Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

CÁI CHAI

BÙI TỰ LỰC


        Tôi có vương một chút máu thi sỹ ngẫu hứng, lại gặp được người bố vợ có thú vui tao nhã: thích uống rượu và làm thơ. Chắc đó là sự giao thoa lý thú của cuộc sống. Hình như thời trai trẻ, bố vợ tôi đờn ca, thi phú dữ lắm và cũng đã xuất bản tập thơ “Tiếng lòng” với bút hiệu Hương Sơn.
        Tôi ở cách nhà bố vợ không xa, tản bộ thong dong cũng chỉ hút tàn điếu thuốc, nên được ưu ái hơn các chàng rể khác - thỉnh thoảng được hầu rượu và đàm đạo thơ phú cùng bố vợ. Chén trên mời bố, chén dưới phần con; câu thơ hay bố tung con hứng, nghiêng chén rót cười. Đích thị là một niềm vui hiếm có!
        Bẵng đi một dạo, vì bận công việc đi sớm về khuya, nên tôi chưa có dịp ghé thăm bố, trong lòng cảm thấy áy náy.
        Chiều hôm ấy tôi lại đi làm về muộn, cậu con út chạy ra mặt mày tươi rói, nói bi bô ngọng líu ngọng lô:
        - Ba ơi! Ông ngại (ngoại) gửi cho ba chai rựi (rượu), bảo ba uống vô cho phẻ (khoẻ) chân tay.
        Nhìn chai rượu bằng sứ hình quả bầu để trên bàn, tôi hiểu ý bố vợ nhắc nhở và trách khéo rằng: đã lâu không thấy rể quý ghé chơi hầu rượu.
        Bữa cơm tối muộn mằn. Tôi ngồi nhắm rượu một mình. Thấy thế, bà xã tôi trách nhẹ:
        - Ba mình tuổi cao rồi nên hay quên, khuyên anh là to tim, lưng mật, yếu gan, không nên nhậu nhiều, vậy mà lại bì rượu gởi xuống.
        Thấy nét mặt bà xã không vui, nhưng tôi làm lơ. Đa số các bà vợ luôn luôn dị ứng khi chồng uống rượu. Nếu rượu đi mua về thì tôi đuối lý. Nhưng đây là chai rượu thuốc của bố vợ gửi tặng con rể - thuộc loại “ông uống bà khen” - nên cô ấy không dám nặng lời. Nếu mẹ nó mà trách tôi thì chẳng khác nào trách... Con gái vốn hiếu thảo với cha. Tôi tranh thủ uy tín của bố vợ, ngồi “cưa” hết chai rượu, sau đó đánh thẳng một giấc cho đến sáng hôm sau. Tỉnh dậy, tôi cảm thấy người khỏe ra, lại nhận được “lời khen” của bà xã: “Rõ là rượu ngon, ngủ say, ngáy như sấm !”.
        Chiều hôm ấy tôi tranh thủ về nhà sớm. Thằng cu út lại chạy ra thỏ thẻ:
        - Ông ngại nhắn xuống biểu ba đem trả cái chai, để hôm sau ông ngại gửi rựi nữa.
        Tôi loanh quanh tìm cái chai nhưng tìm hoài không thấy. Thằng cu con “mật báo” rằng, mẹ nó đã quăng cái chai ra đường, mấy người buôn chai bao nhặt mất rồi.
        Thế là bà xã đã gây rối ren cho mối quan hệ hữu hảo của tôi: lên thăm đáp lễ bố vợ mà không đem trả cái chai thì khó bề ăn nói. Vấn đề quan trọng không phải nước rượu mà là vỏ chai. Cái chai kiểng ấy có dáng một cái chai cổ, hình cái hồ lô, tôi thấy bố thường dùng để rót rượu cúng. Chắc là bí lắm, tin lắm cụ mới đem rót rượu gửi cho tôi!
        Dù có lăn đùng ra ăn vạ với bà xã thì cũng đã mất chai rồi. Tôi quyết định, dù không có cái chai cũng phải lên thăm bố, trước sau gì rồi cũng tìm cách xin lỗi và chịu lời trách mắng. Thôi thì cứ đến sớm, chủ động nói trước, biết chừng đâu lại được bố vợ tốt bụng khoan dung.
        Vừa thấy tôi vào đến ngõ, bố vợ hắng giọng nói mát:
        - Chào anh rể quý quá bộ ghé thăm! Gửi rượu xuống uống rồi, cũng phải lưu tâm trả cho tôi cái chai chớ.
        Nghe cụ nhắc đến cái chai, tôi đánh trống lảng:
        - Con đang tìm cho ba tập thơ của Lý Bạch. Mấy nhà thơ trẻ dạo này quay lại học làm thơ Đường ba ạ! Con mới làm xong bài thất ngôn tứ tuyệt, định nhờ ba góp ý. Nếu được thì con gửi đăng trên báo tết.
         Nhận thấy bố vợ chịu nghe, tôi lên giọng đọc diễn cảm:
        Tình thâm bố gửi chai rượu đầy
        Rượu tình, rượu nghĩa lai rai say
        Nhờ bố nhắn nhe khuyên con gái
        Thương chồng, quý bố, chớ... đập chai!
        - Ha...ha... hay... hay ! Ba biết ngay mà! Con vợ mầy nó đập mất rồi chứ gì. Thôi! Mất của được thơ. Ba thưởng!
         Hương hoa thiết mộc lan tràn vào cửa sổ, tôi lại được hầu chuyện bố vợ. Hai bố con lại có một bữa say rượu, say thơ.

                                                                                     B.T.L

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn anh đăng "Cái chai" của em!. Đây là chuyện thật một trăm phần trăm, chứ hoàn toàn không bịa đặt.

    Trả lờiXóa