Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Trần Đức Tiến và cuộc chạy tiếp sức

trên "con đường" đồng thoại

LÊ NHẬT KÝ


        Trần Đức Tiến thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành sau năm 1975, và hiện là một tác giả viết cho thiếu nhi có nhiều thành tựu.
        Truyện thiếu nhi của Trần Đức Tiến chủ yếu được viết theo hai thể: sinh hoạt và đồng thoại. Nói riêng về thể đồng thoại, nhà văn có một lưng vốn kha khá với gần 100 truyện ngắn, trong đó có nhiều truyện được dư luận đánh giá cao như: Đi tìm xứ “Biếu Không”, Cổ tích Chuột, Nhạc sĩ Dế Lửa, Thi sĩ Còng Gió, Chuyện xóm vườn…, và nhất là truyện dài Làm mèo - giải thưởng Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của nhà xuất bản Kim Đồng (2001-2002).
        Hoạt động sáng tác truyện đồng thoại của Trần Đức Tiến đang tiếp diễn và hứa hẹn sẽ còn có nhiều tác phẩm hay. Nhưng từ những gì đã có, chúng ta ghi nhận đóng góp của cây bút này là ở việc tiếp nối tạo ra sự nối tiếp thú vị, giúp cho thể loại tiếp tục phát triển và tạo không khí hào hứng trong sáng tác văn chương cho trẻ em.
        Ở khía cạnh tiếp nối, Trần Đức Tiến bằng những sáng tác của mình góp thêm tiếng nói khẳng định vai trò, ý nghĩa của thể truyện đồng thoại trong đời sống tinh thần của trẻ em. Qua tác phẩm của mình, ông trò chuyện với các em khá nhiều điều về thế giới tự nhiên, về cuộc sống phong phú mà không kém phần phức tạp của con người. Truyện của Trần Đức Tiến đa phần ngắn gọn, mỗi truyện chỉ dăm bảy trăm chữ, nhưng “truyện nào cũng có một vài nét ngộ nghĩnh, lí thú, có duyên”[1]. Với Có một chàng Rùa đá, tác giả dẫn các em đi về phía huyền thoại: tảng đá muốn biến thành con rùa nhưng vì chủ quan, không chịu học kĩ câu thần chú nên đã... hóa thành con rùa đá, để rồi suốt đời phải ân hận và sống trong mong đợi về một phép màu sẽ hiện ra và hóa kiếp cho mình. Truyện Cổ tích Chuột có cái tình huống gặp gỡ giữa Chuột Đồng và Chuột Nhà từa tựa nhiều tác phẩm ngụ ngôn trong và ngoài nước, nhưng đã được tác giả xử lí theo cách xây dựng thành một câu chuyện vui. Hai nhân vật Chuột Đồng và Chuột Nhà, sau vài tuần rượu, cao hứng khoe khoang về tổ tiên của mình: “Cụ ba đời nhà em làm đến Thượng thư...”(Chuột Nhà), “Các cụ bên tôi cứ mỗi tuần phải súc miệng ít nhất hai bữa thịt mèo”(Chuột Đồng)... Chẳng bên nào chịu bên nào, cuộc giao hảo biến thành trận giao chiến kịch liệt, con sứt tai, kẻ mẻ đầu. Tạo ra hào quang quá khứ để huyễn hoặc mình và huyễn hoặc người, rút cục, chỉ dẫn mình đến chỗ thảm hại. Triết lí này làm cho câu chuyện có chiều sâu tư tưởng, còn diễn biến tình huống đem lại cảm giác thích thú cho người đọc.
        Sáng tác văn học cho thiếu nhi quả là ít hấp dẫn so với sáng tác cho người lớn, xét về nhiều phương diện. Thực tế cho thấy, có những nhà văn cả đời viết cho thiếu nhi nhưng chẳng mấy ai biết đến tên tuổi. Văn hào Nga L. Tonstoi từng nói: “Viết cho thiếu nhi quả là một công việc khó nhọc”. Điều khó nhọc mà tác giả Chiến tranh và hòa bình nói ở đây là sự thấu hiểu tâm lí đối tượng và những yêu cầu giáo dục của nền văn hóa. Người viết cho trẻ em, trước hết, phải học làm trẻ em, phải nuôi dưỡng một đứa trẻ trong mình để có được sự hồn nhiên cần thiết khi đến với các em. Đó là một công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và tâm sức. Mặt khác, nghệ thuật viết cho trẻ em là nghệ thuật của sự hòa giải giữa cảm quan người lớn và tâm hồn trẻ thơ. Người ta phải đến một độ tuổi nào đó mới có thể thành công trong công việc sáng tác này. Không phải ngẫu nhiên mà L. Tonstoi cuối đời mới viết cho trẻ. Và cũng không phải ngẫu nhiên khi người ta nói: “Người già dạy dỗ trẻ thơ thông qua chuyện kể”[2]. Đó là chưa nói, để cho ra đời một tác phẩm văn học có giá trị, nhà văn phải bỏ nhiều thời gian và công sức, nhưng rồi phải đợi một vài năm sau mới có thể xuất bản được. Nhuận bút cho tác phẩm văn học thiếu nhi thấp khiến nhà văn không thể “sống” được bằng nghề của mình. Trong khi đó, viết cho người lớn, chỉ cần đi vào một đề tài nóng hổi nào đó là nhà văn nhanh chóng được dư luận chú ý, sách bán chạy và nhuận bút dĩ nhiên được trả cao hơn. Đặt hoạt động sáng tác của các nhà văn viết cho thiếu nhi, trong đó có Trần Đức Tiến vào hoàn cảnh nói trên, chúng ta càng có cơ sở để trân trọng công việc mà họ đã và đang làm. Với riêng Trần Đức Tiến, ông hoàn toàn có lí do để tập trung viết cho người lớn, bởi ông là một cây bút có tài, đã khẳng định mình qua nhiều giải thưởng văn chương. Cho nên, hướng đến độc giả thiếu nhi, không phân biệt và cảm thấy say mê, đó thực là điều đáng quý, là điều kiện để ông trở thành người viết chuyên tâm cho các em, như Phạm Hổ, Võ Quảng... ở thời kì trước đó.
