thơ Vương Trọng đề xuất luôn: “Các bạn phân vân không biết Ngày thơ Việt Nam tổ chức vào ngày nào? Tôi nghĩ rằng : có thể chọn luôn ngày Lê Thánh Tông đề thơ trên núi Truyền Đăng 29 tháng 3, hoặc xa hơn nữa, trước 4 thế kỉ, tìm lại ngày Lí Thường Kiệt  viết bài thơ Nam quốc sơn … bên bờ sông Như Nguyệt,  làm Ngày thơ Việt Nam” .
       Sáu năm sau, sau Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ XIII (29 / 3 / 2000), bản tham luận này của nhà thơ Vương Trọng mới đăng toàn văn trên trang 10,  báo Nhân dân cuối tuần, số 17 (586) ngày 23 / 4 / 2000.
       Và ngày ấy đã đến. Ngày 11 tháng 01 năm 2003, tại Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật  tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII, tổ chức tại nhà Văn hóa Việt Nhật, có  Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các Thường vụ Tỉnh ủy, nhiều đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tổng Thư kí (nay là Chủ tịch) 5 Hội chuyên ngành Trung ương (Nhà văn, Mỹ thuật, Sân khấu, Nhạc sĩ, Nhiếp ảnh), Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, cùng 4 tỉnh bạn, lân cận: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, cùng toàn thể Hội viên của Hội, tổng cộng khoảng 650 người dự, nhà thơ Hữu Thỉnh, lúc đó là Tổng Thư kí Hội Nhà văn Việt Nam, nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người kí Quyết định của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam về Ngày thơ Việt Nam, đã nói :  Thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, tôi xin trân trọng thông báo với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các bạn văn nghệ sĩ dự Đại hội toàn thể của Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh rằng, từ thực tế tổ chức và những bài học kinh nghiệm của Ngày thơ Quảng Ninh, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, trong phiên họp ngày 26 tháng 12 vừa qua, đã quyết định lấy ngày Nguyên tiêu, Rằm tháng Giêng hằng năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết bài thơ Nguyên tiêu năm 1948 làm Ngày thơ Việt Nam . Dứt lời, tiếng vỗ tay của Đại hội vang dội rất lâu.  
         Ý kiến này của nhà thơ Hữu Thỉnh, đã được đăng tải  trên báo Quảng Ninh, báo Hạ Long và ít năm sau, đăng báo Tiền Phong chủ nhật.

                                                                                    T.N.M

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét