Nhà văn có tài sản nhiều chữ lắm nghĩa, có thể viết ra hàng chục đầu sách cao ngất ngưởng mà vẫn không ngừng viết, có người còn tuyên bố, khi nào hết chữ… thì thôi. Vậy nên chuyện đặt một cái tít xem ra khá cỏn con, chả khác nào một vận động viên cấp quốc gia cho về làng đi thi. Ấy thế mà xung quanh nó lại có nhiều cái đáng bàn.
Trên một trang web của một Hội nhà văn địa phương có quá nhiều bài viết mà cách đặt tít gây tâm lý quá hãi hùng. Thường thì giới văn chương khi cầm bút viết báo, viết văn học… thường dùng tên tác phẩm, hoặc những câu thơ hay được nhiều người thuộc và biết đến để làm tít hoặc thay thế tên tác giả như kiểu: Nhà thơ của "Đường tới thành phố" (Hữu Thỉnh), tác giả "Sự mất ngủ của lửa" (Nguyễn Quang Thiều), nhà thơ của "Màu tím hoa sim" hay "Sông Đuống vẫn nghiêng nghiêng mang thơ anh về biển lớn" (Hữu Thỉnh viết về Hoàng Cầm)… nhiều khi đắc địa còn trở thành tinh tế và lối chơi chữ đầy hiểu biết của tác giả bài viết. Thế nhưng, nếu lạm dụng thái quá lối chơi chữ để đặt làm tít có thể sẽ gây khó hiểu và phản cảm như trang web của một Hội Nhà văn quy tụ nhiều nhà văn lớn thì đúng là chỉ có một.
Trong phần "Tác phẩm chọn lọc", các trang web văn học khác khi giới thiệu tác phẩm là truyện ngắn, thơ hay chân dung… thông thường sẽ có nhan đề: Giới thiệu truyện ngắn của nhà văn X, giới thiệu chùm thơ của nhà thơ Y…, sau đó là tên tác phẩm. Kỹ lưỡng hơn thì có thể thêm vài dòng sapo giới thiệu ở phần mở đầu. Nhưng thay vì cách làm truyền thống đó, trang web văn học mà tính đến thời điểm này được coi là sinh sau, đúc rút được nhiều kinh nghiệm về web văn học nhất lại giật tít theo công thức: Tên tác giả đi liền với tên truyện ngắn hoặc vài từ được "nhặt" trong một bài thơ thật đắc địa, dễ liên tưởng, nhiều ẩn ý. Ví dụ như:
Trầm Hương - Dâm nữ (Thực tế là truyện ngắn có tên "Dâm nữ" của tác giả Trầm Hương).
Ngọc Tuyết từng tế bào căng nở (Thực tế là câu thơ: đừng buông tay/ hãy tặng nhau những tinh lực làm mất đi sự trinh trắng cho mặt trời quang hợp từng tế bào li ti căng nở trong bài thơ "Đường viền cuối năm" của Ngọc Tuyết).
Nguyệt Phạm lên men và mắc kẹt (Thực tế đó là tên hai bài thơ của Nguyệt Phạm được ghép vào).
Dung Thị Vân ven đồi đẫm sương (Thực tế là câu thơ: Chiều rơi hạt nắng mồ côi/ Bàn tay ai buốt ven đồi đẫm sương trong bài thơ "Tìm em gọi giấc mơ vàng" của Dung Thị Vân).
Trần Mai Hường sũng ướt hoàng hôn (Thực tế là câu thơ: Lạ chưa - sũng ướt hoàng hôn/ Lặng câm miền thức đau còn đau nguyên trong bài thơ "Đau nguyên" của Trần Mai Hường).
Ngô Thị Hạnh êm đềm và khiêu khích (Thực tế là câu thơ: Bàn tay chạm vào hoa/ Êm đềm và khiêu khích trong bài thơ "Lạnh" của Ngô Thị Hạnh).
Lâm Xuân Thi ước chưa là đàn ông (Thực tế là câu thơ trong: Ước gì chưa là đàn ông/ Và chưa đóng vai anh hùng trong bài thơ "Thầm mong" của Lâm Xuân Thi).