        Không chỉ là người tiếp nối, Trần Đức Tiến còn tạo ra một sự nối tiếp thú vị trong văn chương đồng thoại đầu thế kỉ XXI. Năm 2002, tác phẩm Làm mèo của ông đoạt giải thưởng Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của nhà xuất bản Kim Đồng. Truyện này được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đánh giá là thiên đồng thoại hiếm hoi, xinh xắn và xiết bao cảm động về một chú mèo con đi tìm mẹ. Nhân vật chính của tác phẩm là một chú mèo con có cái tên khá ngộ nghĩnh: Cháu Ông. Ngay từ đầu thiên truyện, người đọc đã biết được Cháu Ông là một đứa trẻ không may mắn. Chú chào đời trong một đêm đầy mưa gió, “mưa vẫn quất từng đợt lên mái ngói. Chớp vẫn nhì nhằng hù dọa”. Không biết đó là sự ngẫu nhiên hay là điềm báo cho cuộc đời sóng gió sau này của Cháu Ông. Nhưng ở cái thời điểm chào đời như vậy, Cháu Ông quả có chỗ để cho lòng trắc ẩn lên tiếng. Buồn hơn, người mẹ của Cháu Ông là mắc bệnh tâm thần, lúc mê lúc tỉnh. Cuộc sống, số phận của mấy mẹ con mèo trông chờ tất cả vào bàn tay nhân hậu của ông bà chủ. Thiên truyện Làm mèo, có thể nói, là sự đan cài giữa hai màu sáng tối, hạnh phúc và bất hạnh, tàn nhẫn và nhân hậu..., và tất cả gắn kết, xay quanh cuộc đời của chú mèo Cháu Ông.
        Người đọc bắt gặp trong truyện hình ảnh những kẻ đi bắt chó tàn nhẫn, một hiện tượng phổ biến trong nhiều năm trở lại đây. Người đọc cũng vì thế mà thêm yêu mến ông bà chủ với tấm lòng nhân hậu đã chăm sóc mẹ con chú mèo nhỏ, yêu thương ngay từ trong tiếng gọi, hay trong từng thìa sữa... Cuộc sống vốn đầy những biến động, và những người tốt như ông bà chủ lại phải gánh chịu thiệt thòi. Họ buộc phải bán nhà dời đi chỗ khác vì không thể tiếp tục làm hàng xóm với những kẻ lắm tiền mà thiếu lòng hòa hợp, tôn trọng người khác. Mèo Cháu Ông vô tình bị đặt trước một biến cố khác của cuộc đời: sau khi đến đồi Xương Trắng tìm mẹ trở về, Cháu Ông không gặp được ông bà chủ, buộc phải tiếp tục một cuộc kiếm tìm khác - kiếm tìm ông bà chủ, chỗ nương náu yên ấm cho cuộc đời vốn nhiều bất hạnh của mình. Trần Đức Tiến kết thúc tác phẩm khi cuộc hành trình của Mèo Cháu Ông hãy còn dang dở. Thật không ngờ, điều đó đã đem lại một tương tác văn chương thú vị. Cụ thể, nhà văn Tô Hải Vân đã viết tiếp câu chuyện của Cháu Ông đi tìm chủ bằng một tác phẩm không kém phần dày dặn: Phép mầu của Mèo con (nxb Kim Đồng, 2006).
        Trong Lời giới thiệu cuốn sách, nhà xuất bản Kim Đồng cho rằng, việc nhà văn Tô Hải Vân viết Phép mầu của Mèo con sau khi đọc Làm mèo của Trần Đức Tiến đã tạo nên “một cuộc chạy tiếp sức tự nhiên, hào hứng, dường như chưa có trong tiền lệ trong văn học nước ta, và cũng chưa hứa hẹn điểm dừng...”(tr.4). Kiểu truyện viết tiếp trong văn học thiếu nhi Việt Nam ít được khai thác. Trước Trần Đức Tiến, chúng ta thấy chỉ có Phạm Hổ với hai tác phẩm Lửa vàng, lửa trắngLửa vàng, lửa trắng, lửa nâu dựa theo truyện dân gian Trí khôn của ta đây. Đó là những tác phẩm thành công của Phạm Hổ, cho thấy kiểu truyện viết tiếp có thể đem lại hứng thú sáng tạo cho nhà văn và sự thích thú của độc giả. Nếu Phạm Hổ khai thác đề tài từ dân gian thì trong trường hợp này, Tô Hải Vân lại lấy cảm hứng từ chính sáng tác đương đại, sáng tác của đồng nghiệp. Đó là cái riêng, lần đầu tiên diễn ra trong phạm vi thể loại truyện đồng thoại.
        Truyện Phép màu của Mèo con tiếp tục  đưa các em đi theo bước chân lưu lạc của Mèo Cháu Ông, tiếp tục lâm vào những cảnh ngộ trớ trêu, hiểm nguy, và theo đó, nhiều mảng hiện thực cuộc sống được khám phá, bóc tách. Văn phong Tô Hải Vân khá gần gũi với Trần Đức Tiến, vì thế, đã tạo được sự liên hoàn cần thiết giữa hai tác phẩm, cả về nội dung lẫn hình thức. Hai tác giả, đặc biệt là Trần Đức Tiến, qua câu chuyện về Mèo Cháu Ông đặt ra cho độc giả một vấn đề giàu ý nghĩa triết lí. Đó là vấn đề thái độ, nhân cách, ứng xử của mỗi cá nhân trong cuộc sống của mình và trong các mối quan hệ xã hội phức tạp khác. Ngay từ nhan đề Làm mèo, người đọc đã có thể phải tự mình đặt ra câu hỏi: vì sao mèo lại phải làm mèo? Thì ra, một con mèo khi được sinh ra, nó chưa hẳn đã là một con mèo đúng nghĩa. Làm mèo, nghĩa là, làm những việc đúng với tư cách giống loài, như biết xoay xở giữa bãi rác khổng lồ khi bị chủ nhà hắt hủi, là phải biết làm gì khi bị lũ chuột hành hạ, là tìm đến nơi vắng vẻ để trút hơi thở cuối cùng khi thấy mình không còn có ích cho người... Không lí thuyết chung chung, mỗi một vấn đề như vậy đều được tác giả diễn tả qua những hình tượng rất cụ thể. Từ câu chuyện làm mèo, tác giả dẫn dắt suy nghĩ của các độc giả về phía con người, về chuyện làm người trong cuộc sống. Như vậy, câu chuyện về loài vật đã chạm được vào một vấn đề triết lí cuộc sống, khiến tác phẩm trở nên đa thanh, đa nghĩa, không thể là tác phẩm chỉ đọc một lần...
        Chú Mèo Cháu Ông trong truyện của Tô Hải Vân vẫn chưa tìm được ông bà chủ của mình. Chú vẫn chưa nguôi tắt hi vọng, vẫn kiên trì với cuộc kiếm tìm của mình. Phép màu của Mèo con tiếp tục kiểu kết thúc mở, và như vậy, độc giả lại có quyền hi vọng về những sáng tạo mới. Cuộc chạy tiếp sức trên con đường đồng thoại ở đầu thế kỉ XXI này vẫn chưa có tín hiệu kết thúc, vẫn hi vọng vào những tiếp nối khác...

                                                                                                 L.N.K

Chú thích:
[1]. Văn Hồng: Mười năm ghi nhận, nxb Kim Đồng, Hà Nội, tr.97.
[2]. Dẫn theo Lê Huy Bắc: Truyện ngắn: lí luận, tác gia và tác phẩm (tập 1), nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.47.

3 nhận xét:

  1. Bài của bạn LNK phân tích khá kỹ lưỡng về phần văn học viết cho thiếu nhi của nhà văn TĐT. Tuy nhiên để nói về TĐT thì theo tôi ông Tiến có điểm rất đặc biệt so với nhiều nhà văn khác: Thông thường người viết hay cho trẻ em lại không thành công khi viết cho người lớn. Và ngược lại. Nhưng Ông Tiến lại có cả hai điều này. Hiện nay theo tôi ông Tiến là một trong số hiếm hoi những cây bút xuất sắc ở mạng truyện ngắn viết cho người lớn. Nhưng rất lạ là dữ dội bao nhiêu trong những TN cho người lớn thì ông Tiến lại trong trẻo, hồn nhiên nhưng không kém phần sâu sắc khi viết cho trẻ nhỏ. Hiếm có nhà văn nào hiện nay có được sự phân thân như vậy

    Trả lờiXóa
  2. Tiếc là em chưa có cơ hội đọc truyện cho trẻ con của anh Tiến, huhu.

    Trả lờiXóa
  3. Đồng ý với nhận xét của độc giả "Nặc danh", nhưng xin được bổ sung: trước nhà văn Trần Đức Tiến, các nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng là những cây bút rất thành công ở cả hai lĩnh vực văn học dành cho người lớn và thiếu nhi. Hiện nay, bên cạnh Trần Đức Tiến, chúng tôi nghĩ, Lý Lan là một trường hợp tương tự...

    Trả lờiXóa