Ngoài cách đặt tít như trên, còn có những cái tít mà độc giả vô cùng hoang mang, không biết nhân vật được nhắc tới là còn sống hay đã chết hoặc hoài nghi đặt câu hỏi, có phải thật thế không? Ví dụ:
Đào Bá Đoàn - người đi bỏ mặc nhân gian (Tác giả Phùng Văn Khai viết về Đào Bá Đoàn).
Duy Bằng lạnh phố rêu phong (Thực tế là câu thơ: Lạc vào phố cổ lạnh màu rêu phong trong bài thơ "Hà Nội tuổi thơ" của Duy Bằng).
Trần Hoàng Vy - đêm ngủ đánh vần (Thực tế là câu thơ: Sao chẳng ngủ yên vào những trang sách thiền viện/ Tôi thấy tôi đêm ngủ đánh vần! trong bài thơ "Lý lịch tự khai" của Trần Hoàng Vy).
Chim Trắng thách thức… thơ lơ láo (Thực tế là câu thơ: Mười năm, hai mươi năm, những vòng quay chóng mặt/ Thách thức những câu thơ lơ láo, bên lề trong bài thơ "Đi vòng tròn" của Chim Trắng).
Bùi Chí Vinh… siêu nhân hay quái vật? (Thực tế là câu thơ: Cậu bé siêu nhân hay quái vật, bệnh nhân? Mọi câu hỏi đổ xô về nước Ý trong bài thơ "Nỗi buồn của một siêu nhân tí hon" của Bùi Chí Vinh).
Và còn nhiều cái tít khác nữa…
Khi đọc những cái tít trên, ai cũng nghĩ đây là bài chân dung văn học, viết về nhà văn chứ không phải giới thiệu tác phẩm với tên tác giả đi kèm tên tác phẩm. Dù với tên gọi chuyên mục "Tác phẩm chọn lọc" nhưng phần nhiều là tác phẩm mà độc giả "mới làm quen" còn chưa thuộc. Tác phẩm, nhân vật, câu thơ chưa thể là đại diện, chưa thể thay thế tên tác giả. Hơn thế, sự nhặt nhạnh của người giật tít hoàn toàn mang cảm tính, chủ quan, chưa có sự "kiểm chứng" tác phẩm của thời gian và công chúng. Nếu cứ đà đặt tít kiểu này thì khó mà phân biệt được tác giả và nhân vật được hư cấu, được đề cập trong tác phẩm "Ai là ai?".
Có thể sau sự tò mò, sau nụ cười… chắc hẳn sẽ có nhiều người giật mình với những tít trên. Nhà văn vốn hay "lắm chuyện" hễ có ai động vào mình, và bằng lý lẽ họ đi đến tận cùng để tìm ra đúng - sai, trắng - đen… dẫu nhiều khi chỉ là tương đối. Thế nhưng điều lạ lùng và khó hiểu là những "khổ chủ" không thấy lên tiếng gì, mà nếu ngẫm kỹ, có không ít cái tít là một trò đùa hơi bị ác ý. Thành ra kiểu đặt tít này trở thành hệ thống, cái này nối tiếp cái kia và chưa biết bao giờ dừng. Một tương lai không xa, trên các trang web văn học rất có thể sẽ có thêm hàng loạt những cái tít giật gân kiểu như "Khuất Quang Thụy vừa vượt qua tường lửa", "Trung Trung Đỉnh xuyên qua lỗ thủng", "Trịnh Thanh Phong trở thành ma làng"…
Có thể cách đặt tít như trên của các tác giả là để câu khách, để độc giả đọc tác phẩm. Hoặc cũng có thể để tăng phần hài hước, thể hiện cách chơi chữ độc đáo. Nhưng lợi bất cập hại. Các "khổ chủ" im lặng, có thể họ đồng tình, cũng có thể họ "dễ tính", nhưng như thế là làm khổ độc giả, làm biến dạng hình ảnh vốn đẹp đẽ của những “kỹ sư tâm hồn". Đó là điều đáng tiếc.
H.N
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét